Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Tài liệu Lịch Sử Hình Thành Và Các Đặc Trưng Ngữ Âm, Từ Vựng docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (161.97 KB, 13 trang )

Tiếng Việt Nam Bộ:Lịch Sử Hình Thành
Và Các Đặc Trưng Ngữ Âm, Từ Vựng

Tính đến nay, tiếng Việt Nam Bộ, một bộ phận của tiếng Việt thống nhất, đã có 4 thế kỷ
hình thành, phát triển. Các yếu tố làm hình thành tiếng Việt Nam Bộ cũng là những yếu
tố làm hình thành tập hợp cư dân ở nơi đây: di dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng và
Nam Trung Bộ, người Chăm, người Khmer, người Hoa. Người Pháp, người Mỹ, mặc dù
đã rút đi sau khi kết thúc chiến tranh, nhưng cũng đã để lại nơi đây những dấu ấn sâu đậm
về ngôn ngữ và văn hoá. Các nhóm cư dân ấy đã cung cấp cho nhau vốn liếng ngôn ngữ
sẵn có của mình, đồng thời cùng nhau sáng tạo, phát triển vốn liếng ngôn ngữ sẵn có để
nó có thể phản ánh không gian văn hoá mới và các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội gắn
liền với không gian văn hoá mới. Chính vì vậy, tiếng Việt Nam Bộ ngày nay có những
đặc trưng về ngữ âm và từ vựng rất khác biệt với các phương ngữ Bắc, Trung. Hiện nay,
sự khác biệt đó vẫn đang tiếp tục gia tăng. Đó là vì ở nước ta, từ trước đến nay, các luồng
di dân chỉ diễn ramột chiều từ Bắc vào Nam. Và từ thời kỳ Đổi mới, hàng vạn người
phương Tây, phương Đông đã quay trở lại Việt Nam mà nơi thu hút nhất chính là Nam
Bộ. Do đó, khác với tiếng Việt ở miền Bắc, miền Trung, tiếng Việt ở Nam Bộ có điều
kiện để phát triển, biến đổi nhanh hơn.


Bài viết này nguyên là một phần của chuyên đề ngôn ngữ học biên soạn cho lớp diễn viên
lồng tiếng (tháng 7 - tháng 8/2009) của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đào tạo Truyền
thông Trí Việt, thành phố Hồ Chí Minh. Nay chúng tôi hoàn chỉnh và công bố ở đây để
cung cấp thông tin tư liệu cho tất cả những bạn đọc quan tâm.
ooOoo

1. CÁC PHƯƠNG NGỮ TIẾNG VIỆT: LỊCH SỬ HÌNH THÀNH & SỰ KHÁC BIỆT
VỀ NGỮ ÂM, TỪ VỰNG
1.1. Sơ lược về lịch sử hình thành các phương ngữ tiếng Việt
(1) Ngôn ngữ là một khái niệm trừu tượng chỉ phương tiện giao tiếp chủ yếu của con
người. Vì con người bao gồm các cộng đồng người cụ thể, nên ngôn ngữ cũng được biểu


hiện thông qua ngôn ngữ của các cộng đồng người cụ thể. Nếu cộng đồng người đó là
một tộc người, chúng ta có ngôn ngữ tộc người. Và trong phạm vi một tộc người, ngôn
ngữ lại được biểu hiện thông qua các phương ngữ địa lý (geographical dialects) và các
phương ngữ xã hội (social dialects). Các phương ngữ địa lý lại có thể bao gồm một số thổ
ngữ (local dialects, patois) có địa bàn phân bố hẹp hơn.Viết lại lịch sử hình thành, nhận
diện sự khác biệt về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và về vai trò của các phương ngữ địa lý,
là nhiệm vụ của phương ngữ học địa lý (geographical dialectology).
Tiếng Việt là một ngôn ngữ tộc người, một ngôn ngữ quốc gia có tính thống nhất cao.
Tuy nhiên, sự gián đoạn về thời gian và không gian trong lịch sử phát triển của tiếng Việt
cũng đã gây ra nhiều điểm khác biệt trong tiếng nói của các vùng miền, làm hình thành
các phương ngữ và thổ ngữ. Theo quan điểm của đa số các nhà nghiên cứu về phương
ngữ tiếng Việt, có thể chia tiếng Việt thành 3 phương ngữ chính:

