TỤC NGỮ CA DAO MIỀN NÚI ẤN SÔNG TRÀ
Trong văn chương truyền khẩu của dân tộc ta, tục ngữ ca dao chiếm một vị trí quan
trọng.
Ngoài những câu được phổ biến trong cả nước hoặc được truyền tụng qua nhiều địa
phương, mỗi địa phương lại có những câu tục ngữ ca dao mang tính chất đặc thù của địa
phương mình. Tính chất đặc thù nầy, hoặc nói lên bản sắc của người dân địa phương thuộc
mỗi vùng, hoặc phản ảnh một số địa danh, đặc sản, nghề nghiệp, tập quán hoặc ngôn ngữ của
từng địa phương.
Tại miền núi An sông Trà cũng đã sản sinh nhiều câu tục ngữ ca dao mang tính chất
riêng biệt của mình, hoặc dù không phản ảnh một cách trung thực cá tính địa phương nhưng
trên thực tế lại chỉ được truyền tụng trong địa phương Quảng Ngãi, và ở một vài địa phương
lân cận như Quảng Nam ở phía Bắc và Bình Định ở phía nam mà thôi.
Có lẽ không một người dân Quảng Ngãi nào lại không biết đến câu tục ngữ:
Quảng Nam hay cãi,
Quảng Ngãi hay co . . .
Đã có nhiều cách giải thích câu tục ngữ nầy, đặc biệt là câu thứ hai nói riêng về người
dân Quảng Ngãi. Có nhiều người cho rằng”co” ở đây là co cụm, co lại, là không muốn
“chuyện bé xé ra to”, là chỉ muốn “dĩ hòa vi quý”. Lại có người cho rằng”co” ở đây là co
cượng, là đôi co, là chỉ muốn phần hơn về mình, không cần phân biệt phải trái. Cả 2 cách giải
thích nầy đều không nêu đúng bản chất của người dân Quảng Ngãi. Bởi lẽ cả 2 cách giải
thích đã chỉ nhằm vào mặt giá trị tiêu cực của từ “co” mà không đánh giá đúng mặt giá trị
tích cực của nó.
Gần nửa thiên niên kỷ sống dưới chế độ phong kiến hà khắc, mấy mươi năm sống
dưới ách thực dân cai trị, người dân Quảng Ngãi đã phải vô cùng khôn ngoan, vô cùng kiên
cường mới có thể tồn tai trong cái xã hội đầy rẫy bất công thời xưa. Cái chính là tinh thần bất
khuất, ý chí kiên cường của người dân Quảng Ngãi mới nói lên giá trị tích cực đích thực của
câu “Quảng Ngãi hay co”.
Thổ ngơi Quảng Ngãi, vùng đất sỏi cây cằn, thuở xưa lắm rừng, nhiều truông, núi
chạy ra gần sát biển, lại thường xuyên phải hứng chịu những thiên tai khốc liệt đã hun đúc
cho người dân Quảng Ngãi đức tính cần cù, nhẫn nại, chịu đựng. Chính thổ ngơi đó đã sinh
sản ra câu tục ngữ :
Quảng Ngãi đãi ra sạn.
Bản chất keo kiệt chăng? Bản chất hà tiện chăng? Không phải vậy đâu. Đời sống “ăn
bữa sáng lo bữa tối”, đời sống “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có miếng ăn, đã tạo nên đức
tính vun quén, tiện tặn của người dân Quảng Ngãi đúng như nhận xét của các sử quan triều
Nguyễn đã ghi trong “Đại Nam Nhất Thống Chí”:
“Quảng Ngãi đất xấu, dân nghèo, tính tình kiệm ước. . .”
“Đãi ra sạn” chính là đức tính kiệm ước đáng khen của người dân Quảng Ngãi vậy.
Đức tính kiệm ước đó cũng đã tạo cho người dân Quảng Ngãi biết tính toán một cách
khôn ngoan trong cuộc sống hằng ngày:
Bồng em đi dạo vườn cà,
Trái non bỏ mắm, trái già làm dưa.
