Tuyển dụng người luôn phản biện
Nhờ tương tác với nhiều luồng ý kiến phản biện khác nhau, ý kiến ban đầu
của nhà lãnh đạo sẽ được làm rõ thêm, đôi khi nó còn làm thay đổi cách nghĩ
ban đầu của anh ta và thậm chí còn giúp nhóm vạch ra hàng loạt các phương
án hành động
Emma Sky là một nhà hoạt động hoà bình người Anh. Năm 2007, cô từng là
trợ thủ đắc lực cho tướng Ray Ordierno - chỉ huy lực lượng trực chiến của
quân đội Mỹ. Sky nổi lên với vai trò một phát ngôn viên cho dân thường và
là người thường xuyên đưa ra các phản biện xác đáng cho lãnh đạo.
Ordierno gọi Sky với cái tên trìu mến: "phần tử nổi loạn dưới quyền".
Sự xuất hiện của Sky trong quân đội Mỹ bên cạnh tướng Ordierno xuất phát
từ đòi hỏi của các tướng lĩnh cấp cao cần có người thường xuyên, liên tục
đưa ra ý kiến phản biện cho mình. Trong những tình huống cần thiết, trợ thủ
này sẽ đưa ra quan điểm nhiều khi trái chiều và điều đó mặt nào có lợi cho
nhiệm vụ quân đội Mỹ đang thực thi.
Có nhiều nhà lãnh đạo không ngại nghe nhân viên phản bác ý kiến vì không
đủ sức bao quát để đưa ra hướng giải quyết thấu đáo cho mọi trường hợp.
Muốn vậy, họ cần tạo cơ chế để người khác không ngần ngại đưa ra ý kiến,
dù cho đôi khi giữa họ và nhân viên có thể xảy ra tranh luận.
Bạn có muốn tổ chức của mình cũng có được cá nhân như vậy không? Dưới
đây là một số yếu tố bạn cần cân nhắc khi muốn tìm ra những phản biện
mang tính xây dựng:
Tư chất
Trên quan điểm người lãnh đạo, tư chất là lòng nhiệt tình sẵn sàng làm
những gì có lợi cho nhóm. Mọi nhóm đều cần những con người không ngần
ngại phát biểu ý kiến và việc phát biểu ý kiến như vậy phải dựa trên nền tảng
đạo đức và sự liêm chính. Nhưng dù một cá nhân có là người như thế nào thì
việc họ làm được mới là điều quan trọng. Tư chất được xem như khả năng
đưa các bản chất tốt đẹp vào thực hiện những mục đích chân chính.
Chiều sâu của ý kiến phản biện
Các nhà lãnh đạo sẽ trông đợi nhiều hơn một ý kiến phản biện; họ còn luôn
đánh giá cao những nhân viên biết đưa ra các quan điểm và đề xuất hướng
giải quyết mới sau khi đã cân nhắc các dữ liệu thực tế. Mỗi khi muốn phản
biện ý kiến của lãnh đạo, cấp dưới nên cân nhắc, liên hệ chặt chẽ lý luận của
mình với hàng loạt các dữ liệu có liên quan. Các phản biện của một ai đó chỉ
thực sự có ý nghĩa khi anh ta đang nỗ lực hết mình cũng chỉ vì mong muốn
đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể có sự gắn kết chặt chẽ về mặt quyền lợi
với tổ chức của anh ta.
Tham vọng
Mỗi khi bạn lắng nghe ai đó cất tiếng phản bác lại mình hay chí ít là không
hề e sợ khi làm việc đó thì bạn phải đảm bảo được rằng người này có chiều
hướng muốn khẳng định vị trí của mình tại tổ chức này. Họ không hề cố tình
muốn gây sóng gió. Trái lại, việc họ làm hoàn toàn mang tính xây dựng và
họ sẽ kiên trì theo đuổi.
Thành tích cá nhân
Hãy tìm ra những nhà quản lý biết kiên trì theo đuổi dự án đến khi đạt thành
quả tốt đẹp cuối cùng bất chấp vô vàn ý kiến phản đối. Chẳng hạn, nếu họ
đạt được một điều gì đó bất chấp cuộc cạnh tranh đang vô cùng căng thẳng,
các nguồn lực thì khan hiếm hay thậm chí tổ chức của anh ta đang kinh qua
một cuộc cải tổ lớn thì con người quả thực có năng lực và đủ khả năng để tự
mình giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, hãy tỉnh táo phân biệt giữa việc tuyển một người biết phản biện ý
kiến của bạn với một người bất đồng với bạn. Hai trường hợp là hoàn toàn
khác biệt và đương nhiên, kết quả về sau cũng khác nhau. Đưa về tổ chức
một người luôn hiềm khích chỉ khiến nội bộ nhóm trở nên lục đục bởi người
này chỉ luôn biết vun vén cho bản thân trong khi lại gây tổn hại đến lợi ích
của người khác. Đừng dại dột giữ những người như vậy trong tổ chức của
mình. Ở bất kỳ tổ chức nào, lãnh đạo phải là người đưa ra quyết định cuối
cùng nếu không tổ chức đó sẽ dễ bị lạc lối và phát triển không có định
hướng.
Việc đưa tiếng nói phản biện xác đáng là tín hiệu về khả năng lãnh đạo tốt.
Nó thúc đẩy cá nhân đó phát huy các phẩm chất tốt đẹp của bản thân, phát
triển khả năng suy nghĩ và hành động có chiến lược. Quan trọng hơn, nhờ
tương tác với nhiều luồng ý kiến phản biện khác nhau, ý kiến ban đầu của
nhà lãnh đạo sẽ được làm rõ thêm, đôi khi nó còn làm thay đổi cách nghĩ ban
đầu của anh ta và thậm chí còn giúp nhóm vạch ra hàng loạt các phương án
hành động
Dù gì đi nữa, lãnh đạo vẫn phải là người thâu tóm mọi luồng ý kiến, và
khích lệ người khác đóng góp ý kiến. Điều này sẽ giúp tổ chức của bạn trở
nên dễ thích nghi và linh hoạt hơn và khi đó, bạn mới phát huy được khả
năng đưa ra quyết định như một nhà lãnh đạo thực thụ.