Cắt bỏ buồng trứng làm tăng tỷ lệ
tử vong ở phụ nữ
Trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ bị cắt bỏ các cơ quan như tử cung,
buồng trứng ngày càng nhiều để chữa và phòng bệnh. Trong khi chưa có một
bằng chứng khoa học nào khẳng định lợi ích của việc làm chỉ là theo thói quen và
học lại lẫn nhau giữa các bác sĩ, tác hại của chúng đã được chứng minh.
Cắt bỏ các cơ quan của phụ nữ khi không cần thiết
Có lẽ quyền định hướng và lãnh đạo ngành y dược trên thế giới thuộc về
nam giới.
Chắc vì lý do này, y học rất ít khi chỉ định cắt bỏ các bộ phận của đàn ông
hoặc dùng thuốc men làm mất nam tính của họ, trong khi phụ nữ thì thường xuyên
bị chỉ định những liệu pháp này. Y khoa Mỹ đã đi tiên phong trong việc cắt bỏ tử
cung cũng như buồng trứng ở phụ nữ mặc dù nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh
báo là việc làm này có thể gây nguy hại cho người bệnh.
Điều vô lý hơn cũng theo nghiên cứu ở Mỹ, đại bộ phận, có thể nói là hầu
hết 615.000 trường hợp cắt bỏ tử cung hằng năm ở Mỹ là không cần thiết. Chỉ có
10% các trường hợp này là do ung thư, còn lại 90% là do các bệnh như u xơ, loạn
sản nội mạc tử cung, chảy máu và sa tử cung, những bệnh lý này có thể được điều
trị tốt bằng thuốc men, các thủ thuật ngoại khoa nhẹ hơn mà không cần đến phẫu
thuật cắt bỏ cả cụm.
Cắt bỏ buồng trứng làm tăng tỷ lệ tử vong cho phụ nữ
Đại bộ phận các bác sĩ nghĩ rằng buồng trứng không có chức năng gì cho
cơ thể phụ nữ ở tuổi mãn kinh. Bởi vậy, họ dã khuyên cắt bỏ buồng trứng với suy
nghĩ chủ quan: sẽ làm những phụ nữ này sống lâu hơn vì ít mắc phải các bệnh ung
thư vú và buồng trứng hơn. Một sự thật hoàn toàn trái ngược với mong đợi của bác
sĩ được chứng minh ở 2 nghiên cứu dịch tễ kéo dài trên 25 năm của Mỹ.
Theo nghiên cứu được đăng tải tại tạp chí Y khoa Journal Lancet Oncology,
số tháng 10/2006 việc cắt bỏ buồng trứng đã làm tăng tỷ lệ tử vong ở phụ nữ, đặc
biệt với chị em ở độ tuổi dưới 45 tới 70%. Nghiên cứu được thực hiện trên 4.500
phụ nữ với theo dõi hồ sơ về sức khỏe của họ liên tục trong 30 năm ở Minnesota -
Mỹ đã cho thấy khả năng tử vong cao hơn ở các phụ nữ bị cắt bỏ buồng trứng
không những do các bệnh về tim mạch, bệnh của hệ thần kinh trung ương mà còn
do cả các bệnh ung thư gây nên.
Cũng trong năm 2006, một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí
Journal Obstertrics & Gynecology đã cho thấy việc cắt bỏ buồng trứng ở tuổi
trước 65 đã làm tăng tỷ lệ tử vong cho những người này lên 8,5%. Các nhà nghiên
cứu đã tính toán nguy cơ tử vong ở 10.000 người bị cắt bỏ buồng trứng đối chiếu
với những phụ nữ ở cùng độ tuổi vẫn còn buồng trứng. Kết quả cho thấy nguy cơ
tử vong do bị cắt buồng trứng lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ tử vong do bị ung
thư cơ quan này. Số lượng các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch ở người
không có buồng trứng đã tăng lên 838 trường hợp, tử vong vì biến chứng gãy
xương hông đã tăng thêm 158 trường hợp, trong khi số trường hợp ung thư buồng
trứng chỉ giảm đi được 47 trường hợp.
