Bảo vệ sức khỏe đôi mắt
Nên chọn lựa kính thật kỹ càng vì nếu chất lượng không đảm bảo thì việc
đeo kính dưới ánh nắng trong thời gian dài sẽ gây phản tác dụng cho mắt
Để giữ gìn cho đôi mắt khỏe đẹp từ bên trong, ngoài việc nên ăn các thức
ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng, đa chất... , bạn cũng nên trang bị cho mình các
công cụ vừa bảo vệ mắt, vừa làm đẹp như mũ, kính.
Chăm sóc mắt từ bên trong
Kính mắt không chỉ có tác dụng ngăn ngừa bụi mà còn tránh các tia tử
ngoại (nguyên nhân chính gây ra căn bệnh đục thủy tinh thể) từ ánh nắng mặt trời.
Khi sử dụng kính, nên chọn lựa kỹ càng vì nếu chất lượng không đảm bảo (do làm
từ các chế phẩm độc hại) thì việc đeo kính dưới ánh nắng trong thời gian dài sẽ
gây phản tác dụng cho mắt.
Với tần suất ngồi trước máy tính, tivi, các thiết bị điện tử trong thời gian
dài, cùng môi trường làm việc căng thẳng thường xuyên như hiện nay thì ngoài
các biện pháp chống lại một cách chủ động, bạn nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi,
chế độ thư giãn hợp lý cho đôi mắt.
Nếu mắt bạn đã, đang dùng kính do thị lực kém, mắt cận thị... thì nên có
chương trình đo mắt, kiểm tra thị lực thường xuyên. Mắt thường có xu hướng khô,
già đi như da theo độ tuổi của bạn. Đó chính là lý do vì sao các tuyến quanh mắt
không còn sản xuất và duy trì lượng nước, chất nhầy cần thiết.
Khi mắt gặp phải các tình trạng như: bị cộm, ngứa do vật cản khác (bụi bẩn
bay vào mắt, rụng lông mi trong mắt...) không nên cố dùng bông, ngón tay, các vật
dụng khác để gạt sạn ra khỏi mắt vì các tác động đó lại càng làm cho mắt cộm
hơn, có khi mẩn đỏ và viêm màng mắt. Lúc đó, bạn chỉ cần chớp mắt liên tục
trong chén nước ấm hoặc nước ấm có ngâm lá trầu không, bụi sẽ ra hết. Khi mắt ở
vào tình trạng đó, ngứa hãy làm mắt dịu bằng cách chớp mắt trong chén con đổ
đầy nước muối sinh lý. Có khá nhiều các phương pháp từ thiên nhiên có thể giúp
bạn "chữa cháy" trong các "tai nạn" không mong muốn xảy ra cho đôi mắt.
Hiện nay, có nhiều người đang áp dụng hình thức dùng kính áp tròng trong
điều trị về mắt thay thế cho việc đeo kính gọng để tiện lợi và đẹp hơn. Cần lưu ý
rằng, điều đó về cơ bản chỉ thích hợp với các nước phương Tây. Ở Việt Nam
không khuyến khích biện pháp này do môi trường không đảm bảo, rất dễ gây viêm
kết mạc, viêm giác mạc. Hơn nữa, loại kính thay thế này đòi hỏi phải tháo ra hàng
ngày để ngâm, rửa, làm vệ sinh... mà tay người sử dụng nhiều khi không đảm bảo
vệ sinh sẽ dễ làm mắt nhiễm trùng.
Sản phẩm này cũng khá tốn kém vì để đảm bảo an toàn, theo tiêu chuẩn thì
có những loại 1 tuần bạn phải thay/lần, có loại 3,4 tháng/lần. Hiện nay có một số
bạn sử dụng tròng mắt nhằm làm cho mắt to hơn, trông đẹp hơn, việc này rất nguy
hiểm khi các bạn đưa vào trong mắt các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và
nhất là khi bản thân các bạn không hiểu về tác dụng, tác hại của các sản phẩm này.
