EPS và những điều cần làm rõ
EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) là một trong những chỉ tiêu được sử dụng
thường xuyên nhất đối với các NĐT và có ảnh hưởng lớn đối với giá cổ phiếu
công ty. Tuy nhiên, chuẩn mực kế toán Việt Nam và các hướng dẫn về EPS vẫn
chưa đầy đủ, việc triển khai thực hiện còn một số bất cập. Kết quả là NĐT nhận
được báo cáo tài chính với EPS không chính xác và không đầy đủ. Tác giả Trần
Xuân Nam đã dành cho ĐTCK bài viết này nhằm phân tích những bất cập đó, giúp
bạn đọc, các nhà làm chuẩn mực kế toán Việt Nam có cái nhìn chính xác và đầy
đủ hơn về EPS.
Tầm quan trọng của EPS
EPS là một trong những chỉ tiêu được trích dẫn thường xuyên nhất trong phân tích
tài chính vì chỉ số P/E được sử dụng rộng rãi như một tiêu chuẩn so sánh cho các
quyết định đầu tư. Do vậy, việc tính toán và trình bày EPS có thể ảnh hưởng quan
trọng đến giá cổ phiếu của công ty. EPS còn được dùng như một công cụ để đánh
giá việc thực hiện của ban điều hành công ty. Tiền thưởng của HĐQT, ban điều
hành có thể trên cơ sở sự tăng trưởng EPS. Bởi vậy, nó tạo một sức ép rất lớn đối
với ban điều hành công ty trong việc tăng trưởng EPS. Ban điều hành có thể cố
tình tạo một kết quả EPS có lợi hơn cho mình và công ty. Khi nghiên cứu về EPS
cần lưu ý, mục tiêu chính của EPS là để đánh giá kết quả thực hiện của một công
ty và nó đặc biệt quan trọng để so sánh kết quả của một công ty qua các kỳ khác
nhau và so sánh việc thực hiện của vốn chủ sở hữu của công ty với công ty khác.
Cách tính EPS cơ bản
Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 30 và Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS
33, EPS cơ bản được tính bằng cách chia tổng lãi (lỗ) thuần thuộc các cổ đông phổ
thông cho số bình quân gia quyền cổ phiếu phổ thông lưu hành trong kỳ.
Theo Thông tư số 21/2006/TT-BTC hướng dẫn Chuẩn mực VAS 30, tổng số lãi
thuần phân bổ cho các cổ đông phổ thông là lãi (lỗ) thuần sau thuế thu nhập doanh
nghiệp trừ đi các số điều chỉnh giảm là cổ tức của cổ phiếu ưu đãi và cộng thêm
các khoản điều chỉnh tăng liên quan đến khoản chênh lệch mua cổ phiếu ưu đãi.
Thông tư 21 không đề cập đến việc phải điều chỉnh giảm các khoản lãi không
dành cho cổ đông phổ thông như quỹ khen thưởng khách hàng, quỹ thưởng cho
HĐQT, đặc biệt là quỹ khen thưởng phúc lợi dành cho nhân viên. Những khoản
này, theo chuẩn mực kế toán quốc tế, được ghi nhận là các khoản chi phí để trừ ra
khỏi lãi dành cho cổ đông. Sau một năm hoạt động có lãi, các công ty thường dành
5 - 15%, thậm chí 20% tổng số lãi thuần sau thuế để chi cho nhân viên dưới hình
thức chia cho quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Riêng quỹ dự phòng tài chính, hiện nay, Luật Doanh nghiệp không quy định cụ
thể về mức trích lập quỹ này trong các CTCP nói chung, nhưng nhiều loại hình
DN vẫn thực hiện trích lập quỹ này như một cách để góp phần điều tiết thu nhập
của DN. Đây là quỹ thuộc sở hữu của các cổ đông phổ thông và không phải loại
trừ ra khỏi lãi khi tính EPS.
Trường hợp gộp, chia tách và thưởng cổ phiếu, theo Thông tư 21, sẽ không có bất
cứ một sự tăng, giảm về dòng tiền hay tài sản và nguồn vốn đối với công ty. Bởi
vậy, trong những sự kiện đó thì cổ phiếu gộp, chia tách, thưởng dù phát sinh bất
cứ thời điểm nào trong kỳ cũng phải được tính vào ngày đầu tiên của năm báo cáo.
Đồng thời, điều chỉnh tương ứng cho số cổ phiếu của những năm trước để có tính
so sánh giữa các năm. Thông tư 21 không đề cập đến việc chia cổ tức bằng cổ
phiếu, nhưng bản chất của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng giống như thưởng
cổ phiếu, điều này được ghi rất rõ trong chuẩn mực kế toán quốc tế. Do đó, hướng
dẫn kế toán Việt Nam nên bổ sung việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để việc thực
hiện tại các công ty được dễ dàng hơn.
Ví dụ, công ty A có 10 triệu cổ phiếu, ngày 30/6/2008 công ty quyết định chia cổ
tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% (100 CP hiện hữu được chia 20 CP mới). Tổng số
lãi của công ty năm 2008 và 2007 tương ứng là 40 tỷ đồng và 34 tỷ đồng. Kỳ kế
toán từ ngày 1/1 đến 31/12 hàng năm. EPS năm 2008 và EPS tương ứng năm 2007
sẽ là 3.333 đồng và 2.833 đồng (xem bảng).