Các bác sĩ hết sức ngạc nhiên từ kết quả của 2 nghiên cứu kể trên: việc cắt
bỏ buồng trứng đã làm tăng khả năng tử vong cho phụ nữ bởi cả bệnh ung thư vú
và ung thư tử cung. Nguy cơ này chỉ thấy rõ sau 10 năm từ khi buồng trứng bị cắt
bỏ. Bác sĩ Rocca, người đứng đầu cuộc nghiên cứu đã bình luận: “Thật bất ngờ khi
chúng tôi phát hiện từ nghiên cứu của mình: cắt bỏ buồng trứng đã được cho là có
khả năng phòng ung thư do giảm lượng estrogen, nhưng trên thực tế tỷ lệ các ung
thư phụ thuộc vào estrogen đã tăng chứ không giảm”.
Chúng ta nên biết với phụ nữ, khả năng tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn
khả năng chết vì ung thư buồng trứng đến 25 lần.
Các tác hại phổ biến hơn của việc cắt bỏ buồng trứng
Các phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng kể cả bằng nội soi đều có thể gây ra tai
biến như nhiễm trùng, tắc ruột, tổn thương các nội quan, phải truyền máu, điều trị
bằng các thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau gây tốn kém và đôi khi còn đe dọa tính
mạng bệnh nhân do các tai biến trong khi mổ hoặc tai biến do gây mê. Bởi vậy,
việc mổ và cắt chỉ nên chỉ định cho các trường hợp chắc chắn là lợi ích cho người
bệnh lớn hơn nhiều so với những tác hại của thủ thuật này. Giảm tỷ lệ tử vong và
tăng chất lượng cuộc sống về lâu dài cần được lấy làm tiêu chuẩn để đánh giá kết
quả của một phương pháp chữa bệnh. Cắt bỏ buồng trứng trong khi không làm
được điều này còn gây những triệu chứng khó chịu khác cho người phụ nữ như:
- Tắc kinh sớm phải dùng liệu pháp hormon thay thế và liệu pháp này đã
được chứng minh là làm tăng tỷ lệ ung thư vú, các bệnh tim, đột quỵ, tắc động
mạch và bệnh của hệ thần kinh trung ương.
- Bệnh loãng xương là hậu quả của việc có thể không có đủ estrogen để
chống loãng xương và dễ dẫn đến gãy xương với các biến chứng nguy hiểm, thậm
chí có thể gây tử vong. Việc phải dùng các thuốc chống loãng xương chưa được
chứng minh là có hiệu quả cao và cũng gây thêm nhiều biến chứng nguy hiểm
như: hoại tử xương hàm.
- Người phụ nữ bị cắt buồng trứng còn bị triệu chứng khó chịu ở tuổi mãn
kinh như: chứng bốc hỏa, khô rát ở âm hộ, giảm khả năng tình dục, mất ngủ, giảm
trí nhớ... các triệu chứng này có thể không xảy ra ngay mà chỉ thấy sau một vài
năm. Chúng làm chất lượng cuộc sống của người phụ nữ bị giảm sút và các bác sĩ
nhiều khi không liên hệ với tiền sử bị cắt buồng trứng của phụ nữ này.
Hiện chưa có một nghiên cứu lâu dài trên một số lượng lớn người bệnh cho
thấy việc cắt bỏ buồng trứng mang lại tác dụng phòng bệnh nào, ngay cả với các
phụ nữ có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 (được coi là có thể tăng nguy cơ ung
thư vú). Cắt buồng trứng không ngăn ngừa được ung thư có thể xảy ra cho người
phụ nữ sau khi họ đã bị cắt bỏ cả buồng trứng và vòi trứng - đó là ung thư phúc
mạc tiền phát.
Như vậy, chỉ định cắt bỏ buồng trứng để phòng và chữa bệnh cần được cân
nhắc kỹ về mặt lợi và hại, không chỉ cho một vài năm mà cho cả quãng đời còn lại
của chị em phụ nữ. Người phụ nữ ở mọi lứa tuổi cần được giải thích cặn kẽ về khả
năng phòng bệnh thực tế và những lợi hại của phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Bên
cạnh đó, chúng ta cũng cần biết rằng có nhiều cách để phòng và chữa hữu hiệu các
bệnh lành tính của buồng trứng như bệnh u nang và đa nang buồng trứng bằng các
chất dinh dưỡng và dược thảo.