Bài thuốc chữa sốt xuất huyết
Việc điều trị sốt xuất huyết có thể kết hợp giữa Đông và Tây y. Mùa
mưa đang bắt đầu, và bệnh sốt xuất huyết cũng rục rịch gia tăng.
Bệnh do ôn tà
Sốt xuất huyết còn gọi là sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm cấp do virus
Dengue gây ra. Virus Dengue thuộc họ Flavirus có 4 týp kháng nguyên D1, D2,
D3, D4. Virus truyền bệnh từ người bệnh sang người lành qua muỗi Adres
Aegypti là chính. Trong tự nhiên, virus này có ở khỉ. Bệnh tản phát, gây dịch
quanh năm, cao điểm vào các tháng 6, 7, 8, 9, nhiều nhất là ở các tỉnh phía Nam.
Theo y học cổ truyền, sốt xuất huyết là bệnh do ôn tà xâm phạm vệ khí
huyết, phần nhiều có tính chất nhiệt nên bắt huyết vọng hành gây chứng xuất
huyết. Bệnh có ở cả người lớn và trẻ em, nhưng ở trẻ em thường nguy hiểm hơn
và dễ gây thành dịch.
Triệu chứng và điều trị theo từng giai đoạn
Ở giai đoạn sốt cao xuất huyết (nhiệt độc vào phần vệ, phần khí) thường
người bệnh có sốt cao li bì, mệt mỏi, miệng khô, khát nước, nhức mỏi các khớp
xương, cột sống lưng, tiểu tiện ít, có khi đỏ, đại tiện táo, buồn nôn có thể nôn ra
máu do xuất huyết đường tiêu hóa, trên da có nhiều nốt xuất huyết, sắc mặt đỏ, rêu
lưỡi vàng.
Phương pháp chữa lúc này là thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết (chỉ huyết,
giải độc).
Tùy điều kiện, dùng một trong các bài thuốc sau: kim ngân 12g, cỏ nhọ nồi
18g, mã đề 10g, rau má 10g, lá tre (trúc diệp) 10g, cúc hoa 16g, rễ cỏ tranh 10g,
sinh địa 10g, cây cối xay 10g, lá khế 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.
Hoặc dùng bài thuốc gồm: lá tre 16g, gừng tươi 4g, cỏ nhọ nồi 26g, rau má
10g, rễ cỏ tranh 16g, trắc bá diệp 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần. Hay
bài: kim ngân hoa 12g, huyền sâm 10g, bột sừng trâu 10g, liên kiều 10g, xích
thược 10g, thạch cao sống 20g, cam thảo 4g, đơn bì 12g, sinh địa 12g, gừng tươi
16g. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.
Giai đoạn thanh nhiệt, giải nhiệt - nếu nhiệt vào lạc có thể gây xuất huyết
dưới da, nếu vào mạch gây chảy máu trong (nôn máu, ỉa máu). Phép chữa là hanh
nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết.
Có thể dùng một trong các bài thuốc sau: cỏ nhọ nồi tươi 16g, hạ khô thảo
10g, cối xay sao vàng 8g, rễ cỏ tranh 16g, sài đất 16g, hòe hoa sao vàng 10g, kim
ngân hoa 10g, gừng tươi 3 lát.
Giai đoạn chính khí chưa suy vong, khí âm bị tổn thương gây nhiệt quyết.
Người nóng, chân tay lạnh, vật vã (sốt có huyết áp kẹt), thường có táo bón, dùng
bài gồm: sinh thạch cao 40g, cam thảo 8g, tri mẫu 12g, nhân sâm 8g, ngạnh mễ
12g, xương bồ 8g.
Nếu có táo kết, phải thông tiết nhiệt dùng bài gồm: đại hoàng 3g, chỉ xác
2g, cam thảo 1g, đem tán bột uống hoặc sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Giai đoạn mất máu nhiều gây khí thoát, hoặc chính khí và âm khí đều kiệt
gây vong dương, chân tay quyết lạnh, mạch vi muốn tuyệt gọi là hàn quyết thì cho
dùng 1 trong 2 bài thuốc sau: nhân sâm 4-6g (sắc uống 1 lần). Hoặc đương quy 8g
sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Ở giai đoạn bệnh hồi phục - hết xuất huyết, người mệt mỏi ăn uống kém,
hâm hấp sốt về chiều, đại tiện táo, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng,
mạch nhỏ. Nếu có các triệu chứng mệt mỏi, tay chân lạnh, chán ăn, ra mồ hôi,
nước tiểu trong, đại tiện lỏng thì dùng bài thuốc gồm: đảng sâm 12g, trần bì 6g,
bạch biển đậu 12g, ý dĩ 10g, nhục đậu khấu 8g, liên nhục 12g, hoài sơn 12g, mạch
nha 8g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu có các triệu chứng chán ăn,
miệng khát, môi khô, tiểu tiện ít, táo bón, chất lưỡi đỏ... thì dùng bài thuốc gồm:
nhân sâm 10g, ngũ vị tử 8g, mạch môn 12g, thạch hộc 12g, sa sâm 12g. Sắc uống
ngày 1 thang.
Lo ngại trước tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng khi mùa mưa đến, Sở
Y tế (TP.HCM) cũng vừa lập kế hoạch phòng chống bệnh trên toàn thành phố.
Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận hơn 30 trường hợp
mắc sốt xuất huyết. Còn cả phía Nam tính từ đầu năm đến đầu tháng 5, tổng số ca
mắc sốt xuất huyết tại 20 tỉnh thành phía Nam đã hơn 9 ngàn người (trong đó có 5
ca tử vong). TP.HCM nằm trong số những địa phương nóng của bệnh này.