Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Viêm khớp nhiễm khuẩn doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (184.48 KB, 5 trang )

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Tụ cầu vàng gây bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn đến 70% trường hợp
Viêm khớp nhiễm khuẩn hay viêm khớp sinh mủ là viêm khớp do vi khuẩn
sinh mủ không đặc hiệu, không phải do lao, phong, nấm, ký sinh trùng hay virut
gây nên mà nguyên nhân chính là do tụ cầu vàng (50-70% trường hợp), liên cầu,
phế cầu, lậu cầu, não mô cầu... Có khoảng 10% trường hợp nhiễm đồng thời nhiều
loại vi khuẩn, thường gặp sau chấn thương.
Đường lây nhiễm bệnh
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh do vi khuẩn lan truyền theo đường máu
xâm nhập vào khớp. Có thể theo đường kế cận từ nhiễm khuẩn xương hoặc phần
mềm cạnh khớp. Hoặc nhiễm khuẩn trực tiếp sau chấn thương, sau tiêm khớp hoặc
sau phẫu thuật. Trong trường hợp nhiễm khuẩn theo đường máu, vi khuẩn từ các
mao mạch màng hoạt dịch khớp xâm nhập vào màng hoạt dịch, bám dính tại chỗ
gây phản ứng tập trung bạch cầu trung tính sau ít giờ. Trong vòng 48 giờ sụn khớp
bị tổn thương do vi khuẩn kích thích các tế bào sụn giải phóng các protease, các
cytokin, do sự xâm nhập trực tiếp của vi khuẩn và các tế bào viêm vào sụn. Trên
mô bệnh học có thể tìm thấy vi khuẩn ở lớp bề mặt màng hoạt dịch và sụn khớp
cũng như các ổ áp-xe nhỏ trên bề mặt màng hoạt dịch khớp, sụn khớp, thậm chí cả
ở lớp xương dưới sụn trong các trường hợp nặng. Màng hoạt dịch tăng sinh tạo
thành hình ảnh màng máu (pannus) phủ trên bề mặt sụn khớp. Vi khuẩn cũng gây
viêm tắc các mạch máu màng hoạt dịch.
Chẩn đoán bệnh dựa vào những biểu hiện nào?
Bệnh nhân có thể có tiền sử khỏe mạnh, tuy nhiên có tỷ lệ cao các trường
hợp viêm khớp nhiễm khuẩn xảy ra trên nền bệnh nhân mắc các bệnh như viêm
khớp dạng thấp, bệnh lý mạch máu, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, dùng
corticoid kéo dài, loét da do viêm mạch, do tì đè...
Vị trí tổn thương: 90% bệnh nhân có tổn thương một khớp, trong đó khớp
gối hay gặp nhất, ít gặp hơn là các khớp háng, vai, cổ tay, cổ chân, khuỷu tay...
Các khớp nhỏ của bàn tay hay bàn chân thường gặp trong những trường hợp tiêm
tại chỗ trực tiếp hoặc do bị động vật cắn. Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử


dùng thuốc truyền đường tĩnh mạch, tỷ lệ viêm khớp tại cột sống, khớp cùng chậu,
khớp ức đòn cao hơn viêm các khớp ngoại biên. Viêm nhiễm khuẩn nhiều khớp
hay gặp nhất ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
Triệu chứng tại khớp: Viêm khớp biểu hiện bởi các triệu chứng sưng, nóng,
đỏ, đau. Có thể tràn dịch khớp, co cơ, hạn chế vận động. Tuy nhiên trong trường
hợp khớp nằm ở vị trí sâu như khớp háng hoặc khớp cùng chậu thì khó phát hiện
sưng khớp. Có thể gặp viêm mô tế bào, viêm bao thanh dịch, cốt tủy viêm cấp với
các triệu chứng lâm sàng tương tự. Tuy nhiên các bệnh cảnh trên có thể phân biệt
với viêm khớp nhiễm khuẩn ở đặc điểm thường bệnh nhân không hoặc hạn chế
vận động khớp.
Triệu chứng ngoài khớp: Hội chứng nhiễm khuẩn với sốt cao thường trên
38oC, có khi đến 40oC hoặc hơn, có khi rét run. Tuy nhiên sốt cao không thường
gặp ở những bệnh nhân già yếu, suy giảm miễn dịch hoặc đang mắc bệnh viêm
khớp dạng thấp.
Ngoài ra, có thể chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng cận lâm sàng như
tế bào máu ngoại biên, chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính, soi tươi, xét nghiệm
dịch khớp...
Các bệnh dễ nhầm với viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp do gút cấp: Viêm khớp do gút cấp triệu chứng viêm rầm rộ,
sưng nóng đỏ đau đột ngột, thường vị trí ở các khớp chi dưới, đặc biệt bàn ngón
chân. Tuy nhiên khi hỏi tiền sử thường có những đợt viêm tương tự, thời gian kéo
dài không quá 2 tuần, thường khởi phát sau bữa ăn thịnh soạn. Điều trị bằng
colchicin hoặc chống viêm giảm đau không steroid đáp ứng nhanh.
Trường hợp viêm khớp do lao: Triệu chứng viêm kém rầm rộ, sưng nóng
đỏ đau ít. Triệu chứng toàn thân kín đáo (sốt nhẹ về chiều, gầy sút, nổi hạch ngoại
biên...), có thể gặp các tổn thương lao ở vị trí khác (phổi). Các xét nghiệm về lao
dương tính.
Với trường hợp viêm khớp do virut, nấm, kí sinh trùng: dựa vào các triệu
chứng lâm sàng, đặc biệt nuôi cấy phân lập nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra cần
phân biệt với một số bệnh khác như viêm khớp phản ứng (soi, cấy dịch khớp luôn

âm tính), cốt tủy viêm (có hình ảnh tổn thương xương trên Xquang, chụp cắt lớp vi
tính...).
Điều trị bệnh
Người bệnh cần được chẩn đoán bệnh sớm, dùng ngay kháng sinh đường
tĩnh mạch, dẫn lưu mủ khớp khi cần thiết, bất động khớp tương đối có thể ngăn
chặn được tình trạng hủy hoại khớp. Thực hiện ngay việc cấy máu, lấy dịch khớp,
làm xét nghiệm dịch khớp nhanh bằng phương pháp soi tươi nhuộm gram tìm vi
khuẩn. Căn cứ kết quả soi tươi nhuộm gram kết hợp với các yếu tố nguy cơ dự
đoán chủng vi khuẩn từ đó lựa chọn ngay kháng sinh thích hợp - trước khi có kết
quả cấy máu hoặc dịch khớp (thường có sau 3-5 ngày hoặc lâu hơn tùy loại vi
khuẩn). Lưu ý việc sử dụng kháng sinh tiêm trực tiếp vào khớp cần tránh vì tác
dụng không tốt hơn, thậm chí có thể gây nên tình trạng viêm khớp do tinh thể
thuốc.
Dự phòng: Thực hiện vô khuẩn tuyệt đối khi làm các thủ thuật, phẫu thuật
tiến hành tại khớp. Điều trị tốt các nhiễm khuẩn tại các cơ quan khác, đặc biệt tại
da, phần mềm và xương.

×