Triển vọng kinh tế nhìn từ gói kích cầuMột trong những cơ sở quan trọng nhất để
dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 và dài hạn hơn sau đó là xác định
khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn
đang trong tình trạng bất định cao, nhiều rủi ro và khó dự báo. Dự báo triển vọng
kinh tế năm 2010 tại thời điểm hiện nay thật sự là một công việc có phần mạo
hiểm, cho dù triển vọng phục hồi đã bộc lộ khá rõ và trong thời gian gần đây,
cách thức điều hành chính sách của Chính phủ đã mang tính hệ thống, bài bản và
linh hoạt hơn.
Nếu không xét đến tác động bất thường của các yếu tố bên ngoài, sự “mạo hiểm”
của công việc dự báo bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính.
Một là, cho đến nay (dù đã hết quý III), định hướng triển khai tiếp phần đa số còn
lại của gói kích cầu 8 tỷ USD dự định (còn gọi là gói kích cầu thứ hai) vẫn chưa
được xác định (có cần triển khai tiếp hay không). Theo logic, chắc chắn rằng triển
vọng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô (nhất là triển vọng ổn định) của năm
2010 và cả những năm sau đó tùy thuộc rất lớn vào quyết định này.
Hai là, trong giai đoạn tới, sự lựa chọn ưu tiên giữa các mục tiêu cải cách dài hạn
(tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu nhằm khắc phục các điểm yếu cơ cấu, giải toả
các “nút thắt“ tăng trưởng) hay mục tiêu khôi phục kinh tế ngắn hạn trước mắt,
giúp cân bằng lại tình hình vẫn đang là chủ đề thảo luận trong giới nghiên cứu học
thuật và cả giới hoạch định chính sách. Vẫn chưa có định hướng ưu tiên chính
thức rõ ràng cho việc giải quyết hai nhiệm vụ có tính “tranh chấp nguồn lực” này.
Theo lập luận đó, để xác lập căn cứ dự báo, cần phân tích tính hiện thực hợp lý của
gói kích cầu thứ hai, đồng thời, làm rõ tương quan ưu tiên tối ưu cần thiết giữa
việc thực hiện các mục tiêu dài hạn với các nhiệm vụ ngắn hạn.
Bài viết này cố gắng lý giải hai vấn đề nêu trên, góp thêm ý kiến vào việc dự báo
triển vọng kinh tế Việt Nam trong một vài năm tới.
Câu hỏi trung tâm hiện nay là: năm 2010, nền kinh tế nước ta có cần triển khai
tiếp gói kích cầu thứ hai hay không?
Để trả lời câu hỏi này, cần chú ý đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, giống như khi chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ
Đông Á 1997-1999, xu hướng suy giảm tăng trưởng và bất ổn kinh tế vĩ mô của
Việt Nam khi chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn
cầu lần này đã bộc lộ từ trước khi cuộc khủng hoảng thực sự tác động vào nền
kinh tế nước ta (xem đồ thị).
Nhận định này hàm ý rằng tình trạng khó khăn của nền kinh tế năm 2009 có căn
nguyên ở sự yếu kém nội tại chứ không phải bắt nguồn chủ yếu từ tác động tiêu
cực bên ngoài. Khủng hoảng bên ngoài gây tác động tiêu cực không nhỏ cho nền
kinh tế vốn có độ mở cửa lớn và dễ bị tổn thương của Việt Nam. Tuy nhiên, nó
không quyết định tình trạng đó mà chỉ đóng vai trò làm nghiêm trọng hơn tình
hình vốn đã nghiêm trọng do các điểm yếu cơ cấu tồn tích bên trong gây ra.
Thứ hai, thực tế cho thấy dù bị suy yếu nhiều sau hai năm (2007-2008) chống chọi
với suy giảm tăng trưởng và bất ổn vĩ mô nghiêm trọng, nền kinh tế nước ta vẫn tỏ
ra có một năng lực chống đỡ kỳ lạ trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng
toàn cầu tầm cỡ “trăm năm có một”. Dưới tác động mạnh của khủng hoảng, quá
trình suy giảm tăng trưởng không kéo dài và không quá nghiêm trọng, sự phục hồi
tốc độ đến nhanh, ngay từ trước khi các gói kích cầu được triển khai trên thực tế
(1). Tính chung 9 tháng đầu năm 2009, GDP đã tăng 4,6%. Có cơ sở để dự báo
GDP cả năm 2009 sẽ đạt 5% hoặc hơn, tức là cao hơn mức tăng trưởng “đáy”
4,77% của năm 1999, mặc dù cuộc khủng hoảng lần này được coi là tồi tệ hơn
nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997-1999 (2).
Thực tế này cung cấp một luận cứ quan trọng để xác nhận, một là tính chính xác
của các dự báo và đánh giá mức độ tác động khủng hoảng đến nền kinh tế nước ta
và mức độ trầm trọng của tình hình đưa ra cuối năm 2008, đầu năm 2009 “nặng”
và bi quan hơn so với thực tế (3); hai là vai trò đích thực của gói kích cầu đã được
triển khai rất quan trọng nhưng không lớn đến mức như dự tính.
Thứ ba, khi phân tích cơ cấu gói kích cầu, làm rõ tác động thực của các cấu phần
cụ thể của nó, tính xác đáng của nhận định trên càng lộ rõ.
Xét theo tính chất (nội dung), có thể phân gói kích cầu tổng đã triển khai (gói kích
cầu 1) thành 4 cấu phần (4 gói nhỏ).