Làm dưa ba bữa dưa chua,
Để dành ăn cấy, khỏi mua tốn tiền.
Đức tính kiệm ước đóbắt nguồn từ sự cơ cực, tay làm hàm nhai, phải tận dụng mọi
khoảng thời gian để kiếm sống:
Củ lang Đồng Ngổ,
Đỗ phụng Đồng Dinh
Chàng bòn, thiếp mót đổ chung một gùi.
Trong hoàn cảnh sản xuất còn lạc hậu, họ phải biết tận dụng mọi phương tiện, mọi
điều kiện để tăng gia sản xuất, kể cả việc dùng phân người , còn gọi là phân bắc, để làm phân
bón. Dân Cà Đó thuộc xã Đức Lương, quận Mộ Đức làm nghề lượm phân người đem về bón
cho cây thuốc lá. Thuốc lá Cà Đó ngon nổi tiếng, bán ra khắp tỉnh, ở phía nam còn bán tới
Bình Định. Đối với dân Cà Đó, lượm phân người để bón cho cây thuốc lá là một kinh
nghiệm truyền thống và ai muốn nhập cư về đây – làm dâu hoặc làm rể xứ nầy – phải chịu
theo nghề của cư dân ở đây:
Ai về Cà Đó,
Chịu khó xách ki.
Tay cầm đôi đũa, chân đi lòm khòm.
Mỗi địa phương có một số đặc sản tiêu biểu. Những đặc sản nầy thường được ghi lại
qua những câu tục ngữ hay ca dao được lưu truyền trong từng địa phương. Chẳng hạn ở
Quảng Nam có câu:
Nem chả Hòa Vang,
Bánh tổ Hội An,
Khoai lang Trà Kiệu,
Thơm rượu Tam Kỳ.
Ơ Khánh Hòa có câu:
Yến sào Hòn Nội,
Vịt lội Ninh Hòa,
Tôm hùm Bình Kha,
Nai khô Diên Khánh.
Thì ở Quảng Ngãi cũng có câu:
Chim mía Xuân Phổ,
Cá bống sông Trà,
Kẹo gương Thu Xà,
Mạch nha Thi Phổ.
Cá bống là một loại thủy sản thường xuất hiện nhiều ở hai con sông Trà Khúc và sông
Vệ, ngon nhất là cá bống ở vùng con nước bến Tam Thương (Thị xã Quảng Ngãi). Cá bống
kho tiêu là là một nghệ thuật đặc biệt về ẩm thực của người dân Quảng Ngãi. Thế nên, dù đi
bất cứ đâu, khi nhớ về quê nhà, người dân Quảng Ngãi vẫn thường nhắc đến món ăn “cá
bống kho tiêu” nầy:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ món cá bống sông Trà kho tiêu.
Hay: Đi đâu cũng nhớ Thu Xà,
Nhớ mùi cá bống mặn mà hương tiêu.
Một loại thủy sản khác mang tính chất đặc biệt Quảng Ngãi, đó là “don”. Don là một
loại thủy sản thuộc họ nhà hến, chỉ xuất hiện ở vùng nước chè hai của con sông Trà Khúc.
Nếu người dân Huế biết dùng con hến để tạo nên món “cơm hến”, một món ăn đặc
biệt của giới bình dân xứ Huế, người dân Quảng Ngãi cũng đã dùng một loại hến có tên là
don, để tạo nên món don, một món ăn đặc biệt của người bình dân miền Đông Tư Nghĩa và
Cô gái lòng son
Không bằng tô don Vạn Tượng !
Và câu ca dao sau đây, mang tính hài hước nhằm mô tả cái tài sản đặc biệt của cô gái
bán don :
Có nghèo, có khó cũng lấy con vợ bán don,
Lỡ khi nó chết cũng còn cặp ui !
Dân các quận miền thượng Quảng Ngãi như Trà Bồng, Sơn Hà lại có món canh nấu
bằng rau ranh ( một loại lá cây có vị chua chua) với ốc đá (những con ốc bám vào các tảng đá
nằm ở lòng các khe, suối) :
Rau ranh, ốc đá
Cơm cá nậu nguồn.
