Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Tài liệu Những võ tướng thời Tây Sơn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (81.35 KB, 2 trang )

LÀNG KỲ ÐÁO VÀ VÕ TƯỚNG ÐẶNG XUÂN PHONG
LÀNG KỲ ÐÁO
Mùa thu Giáp Ngọ 1771, ngọn cờ đào phấp phới trên thành Qui Nhơn đã tròn một năm. Ðàng trong,
Tống Phước Hiệp từ Gia định theo hai đường thủy bộ tấn công phủ Bình Thuận rồi tiến ra Diên khánh và
Bình khang. Trấn thủ Lê Văn Hưng chặn đánh, nhưng quân địch đông, lại có trọng pháo nên Lê tướng quân
phải rút về Phú Yên cùng với Nguyễn Văn Lộc giữ thành này. Ðàng ngoài, chúa Trịnh sai Hoàng Ngũ Phúc
vượt sông Linh giang tiến chiếm Phú Xuân. Ðầu năm 1775 quân Trịnh qua Hải Vân sơn. Tây Sơn vương
Nguyễn Nhạc đương cự không nổi nên rút về Qui Nhơn, trong khi ấy quân Trịnh vẫn tiến.
Tại Diên khánh, Bình khang, Tống Phước Hiệp cử đại binh tấn công Phú Yên. Nghĩa quân Tây Sơn lại rút về
Qui Nhơn.Trong tình hình khó khăn này, Tây Sơn vương quyết định cần phải nhún mình hòa hoãn với đối
thủ nguy hiểm nhất là Hoàng Ngũ Phúc. Sau đó mới tấn công đánh Phú Yên được. Nhưng với lực lượng hai
vạn quân, dưới sự chỉ huy của Tống Phước Hiệp thì việc đối phó không phải là dễ dàng. Bấy giờ Nguyễn
Nhạc mới nghĩ kẻ đảm trách được nhiệm vụ này, không ai khác hơn là Nguyễn Huệ, đang chiêu mộ và luyện
tập nghĩa quân ở chiến khu Tây Sơn.
Trong tình hình đó, Nguyễn Huệ đang trấn giữ căn cứ An khê được triệu về thành Qui Nhơn. Trên
đường hành quân, Nguyễn Huệ theo lời giới thiệu của nữ tướng Bùi Thị Xuân đã ghé lại làng Dõng Hòa thu
nhận Ðặng Xuân Phong và đoàn tráng binh của ông tại Gò Ngựa. Và cũng tại nơi này, trước kia, thuở
Nguyễn Nhạc còn làm nghề buôn trầu có hẹn với người bạn thân là Châu Văn Tiếp, người ở phủ Phù ly đến
Gò Ngựa làng Dõng Hòa để bàn đại sự nhưng Tiếp đã lỗi hẹn vào Nam theo giúp Nguyễn Ánh.
Theo truyền thuyết, nữ tướng Bùi Thị Xuân đứng trên bến Trường Trầu, Kiên Mỹ, chợt thấy một tráng sĩ cỡi
ngựa ô truy cầm cô đồng, mang cung sắt từ Thuận nghĩa lên Phú lạc và tại Trưng sơn chứng kiến tài trên
mình ngựa buông tên bắn quạ, lúc múa côn tay âm tay dương đủ tám mặt, khi chậm lúc nhanh, vụt tới lùi sau,
"bắt" trên "chận" dưới rõ ràng đúng cách. Nữ tướng phải thừa nhận là bậc anh tài. Thế rồi từ chiến khu hai vị
Ðại tổng lý Bùi Thị Xuân với Võ Ðình Tú xuống Dõng Hòa thuyết phục tráng sĩ họ Ðặng về với Phong trào
Tây Sơn và đã giới thiệu chàng với Nguyễn Huệ.
Làng Dõng Hòa là một điểm hẹn để bàn đại sự của Nguyễn Nhạc với Châu Văn Tiếp, mặc dù không thành.
Làng Dõng Hòa đã chào đón bước chân anh hùng Nguyễn Huệ ân cần đến thu nhận thêm một tướng tài ba,
góp phần cho những chiến thắng sau này. Làng Dõng Hòa có tên là Kỳ Ðáo từ đó.