- Phương ngữ Bắc: phân bố ở Bắc Bộ.
- Phương ngữ Trung: phân bố ở Bắc Trung Bộ (Thanh - Nghệ - Tĩnh) và Trung Trung Bộ
(Bình - Trị - Thiên).
- Phương ngữ Nam: phân bố ở Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) và Nam Bộ.
Giữa 3 phương ngữ chính có hai vùng chuyển tiếp: tiếng Việt Thanh Hoá thuộc phương
ngữ Trung nhưng có những yếu tố chuyển tiếp từ phương ngữ Bắc; tiếng Việt Quảng
Nam thuộc phương ngữ Nam nhưng có những yếu tố chuyển tiếp từ phương ngữ Trung.
(2) Sự hình thành các phương ngữ tiếng Việt trước hết do nguyên nhân lịch sử. Trong
suốt thời Bắc thuộc và giai đoạn đầu của thời tự chủ, vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ
là nơi cư dân Việt-Mường tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ, văn hoá của người Tày,
người Hán. Vì vậy trong tiếng Việt-Mường vùng này đã diễn ra những biến đổi sâu sắc
về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, theo hướng cởi bỏ các đặc trưng Mon-Khmer, khoác lên
những đặc trưng của các ngôn ngữ Tày-Thái và ngôn ngữ Hán: rơi rụng âm tiết phụ, rơi
rụng phụ tố, biến đổi phụ âm cuối, hình thành thanh điệu. Những biến đổi này diễn ra ở
trung du và đồng bằng nhanh hơn ở miền núi, ở Bắc Bộ nhanh hơn ở Bắc Trung Bộ. Kết
quả là vào cuối thời Bắc thuộc, tiếng Việt và tiếng Mường đã chia tách thành hai ngôn
ngữ, tiếng Việt ở Bắc Bộ và tiếng Việt ở Bắc Trung Bộ cũng chia tách thành hai phương

ngữ. Đến khoảng thế kỷ XII, tiếng Việt ở Bắc Bộ đã hình thành đến 6 thanh điệu; trong
khi tiếng Việt ở Bắc và Trung Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Bắc Quảng Trị chỉ có 5 thanh
điệu, thậm chí một số thổ ngữ cổ ở vùng này chỉ có 4 thanh điệu. Tương tự, từ vựng gốc
Tày và gốc Hán rất phát triển trong tiếng Việt Bắc Bộ; trong khi từ vựng gốc Mon-Khmer
lại được bảo lưu rất nhiều trong tiếng Việt ở Bắc và Trung Trung Bộ.
Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, khi lãnh thổ Đại Việt dần dần mở rộng đến Bình Định
(1471) và Bình Thuận (1697), thì di dân người Việt đến định cư trên vùng đồng bằng
Nam Trung Bộ hầu hết đều có nguồn gốc từ Bắc và Trung Trung Bộ. Từ đó, phương ngữ
tiếng Việt ở Nam Trung Bộ đã hình thành trên cơ sở kế thừa các đặc điểm của phương
ngữ Trung và tiếp biến các đặc điểm của tiếng Chăm.
Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, khi lãnh thổ Đại Việt tiếp tục mở rộng đến hết vùng
đất Nam Bộ ngày nay, thì di dân người Việt đến định cư trên vùng đồng bằng Nam Bộ
hầu hết đều có nguồn gốc từ vùng "Ngũ Quảng", tức Quảng Bình - Quảng Trị - Quảng
Đức - Quảng Nam - Quảng Ngãi, mà đông đảo nhất là bộ phận người Việt cư ngụ ở Nam
Trung Bộ, liền kề với Nam Bộ. Từ đó, phương ngữ tiếng Việt ở Nam Trung Bộ đã mở
rộng địa bàn đến Nam Bộ, tiếp biến thêm một số đặc điểm của tiếng Hoa, tiếng Khmer để
trở thành phương ngữ Nam. Phương ngữ Nam gồm hai bộ phận: Nam Trung Bộ và Nam
Bộ, có đôi chút khác biệt với nhau. Tuy nhiên, về cơ bản hai bộ phận đó khá tương đồng,
nên đa số các nhà nghiên cứu không tách chúng thành hai phương ngữ.

