Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Đồ họa kết duyên với điện ảnh pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (136.44 KB, 5 trang )

Đồ họa kết duyên với điện ảnh

Giới làm phim cũng như người hâm mộ điện ảnh không còn xa lạ gì với
kỹ thuật đồ họa vi tính (Computer Generated Imagery, gọi tắt là CGI) dùng
trong các siêu phẩm Hollywood hay những loạt phim hoạt hình ba chiều như
Shrek và gần đây nhất là Kungfu Panda.
Sức cuốn hút mạnh mẽ của kỹ thuật đồ họa, một bước phát triển cao hơn
của “hiệu ứng đặc biệt” (special effect), nằm ở chỗ giúp các nhà làm phim tạo nên
những khung cảnh, nhân vật, quái vật, những pha chiến đấu ngoạn mục không thể
thực hiện trong đời thực. Nó giúp con người thậm chí có thể “đóng lại” và “đánh
chìm” con tàu huyền thoại Titanic chỉ bằng những thao tác trên máy tính. Vì vậy,
không có gì ngạc nhiên khi công nghệ vi tính được coi là yếu tố giúp “hiệu ứng
đặc biệt”, vốn đã tồn tại từ thế kỷ 17, đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật làm phim.
Geogre Lucas - người kết duyên kỹ thuật vi tính và điện ảnh
Cuộc “hôn nhân” giữa vi tính và điện ảnh thật sự bắt đầu vào năm 1975 khi
đạo diễn gạo cội Geogre Lucas bắt tay thực hiện bộ phim Chiến tranh giữa các vì
sao đầu tiên với kinh phí 10 triệu đôla (báo Independent).
Đây cũng là thời kỳ đầy khó khăn cho ngành làm hiệu ứng đặc biệt bởi tại
thời điểm đó Hollywood thường ưu tiên thể loại phim mang tính thực tiễn, tiết
kiệm thời gian, chi phí rẻ và chỉ quay tại chỗ. Hậu quả là một thế hệ chuyên gia kỹ
xảo điện ảnh bị mất việc, còn Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ thì không đoái hoài gì
đến việc trao giải Oscar cho mục hiệu ứng đặc biệt trong các năm 1973 và 1974.
George Lucas đã quyết định thuê chuyên gia và dành 3 triệu đôla để tạo ra
400 hiệu ứng và một công ty chuyên về kỹ xảo điện ảnh mang tên Industrial Light
and Magic (ILM, tạm dịch là Ánh sáng và phép thuật công nghiệp).
Chiến tranh giữa các vì sao đã trở thành một hiện tượng điện ảnh không
những mang lại hào quang cho dòng phim khoa học giả tưởng mà còn đánh dấu
một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp điện ảnh, kỷ nguyên của hiệu ứng đặc
biệt sánh đôi với kỹ thuật đồ họa.
Sức mạnh của đồ họa
Ngày nay, sự thống trị của CGI trong công nghệ làm phim “bom tấn” của


Hollywood được thể hiện rõ. Trong ba tập phim Lord of the rings (Chúa tể của
những chiếc nhẫn) thì CGI đã can thiệp đến 75% chiều dài của bộ phim. Hơn
200.000 quân lính, quái thú, những lâu đài bề thế đều là những sản phẩm được tạo
ra trên máy vi tính.
Tuy nhiên, việc sử dụng đồ họa làm phát sinh những đòi hỏi đặc biệt trong
làm phim. Công đoạn làm phim sẽ được chia thành hai phần: diễn xuất thật của
diễn viên trong phim trường và xây dựng hình ảnh trên máy tính. Diễn viên được
chỉ đạo diễn xuất tại một phông cảnh đặc biệt, nhiều khi chỉ là một căn phòng
trống.
Có khi họ phải mặc trên người những bộ đồ đặc biệt để phục vụ việc mô
phỏng cử động của họ trên máy tính và cầm trên tay những đạo cụ tưởng tượng
nhưng phải diễn xuất như thật. Sau đó, các bậc thầy vi tính sẽ lồng vào cảnh quay
những chi tiết như trang phục của nhân vật, bối cảnh, đạo cụ diễn viên cầm trên
tay và thậm chí cả nhân vật tưởng tượng mà diễn viên vừa “chiến đấu” trong căn
phòng trống kia (báo Slate miêu tả).
Như trong phim Sum of all fears (Nỗi sợ hãi tột cùng), diễn viên Arnold
McCuller phải hát quốc ca một mình trong khi đứng trước máy quay hình nhưng
khi lên phim thì người xem lại được thấy một cảnh tượng hào hùng: McCuller hát
quốc ca trên một sân vận động có hàng ngàn cổ động viên và bầu trời sáng rực
pháo hoa. Đó chính là “phép thuật” của CGI.
Hoạt hình ba chiều - con đẻ của kỹ thuật và nghệ thuật thứ bảy
Không chỉ tận dụng kỹ xảo CGI trong các thể loại phim hành động và viễn
tưởng, các nhà làm phim và chuyên gia CGI cũng dần để mắt đến phim hoạt hình,
mảnh đất béo bở dành cho những khán giả nhỏ tuổi.
Năm 1995, Hãng Walt Disney từng thống trị thế giới điện ảnh với loạt phim
hoạt hình vẽ tay đã phải đối mặt với một đối thủ nặng ký mang dáng dấp ba chiều
mang tên Toy story (Câu chuyện đồ chơi), một tác phẩm hoạt hình kỹ thuật số
hoàn toàn được dựng bằng kỹ thuật CGI của Hãng Pixar. Đây là một trong những
ông trùm của công nghiệp sản xuất hoạt hình kỹ thuật số sau này với những siêu
phẩm 3D như Monsters, Inc (Tổng công ty quái vật), Finding Nemo (Đi tìm

