Ba phong cách quản trị hiệu quả
Việc chọn lựa phong cách nào tùy thuộc vào kỹ năng, kiến thức của nhân viên, các
nguồn lực hiện có (bao gồm thời gian và tiền bạc), các kết quả mong muốn và
nhiệm vụ mà sếp đang phải đối mặt…
Nhiệm vụ của sếp là lựa chọn một phong cách quản trị thích hợp nhất cho mọi
hoàn cảnh và tình huống. Quản trị không theo một phong cách lãnh đạo nhất định
sẽ làm giảm hiệu quả làm việc của các sếp, thậm chí dẫn đến những sai lầm phải
trả giá đắt. Theo các chuyên gia về quản trị, có thể quản trị hiệu quả theo ba phong
cách dưới đây.
1. Phong cách tham gia. Bản chất của phong cách này là mỗi nhân viên đều được
giao phó toàn bộ một công việc để hoàn tất. Nếu không thể làm điều này, các sếp
phải làm cho mỗi nhân viên hiểu được công việc, vai trò của họ trong mối quan hệ
tổng thể hay với nhóm nhân viên. Khi các nhân viên hiểu được vị trí của mình
trong một bức tranh lớn, họ sẽ có động cơ hoàn thành công việc cao hơn.
Các sếp phải dành thời gian để giải thích với các nhân viên về những chi tiết trong
công việc và tầm quan trọng của họ. Đồng thời, sếp cũng phải tạo điều kiện để các
nhân viên nói ra ý kiến về công việc của mình. Điều này sẽ tạo cho nhân viên cảm
giác được tôn trọng và tạo thêm động lực để họ “sở hữu” phần việc của mình.
Nếu các nhiệm vụ được phân chia cho nhiều nhóm thì sếp phải đóng vai trò người
phối hợp đóng góp của từng nhóm để mọi thành viên đều hiểu được vị trí của họ
và cách làm việc với các thành viên khác trong nhóm. Sếp cũng phải là người
đứng ra tìm cách giảm thiểu các trở ngại, khó khăn phát sinh trong quá trình thực
hiện nhiệm vụ. Có như vậy, họ mới thông báo kịp thời cho sếp những thông tin
quan trọng nhằm giải quyết công việc nhanh chóng.
Không chỉ thưởng cho các nhân viên có thành tích tốt, sếp còn phải thường xuyên
động viên họ, tạo thêm động lực làm việc cho họ.
2. Phong cách chỉ đạo. Có những tình huống buộc các nhà quản trị phải áp dụng
phong cách chỉ đạo, chẳng hạn khi phải hoàn thành công việc gấp rút hoặc có dự
án liên quan đến nhiều nhân viên, đòi hỏi có sự quản lý từ trên xuống. Trong
những tình huống như vậy, sếp phải trả lời cho nhân viên năm câu hỏi: Cái gì? Ở
đâu? Như thế nào? Tại sao? và Khi nào?
Phong cách này có vẻ khá lạnh lùng và không mang tính giao tiếp cá nhân, nhưng
điều đó không có nghĩa là sếp không có cơ hội để động viên và gần gũi nhân viên.
Chẳng hạn, khi giao phó trách nhiệm cho các nhân viên, sếp có thể chia sẻ với họ
một số bí quyết và kinh nghiệm thực tế của mình khi thực hiện một dự án tương
tự.
Khi áp dụng phong cách này, phải đặt ra những tiêu chuẩn và mong đợi cụ thể.
Sếp phải thể hiện chỉ thị của mình thật chi tiết và rõ ràng, tránh dùng những từ khó
hiểu hoặc hiểu sao cũng được.
Ngoài ra, vận dụng phong cách chỉ đạo đòi hỏi sếp phải chuẩn bị sẵn sàng để có
thể ra quyết định nhanh chóng. Trong quá trình thực hiện dự án, sếp có thể chuyển
một nhân viên nào đó từ việc này sang việc khác. Trong những trường hợp như
vậy, nên báo sớm cho nhân viên bị thuyên chuyển để tránh gây bất ngờ cho họ và
giúp họ chuyển việc được dễ dàng. Điều quan trọng là phải khen thưởng và công
nhận kịp thời những nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ.
3. Phong cách đồng đội. Nếu muốn đẩy nhanh việc thực hiện một dự án thì có thể
vận dụng phong cách quản trị này. Việc khuyến khích các nhân viên phát huy tất
cả những khả năng, kiến thức của họ và huy động sức mạnh tập thể sẽ đem lại
những kết quả ngoài mong đợi.
Để cả nhóm làm việc thành công, đòi hỏi phải có sự phối hợp nỗ lực của từng
thành viên và kỹ năng truyền thông hiệu quả. Các bản báo cáo phải rõ ràng và
chính xác. Các bài thuyết trình cần phải giàu thông tin, không có những nội dung
mơ hồ. Việc tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho nhóm cũng quan trọng không
kém.
Trên hết, sếp phải tin tưởng vào khả năng làm việc độc lập và thành công của
nhóm hơn là chú trọng đến việc áp dụng các kỹ năng quản trị của chính mình.
Ngoài ra, nên nhớ công khai khuyến khích các nhân viên có tinh thần hợp tác và
làm việc hiệu quả nhất trong nhóm.