Có thể phát hiện sớm ung thư
buồng trứng?
Ung thư buồng trứng là bệnh lý ác tính thường gặp ở phụ nữ. Việc
chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm thường khó khăn, dẫn tới hiệu quả điều trị
còn thấp. Tỷ lệ sống 5 năm đối với giai đoạn I khoảng 90%, giai đoạn II
khoảng 45%, nhưng ở giai đoạn IV giảm xuống còn 5%.
Buồng trứng là cơ quan thuộc hệ sinh dục nữ có vai trò tiết ra nội tiết tố nữ
và sản xuất ra trứng từ khi thiếu nữ dậy thì cho tới khi phụ nữ mãn kinh.
Ung thư buồng trứng xảy ra ở một hoặc cả hai bên buồng trứng. Nhìn
chung, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn vì các dấu hiệu sớm của
bệnh thường âm thầm, kín đáo.
Các yếu tố ảnh hưởng đến ung thư buồng trứng
Các yếu tố nguy cơ có liên quan đến ung thư buồng trứng đã được khẳng
định, bao gồm: tuổi, tính chất gia đình, nội tiết. Đối với ung thư biểu mô của
buồng trứng, nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi, thường gặp nhất ở quanh độ
tuổi 60. Người ta nhận thấy, nguy cơ mắc bệnh tăng khi người phụ nữ có mẹ hoặc
chị em gái bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, đôi khi ung thư buồng trứng
xuất hiện đi kèm với ung thư vú trên cùng một bệnh nhân. Ung thư buồng trứng
thường có liên quan tới bất thường gen BRCA1, hiếm khi gặp bất thường gen
BRCA2. Hai gen này cũng gặp trong ung thư vú. Điều này giải thích trong một số
gia đình có các phụ nữ vừa mắc ung thư vú vừa mắc ung thư buồng trứng. Một số
trường hợp ung thư đại tràng cũng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Nguy cơ
mắc ung thư buồng trứng cao ở các phụ nữ chưa bao giờ sinh con hoặc mãn kinh
muộn. Cho con bú có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng 19%. Thời
gian cho con bú càng kéo dài, khả năng giảm nguy cơ càng cao. Sử dụng viên
tránh thai làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng tới 34%, nếu dùng kéo dài 6
năm có thể giảm nguy cơ 70%.
Biểu hiện của ung thư buồng trứng
Các triệu chứng chính của bệnh như: cảm giác đau tức vùng bụng; bụng to
lên nhanh, có thể do u to lên hoặc có dịch trong ổ bụng; đau âm ỉ khung chậu; đau
bụng cấp, có thể do khối u di động trong ổ bụng. Đôi khi bệnh biểu hiện với các
triệu chứng không đặc hiệu như: rối loạn kinh nguyệt, đau ngực, quan hệ tình dục
đau, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón, nôn, chán ăn, cảm giác nặng bụng),
rối loạn tiểu tiện: đái rắt, đái són khi ho rặn...
Để chẩn đoán bệnh cần: thăm khám phụ khoa và khám toàn thân (khám
bụng, khám vú, khám hệ thống hạch...); làm các xét nghiệm như: siêu âm (siêu âm
ổ bụng, đôi khi phải sử dụng siêu âm đầu dò âm đạo), chụp Xquang phổi để xác
định có di căn phổi hay không, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để xác định khối u
buồng trứng, các xét nghiệm định lượng chất chỉ điểm khối u như a FP, b hCG,
CA 12-5... Tuy nhiên, các dấu hiệu trên chỉ có giá trị định hướng chẩn đoán. Để
khẳng định một trường hợp ung thư buồng trứng cần có kết quả mô bệnh học.
Bệnh ung thư buồng trứng được chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn I: Ung thư giới hạn ở một hoặc hai bên buồng trứng, chưa xâm
lấn cơ quan khác.
Giai đoạn II: Ung thư xâm lấn đến các cơ quan lân cận buồng trứng nằm
trong tiểu khung (tử cung, vòi trứng...).
Giai đoạn III: Ung thư lan tràn đến các cơ quan khác trong ổ bụng hoặc hệ
thống hạch trong ổ bụng.
Giai IV: Ung thư di căn tới gan và/hoặc di căn tới các cơ quan ngoài ổ
bụng.
Giai đoạn I, II được coi là giai đoạn sớm, giai đoạn III, IV là giai đoạn
muộn.
Điều trị
Mục đích điều trị bệnh ung thư buồng trứng là loại bỏ tế bào ung thư, kéo
dài thời gian sống cho bệnh nhân. Các phương pháp được sử dụng là phẫu thuật,
hóa chất và tia xạ. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chuẩn với 3 mục đích: khẳng
định chẩn đoán ung thư buồng trứng; đánh giá, xếp giai đoạn bệnh và lấy bỏ khối
u. Điều trị hóa chất là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Điều
trị hóa chất có vai trò hỗ trợ cho điều trị phẫu thuật vì phẫu thuật cho phép lấy đi
các tế bào ác tính có thể quan sát được bằng mắt thường, trong khi đó điều trị hóa
chất có khả năng tiêu diệt các tế bào còn sót lại do không lấy hết được hoặc không
quan sát được. Hóa chất có vai trò ngăn chặn sự nhân lên của tế bào ung thư.
Ngoài ra, điều trị hóa chất còn có vai trò cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Thuốc hóa chất thường được sử dụng theo đường tĩnh mạch và thường phối
hợp nhiều thuốc. Tuy nhiên, hóa chất không chỉ tác động lên tế bào ung thư mà
còn ảnh hưởng tới các tế bào lành loại có tốc độ tăng trưởng nhanh, cho nên việc
điều trị hóa chất gây ra một số tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, viêm niêm mạc
miệng, rối loạn tiêu hóa, rụng tóc, rối loạn chức năng gan, thận, giảm hồng cầu,
giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mệt mỏi... Các tác dụng phụ biểu hiện với mức độ
khác nhau tùy thuộc các loại thuốc, nhìn chung có thể kiểm soát được và sẽ mất đi
sau khi dừng điều trị.
Điều trị tia xạ là điều trị tại vùng, được chỉ định khi ung thư ở giai đoạn
sớm (giai đoạn I, II). Người ta sử dụng tia phóng xạ chiếu vào vùng bụng sau khi
phẫu thuật với liều 30Gy. Các tác dụng phụ khi điều trị tia xạ có thể gặp như rối
loạn tiêu hóa, viêm bàng quang, đỏ da, phù tại vùng tia...