Nemo), The Incredibles (Gia đình siêu nhân) và gần đây nhất là WALL-E, một
phim hoạt hình lấy chủ đề về robot, đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim.
Trong khi đó, ông trùm phim hoạt hình kỹ thuật số DreamWorks
Animation cũng cho ra đời siêu phẩm Shrek, một bộ phim đã nhận được sự tán
thưởng của khán giả thuộc mọi lứa tuổi. Đây cũng chính là bộ phim đưa
DreamWorks lên ngang hàng với đàn anh Walt Disney.
Mặt trái của thành tựu công nghệ
Sự góp mặt của CGI trong các tác phẩm điện ảnh cũng có nghĩa là các nhà
sản xuất phim phải rút hầu bao nhiều hơn. Ví dụ như trong phần ba của
Terminator (Kẻ hủy diệt), chỉ riêng khoản chi cho đồ họa đã lên tới 28,2 triệu đôla,
tức gấp bốn lần chi phí để quay phần 1 của phim này vào năm 1984.
Làm phim với CGI cũng rất tốn thời gian và thường được coi là một công
việc quá tải với chỉ một công ty kỹ thuật đồ họa đảm nhiệm. Vì lẽ đó, nhà sản xuất
phim Terminator đã phải huy động đến 11 công ty để lo phần kỹ thuật đồ họa của
bộ phim này.
Sự xuất hiện của CGI cũng làm không ít người lo lắng về tương lai của
nghề diễn viên đóng thế và ngành công nghiệp làm phim hoạt hình hai chiều
truyền thống. Thực tế là một số nhà làm phim do quá chú ý đến việc gây ấn tượng
cho khán giả bằng kỹ thuật đồ họa, đã quên chăm chút nội dung phim. Việc lạm
dụng kỹ xảo vi tính đang đặt Hollywood trước một thách thức mới: đánh giá chính
xác vai trò của con người trong diễn xuất cũng như những biểu cảm trên gương
mặt của những hình mô phỏng con người.
Phim hoạt hình Polar Express (Tàu tốc hành Bắc cực) với sự góp mặt của
Tom Hanks, được đánh giá rất cao nhờ kỹ thuật mô phỏng diễn xuất thật của diễn
viên. Tuy nhiên, kỹ thuật đồ họa lại không thể diễn tả được hết tâm trạng của nhân
vật thông qua ánh mắt vô hồn của hình ảnh ba chiều. Bình luận trên báo Variety,
nhà phê bình David Rooney cho rằng Polar Express “rất ấn tượng về mặt hình ảnh
nhưng lại khô cứng về mặt diễn xuất tình cảm”.
Tương lai của CGI
Trước sự tràn ngập của kỹ thuật CGI trong phim Hollywood như hiện nay,

khán giả dường như không còn quá ngạc nhiên trước những cảnh quay ấn tượng,
bởi họ cho rằng tất cả đều được làm từ... máy tính!
Điều này đòi hỏi các bậc phù thủy đồ họa đang phải liên tục cải tiến kỹ
thuật để làm các nhân vật và bối cảnh ba chiều càng giống thật càng tốt. Một trong
những cải tiến này là tạo phản chiếu ánh sáng lên da nhân vật và bối cảnh trong
phim. Kỹ thuật này đã mang lại một giải Oscar cho nhóm chuyên gia thuộc Đại
học Stanford.
Hãng DreamWorks cũng cho ra đời kỹ thuật tạo ảo giác về những luồng
sáng tự nhiên trên bề mặt sự vật. Kỹ thuật này đã được sử dụng trong phim hoạt
hình Shark tale (Gia đình cá mập) để tạo bối cảnh ánh sáng dưới đáy đại dương
giống như thật.
“Trong tương lai, chúng ta sẽ tạo ra những nhân vật trông như người thật
nhưng cũng sẽ phải mất vài năm nữa - Scott Owen, giáo sư Trường đại học
Georgia, nói - Chúng ta cần tìm hiểu rất nhiều về cách cử động, hành vi của con
người và cách nào để xử lý thông tin ta có được”.
“Bên cạnh đó, khuôn mặt con người có rất nhiều chi tiết tinh tế mà chỉ một
cử động nhỏ của cơ mặt hay chuyển động mắt cũng có thể làm thay đổi tâm trạng
thể hiện trên nét mặt của nhân vật - chuyên viên Tim Cheung thuộc Hãng
DreamWorks nói - Do vậy, nghiên cứu về nét mặt của con người là khó nhất”.
Tuy nhiên, dù kỹ thuật đồ họa có tiến bộ đến đâu đi nữa thì yếu tố quan
trọng nhất tạo nên giá trị của một bộ phim chính là nội dung chủ đạo được chuyển
tải trong phim.
Đạo diễn Peter Jackson đã từ chối việc chỉ dựa vào CGI để thực hiện bộ ba
tập phim Lord of the rings. Thay vào đó, ông cho may trang phục, thuê diễn viên,
lập phông nền thật, bắt êkip làm phim dậy từ sáng sớm để quay cảnh phim dưới
ánh nắng mặt trời.

×