Mẹo học nói tiếng Anh tốt
( Bình chọn: 3 -- Thảo luận: 10 -- Số lần đọc: 3855)
www.SAGA.vn - Học tiếng Anh đã lâu, vốn từ vựng cũng đã nhiều, nhưng tớ lại không thể nói lưu
loát những điều mình đã biết.
Cho đến khi, tớ học thầy. Một thầy giáo bình thường tại một trung tâm bình thường. Chỉ có điều làm
cho thầy khác tất cả những giáo viên Anh văn khác mà tớ đã học: Thầy thực sự hết mình vì học trò.
Tớ không phải là một người học tiếng Anh giỏi. Nhưng nhờ những gì thầy chỉ, tớ đã có thể nói lưu
loát hơn rất nhiều khi giao tiếp. Không còn những cụm từ "ờ, à..." khi nói nữa. Thay vào đó là những câu nói
trôi chảy đến không ngờ.
Hẳn bạn sẽ nghĩ tớ nói xạo, hoặc, tớ đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian cho việc luyện nói? Không đâu, thời
gian nhiều nhất mà tớ dành cho chính mình chỉ là 20 phút mà thôi. Bạn không tin, hãy thử những quy tắc
sau đây mà thầy đã chỉ tớ áp dụng nhé.
1/ Bạn cần 1 tờ giấy và 1 cây viết.
2/ Viết tất cả những gì bạn nghĩ, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh. Nên viết đầy trang giấy mà bạn có.
3/ Xé chúng đi.
Hẳn bạn đang rất thắc mắc vì sao ta lại làm những điều kì cục như thế này phải không? Tớ sẽ giải thích cho
bạn nhé:
1/ Vì sao học nói mà lại viết?
Thầy tớ đã bảo rằng bọn tớ có nhiều vốn từ nhưng không tìm từ thích hợp khi nói được, ấy là vì chúng tớ
không thực sự nhớ đến những từ vựng ấy. Thế nên, để khắc phục, thầy bảo chúng tớ... viết. Viết, để ghi
vào những từ ấy một cách vô thức. Giống như bạn nói nhiều thì bạn sẽ nhớ vậy.
Điều quan trọng khi viết là bạn không nên dừng lại để chỉnh câu, nhớ từ vựng hay ngữ pháp. Bạn cứ viết tất
cả những gì mình nghĩ. Giống như khi nói, bạn đâu có thời gian để kiểm tra xem mình nói đúng chính tả hay
không. Và tốt hơn, bạn nên vừa nói vừa viết, điều này sẽ giúp bạn quen cả với cách phát âm.
2/ Viết gì?
Tất tần tật những gì bạn thích. Giống như khi bạn nói chuyện với bạn bè hay viết blog mà thôi. Nghĩ đến cái
gì, bạn viết ra cái ấy. Đừng lo về nội dung. Thậm chí bạn có viết rằng bạn sẽ kết hôn với... David Beckham
thì cũng đừng ngại ngùng. Tớ sẽ bật mí với bạn sau vì sao bạn chẳng cần phải e dè. Tốt nhất bạn nên sử
dụng những từ mới học, hoặc mới biết trong ngày. Nhớ là viết xong rồi mới kiểm tra lại nhé.
3/ Tại sao viết xong lại xé đi?
Khi bạn nói, trở ngại lớn nhất là bạn... mắc cỡ. Bạn sợ mình nói sai, hoặc những gì bạn nói ra thật buồn
cười. Khi bạn viết trong tờ giấy, bạn biết rằng sau khi xé chúng đi, sẽ chẳng ai biết bạn viết điều gì trong ấy
cả. Thật thoải mái phải không.
Nếu bạn đang cảm thấy điều này thật mới mẻ và có vẻ hợp lí, thì tại sao, không lấy ra một tờ giấy và cây
viết ngay nhỉ?
Kỹ năng tự học
( Bình chọn: 6 -- Thảo luận: 7 -- Số lần đọc: 2189)
Có hai cách học: một là học với Thầy, hai là tự học
với sách.
