Các nguồn tìm ứng viên
Doanh nghiệp tiến hành tìm kiếm các ứng viên sau khi hình thành xong nhu cầu
tuyển dụng. Việc tìm kiếm có thể bắt đầu từ trong nội bộ doanh nghiệp, thông qua các
nhân viên, hoặc có thể thông báo tuyển dụng rộng rãi, thông qua các văn phòng tuyển
dụng, tuyển dụng qua internet và các nguồn tìm ứng viên khác...
1. Thông báo tuyển dụng:
Thông báo tuyển dụng thường bao gồm phần giới thiệu về doanh nghiệp và vị
trí cần tuyển. Các thông tin đưa ra phải phù hợp với những gì mà doanh nghiệp trông
đợi ở ứng viên. Ở nhiều nước, luật lao động có thể quy định về việc cấm thông báo
tuyển dụng có các nội dung phân biệt giới tính, tuổi tác, chủng tộc và tôn giáo. Đưa ra
các yêu cầu cụ thể sẽ giúp doanh nghiệp không bị ngập tràn trong đống thư xin việc.
2. Các văn phòng tuyển dụng:
Dịch vụ thông thường của các văn phòng tuyển dụng là thiết kế và công bố các
thông báo tuyển dụng, sơ tuyển khoảng 3, 4 ứng viên dựa theo các bảng hỏi và phỏng
vấn. Điểm mạnh của các văn phòng này là khả năng định nghĩa vị trí cần tuyển và điều
kiện ứng viên. Nhiều tổ chức tuyển dụng chuyên nghiệp sơ tuyển bằng hình thức quan
sát qua băng video một cuộc thảo luận giữa các ứng viên, thông qua các chuyên gia
xem tướng chữ hoặc qua các bài thi kỹ năng và trình độ chuyên môn.
Lợi thế của việc sử dụng các văn phòng tuyển dụng là:
- Tiết kiệm thời gian.
- Kiến thức về bảng hỏi và định nghĩa vị trí tuyển dụng.
- Trình độ chuyên nghiệp trong phỏng vấn.
- Tốc độ phản ứng nhanh nếu doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với văn phòng
tuyển dụng.
Nhược điểm:
- Phương pháp của văn phòng tuyển dụng thường được chuẩn hoá nên chưa
chắc đã phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
- Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải chia sẻ thông tin nội bộ với văn
phòng tuyển dụng.
3. Tuyển dụng qua internet:
Theo Forrester Research, "Job" là từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trên
internet trong năm 2000 và có không dưới 35 triệu người châu Âu tìm việc qua mạng.
Doanh nghiệp có thể thông báo tuyển dụng qua một site trung gian chuyên nghiệp
hoặc trên site của mình. Ứng viên thường gửi CV và thư xin việc tới địa chỉ đăng trên
thông báo qua email hoặc qua đường thư tín. Hoạt động này tiết kiệm được nhiều chi
phí trung gian nhưng cũng tiêu hao nhiều thời gian vì số lượng ứng viên sẽ rất đông.
4. Các nguồn khác:
- Doanh nghiệp có thể sử dụng các nguồn ứng viên khác như: tuyển dụng bổ
sung, ứng viên quen biết, nhân viên cũ, cộng tác viên hay đối tác cũ.
- Doanh nghiệp có thể tìm ứng viên thông qua các nhân viên của mình, thông
qua các tổ chức cựu sinh viên của các trường đại học...
- Doanh nghiệp có thể xây dựng một mối quan hệ hợp tác với các trường và
trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu và nhất là các forum việc làm.
"Theo dõi nhân viên" ... thời kỳ công nghệ cao
Bạn đã từng có ý nghĩ và hành động là cần phải "tranh thủ" khai thác triệt để
trang thiết bị của... công ty để làm một "điều gì đó" cho riêng mình hơn là cho giới
chủ?! Một cú điện thoại thăm hỏi thân nhân hoặc bạn bè, vài giờ lướt Web để tán gẫu,
mua sắm và thanh toán trực tuyến hay như đôi ba phút gửi nhận e-mail cá nhân, v.v...
Và bạn đã luôn tự tin rằng với sự "khéo léo" của mình, các sếp sẽ không tài nào biết
được chuyện này? Thật ra, nhất cử nhất động của bạn nơi làm việc đều đang được ghi
nhận bởi những thiết bị giám sát công nghệ cao...
Theo các báo cáo gần đây nhất của Đại hội nghiệp đoàn Vương quốc Anh
(Trades Union Congress - TUC), với giá cả hợp lý và chất lượng đáng tin cậy, các thiết
bị công nghệ cao về giám sát hoạt động của nhân viên nơi làm việc đã ngày càng được
giới chủ tăng cường đầu tư và đưa vào khai thác triệt để.
Được xếp ở vị trí số 1 trong nhóm các "chiêu thức" giám sát phổ dụng nhất hiện
nay của doanh nghiệp vừa và nhỏ là hệ thống quản lý nhân viên bằng máy vi tính
(computer monitoring). Các phần mềm chuyên dụng sẽ được bí mật cài đặt vào PC của
nhân viên để giúp giới chủ xác định đúng nội dung công việc mà bạn đang làm. Mọi
phím được nhập vào và kể cả screenshot màn hình desktop sẽ tự động được gởi định
kỳ qua e-mail đến sếp của bạn. Nhân viên cũng sẽ bị chụp hình vào bất cứ lúc nào nếu
như máy tính của họ "được" trang bị thêm một "thiên lý nhãn" (Web cam).
Kỹ thuật quan sát bằng máy quay video (video surveillance) và theo dõi chuyển
động thông qua hệ thống định vị toàn cầu (GPS tracking) có thể được sử dụng để xác
định khoản tiền bồi dưỡng cho nhân viên. Nếu bạn than phiền là mình đã phải làm việc
quá nặng nhọc, ngay lập tức hệ thống này sẽ tiến hành "kèm người" vô cùng chặt chẽ
để kiểm chứng tính trung thực của những gì mà bạn đã nói. Bốn kỹ thuật còn lại, bao
gồm nghe trộm điện thoại (remote listening), quét mã vạch trên thẻ nhân viên (bar
codes), kiểm tra khả năng sử dụng chất kích thích (drug testing) và thói quen đi vệ sinh
(toilet habits), được giới chủ sử dụng khá dè dặt vì sự phản đối quyết liệt từ phía nhân
viên.
Việc sử dụng "tai mắt công nghệ cao" nơi làm việc đã gây ra không ít mâu
thuẫn và xung đột âm ỉ ngay trong lòng nội bộ doanh nghiệp lẫn bên ngoài xã hội. Giới
chủ tin rằng chỉ có cách này mới giúp họ tránh được những tổn thất về doanh thu và
cải thiện hiệu suất lao động của nhân viên vì đã cắt giảm đáng kể những chi phí không
cần thiết bởi sự lạm dụng của công.