VÕ TƯỚNG ÐẶNG XUÂN PHONG
Giã từ quê nhà, Ðặng Xuân Phong theo đoàn quân Nguyễn Huệ và đã tham gia trận Phú Yên. Tống
Phước Hiệp và Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc đang thương lượng về việc lấy nghĩa phò Ðông cung Nguyễn


Phúc Dương. Bất ngờ quân Tây Sơn qua đèo Eo Gió vượt sông La hai tập kích thành Phú Yên. Quân Nguyễn
ra ứng chiến nhưng cả mặt trước và sau đều bị quân Tây Sơn ập vào đánh phá dữ dội. Quân Nguyễn hoảng
hốt bối rối. Tướng Nguyễn Văn Hiền bị Ðặng Xuân Phong bắn chết tại trận. Cai cơ Nguyễn Khoa Kiên bị
Nguyễn Huệ bắt sống. Chủ tướng Tống Phước Hiệp phải bỏ thành tẩu thoát về Nam.
Chiếm thành Phú Yên, Nguyễn Huệ liền xua quân đánh sau lưng quân phòng ngự của Tống Phước Hiệp (lúc
này Lê Văn Hưng với Nguyễn Văn Lộc đóng ở Dương an - Núi Ông - đã vượt đèo Cù Mông hợp với quân
Nguyễn Huệ). Cả hai đạo quân Nguyễn: Thủy quân ở Vũng Lắm cách Phú Yên khoảng 10km, Quân bộ ở
Xuân đài cách Vũng Lắm 4km, bị đánh úp bất ngờ, lực lượng phòng ngự cả thủy lẫn bộ đều bị tiêu diệt.
Nguyễn Huệ lại bố trí đón đánh quân tiếp viện từ Bình khang và Diên khánh. Tướng Nguyễn, Bùi
Công Kế bị bắt sống. Tống Văn Khôi bị chết tại trận. Nguyễn Huệ giao việc phòng thủ Phú Yên cho Lê Văn
Hưng và Nguyễn Văn Lộc rồi kéo binh về Qui Nhơn.
Trong khi Nguyễn Huệ đánh Phú Yên, tướng Trịnh, Hoàng Ngũ Phúc tiến quân thêm bước nữa đóng
tại Châu Ổ giáp giới Qui Nhơn. Ðể yên mặt Bắc, Nguyễn Nhạc đưa tin thắng trận ra cho Hoàng Ngũ Phúc
biết. Lúc này quân Trịnh vì thủy thổ không hạp, nên bị bệnh dịch chết rất nhiều. Hoàng Ngũ Phúc liền xin
chúa Trịnh phong Nguyễn Huệ chức Tây hiệu Tiên phong Tướng quân và rút quân về Thuận hóa.
Quân Trịnh vừa rút khỏi Quảng Nam, hai cựu thần chúa Nguyễn là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân nổi
lên chống Tây Sơn. Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc liền cho Ðặng trấn thủ Quảng Nam với chức Thống chế
quân mã trấn Quảng Nam. Trong thời gian trấn thủ này (1776-1786) quân Trịnh nhiều lần khẩn bức Quảng
Nam, nhưng đều bị Ðặng đánh bại. Ðặng Xuân Phong là người lúc nào cũng đồng cam cộng khổ, xẻ đắng
chia bùi với quân sĩ, lần nào đánh cũng thắng, cho nên trong quân lúc bấy giờ gọi Ðặng là "Lũy Tiệp Tướng
Quân" (Tướng quân nhiều lần thắng trận). Sau chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút 1785, mặt phía Nam đã
bình xong. Năm 1786 vua Thái Ðức biết trấn thủ Thuận hóa Phạm Ngô Cầu là người nhu nhược, vô mưu, lại
tham lam chẳng ngó ngàng gì đến việc binh, nên vua sai Nguyễn Huệ làm Tiết chế đem quân thủy bộ ra đánh
Thuận hóa. Ðặng Xuân Phong được làm Trung quân dưới trướng.
