Đề phòng tiêu chảy cấp tính vào mùa hè
Bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào
mùa hè vì ruồi nhặng phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm, ăn hoa quả sống rửa
không sạch.
Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp và có nhiều nguyên nhân. Nếu chỉ bị tiêu
chảy một vài lần trong ngày thì không đáng ngại, nhưng khi “đi” quá nhiều và kéo
dài thì phải chữa trị tích cực, kết hợp điều trị triệu chứng với nguyên nhân. Tiêu
chảy là một hội chứng đặc trưng bởi sự đẩy phân nhanh, phân nhiều nước và khối
lượng trên 300g/ngày.
Những nguyên nhân thường gây tiêu chảy
Nguyên nhân gây tiêu chảy rất đa dạng, dưới đây là một số nguyên nhân
thường gặp sau:
- Do vi khuẩn (như thương hàn, phó thương hàn, tụ cầu, cholera…), virus
(Rotavirus, parvovirus…), ký sinh trùng (Lỵ amib và trực trùng, giardia,
lamblia…)
- Nhiễm độc các chất như thủy ngân, Asen, động vật (cá nóc, thịt cóc) hay
thực vật (nấm độc), toan máu...
- Nguyên nhân khác như dị ứng thức ăn (thịt rừng, hải sản), dùng kháng
sinh (gây tiêu chảy màng giả hay xuất tiết), viêm tai xương chũm, bấn loạn tinh
thần (lo lắng hay sợ hãi quá mức), vệ sinh ăn uống và môi trường nhiễm bẩn (ăn
rau quả sống không rửa kỹ, nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn để ruồi nhặng bu...).
Tóm lại, do ăn uống không đảm bảo vệ sinh nên vi khuẩn, virus, ký sinh
trùng, các chất độc xâm nhập đường tiêu hóa và gây tiêu chảy.
Các triệu chứng nổi bật
Tùy theo nguyên nhân mà tiêu chảy cấp có những triệu chứng nổi bật:
- Bắt đầu từ từ hay đột ngột
- Số lần đi cầu có thể ít (3-5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày)
- Đau bụng (từng cơn hay liên tục, mót rặn hoặc đau quanh hậu môn)
- Buồn nôn hay nôn
Một số hội chứng liên quan đến nguyên nhân như hội chứng nhiễm khuẩn
(sốt, lưỡi bẩn, mệt nhọc…), nhiễm độc (tùy từng chất, có biểu hiện khác nhau),
mất nước và điện giải (khát nước, khô miệng, mắt trũng, da nhăn, tứ chi lạnh,
chuột rút, rối loạn nhịp tim, tiểu ít hay không nước tiểu…), trụy tim mạch (mạch
nhanh và nhỏ, huyết áp thấp hay không đo được…). Tiêu chảy do Rotavirus nổi
lên 3 triệu chứng: sốt, nôn và mất nước.
Mất nước do tiêu chảy có thể chia làm 3 độ:
- Độ 1 (mất nước nhẹ): Tiêu chảy khoảng 4-6 lần/ngày, không nôn và khát,
tiểu tiện bình thường.
- Độ 2 (mất nước vừa): Tiêu chảy 5-10 lần/ngày, nôn và khát nước, mệt
mỏi, tiểu ít, môi khô.
- Độ 3 (mất nước nặng): Tiêu chảy trên 10 lần/ngày, rất khát nước, tiểu ít
hay không có nước tiểu, môi khô nẻ, li bì, mắt trũng sâu, da nhăn nheo.
Điều trị
Để trị liệu đạt kết quả nhanh, cần làm xét nghiệm phân (soi tươi, nuôi cấy),
làm điện giải đồ, công thức máu, hematocrit, kháng sinh đồ (nếu có điều kiện)
v.v... Trong điều trị tiêu chảy cấp, bù nước kịp thời và đầy đủ là yếu tố quyết định
thành công, có thể dùng Oresol 1 gói pha với 1 lít nước chín hoặc Eletrolade 5g
với 250ml nước hay Hydrid 1 viên với 100ml nước v.v... Thuốc pha xong phải
dùng trong 24 giờ và bảo quản trong tủ lạnh. Cần lưu ý các chống chỉ định của
thuốc.
1. Bù nước: mất nước độ 1: uống 50 ml/kg cân nặng x 4-6 giờ. Độ 2 uống
100 ml/kg x 4-6 giờ. Độ 3 phải nhập viện.
2. Thuốc
- Loại không đặc hiệu:
Than thảo mộc 5-10 g hay Loperamide 2 mg. Người lớn khởi đầu 2 viên,
tiếp theo dùng 1 viên mỗi lần đi cầu phân lỏng, tối đa 8 viên/ngày x 5 ngày, hay
Lopedium 2mg liều như trên. Hai loại này không dùng khi tắc ruột, không dùng
cho trẻ dưới 2 tuổi, có sốt hay phân lẫn máu, viêm loét kết tràng cấp tính hay màng
giả, phụ nữ có thai và cho con bú.
- Loại đặc hiệu: Do thương hàn và phó thương hàn, lỵ trực trùng gây tiêu
chảy thì dùng Ciprofloxacin 500mg, 1 viên x 2 lần/ngày x 5-7 ngày, Ofloxacin,
Levofloxacin... Nếu kháng các loại trên, thay bằng Azithromycin. Nếu do E.coli,
dùng Levofloxacin 500mg 1 viên x 2 lần/ngày x 3 ngày. Ceftazidine v.v... Do kiết
lỵ dùng Émetin, Klion v.v... Do dị ứng: Cézil 10mg 1 viên/ngày, Clarytyne v.v...
Nếu do ngộ độc thì tùy nguyên nhân mà giải độc.
3. Ăn uống: Uống nhiều nước (nước đường, nước rau quả, nước cháo). Khi
đã giảm tiêu chảy, ăn đặc dần, vài hôm sau ăn bình thường.
Đề phòng tiêu chảy:
- Cần ăn chín, uống sôi
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Ăn rau quả sống phải rửa thật kỹ (tốt nhất rửa trực tiếp dưới vòi nước)
- Thức ăn phải đậy kỹ để tránh ruồi nhặng
- Không ăn thức ăn bị ô nhiễm, không đi cầu ra sông, xuống ao, ra đồng
- Không ăn thịt các loại động vật như cá nóc, cóc, các loại nấm chưa biết rõ.