Đối với những trường hợp không may mắn gặp sự cố như va đập nhẹ, bị
nổi gân máu hoặc vết bầm máu hay có các hiện tượng của việc đỏ mắt, thâm
quầng... do tác động từ các yếu tố từ bên ngoài không mong muốn, bạn nên hỏi
các ý kiến chuyên gia, bác sĩ để lựa chọn các sản phẩm chăm sóc, dưỡng mắt cho
thích hợp vì ngay từ vùng da bên ngoài, xung quanh mắt vốn đã là vùng da khá
nhạy cảm.
Dinh dưỡng hợp lý cho đôi mắt khỏe
Để có một chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngoài việc áp dụng chế độ ăn
hoàn chỉnh, đa dạng về thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất tinh bột,
chất đạm, chất béo, chất xơ - vitamin và vi khoáng) vì việc bổ sung một số dưỡng
chất đặc biệt rất cần thiết. Khi tham gia trực tiếp vào quá trình trao đổi, bảo vệ
mắt, nếu thiếu những dưỡng chất đó (các vitamin: A, E, C, B2 và các vi khoáng
như Kẽm, Canxi, Selen) đôi mắt sẽ là một trong những cơ quan đầu tiên bị ảnh
hưởng.
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với võng mạc của mắt, nhằm đáp ứng
với ánh sáng và giúp mắt phân biệt màu sắc. Vitamin A thường thấy trong gan lợn,
dầu, gan cá, lòng đỏ trứng, bơ... và các loại rau quả chứa các tiền vitamin A là các
loại có màu xanh, vàng.
Vitamin E giúp chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể, phòng ngừa bệnh đục thuỷ
tinh thể... Vitamin E có trong sữa mẹ (nồng độ vitamin E cao gấp 10 lần sữa bò),
dầu thực vật (dầu dừa, đậu tương).
Vitamin B2 rất quan trọng cho đôi mắt vì khi thiếu vitamin B2 sẽ dẫn đến
viêm kết mạc mắt. Vitamin B2 có trong thực phẩm từ động vật cũng như thực vật.
Trong đó, gan và thận chứa nhiều vitamin B2 hơn cả.
Vitamin C có tác dụng ngăn chặn bệnh đục thuỷ tinh thể, phòng chống oxy
hóa. Vitamin C có mặt ở phần lớn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, thực
phẩm nguồn động vật như gan và thận...
Các yếu tố vi khoáng tốt cho mắt:
Kẽm: Có tác dụng làm tăng sự tập trung cao cho võng mạc. Kẽm có nhiều ở
động vật như: thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm, cua... Thực phẩm có nguồn gốc thực
vật thường chứa ít kẽm trừ phần mầm của các loại hạt.
Canxi: Hầu hết mọi người hiểu đúng rằng canxi có liên quan với xương,
răng... nhưng ngoài ra, canxi còn liên quan đến nhiều chức năng khác của cơ thể
và nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng, ở những người thiếu canxi thì
nguy cơ bị bệnh đục thuỷ tinh thể tăng cao hơn hẳn. Nên sử dụng các nguồn gốc
thực phẩm cung cấp canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa. Một số ngũ cốc và hạt
đậu cũng có canxi cao nhưng hấp thu kém hơn sữa.
Selen: Đây là dưỡng chất có tác dụng ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể và
làm "trẻ hóa" mắt, có nhiều trong hạt hướng dương, ngũ cốc, vừng.
Tư vấn chăm sóc da quanh mắt
Phần da quanh mắt có những tính chất đặc biệt: hầu như không có tuyến
nhờn làm cho vùng này dễ bị khô hơn; mỏng và nhạy cảm hơn các vùng da khác
trên mặt; có nhiều mạch máu chằng chịt bởi vậy có các hiện tượng sưng húp ở
quầng mắt và thường xuyên bị tác động do chuyển động của mắt.
Những tính chất trên thường làm cho chúng ta thấy mắt là nơi có sự lão hóa
đầu tiên như nếp nhăn, bọng mắt, dấu chân chim ở đuôi mắt. Vậy nên, việc chăm
sóc vùng da quanh mắt rất cần thiết và cũng khác với việc chăm sóc các vùng da
khác.