Sự hình thành các phương ngữ tiếng Việt còn do nguyên nhân địa lý. Do hình thể đất
nước trải dài từ Bắc xuống Nam, bị ngăn cách bởi các dãy núi ngang ở miền Trung như
Tam Điệp, Hoành Sơn, Bạch Mã... là những rào cản tự nhiên mà thời xưa rất khó vượt
qua, nên cho đến trước thế kỷ XX, giao lưu giữa các đồng bằng Trung Bộ với các vùng
miền khác rất khó khăn. Trong suốt nhiều thế kỷ, quan hệ giao lưu phổ biến ở các đồng
bằng Trung Bộ chỉ là giao lưu nội vùng giữa tiếng Việt, văn hoá Việt với ngôn ngữ, văn
hoá của các tộc người thiểu số cộng cư. Kế đó là quan hệ giao lưu với nước ngoài, thông
qua một số ít cảng thị như Hội An, Đà Nẵng. Sau nữa là quan hệ giao lưu giữa đồng bằng
Nam Trung Bộ với đồng bằng Nam Bộ thông qua đường biển, tận dụng hai mùa gió Nồm
và gió Bấc. Chính vì vậy, dải đất Trung Bộ là nơi hình thành nhiều phương ngữ và thổ

ngữ nhất nước ta. Tuy nhiên, nhờ duy trì được quan hệ giao lưu tương đối thường xuyên
nên tiếng Việt của đồng bằng Nam Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ không khác nhau
nhiều.
Sự hình thành các phương ngữ tiếng Việt còn do nguyên nhân kinh tế. Văn hoá Việt
nguyên là một nền văn hoá gốc nông nghiệp với những đặc trưng chính yếu là định cư
thành làng xóm, canh tác lúa nước ở đồng bằng, tự cung tự cấp, v.v. Do đó, sự giao lưu
giữa các nhóm dân cư phần nhiều chỉ giới hạn trong những nhu cầu trao đổi một số sản
phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp mà các làng xóm, làng nghề trong vùng sản xuất
ra. Vì vậy, sự phân hoá về ngôn ngữ diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với những tộc người
lấy du mục hoặc thương nghiệp làm hoạt động kinh tế chính yếu. Do hoạt động du mục
và do hoạt động giao thương, ở những tộc người đó xu hướng thống nhất ngôn ngữ mạnh
hơn xu hướng phân ly.
Tóm lại, sự hình thành các phương ngữ tiếng Việt có bốn nguyên nhân chính: nguyên
nhân lịch sử, nguyên nhân địa lý, nguyên nhân kinh tế, nguyên nhân tiếp xúc ngôn ngữ -
văn hoá. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như nguyên nhân xã hội (sự kiêng kỵ,
sự kỵ huý), nguyên nhân ngôn ngữ (sự biến âm, biến nghĩa)...

1.2. Sơ lược về sự khác biệt ngữ âm, từ vựng giữa các phương ngữ tiếng Việt
(1) Một khi vẫn còn là phương ngữ thì các phương ngữ vẫn có những đặc trưng chung về
ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, hợp thành bộ mã giao tiếp chung, thống nhất. Nhờ đó, các
cộng đồng phương ngữ mới có thể giao tiếp với nhau và nhận ra mình cùng thuộc về một
cộng đồng ngôn ngữ, cộng đồng xã hội lớn hơn. Các phương ngữ tiếng Việt cũng vậy: rất
thống nhất với nhau về ngữ pháp, và cùng sở hữu chung một số phương tiện ngữ âm và
từ vựng. Nhưng bên cạnh đó, mỗi phương ngữ lại sử dụng một số phương tiện từ vựng,
ngữ âm riêng, phân biệt với các cộng đồng phương ngữ khác. Mặt khác, tác dụng, ảnh
hưởng của từng phương ngữ đối với ngôn ngữ văn hoá, ngôn ngữ quốc gia cũng có khác
nhau.
(2) Về ngữ âm, chỉ phương ngữ Bắc mới có đủ 6 thanh; còn từ Thanh Hoá cho đến hết
Nam Bộ, chỉ có 5 thanh, vì 2 thanh HỎI - NGÃ không chia tách. Ngoài ra, ở Nghệ An,
Hà Tĩnh, Quảng Bình, có ít nhất 5 thổ ngữ chỉ sử dụng 4 thanh. Trong phương ngữ Bắc,