Lúc nhỏ, đến trường, thầy giảng sao, ta học vậy. Học với
thầy thì có vẻ hơi “sướng” vì thầy đã chuẩn bị sẵn cho ta
mọi thứ, ta chỉ cần ngồi vào bàn và “ăn”. Nhưng lắm khi
các “món dọn” ra không hợp khẩu vị, “ăn” mãi một món,
chán lắm nhưng vẫn cứ phải “ăn” vì ta không có quyền
chọn lựa nào khác.
Còn tự học với sách, ta phải tự chuẩn bị “thực đơn”, đi
chợ và tự nấu ăn. Nếu ta biết cách lên thực đơn, khéo đi
chợ và nấu nướng thì ta sẽ có một bữa ăn ngon miệng,
vừa tiết kiệm vừa bổ dưỡng. Ngược lại, có khi ta tốn cả
đống tiền, mất thời gian nhưng rồi chính ta cũng không
thể nào nuốt nổi. Tương tự như vậy, khi học với sách, ta
có toàn quyền lựa chọn và học những gì mình thực sự
cần, bằng cách của mình, thời gian và địa điểm mình
thích,… Nhưng kiến thức từ sách là mênh mông, nếu ta
không biết lựa chọn, không biết xử lý thông tin để biến
kiến thức ấy thành tri thức của riêng mình thì ta sẽ vẫn cứ
“dốt” dù đọc, học rất nhiều.
Vậy cách nào để học với sách hiệu quả?
Trước tiên, bạn nên cẩn thận với “bẫy biết tuốt” trong quá trình đọc sách. Bởi lẽ, câu chữ, lập luận của sách
thường rất logic, rõ ràng, không ít khi ta tưởng mình đã hiểu nhưng thực ra mình không hiểu gì cả hoặc hiểu
sai hoàn toàn.
Để tránh bẫy này, bạn cần phải vượt qua được vỏ bọc bên ngoài của câu chữ, ngôn ngữ để tìm và hiểu
được nội dung bên trong, cái hồn, cái thần của sách. Cái này không phải dễ làm. Bởi vì tất cả chúng ta đều
có xu hướng tìm kiếm điều mình cần, mình thích và từ chối những điều trái mong đợi của mình. Nên nếu
ngôn ngữ, vỏ bọc của sách hợp với mình thì mình ngấu nghiến ngay và hiểu theo “cách của mình” và bỏ
qua những “viên ngọc” còn giấu bên trong. Ngược lại, câu chữ, vỏ bọc của sách trái ý mình thì mình bỏ đi,
không đọc nữa, thậm chí có phản ứng tiêu cực.
Làm thế nào để hiểu, để cảm được cái thần, cái hồn bên trong sách?
Trước tiên, bạn cần phải đọc chậm, đọc kỹ, thậm chí đọc đi, đọc lại vài lần nếu thấy nội dung có gì
đó trúc trắc.
Học với sách, đòi hỏi bạn phải liên tục suy nghĩ, phải tìm đến những liên tưởng từ sách đến thực tiễn để có
thể áp dụng vào hoàn cảnh của mình. Chỉ khi bạn và sách gặp nhau, thì những ý tưởng sáng tạo mới hiện
ra. Đó chính là cái thần, cái hồn của sách mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được.
Ngoài ra, cũng giống như bất cứ việc gì, học với sách cũng cần bạn phải xác định rõ mục tiêu. Bạn phải xác
định rõ mục tiêu của mình để chọn lọc và xử lý tốt thông tin thu được. Nếu không, giữa biển kiến thức mênh
mông, bạn sẽ chết chìm.
Vì vậy, học với sách tuy có khó nhưng lại rất thú vị. Sách không chỉ giúp bạn mở rộng kiến thức mà còn phát
huy sáng tạo của bạn rất tốt. Học với sách cũng là một cách học rất tiết kiệm mà ai cũng có thể học được.
Chúc các bạn thành công!