Doanh nghiệp lớn còn ngại
“đám mây”
Công nghệ điện toán đám mây được nhắc đến rất nhiều trong vài tháng qua
với những lợi ích to lớn và những rủi ro tiềm ẩn không nhỏ cho doanh
nghiệp sử dụng. Nhưng có điều khá thú vị là trong lúc nhiều doanh nghiệp
nhỏ bắt đầu tiếp cận với các dịch vụ đám mây thì những công ty lớn lại tỏ ra
dè dặt.
Trong năm nay, Netflix đưa ra một sự lựa chọn mà bề ngoài trông khá khác
thường. Công ty cho thuê đĩa DVD qua thư tín này quyết định rằng trong hai
năm tới, họ sẽ chuyển hầu hết công nghệ web của mình lên máy chủ của một
trong những đối thủ chính là Amazon.com.
Lý giải về việc trói buộc tương lai của công ty vào một đối thủ tiềm tàng,
ông Kevin McEntee, Phó chủ tịch kỹ thuật của Netflix, nói: “Lợi ích của họ
là giúp chúng tôi thành công trên đám mây. Vì thế chúng tôi cảm thấy thoải
mái”. Ông McEntee cho biết thêm công ty ông muốn tập trung vào công việc
kinh doanh hơn là xây dựng trung tâm dữ liệu.
Doanh nghiệp nhỏ đón nhận
Cũng như Netflix, Amazon muốn phân phối phim đến nhà người sử dụng
thông qua Internet. Dù vậy, nhà bán lẻ này còn có một tham vọng lớn hơn:
cho các công ty thuê sử dụng hạ tầng công nghệ từ xa để vận hành những
hoạt động máy tính của họ. Khi đó, theo thuật ngữ của giới công nghệ,
những công ty này sẽ hoạt động trên “đám mây”.
Nghe có vẻ xa xôi nhưng ý tưởng này thực ra khá đơn giản. Nhà cung cấp
dịch vụ điện toán đám mây, từ những “đại gia” như Amazon, Microsoft,
Google, AT&T cho đến những công ty nhỏ hơn như Rackspace,
Terremark…, muốn thuyết phục khách hàng từ bỏ việc tự xây dựng và quản
lý trung tâm dữ liệu, thay vào đó sử dụng năng lực điện toán của họ.
Trong mô hình của Amazon, khách hàng không phải tốn chi phí phần cứng
mà chỉ phải trả tiền cho những quy trình điện toán họ sử dụng. Ngoài ra, các
công ty cũng có thể sử dụng Amazon như là một hệ thống sao lưu để đáp
ứng nhu cầu điện toán tăng vọt đột ngột hoặc có thêm nơi lưu trữ thông tin
phòng trường hợp xảy ra thảm họa. Trong một mô hình đám mây khác, các
nhà cung cấp (như Vmware, IBM…) giúp doanh nghiệp lớn phát triển
những “đám mây cá nhân” ngay tại trung tâm dữ liệu của họ để những công
ty này có thể thuê sử dụng khi cần.
Ý tưởng cho thuê sức mạnh điện toán đã có từ vài thập kỷ trước nhưng đây
là thời điểm ngành công nghiệp công nghệ đủ phát triển cho một mô hình
như thế. Ban đầu, phần lớn nhà cung cấp dịch vụ đám mây hướng đến các
công ty nhỏ hoặc mới thành lập, như các nhà phát triển ứng dụng cho mạng
xã hội Facebook và điện thoại iPhone.
Do ít có gì vướng bận, nhiều công ty mới đã chọn đi theo mô hình điện toán
đám mây. Chẳng hạn như công ty sản xuất thiết bị mạng Arista Networks -
được thành lập năm năm trước - dùng phần mềm của công ty đám mây
NetSuite để quản lý công việc kinh doanh, sử dụng phần mềm e-mail doanh
nghiệp trên Google Apps và thuê hạ tầng web của Amazon. Ông Andreas
von Bechtolsheim, người đồng sáng lập công ty Arista, nhận định: “Mọi việc
trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đối với một công ty mới như Arista, chúng tôi sẽ
không cần phải xây bất kỳ trung tâm dữ liệu truyền thống nào cả”.
Doanh nghiệp lớn còn dè dặt
Amazon cung cấp ít thông tin về hoạt động của bộ phận đám mây Amazon
Web Services, nhưng Citibank ước tính rằng bộ phận này sẽ mang lại doanh
thu từ 500 đến 700 triệu đô-la trong năm nay, chiếm chưa đến 3% doanh thu
hằng năm của Amazon.
Dù vậy, ông Jeffrey P. Bezos, Giám đốc điều hành Amazon, ước tính rằng
bộ phận điện toán đám mây của công ty một ngày nào đó sẽ mang lại doanh
thu nhiều như hoạt động bán lẻ hiện nay. Để điều đó xảy ra, Amazon, cũng
như các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác, sẽ cần nỗ lực tiếp tục thuyết
phục được các doanh nghiệp lớn.
Dù đa số công ty lớn đã đi những bước đầu tiên vào “đám mây”, thì nhiều
công ty vẫn còn lo lắng về những rủi ro tiềm tàng trong nó, như sự an toàn
của dữ liệu nhạy cảm, tình trạng không thể truy xuất dữ liệu hoặc phân phối
dữ liệu chậm trên “đám mây”. Quan trọng hơn, họ chưa sẵn sàng đưa những
phần mềm và hoạt động kinh doanh quan trọng của mình lên máy tính của
công ty khác.
Dave Powers, một kỹ sư hệ thống cao cấp tại tập đoàn dược phẩm Eli Lilly,
thừa nhận: “Cũng như những công ty khác, chúng tôi vẫn lo lắng về vấn đề
riêng tư, bảo mật và tuân thủ quy định. Chúng tôi rất cẩn thận trong việc đưa
những gì lên đám mây”. Eli Lilly hiện đang sử dụng dịch vụ đám mây của
Amazon để phục vụ một số công việc phát triển và nghiên cứu của mình.
Để xoa dịu những mối lo ngại này, Google vừa tổ chức một cuộc hội thảo
kéo dài cả ngày tại thành phố Mountain View với mục đích thuyết phục các
doanh nghiệp lớn sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của mình, như phần
mềm e-mail và kinh doanh. Trong khi đó, Amazon Web Services phái nhân
viên đến các thành phố để thuyết phục các doanh nghiệp, kể cả những công
ty có thể cạnh tranh với Amazon, ngưng xây dựng trung tâm dữ liệu và
chuyển dữ liệu của họ lên máy chủ của mình.