Mía là một nông sản quan trọng của Quảng Ngãi. Đến mùa thu hoạch, nông dân dựng
chòi đạp mía nấu đường, mùi thơm ngọt lựng cả một vùng quê thật quyến rũ :
Đi qua lò mía thơm đường
Muốn vô kết nghĩa cang thường với ai.
Đến mùa đường, người ta biếu xén nhau một tộ đường non, và một tộ đường non
cũng tạo nên nỗi nhớ quê hương :
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè.
Nhớ hồi lên ngựa xuống xe,
Nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non.
Có những câu phản ảnh sinh hoạt hay tập quán địa phương :
Phèng la xóm Bầu,
Trống chầu Thi Phổ,
Mõ gỗ Thuận Yên.
Dân xóm Bầu thuộc xã Đức Thạch, quận Mộ Đức đã dùng phèng la làm hiệu lệnh để
tập trung và cổ võ dân chúng địa phương đi vét kênh mương sau mùa lũ lụt. Dân Thi Phổ,
thuộc xã Đức Vinh (Mộ Đức) đã dùng trống chầu để cổ võ dân chúng đắp đập, sửa đập vào
mùa nước lũ hay báo động mỗi khi con đập bị nước lũ xoang. Dân Thuận Yên thuộc xã Đức
Sơn (Mộ Đức) một xã cận sơn, đã dùng mõ gỗ để xua đuổi hùm beo mỗi khi chúng xuống
làng bắt gia súc hay phá hoại mùa màng.
Hoặc có những câu phản ảnh một tập tục về sinh hoạt thương mại địa phương :
Chợ phiên ngày bảy, ngày hai
Không đi thì nhớ, đi hoài mỏi chân.
Nhớ ai như nhớ Nghĩa Hành,
Nhớ phiên Tam Bảo không đành không đi !
Chợ phiên Tam Bảo nguyên là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và
người Thượng thuộc các quận Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà. Đây có lẽ là phiên
chợ xuất hiện lâu đời nhất tại Quảng Ngãi và còn tồn tại mãi cho đến sau này. Ta không rõ
đích xác chợ xuất hiện lần đầu tiên vào năm nào, và nơi họp đầu tiên là ở đâu, nhưng đến đời
vua Tự Đức (1848-1883) thì chợ chính thức tọa lạc tại Kim Thành Hạ (Nghĩa Hành) và chợ
họp với ngày phiên không thay đổi : ngày mồng hai và ngày mồng bảy Am lịch mỗi tháng.
Lại có những câu phản ảnh một sự kiện lịch sử và được xem như những câu ca dao
lịch sử, chẳng hạn như :
Tiếc công Bình Định xây thành,
Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa !
Nguyên vào đời vua Tự Đức năm thứ 4 (1851), triều đình cho lập trường thi Hương
đầu tiên tại Bình Định dành riêng cho sĩ tử thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận. Ba
khoa thi đầu tiên sĩ tử Bình Định giành trọn chức thủ khoa, vì thế tại Bình Định xuất hiện câu
ca dao :
Tiếc công Quảng Ngãi đường xa,
Để cho Bình Định thủ khoa ba lần.
Để rửa “mối hận” khoa cử này, sĩ tử Quảng Ngãi đã dốc chí dùi mài kinh sử, và mấy
khoa kế tiếp, sĩ tử Quảng Ngãi đã giành cả thủ khoa lẫn á khoa. Vậy là, một câu ca dao khác
đã xuất hiện để đáp lại câu ca dao “nói khích” của mấy năm về trước :
Tiếc công Bình Định xây thành,
Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa !
Sự xuất hiện của những câu ca dao kể trên dù sao cũng là một động lực tốt thúc đẩy sĩ
tử hai tỉnh cố gắng học hành để chiếm khôi nguyên, mang vinh dự về cho tỉnh mình.
Hay như câu :
Bao giờ thiện mã qua sông
Thì thôn Mỹ Lại mới không công hầu !
