Quản lý thuế TNCN đối với hộ kinh doanh phải chấp nhận thời kỳ
quá độ
Thuận lợi là cơ bản
Tổng cục Thuế cho biết, việc triển khai Luật Thuế TNCN đối với các đối
tượng là cá nhân kinh doanh có rất nhiều thuận lợi: Thứ nhất, từ nhiều năm nay,
các cá nhân kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật nên
nhận thức của họ về nghĩa vụ thuế đã trở thành thói quen, nề nếp, do đó việc
chuyển sang nộp thuế TNCN với họ chỉ đơn giản là việc thay đổi tên gọi của loại
thuế chứ không xáo trộn nhiều. Đây chính là thuận lợi nền tảng và cơ bản nhất. Thứ
hai là, trong quá trình quản lý thuế, nhất là quản lý thuế đối với hộ kinh doanh,
ngành thuế thường xuyên nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản
lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể; đặc biệt là sự
hỗ trợ nhiệt tình và trách nhiệm của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, đã tạo nhiều
điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc xác định doanh số, chi phí, thu
nhập, quản lý thu nộp thuế, đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế. Thứ ba là,
thực tế quá trình quản lý thuế đã cho đội ngũ CBCC trực tiếp quản lý các hộ kinh
doanh những thuận lợi để thấu hiểu từng đặc điểm riêng có của đối tượng này, để
từ đây, rất nhiều địa phương đã có sáng kiến, biện pháp quản lý hiệu quả, được
nhân rộng và đúc kết thành kinh nghiệm chung của toàn ngành. Thứ tư là, ngành
thuế đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý
thuế nói chung và quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nói riêng. Những ứng
dụng này đã giúp cơ quan thuế kiểm soát tốt hơn về đối tượng nộp thuế, các căn cứ
tính thuế và theo dõi tiến độ thu nộp thuế. Đặc biệt, để triển khai Luật Thuế TNCN,
ngành thuế đã xây dựng nhiều đề án ứng dụng CNTT vào quản lý nên chắc chắn
hiệu quả sẽ được đảm bảo.
... nhưng khó khăn cũng không ít
Mặc dù vậy, Tổng cục Thuế cũng khẳng định, những khó khăn phải đối mặt
khi triển khai Luật Thuế TNCN đối với các cá nhân kinh doanh không phải là nhỏ.
Như một đặc điểm mang tính cố hữu, đại bộ phận những cá nhân kinh doanh đều
không thực hiện chế độ kế toán hoá đơn chứng từ, mà nếu có thực hiện cũng
không đúng quy định, nên việc xác định chính xác doanh số kinh doanh của đối
tượng này là thách thức lớn. Hơn nữa, trong điều kiện thanh toán tiền mặt vẫn là
phương thức giao dịch kinh tế chủ yếu ở nước ta, đối với hộ kinh doanh càng phổ
biến hơn, thì việc kiểm soát các khoản thu phát sinh chẳng mấy dễ dàng. Bên cạnh
đó, việc quản lý gia cảnh đối với cá nhân kinh doanh cũng phức tạp hơn so với
người làm công ăn lương. Bởi trong khi quyền lợi về chính trị và kinh tế của người
làm công ăn lương gắn tương đối chặt với đơn vị sử dụng lao động thì với cá nhân
kinh doanh, mọi quyền lợi có khả năng phát sinh đều không gắn với tổ chức nào,
nếu có gắn kết thì cũng rất lỏng lẻo, nên những trường hợp khai gia cảnh và người
phụ thuộc không trung thực có thể sẽ không ít. Ngoài ra, trên thực tế có một bộ
phận không nhỏ các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh nên các căn cứ
pháp lý để xác định đối tượng và quản lý thuế cũng rất khó mà tìm được.
Nhiều giải pháp đã được thiết lập
Theo quan điểm của Tổng cục Thuế, việc xác nhận rõ ràng những thuận lợi
và khó khăn sẽ là cơ sở để thiết lập các giải pháp ứng phó hữu hiệu; theo đó biện
pháp tối ưu hàng đầu của ngành thuế là tận dụng triệt để và phát huy những kinh
nghiệm tốt mà quá trình quản lý hộ kinh doanh thời gian qua đã đúc kết; đồng thời
nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thuế nói chung và cán bộ ở các đội
thuế phường xã trực tiếp quản lý hộ kinh doanh nói riêng. Để đảm bảo quản lý sát
doanh số, chi phí và thu nhập của cá nhân kinh doanh, ngành thuế đã chỉ đạo cơ
quan thuế các cấp phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý nhà nước ở TW
và địa phương, các đơn vị kinh tế có quan hệ với các hộ kinh doanh, đặc biệt là
phối hợp chặt chẽ hơn nữa với hội đồng tư vấn thuế phường, xã, bởi đây là tổ chức
gần dân và sát dân nhất nên sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành thuế trong việc quản lý
đối tượng này. Thông qua hệ thống dịch vụ hỗ trợ, cơ quan thuế sẽ cung cấp đầy
đủ thông tin, kịp thời hướng dẫn các thủ tục cũng như giải đáp nhanh gọn những
khó khăn vướng mắc, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người nộp thuế TNCN
thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN. Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ tăng cường kiểm
tra kiểm soát, nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp cố tình vi phạm về khai
thuế TNCN để xử lý nghiêm theo luật định.