Ghi chú: * Mặc dù thưởng hay chia cổ tức bằng cổ phiếu được thực hiện ngày
30/6/2008, nhưng khi lập báo cáo tài chính năm 2008, công ty sẽ phải tính số cổ
phiếu tăng thêm ngay từ ngày đầu năm 1/1/2008. Nếu lập báo cáo quý II/2008,
tính EPS của 4 quý gần nhất cho đến ngày 30/6/2008 thì số cổ phiếu tăng thêm
này được tính từ ngày 1/7/2007.
** Trong báo cáo tài chính năm 2008, để thấy được xu hướng EPS qua các năm,
chúng ta phải điều chỉnh lại EPS năm 2007 và các năm trước đó bằng cách tăng số
cổ phiếu thưởng của năm 2008 vào cả năm 2007 và các năm trước đó. Nếu không
điều chỉnh số 2 triệu cổ phiếu thưởng cho năm 2007, thì EPS gốc 2007 là 3.400
đồng, cao hơn so với năm 2008, sẽ không phản ánh đúng xu hướng EPS.
Phát hành quyền mua (rights issue)
Đó là phát hành quyền mua cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu với giá thấp
hơn giá thị trường hiện tại. Do vậy, ở đây đã bao gồm một yếu tố thưởng. Để tính
EPS khi phát hành quyền mua, đầu tiên chúng ta cần tính giá quyền mua lý thuyết.
Ví dụ: Công ty HAP có 3.850.250 CP đang lưu hành từ đầu năm 2006. Ngày
16/6/2006, HAP phát hành thêm 1.925.125 CP (2 CP hiện hữu được quyền mua 1
CP mới) với giá 25.000 đồng/CP. Giá cổ phiếu ngày cuối cùng chốt danh sách
phát hành ngày 15/6/2006 là 55.000 đồng/CP. Yêu cầu tính: 1) Giá lý thuyết
quyền mua 1 CP? 2) EPS năm 2006? Biết rằng, lãi thuần sau thuế năm 2006 là 16
tỷ đồng. 3) Tính EPS điều chỉnh cho năm 2005 và 2004? Biết rằng, lãi thuần năm
2005 là 14,58 tỷ đồng và EPS gốc năm 2004 là 4.492 đồng.
Lời giải:
1. Giá lý thuyết quyền mua 1 CP:
- Trước khi phát hành: 2 CP x 55.000 = 110.000 đồng.
- Phát hành quyền mua: 1 CP x 25.000 = 25.000 đồng.
- Giá trị lý thuyết của 3 CP = 110.000 + 25.000 = 135.000 đồng.
- Giá quyền mua lý thuyết mỗi cổ phiếu bình quân = 135.000/3 = 45.000 đồng.
2. Tính EPS cho năm 2006:
- Số cổ phiếu trước ngày phát hành quyền mua là 3.850.250 CP sẽ được nhân với
tỷ lệ giữa giá thị trường ngày cuối cùng trước khi phát hành (55.000 đồng/CP) và
giá lý thuyết quyền mua (45.000 đồng/CP).
- Số cổ phiếu bình quân của cả năm được tính theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1, từ 1/1
- 15/6/2006, tức 5,5 tháng: 3.850.250 CP x 5,5/12 tháng x 55/45 = 2.156.853 CP;
giai đoạn 2, từ 15/6 - 31/12/2006, tức 6,5 tháng: (3.850.250 + 1.925.125) x 6,5/12
tháng = 3.128.328 CP. Vậy, số cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm =
5.285.181 CP.
- EPS năm 2006 = 16 tỷ đồng/5.285.181 CP = 3.027 đồng.
Lưu ý, nếu tính theo quy định hiện hành, số cổ phiếu giai đoạn 1 không điều chỉnh
nhân với hệ số thưởng 55/45. Do đó, số cổ phiếu giai đoạn 1 chỉ là: 3.850.250 x
5,5/12 tháng = 1.764.698 CP, nên số cổ phiếu bình quân năm 2006 sẽ là:
1.764.698 + 3.128.328 = 4.893.026 CP. Vì vậy, EPS 2006 tính theo cách không
điều chỉnh hệ số thưởng sẽ là: 6 tỷ đồng/4.893.026 = 3.270 đồng.
3. Tính EPS điều chỉnh cho năm 2005 và năm 2004:
- EPS điều chỉnh = EPS gốc x (Giá quyền mua lý thuyết/Giá thị trường ngày cuối
trước khi phát hành mới).
- EPS gốc năm 2005 = 14,58 tỷ đồng/3.850.250 = 3.787 đồng.
- EPS điều chỉnh năm 2005 = 3.787 đồng x 45/55 = 3.098 đồng.
- EPS điều chỉnh năm 2004 = 4.492 đồng x 45/55 = 3.675 đồng.
Cách tính EPS cơ bản khi phát hành cổ phiếu thưởng (đơn vị: triệu)