Thôn Mỹ Lại thuộc xã Sơn Mỹ, quận Sơn Tịnh. Đây là quê hương của quan đại thần
Trương Đăng Quế ( 1793-1865) trở về hưu trí, về sau có nhiều người thuộc dòng họ Trương
làm quan to trong triều đình nhà Nguyễn. Đây là câu ca dao mang hình thức sấm truyền, có lẽ
do một người nào đó thuộc dòng họ Trương sáng tác nhằm nói lên lòng tự tôn của dòng họ
mình.
Cũng có những câu ca dao hay tục ngữ phản ảnh ngôn ngữ địa phương, chẳng hạn
như :
Thuốc ngon chợ Huyện
Giấy quyến Sa Huỳnh,
Nẫu xa thì mược nẫu,
Chớ đôi đứa mình đừng xa.
“Nẫu” chỉ ngôi thứ ba số nhiều, là “những người ấy”, là “chúng nó”, là “họ” hay “bọn
họ”, một từ thường dùng của dân chúng vùng quê xứ Quảng và Bình Định.
Hay như :
Rau ranh ốc đá,
Cơm cá nậu nguồn.
“Nậu” cũng là một từ thường được dùng phổ biến ở vùng quê xứ Quảng và Bình
Định :
Ai về nhắn với nậu nguồn,
Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Hoặc như :
Tay cầm ống chỉ xe lần
Nơi xa trùng họ, nơi gần bà con.
Giậm chân xuống đất cái bon,
Nay em ở vậy, chồng con đâu nà !
“Nà” là một từ rặt Quảng Ngãi.
Hay như :
Qua cầu cầu yếu phải nương
Chầu rày bạn cũ thôi thương mình rồi.
Tai nghe bạn cũ có đôi
Trong lòng nóng nảy như vôi mới hầm.
Kề tai bạn cũ khóc thầm,
Chầu rày quế đã phụ trầm trầm ơi !
“Chầu rày” tức là giờ đây, lúc này đây, nói về hiện tại. Đây cũng là một từ mang tính
đặc biệt của người dân Quảng Ngãi.
Có những câu tục ngữ và ca dao nhắc đến tên của từng vùng đồng thời nói lên phong
cảnh, sản vật, tính chất địalý hay nhân văn của những địa phương đó.
Ở Bình Sơn có câu :
Tiếng đồn Đông Phước nhiều tre,
Tham Hội nhiều lúa, Châu Me nhiều tiền.
Đông Phước và Tham Hội là hai ấp thuộc xã Bình Hoàng và Châu Me thuộc xã Bình
Đức.
Hay như câu :
Đi ngang qua mũi Sa Kỳ,
Ngó ra cù lao Ré xiết chi thảm sầu . . .
Sa Kỳ là một cửa biển nhỏ thuộc xã Bình Đức, cù lao Ré tức hải đảo Lý Sơn.
Ở Sơn Tịnh, ta nghe những câu như :
Cách sông nên phải lụy đò,
Cách truông Ba Gò nên phải luy anh.
Hay như câu :
Đưa anh về Quảng em lo,
Ao Vuông là một, Ba Gò là hai.
Kiêng dè trong buổi hôm mai,
Đàng trong ổ cướp, đàng ngoài hang beo.
Ao Vuông và Ba Gò là 2 vùng nằm trên đường thiên lý Bắc-Nam , Ao Vuông nằm
về mạn bắc quân Bình Sơn, Ba Gò nằm giữa 2 quận Bình Sơn và Sơn Tịnh. Vào thời xa xưa,
đây là những vùng cây cối rậm rạp, thường là nơi trú ẩn của bọn thảo khấu.
Hay như câu :
Sớm mai em xuống Quán Cơm,
Thấy hòn núi Hó
Chiều về Đồng Có,
Nhìn ngọn núi Tròn.
Về nhà than với chồng con,
Ra đi gan nát, dạ mòn vì đâu ?
Trong ca dao Quảng Ngãi, người bình dân xứ này thích dùng cái tên nôm na “núi Hó”
để thay cho cái tên văn vẻ “núi Thiên Ấn” :
Qua chùa núi Hó
Thắp bó nhang vàng
Xin cho bạn cũ lai hoàn như xưa . . .
