Điều trị sỏi thận như thế nào?
Sỏi thận là tình trạng bệnh lý đã được đề cập đến từ rất lâu và là một
bệnh thường gặp, hay hình thành những cơn đau quặn thận, dễ gây biến
chứng như nhiễm khuẩn, suy thận cấp hoặc mạn tính. Tùy theo kích thước, vị
trí và biến chứng của sỏi gây ra mà có các chỉ định can thiệp lấy sỏi khác
nhau.
Tác động của sỏi thận đối với cơ thể
Sỏi thận là một dạng của sỏi niệu. Sỏi niệu thường xuất hiện ở nơi có dòng
nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp hay tắc nghẽn, do đó
những vị trí có sỏi thường là thận, niệu quản chậu hoặc sát bàng quang, cổ bàng
quang, niệu đạo, lỗ sáo. Sự di chuyển của sỏi, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ
xát vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, đái ra máu nếu sỏi ở thận, niệu
quản. Còn sỏi tại bàng quang, niệu đạo sẽ gây đái buốt, đái rắt, đái khó. Nếu bị kẹt
trong cuống đài thận, sỏi sẽ chèn ép làm bế tắc cuống đài thận nên đài thận giãn
nở, lâu dần thận sẽ giãn mỏng như một túi nước. Khi các đài thận bị căng trướng
nước tiểu, sẽ tạo ra áp lực cao tác động vào thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn
đau quặn thận.
Khi sỏi cọ xát vào đường niệu thì nguy cơ niêm mạc bị phù nề, viêm, là
điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ
thấy đau lưng, đái buốt, đái rắt, đái đục. Nếu nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến những
hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Nếu thận mủ toàn diện có thể phải cắt bỏ
thận. Bế tắc đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm lâu ngày sẽ dẫn
đến xơ hóa thành đường tiểu kể cả đài thận. Hậu quả của xơ hóa sẽ dẫn đến giảm
chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước
tiểu. Viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn làm hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ
rò ở bàng quang, niệu quản. Đã có những trường hợp vỡ thận và vỡ bàng quang do
sỏi. Sự hiện diện lâu ngày của sỏi hai bên niệu quản hay sỏi thận một bên còn bên
kia sỏi niệu còn dẫn đến hiện tượng vô niệu (không có nước tiểu). Chức năng thận
sẽ bị giảm nếu có sỏi ở hai bên thận, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm
gây ra suy thận.
Xử trí sỏi thận như thế nào?
Chính vì những biến chứng nguy hiểm mà sỏi thận gây ra nên có những
trường hợp cần can thiệp cấp cứu để lấy sỏi ngay, có trường hợp có thể trì hoãn
lấy sỏi nghĩa là can thiệp lấy sỏi chủ động theo lịch như mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi.
Có trường hợp không cần can thiệp gì đối với sỏi nhỏ không gây các biến chứng
đau nhiều, đái ra máu hoặc gây biến chứng viêm nhiễm ở thận.
Về điều trị sỏi thận, với bất kỳ loại sỏi nào cũng cần:
- Uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu khoảng trên 2,5 lít/ngày.
- Điều trị các đợt nhiễm khuẩn, viêm nhiễm ở thận.
- Điều trị các biến chứng hay các yếu tố thuận lợi dễ hình thành sỏi.
Khi biết được nguyên nhân hay thành phần của sỏi thì phải điều trị theo
nguyên nhân.
Ngày nay có nhiều phương pháp can thiệp lấy sỏi: Mổ lấy sỏi, tán sỏi ngoài
cơ thể và nội soi lấy sỏi. Chọn cách thức điều trị cũng như tiên lượng của sỏi thận
phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: kích thước và vị trí của sỏi.
Về kích thước của sỏi:
Là đường kính lớn nhất đo được của sỏi, khi sỏi nhỏ hơn 5 mm và sỏi nằm
ở đài bể thận thì cố gắng tác động để sỏi có thể rơi xuống bàng quang một cách tự
nhiên và sỏi có thể được đái ra ngoài.
Vị trí của sỏi:
Sỏi thận với kích thước nhỏ hơn 2cm thường được điều trị bằng phương
pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tuy nhiên nếu sỏi nằm ở phía đài dưới của thận thì cho
kết quả kém hơn. Trong trường hợp sỏi nằm ở vị trí này thì giới hạn chỉ định tán
sỏi khi nhỏ hơn 1cm. Phương pháp mổ lấy sỏi qua da vẫn là một cách điều trị
tương đối an toàn và hiệu quả nên được chỉ định cho các trường hợp sỏi thận có
kích thước lớn, không có khả năng tán hoặc lấy sỏi qua nội soi.
Ngày nay, với sự phát triển của nội soi niệu quản thì ngoài phương pháp tán
sỏi ngoài cơ thể cũng có thể lấy sỏi qua nội soi. Chỉ định lấy sỏi qua nội soi phải
dựa vào từng trường hợp cụ thể, thể trạng bệnh nhân, chức năng thận khi phát hiện
sỏi cũng như kinh nghiệm của thầy thuốc và phương tiện của cơ sở điều trị.
Khoảng 50% bệnh nhân mang sỏi nhỏ không có triệu chứng sẽ trở nên có triệu
chứng trong vòng 5 năm. Sỏi san hô ở thận thường liên quan đến nhiễm khuẩn. Do
vậy những trường hợp sỏi to thì nên điều trị ngay khi phát hiện ra sỏi.
Nhiều người bệnh sỏi thận đã đau nhiều nhưng vì họ có mắc đồng thời các
bệnh tim mạch nên rất e dè khi quyết định nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể hay phẫu
thuật. Đối với các trường hợp bị sỏi thận có bệnh tim mạch đi kèm như hở, hẹp
van hai lá, 3 lá, suy tim... nếu ở mức độ nhẹ thì vẫn có thể tiến hành tán sỏi ngoài
cơ thể được, ngay cả khi phải phẫu thuật lấy sỏi. Tuy nhiên các trường hợp này
cần có sự phối hợp giữa bác sĩ tim mạch, tiết niệu và ngoại khoa để có được cách
đánh giá và biện pháp điều trị tốt nhất.