Một giải pháp quan trọng nữa là ngành thuế sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT tin
làm cơ sở để đối chiếu doanh số, chi phí và theo dõi kịp thời, chính xác việc nộp
thuế của các hộ kinh doanh. Mặc dù thừa nhận thực tế là trước đây, các hộ kinh
doanh hầu hết đều không thực hiện chế độ kế toán mà nộp thuế theo phương thức
khoán nên cơ sở dữ liệu về số đối tượng này để phục vụ cho việc quản lý thuế
TNCN sẽ phải thiết lập lại gần như từ đầu, nhưng ngành thuế vẫn tin rằng, với sự
đồng tình, hợp tác, ủng hộ của cả cộng đồng, nhất là của hội đồng tư vấn thuế
phường, xã, cùng các cơ quan quản lý ở TW và địa phương, những khó khăn trong
giai đoạn đầu triển khai sẽ nhanh chóng qua đi, những rủi ro trong quản lý sẽ được
giảm thiểu, ngành thuế sẽ thiết lập được môi trường quản lý thuế TNCN minh bạch
và hiệu quả. Cơ sở của niềm tin này còn được kiểm chứng qua kinh nghiệm của
các nước đi trước, theo đó bất cứ quốc gia nào, kể cả những nước có nền kinh tế -
xã hội phát triển như Nhật Bản, úc, Mỹ... khi bắt đầu quản lý thuế TNCN cũng phải
trải qua thời kỳ xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu và tìm kiếm các phương thức quản
lý phù hợp. Đây được xem là thời kỳ quá độ cần thiết để đưa Luật Thuế TNCN vào
cuộc sống.
Trả lời câu hỏi liệu việc triển khai Luật Thuế TNCN có khiến nguồn thu từ các
hộ kinh doanh giảm nhiều so với khi thực hiện khoán thuế TNDN hay không, Tổng
cục Thuế cho rằng, đây là vấn đề chính sách nên phải đánh giá một cách toàn diện,
không thể nhìn nhận đơn thuần về mặt số học mặc dù rõ ràng, với cùng một mức
thu nhập, nếu áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 28% như hiện hành, 1 tháng cá
nhân kinh doanh sẽ phải nộp một khoản thuế xác định, nhưng khi thực hiện Luật
Thuế TNCN, do được giảm trừ gia cảnh (mỗi cá nhân có thu nhập từ kinh doanh sẽ
được trừ cho bản thân mình 4 triệu đồng/tháng, được trừ cho mỗi người phụ thuộc
phải nuôi dưỡng là 1,6 triệu đồng/tháng), cá nhân này sẽ không phải nộp thuế hoặc
nộp thuế ít hơn nhiều. Cũng theo Tổng cục Thuế, thực hiện Luật Thuế TNCN, trước
mắt, số thu ngân sách từ các cá nhân kinh doanh có thể giảm, nhưng đây sẽ là một
biện pháp động viên, khuyến khích để các hộ kinh doanh nhỏ vươn lên thành những
doanh nghiệp lớn, từ đó sẽ có đóng góp nhiều hơn, ổn định và vững chắc hơn cho
NSNN. Đây chính là một trong những đạo lý thể hiện quan điểm khoan sức dân của
Đảng và Nhà nước, được cụ thể hoá trong chính sách động viên thuế TNCN. Hơn
nữa, việc chuyển các cá nhân kinh doanh sang nộp thuế TNCN cũng hoàn toàn phù
hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức thương
mại thế giới WTO.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng thừa nhận, những lo lắng về số thu ngân
sách là hoàn toàn chính đáng và để hoá giải được vấn đề này cần một hệ thống các
giải pháp đồng bộ, đòi hỏi không chỉ sự cố gắng của riêng ngành thuế mà phải có
sự đồng tâm hợp lực, sự chia sẻ của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà
nước và toàn thể xã hội để thúc đẩy các cá nhân kinh doanh thực hiện đúng, đủ, kịp
thời nghĩa vụ thuế với nhà nước. Trong nỗ lực này, ngoài các giải pháp về mặt chế
tài, cần có giải pháp để kích thích, khơi dậy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của
mỗi cá nhân. Kinh nghiệm của một số nước đã giải quyết thành công vấn đề này
cho thấy, phải giành rất nhiều ưu đãi để khuyến khích các cá nhân minh bạch hoá
hoạt động kinh doanh. Thậm chí ở nhiều nước, Chính phủ còn cấp không máy tính
tiền cho các cá nhân kinh doanh; nếu cá nhân nào tự trang bị máy tính tiền thì cơ
quan thuế sẽ cho phép tính giảm trừ chi phí mua máy theo một tỷ lệ nhất định ngay
trên mỗi hoá đơn tính tiền trong suốt 1 đến 2 năm đầu, hoặc có thể áp dụng biện
pháp giảm thuế từng phần để tạo điều kiện cho cá nhân thu hồi vốn và khuyến
khích họ sử dụng máy tính tiền. Với biện pháp này, cơ quan thuế sẽ có điều kiện
kiểm soát được doanh số, từ đó có cơ sở để quản lý thuế công bằng và hợp lý hơn.
Đây cũng chính là một gợi ý hữu hiệu mà Việt Nam có thể áp dụng ngay để triển
khai thuế TNCN hiệu quả./.