Vào đến Tư Nghĩa, có những câu :
Tư Nghĩa cửa Đại là đây,
Gành Hào, núi Quế đá xây nên chùa.
Dưới thời bông súng nở đua,
Ngó lên trên chùa đá dựng, kiểng giăng
Ngó qua bên xóm Tràng An
Ngó xuống hòn Sụp cát vàng soi dương.
Hay như :
Ai về Cổ Lũy xóm Câu
Nhớ mua đôi chiếu rước dâu về làng.
Đây là một địa phương có nghề dệt chiếu truyền thống rất nổi tiếng từ xưa cho đến
bây giờ.
Hay như câu :
La Hà Thạch Trận là đây
Bốn phương, tám hướng đá xây trận đồ
Lại có câu :
Ba La đất tốt trồng hành
Đã xinh con gái lại lành con trai
Vạn Tượng những chông cùng gai,
Con gái mốc thếch, con trai đen sì !
Ba La, Vạn Tượng là 2 ấp thuộc xã Tư Bình. Có lẽ đây là phần còn lại của một bài hát
đối đáp nam nữ, vì có giá trị hài hước cao nên còn được lưu truyền riêng đến bây giờ.
Vào đến Mộ Đức, ta có những câu :
Đèo nào cao bằng đèo Đồng Ngổ
Bộ nào rộng bằng bộ An Ba
Thấy anh ăn nói thiệt thà
Muốn vô gầy dựng cửa nhà cùng anh !
Hay như câu :
Đồng nào sâu bằng đồng Thi Phổ
Thổ nò cao bằng thổ Ba Tơ
Em thương anh chín đợi mười chờ
Mía kia lên ngọn trổ cờ đã lâu !
(Ba Tơ là tên ngày xưa của An Ba, không phải là quận Ba Tơ ngày nay)
Hay như câu :
Không đi sợ mất lòng chồng
Ra đi thì sợ cánh đồng Chu Me
Hay như :
Củ lang mỏng vỏ đỏ da
Ai về Long Phụng theo ta mà về.
Ai về Long Phụng thì về,
Gần sông tắm mát, chợ kề một bên.
Vào đến Đức Phổ, ta được nghe những câu như :
Anh về Mỹ Á chi lâu
Để em ôm chiếc thuyền câu một mình.
Mỹ Á là tên một cửa biển thuộc xã Phổ Xuân.
Quê em có núi Xương Rồng
Có cửa Mỹ Á, có sông Thủy Triều.
Hay như câu :
Đèo nào cao bằng đèo Sơn Cốc,
Dốc nào ngược bằng dốc Mỹ Trang
Một tiếng em than hai hàng lụy nhỏ,
Phụ mẫu già rồi biết bỏ cho ai ?
Hay như :
Đời nào bánh đúc có xương
Dây tơ hồng có lá, nghĩa đá vàng vô tư
Cửa Tam Quan nước cạn bày cừ
Biển Sa Huỳnh khô tắc em mới từ nghĩa anh !
Tam Quan là tên một cửa biển thuộc miền bắc Bình Định gần giáp ranh với Quảng
Ngãi.
Ở Nghĩa Hành, ta có thể nghe những câu :
Đèo nào cao bằng đèo Eo Gió
Cỏ nào xanh bằng cỏ Hố Cua
Bao giờ cho đến gió mùa,
Trèo đèo vượt suối dám đua bạn cùng.
Hay như :
Ngó lên hòn núi Chóp Vung
Ngó xuống cánh đồng lúa trĩu những bông
Ước gì em chửa có chồng
Anh về thưa cha mẹ đem rượu hồng đón em.
Hay như :
Bước xuống ghe nan
Chèo sang Bến Thóc
Vừa chèo vùa khóc
Kêu: “ Bớ anh ơi !
Bây giờ duyên mãn, tình ôi
Để cho kẻ khác đứng ngồi với anh !”
