Lão hóa răng miệng ở người cao tuổi
Chăm sóc răng miệng lúc trẻ là bảo đảm tốt nhất để có sức khỏe răng miệng
tốt lúc tuổi già.
Ở người cao tuổi (NCT), bệnh lý toàn thân xuất hiện ngày càng nhiều
ảnh hưởng đến răng miệng và ngược lại, những suy thoái ở răng miệng cũng
tác động đến sức khỏe toàn thân.
Sức khỏe răng miệng rất quan trọng đối với NCT vì họ thường dễ mắc các
bệnh ảnh hưởng đến vùng miệng và lúc đó thì những tổn thương vùng miệng lại
tác động ngược lại đến dinh dưỡng, sức đề kháng và chất lượng cuộc sống. Tuổi
càng cao thì sự lão hóa răng miệng cũng càng tiến triển nhưng không phải là yếu
tố ảnh hưởng chính trên sức khỏe răng miệng. Trong khi đó, các bệnh: sâu răng,
nha chu, bệnh niêm mạc miệng, rối loạn tiết nước bọt, tiêu xương ổ, các bệnh toàn
thân như tiểu đường, tai biến mạch máu não, Alzheimer, các loại thuốc uống
thường xuyên, xạ trị vùng đầu cổ do ung thư... mới là những yếu tố chính làm tổn
thương răng miệng ở NCT. Trái lại, tổn thương răng miệng có thể tạo điều kiện
thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập vào máu hay cơ quan hô hấp gây bệnh nặng
nguy hiểm đến tính mạng.
Lão hóa răng
Quá trình lão hóa gây những biến đổi ở răng gồm: mòn mặt nhai, tuỷ răng
bị xơ teo, giảm mật độ tế bào, tạo ngà thứ cấp, ngà dần bị mất nước, răng giòn dễ
mẻ, dễ bị gãy, tăng tạo xê-măng ở chân răng, tụt nướu, giảm tiết nước bọt, chức
năng nhai giảm sút... Một số người có nhiều răng mang miếng trám lớn nên cũng
dễ bị sâu tái phát. NCT vẫn bị sâu răng mới, tái phát ở thân răng và dễ bị sâu ở
chân răng. Các biện pháp vệ sinh răng miệng đều kém hiệu quả.
Việc điều trị các bệnh răng cho NCT cần phải dùng vật liệu phóng thích
fluor (F) như xê-măng galss ionomer, phòng bệnh bằng F tại chỗ khi thấy có nguy
cơ sâu răng tiến triển do giảm tiết nước bọt. Nên khám định kỳ, thực hiện chế độ
theo dõi tình trạng răng miệng thường xuyên. Những người bị hạn chế về trí tuệ,
vận động nặng cần sự hỗ trợ của người thân hay nhân viên y tế cộng đồng để thực
hiện vệ sinh răng miệng hằng ngày.
Thoái hóa niêm mạc miệng
Biểu mô niêm mạc miệng là biểu mô lát tầng, nó bị teo mỏng dần, mất tính
đàn hồi khi tuổi ngày càng cao. Do khả năng miễn dịch suy giảm nên niêm mạc
miệng dễ bị chấn thương và dễ nhiễm khuẩn. Ở NCT, những biến đổi tại chỗ do
bệnh toàn thân và thuốc làm cho niêm mạc miệng dễ bị một số tổn thương dạng
bóng nước, loét, liken, nhiễm khuẩn và ung thư. Một nghiên cứu cho thấy 90%
ung thư miệng xảy ra ở người trên 50 tuổi, vì vậy cần khám định kỳ để phát hiện
và điều trị sớm ung thư miệng ở NCT.
Suy giảm nước bọt
Nhiều NCT hay than phiền về khô miệng. Những bệnh toàn thân, các thuốc
chữa bệnh và xạ trị là nguyên nhân chủ yếu gây khô miệng. Có hàng trăm thứ
thuốc như thuốc chống trầm cảm, an thần, chống Parkinson... có tác dụng phụ làm
giảm tiết nước bọt. Một số bệnh có thể gây khô miệng như: bệnh Sjogren, bệnh tự
miễn, Alzheimer... Khô miệng có thể gây nhiều tổn thương ở miệng và hầu như:
khô niêm mạc và dễ trầy sướt, giảm khả năng chống nhiễm khuẩn, giảm sự bôi
trơn, tăng nguy cơ viêm nướu, nhiễm nấm, đau, khó ăn, khó nuốt, giảm vị giác...
Để làm giảm khô miệng, cần áp dụng các biện pháp: thay thế thuốc có tác dụng
phụ gây khô miệng, dùng nước bọt nhân tạo; kích thích tuyến nước bọt bằng vị
giác; thực hiện chế độ ăn uống phù hợp; vệ sinh răng miệng tốt...
Rối loạn vận động và suy yếu vị giác
NCT thường bị rối loạn phản xạ nuốt và tư thế cơ miệng. Khả năng nhai và
nuốt ở NCT dù còn đủ răng vẫn kém hiệu quả hơn ở người trẻ. Những bệnh toàn
thân như tai biến mạch máu não, Parkinson hoặc dùng một số thuốc như
phenothiazine dễ gây sặc hay hít thức ăn vào đường thở. Bệnh thoái hoá khớp có
thể ảnh hưởng trên khớp thái dương hàm cũng ảnh hưởng đến khả năng nhai.
Do suy giảm vị giác nên nhiều NCT than phiền là ăn không biết ngon, khó
cảm nhận được mùi và vị của thức ăn. Một số nghiên cứu cho thấy: mùi ít bị ảnh
hưởng do tuổi còn vị giác lại giảm dần khi tuổi tăng lên. Do không cảm nhận được
mùi vị thức ăn, giảm sút về vận động các cơ vùng miệng, giảm tiết nước bọt dễ
làm cho NCT chán ăn dẫn đến bị suy dinh dưỡng, mất nước và bị giảm chất lượng
cuộc sống.
Như vậy, sự lão hóa răng miệng ngày càng nặng khi tuổi càng cao, đồng
thời là hậu quả của các bệnh tại chỗ và toàn thân. Vì vậy, sự chăm sóc răng miệng
lúc trẻ là bảo đảm tốt nhất để có sức khỏe răng miệng tốt lúc tuổi già.