Lấy đất Thuận hóa thì "diệt Trịnh phò Lê" là việc phải làm, nên Nguyễn Huệ tiến quân đánh Trịnh, còn Lũy
tiệp tướng quân được Tiết chế Nguyễn Huệ giao nhiệm vụ giữ đất Thuận hóa.
Năm 1787, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ phong cho Ðặng Xuân Phong chức Kinh lược An phủ sứ bộ Thuận
hóa.
Năm 1792, tiếng chuông nơi Thái miếu ngân lên, tin vua Quang Trung băng, nghĩ ân tri ngộ, báo đền
chi xiết, Ðặng Xuân Phong sững sờ, bất giác lệ anh hùng rơi nhanh. Và từ ấy, lòng ngậm ngùi, thương tiếc

mãi khôn nguôi. Năm Cảnh Thịnh thứ hai, Thái sư Bùi Ðắc Tuyên nắm chính quyền, việc gì cũng quyết đoán
cả, lại triệt thoái quân canh phòng, Ðặng Xuân Quang trở về chầu vua được phong chức Tả quân Ðô đốc Tây
lộ An phủ sứ. Năm Cảnh Thịnh thứ ba, được phong chức Thái phó ban tước Huyện công Tuy Viễn. Nhưng
trước sự đời biến đổi, vua Thái Ðức băng (1793), sự nghiệp lọt hết vào tay Cảnh Thịnh, Ðặng Xuân Phong
thường thầm than: "Ôi ứng mệnh trời cũng nhờ ở thuận lòng người. Nay luân thường đã mất, cơ nghiệp làm
sao vững bền!" Rồi cái chết của Lê Văn Hưng, Ngô Văn Sở và sự phân chia, giết hại lẫn nhau của các đại
thần làm cho Ðặng Xuân Phong ngao ngán. Ông từ quan, lui về quê nhà dưỡng lão. Ðến khi Phú Xuân thất
thủ (1801), vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc thành, biết sớm muộn gì Nguyễn Phúc Ánh cũng thu trọn Bắc Nam,
Ðặng công mời thân bằng cố hữu đến gặp gỡ lần cuối. Khi ấy có người hỏi ông:
- Lúc ngả nghiêng sao không ra trợ giúp mà tính chuyện lánh thân?
Ðặng công đáp:
-Nhớ lời hịch dưới cờ Ðào "Cơn gió mạnh, trận mưa to, không bao giờ kéo mãi được... Chỉ có tưới
mưa dầm khi hạn; kéo cùng dân sa chốn lầm than..." cho nên ngọn cờ nhân nghĩa phấp phới giương cao, kẻ
hào kiệt, người trung nghĩa đông đầy dưới trướng. Hôm nay, Ðức Vũ Hoàng không còn nữa, ai là người đem
cái mơ ước sống đời thịnh trị cho dân? Vậy ta tận trung với ai đây? Vả lại, chiến thắng Ðống Ða trí dũng có
thừa, công đức sánh ngang trời biển, thế mà vua Quang Trung bảo với Ngô Thời Nhậm: "Hai nước mà đánh
nhau thì chỉ khổ dân, vậy nên dùng lời nói khéo để cho khỏi sự binh đao..." Phải chăng người dụng "dĩ hòa vi
quý" để muôn dân khỏi khổ. Nay mai đây, Nguyễn Phúc Ánh gồm thâu Bắc Nam, đám cựu thần Tây Sơn ắt
bị diệt vong, ta lánh mình là phải vậy!
Từ ấy, dân làng không còn thấy bóng dáng Ðặng công và cũng không biết người đi về đâu. Thế nhưng lời
hẹn "Kỳ Ðáo" nơi Gò Ngựa, chỗ nước ngựa Ô Truy tắm (Lỗ Ông Tướng) rồi chạy lên nghỉ mát ở Gò Muồng
luôn sống mãi trong lòng người dân Kỳ Ðáo. Hiện nay còn những câu thơ truyền miệng ở vùng này:
Nhớ thương mưa dập gió dồn
Tháng ngày mặt nước sông Côn thẫn thờ
Non hương ẩn bóng sương mờ
Chiều chiều tựa cửa đợi chờ ai đây.
ÐẶNG CHUYÊN
Ðặc san TÂY SƠN Xuân Bính Tý 1996 .

×