Có bài ca dao dài kể toàn địa danh của một vùng rộng lớn dọc theo đường quốc lộ số
1 từ bắc quận Mộ Đức vào đến quận Đức Phổ :
Kể từ sông Vệ, chợ Gò
Ngó vô Thi Phổ thấy dò Dứt Giây
Chợ Đồng Cát buôn bán sum vầy
Ngó vô Lò Thổi thấy cây sùm xòa
Tú Sơn một đỗi xa xa
Ngó vô Quán Sạn bạn hàng đà nghỉ ngơi
Chợ Huyện là chỗ ăn chơi
Ngó vô Quán Vịt là nơi hữu tình
Trà Câu sao vắng bạn mình
Hai hàng châu lụy như bình nước nghiêng !
Lượng tục ngữ ca dao chuyên chở những nội dung kể trên được xem là ít so với lượng
ca dao tình cảm khá phong phú và đa dạng.
Phong cách giáo dục trong gia đình của cha ông ta ngày xưa rất nghiêm khắc. “Yêu
cho roi cho vọt” được xem là quan niệm chính thống trong việc giáo dục con em. Ong bà,
cha mẹ dùng roi vọt để dạy dỗ, răn đe con cháu. Thầy giáo dùng roi vọt để răn đe học trò.
Không ai phàn nàn, không ai cho đây là một hành vi ngược đãi. Có nhiều bậc trưởng thượng
đôi khi quá nặng tay trong việc răn đe. Dẫu vậy, con cái cũng vẫn một lòng vâng lời, thương
yêu và kính trong cha mẹ :
Mẹ cha là biển là trời,
Phận con đâu dám cãi lời mẹ cha.
Con cái có dám can gián cũng chỉ là những lòi can gián nhẹ nhàng với lòng tôn kính,
thương yêu nồng nàn :
Mẹ ơi, đừng đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.
Mẹ ơi, đừng đánh con khờ,
Để con đan lờ thả cá mẹ ăn !
Cái nhìn của người con đối với cha mẹ thật là mặn nồng, chân chất. Không là những
hứa hẹn cao xa, mà chỉ là những hứa hẹn đơn giản “để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ” hay “để
con đan lờ thả cá mẹ ăn”. Hay như :
Đói lòng ăn trái chà là,
Để com nuôi mẹ, mẹ già yếu răng !
Hình ảnh người mẹ trong tâm khảm người con lúc nào cũng là hình ảnh cao quý của
đức hy sinh vô bờ bến :
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương !
Cha mẹ được xem là nơi nương tựa của con cái – ngay cả khi người con đã lập gia
đình :
Có cha, có mẹ thì hơn,
Không cha, không mẹ như đờn đứt dây !
Thế nên con cái vẫn thường xuyên bảo nhau phải luôn luôn nghĩ đến cha mẹ như một
nghĩa vụ thiêng liêng :
Sớm mai gánh nước bờ ao
Dặn anh buôn bán làm sao cũng về
Anh đừng trò chuyện say mê,
Bỏ cha già, mẹ yếu ba bốn bề cực em !
Hoặc như :
Ăn chanh chíp miệng chua chua,
Em đưa anh đến Chợ Chùa xa xa.
Mảng lo cha yếu mẹ già,
Đặt chân xuống đất con nhạn đà trở canh !
Hoặc như :
Đèo nào cao bằng đèo Sơn Cốc,
Dốc nào ngược bằng dốc Mỹ Trang.
Một tiếng em than hai hàng lụy nhỏ,
Phụ mẫu già rồi biết bỏ cho ai ?
Ngay trong tình yêu, họ đòi hỏi người tình phải biết kính nhường cha mẹ :
Em không phải người tham đào phụ liễu,
Em không phải người tham nhiễu phụ lương,
Em không thương anh lắm ruộng nhiều vườn,
Thương vì ý anh ăn ở kính nhường mẹ cha !
Và ơn cha nghĩa mẹ lúc nào cũng canh cánh bên lòng :
Ơn cha, nghĩa mẹ trìu trìu,
Mưa mai lòng sợ, nắng chiều dạ lo.
Ơn cha núi đất trời Tây,
Lai láng nghĩa mẹ nước đầy biển Đông !