các cặp phụ âm đầu R - D/GI, S - X, TR - CH không chia tách; nhưng từ Nghệ An cho
đến hết Nam Bộ, các cặp phụ âm này chia tách tương đối rõ. Phương ngữ Bắc, phương
ngữ Trung, và cả vùng Quảng Nam, đều phân biệt hai phụ âm V - D/GI; nhưng từ Quảng
Ngãi cho đến hết Nam Bộ, phụ âm V được phát âm như phụ âm D/GI; v.v. [1]

(3) Về từ vựng, phương ngữ Bắc tiếp biến nhiều từ ngữ gốc Tày và gốc Hán hơn các
phương ngữ Trung, Nam. Phương ngữ Trung bảo lưu nhiều từ ngữ gốc Mon-Khmer và
tiếp biến nhiều từ ngữ gốc Chăm hơn phương ngữ Bắc. Phương ngữ Nam đặc biệt là
tiếng Việt Nam Bộ thì ngoài hai đặc điểm bảo lưu nhiều từ ngữ gốc Mon-Khmer và tiếp
biến nhiều từ ngữ gốc Chăm, còn có thêm đặc điểm là tiếp biến nhiều từ ngữ gốc Hoa và
gốc Khmer. V.v.


2. TIẾNG VIỆT NAM BỘ: ĐẶC TRƯNG NGỮ ÂM, TỪ VỰNG
2.1. Các đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt Nam Bộ
(1) Chỉ có 5 thanh điệu, trong đó thanh gọi là thanh HỎI thật ra tương đương với 2 thanh
HỎI - NGÃ trong phương ngữ Bắc. Đặc điểm này khiến cho người Việt Nam Bộ thường
viết sai chính tả ở hai thanh HỎI - NGÃ hơn so với người Việt Bắc Bộ.

(2) Các cặp phụ âm đầu R - D/GI, S - X, TR - CH được chia tách tương đối rõ. Đặc điểm
này khiến cho người Việt Nam Bộ ít viết sai chính tả ở các phụ âm này hơn so với người
Việt Bắc Bộ. Tuy nhiên, mức độ chia tách không đều. Ở một số nơi có tiếp biến với tiếng
Hoa (Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang...), phụ âm ngoặt lưỡi R biến
thành phụ âm G hoặc J, phụ âm ngoặt lưỡi S biến thành phụ âm X, phụ âm ngoặt lưỡi TR
biến thành phụ âm CH: "Bắt con cá GÔ bỏ GỔ, nó nhảy GÔỘC GÔỘC!"; "Cả bó JAO
JẦY mà CHẢ có năm CHĂM đồng bạc, làm XAO mà bán!".

(3) Không có 3 phụ âm xát V, D/GI, CH, thay vào đó là 2 phụ âm tắc J, CH. Phụ âm J
tương ứng với V, D/GI, còn phụ âm CH tắc tương ứng với CH xát trong phương ngữ
Bắc. Đặc điểm này khiến cho người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả ở các phụ âm