Một là, gói hỗ trợ lãi suất 4% (17.000 tỷ VND);
Hai là, gói hỗ trợ tiêu dùng (hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết, mỗi hộ nghèo 1 triệu VND;
miễn thuế thu nhập cá nhân);
Ba là, gói hỗ trợ đầu tư (giảm, miễn, hoãn thuế doanh thu, thuế VAT cho các
doanh nghiệp Việt Nam, cho nông dân vay không lãi suất để mua thiết bị, máy
móc sản xuất nông nghiệp).
Bốn là, đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản (kết cấu hạ tầng, nhà ở cho sinh
viên, khu chung cư cho người thu nhập thấp,...).
Trong 4 gói này, gói 4 là gói lớn nhất hầu như chưa triển khai được gì do nguồn
vốn không có (phát hành trái phiếu không thành công), do tính chất dài hạn của
loại hình đầu tư khó phù hợp với tiêu chí kích cầu (kịp thời) trong điều kiện năng
lực triển khai kích cầu của bộ máy rất có hạn.
Hai gói 2 và 3 được triển khai, ít nhiều có tác động tích cực, nhưng lan toả không
mạnh. Trong số đó, có những gói cụ thể hầu như không có tác dụng, thậm chí gây
phản ứng ngược (gói cho nông dân vay mua máy móc, thiết bị sản xuất nông
nghiệp không tính lãi suất).
Có thể nói tác động mạnh nhất của gói kích cầu 1 tập trung ở gói cho vay hỗ trợ lãi
suất 4%. Tuy nhiên, xét về thực chất, đây là gói “giải cứu” chứ không phải là gói
kích cầu. Gói này đã giải thoát nhiều doanh nghiệp khỏi tình trạng “ách tắc” lưu
thông vốn do gánh nặng nợ xấu (nợ không trả được do lãi suất vay quá cao năm
2008). Kích hoạt nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp và ngân hàng thoát khỏi
“điểm chết”, gói kích cầu này đã hoàn thành sứ mệnh “giải cứu” nền kinh tế.
Sự phân tích trên cho thấy trong giai đoạn vừa qua, để nền kinh tế khôi phục lại
tăng trưởng, “gói giải cứu” đóng vai trò chính; còn các gói kích cầu đúng nghĩa
chưa phát huy tác dụng bao nhiêu (4). Nền kinh tế hầu như tự động khôi phục tăng
trưởng sau khi thoát khỏi điểm “tắc nghẽn” chỉ với một số tiền vừa phải tung ra
(cơ bản chưa phải là tiền kích cầu).
Các tình huống thực tiễn mang tính kinh nghiệm nêu trên có vẻ hướng tới kết luận
không nhất thiết phải tiếp tục kích cầu trong giai đoạn tới (năm 2010) mà nền kinh
tế vẫn có thể duy trì xu hướng cải thiện tốc độ tăng trưởng. Kết luận này được hỗ
trợ thêm bởi triển vọng phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới. Hội nghị G20
vừa kết thúc nhận định rằng khủng hoảng đã chạm đáy, kinh tế thế giới bắt đầu
chuyển sang giai đoạn phục hồi.
Tuy nhiên, đối với trường hợp Việt Nam, cùng với các bằng chứng kinh nghiệm
đã nêu, cần thêm một số luận cứ - dự báo trước khi đưa ra những gợi ý rõ ràng hơn
về “số phận” của gói kích cầu.
Thứ tư, ngân sách nước ta là ngân sách “trường kỳ thâm hụt”. Trong hàng chục
năm, ngân sách nhà nước thường xuyên thâm hụt khoảng 5% GDP/năm. Cộng với
hiệu quả đầu tư công thấp (biểu lộ một cách đơn giản qua chỉ số ICOR cao), tình
trạng này đang khoét sâu sự yếu kém cơ cấu và tích đọng các nguy cơ mất cân đối
vĩ mô.
Việc tiếp tục thực hiện gói kích cầu thứ hai đồng nghĩa với việc sẽ làm tăng thâm
hụt ngân sách cho năm sau, vượt qua mức “trường kỳ” vốn có. Tuy năm nay thâm
hụt ngân sách ước đoán (6,5% GDP) sẽ thấp hơn đáng kể so với mức Quốc hội
cho phép (8% GDP), do lượng tiền kích cầu chưa bơm ra nhiều, song không phải
vì thế mà đặt vấn đề ngân sách năm 2010 được phép chi tiêu kích cầu “bù” một
cách dễ dàng.
Ngay tại thời điểm hiện nay, tuy mức lạm phát được duy trì ở mức thấp, song kỳ
vọng lạm phát vẫn đang gây áp lực mạnh lên lãi suất và tỷ giá hối đoái, cộng thêm
vào đó là mức thâm hụt thương mại vẫn cao trong điều kiện kim ngạch xuất khẩu
giảm mạnh,... là những yếu tố tiềm tàng gây bất ổn. Trong khi đó, những nền
móng của cơ cấu kinh tế nước ta như thực tế hai năm 2007-2008 chỉ ra có rất
nhiều điểm yếu cơ bản. Những điểm yếu này trong thời gian qua chỉ mới được bộc
lộ ra rõ ràng, được xác nhận nhưng hầu như chưa được khắc phục. Nền kinh tế
đang nỗ lực cho các mục tiêu “hồi sức cấp cứu”, ổn định ngắn hạn. Mục tiêu ngắn
hạn đạt kết quả tích cực, song các điểm yếu cơ bản vẫn còn nguyên, thậm chí, xét
tổng thể, còn có phần trầm trọng hơn.