V, D/GI hơn so với người Việt Bắc Bộ.
(4) Không có âm đệm U/O, vì âm đệm bị rơi rụng: buýt => BÍT; chuyên => CHIÊNG;
duyên=> DIÊNG; đoàn => ĐOÒNG/ĐÀNG; goá => JÁ; khuya => PHIA; luyện =>
LIỆNG; noãn => NOÕNG;nhuyễn => NHIỄNG; phuy => PHI; roảng => ROỎNG; soát
=> SOÓC; toàn => TOÒNG/TÀNG;truyền => TRIỀNG; thoáng => THOÓNG; xoa =>
XO... Đặc điểm này khiến cho người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả ở các tiếng có
âm đệm hơn so với người Việt Bắc Bộ.
(5) Hình thành phụ âm xát môi-mạc hữu thanh W từ sự hoà nhập của âm đệm vào 4 phụ
âm đầu K, NG, H, ? (phụ âm tắc thanh hầu không được thể hiện trên chữ viết): qua =>
WA; ngoại => WẠI; hoãn => WÃNG; oà => WÀ. Đặc điểm này cũng khiến cho người
Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả ở các tiếng có âm đệm hơn so với người Việt Bắc
Bộ.
(6) Số lượng và cách phân bố các cặp nguyên âm đối lập dài - ngắn khác hẳn phương ngữ
Bắc. Đặc điểm này khiến cho người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả ở phần vần
hơn so với người Việt Bắc Bộ.
- Có những cặp nguyên âm đối lập dài - ngắn tương tự phương ngữ Bắc, nhưng khác về
quy tắc kết hợp với phụ âm cuối: I DÀI (y, im, ip) - I NGẮN (in, inh, it, ich); Ơ DÀI (ơ,
ơn, ên, ênh) - Ơ NGẮN (ân, âng, ât, âc); A DÀI (a, an, ang) - A NGẮN (ăn, ăng, anh).
- Có các nguyên âm Ê DÀI (ê, êp, êm), E DÀI (e, en, eng), nhưng không có các nguyên
âm Ê NGẮN (ênh, êch), E NGẮN (anh, ach) để đối lập với Ê DÀI (ê, ên, êt), E DÀI (e,
en, et) như trong phương ngữ Bắc.
- Có những nguyên âm ngắn không có trong phương ngữ Bắc, đi đôi với các nguyên âm
dài tương ứng: Ư DÀI (ư) - Ư NGẮN (ưn, ưng, ưc); U DÀI (u) - U NGẮN (un, ung, uc);
Ô DÀI (ô, ôn,ôông) - Ô NGẮN (ông, ôc); O DÀI (o, on, oong) - O NGẮN (ong, oc);...

(7) Số lượng phần vần ít hơn phương ngữ Bắc, do sự đồng nhất của các vần: ên = ênh; êt
=êch; iêt = iêc; im = iêm; in = inh; ip = iêp; it = ich; iu = iêu; oc = ôc; oi = ôi; om = ôm =
ơm; ong =ông; op = ôp = ơp; ưn = ưng; ươi = ưi; ươt = ươc; ươu = ưu = u; ưt = ưc; v.v.
Đặc điểm này làm gia tăng hiện tượng đồng âm dị nghĩa, đồng âm dị tự, và khiến cho
người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả ở phần vần hơn so với người Việt Bắc Bộ.

(8) Bảo lưu nhiều hình thức ngữ âm đặc thù, thường là hình thức ngữ âm cổ:

Phương ngữ Bắc - Tiếng Việt Nam Bộ
bệnh - bịnh
cục - cuộc
chân - chưn
chính - chánh
chuột nhắt - chuột lắt
doanh - dinh
đĩa - dĩa
giầu - trầu
giun - trùn
hạt - hột
hoà - huề
hoãn - huỡn
hồng - hường
kênh - kinh
ngẩng - ngửng
nhất - nhứt
nhọ - lọ
quyền - quờn
tầng - từng
thật - thiệt
thư - thơ
trượt - trợt
vào - vô
v.v.
Phương ngữ Bắc - Tiếng Việt Nam Bộ
cảnh - kiểng
cưỡi - cỡi

chấy - chí
chu - châu
dĩa - nĩa
đắt - mắt
giật - giựt
gio - tro
gửi - gởi
hoa - huê
hoàn - huờn
hoàng - huỳnh
hôn - hun
kính, gương - kiếng
ngửi - hửi
nhật - nhựt
nhòm - dòm
rết - rít
tôi - tui
thối - thúi
thư ký - thơ ký
vàng anh - hoàng oanh
vẹt - két
v.v.

2.2. Các đặc trưng từ vựng của tiếng Việt Nam Bộ
(1) Sự phong phú đến mức cực đại về các từ ngữ biểu thị đồng bằng sông nước: Do điều
kiện địa lý đặc thù nên cách thức hoạt động sản xuất của cư dân Nam Bộ mang đặc trưng

×