Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Dia li KTXH cac nuoc chau Dai Duong

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (213.67 KB, 12 trang )

<span class='text_page_counter'>(1)</span>Chương 3 ĐỊA LÝ KINH TẾ XÃ HỘI CÁC NƯỚC CHÂU ĐẠI DƯƠNG (Lý thuyết: 8, Thực hành & Thảo luận: 2) * Mục tiêu: Sau khi học xong chương này, người học cần: + Nắm được đặc điểm tự nhiên và dân cư xã hội châu Đại Dương và một số nước tiêu biểu như Ôxtraylia. + Đánh giá được thuận lợi và khó khăn của đặc điểm tự nhiên và dân cư xã hội đến phát triển kinh tế của các nước tiêu biểu ở châu Đại Dương. Giải thích được nguyên nhân của sự phân hóa lãnh thổ. + Vận dụng và liên hệ thực tiễn Việt Nam. * Nội dung: 3.1. Ôxtraylia 3.1.1. Vị trí, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên Ôxtrâylia (còn gọi là Úc) bao gồm lục địa Ôxtrâylia, đảo Taxmania và các đảo nằm kề cận với tổng diện tích 7,7 triệu km 2, đứng vị trí thứ 6 trên thế giới sau Nga, Canađa, Trung Quốc, Hoa Kì và Braxin. Đây là nước duy nhất trên thế giới trên chiếm cả một lục địa. Theo kích thước lãnh thổ, Ôxtrâylia rộng gấp 2 lần Ấn Độ và Pakixtan cộng lại, gấp 26 lần Anh cộng Ailen, bằng Hoa Kì nếu không kể bang Alatxca. Chỉ riêng phần phía Tây của Ôxtrâylia cũng tương đương với diện tích của tất cả các nước Tây Âu. Khác với nhiều nước phát triển khác, Ôxtrâylia nằm cách xa các trung tâm phát triển kinh tế của thế giới như châu Âu, Bắc Mĩ và Đông Bắc Á. Ôxtrâylia hoàn toàn nằm trong nửa phía nam của Bán Cầu Đông, bốn mặt giáp biển với đường bờ biển dài 36 375 km. Trong đó ba mặt phía bắc, tây và nam được bao bọc bởi nước của Ấn Độ Dương, còn phía tây - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, xưa kia khi mới đặt chân tới mảnh đất này, hằng ngày luôn nghe tiếng sóng biển vỗ, những người Anh xa xứ luôn hoài tưởng đến vùng Đại Tây Dương xa xăm của mình. Mặc dù có diện tích rộng lớn , nhưng bề mặt địa hình của Ôxtrâylia khá bằng phẳng. Núi chỉ chiếm 5% diện tích lãnh thổ , nơi cao nhất lục địa là đỉnh Côxiuxcô ở dãy Anpơ Ôxtrâylia (2230 m), nơi thấp nhất: hồ Êrơ (- 12 m ). Có thể chia địa hình ra làm 3 khu vực khác nhau: cao nguyên phía tây, vùng đồng bằng trung tâm và miền núi phía đông. Cao nguyên phía tây là một khu vực rộng lớn, chiếm 2/3 diện tích đất nước với độ cao trung bình 300 - 500 m. Nằm ở phía tây bắc của khu vực là cao nguyên Kimbớtli, phía tây và tây nam - dãy Hamơxli với những đỉnh cao trên 1200m, phía đông – dãy Mácđônen và Mêgrêvơ với những đỉnh cao nhất trên 1500 m. Xen giữa núi và cao nguyên là các sa mạc, hoang mạc rộng lớn: sa mạc Lớn, sa mạc Gípsơn, hoang mạc Víchtoria và miền bán hoang mạc Nulabo.. 1.

<span class='text_page_counter'>(2)</span> Khu vực trung tâm có địa hình thấp, bao gồm ba đồng bằng nối tiếp nhau từ bắc xuống nam: đồng bằng ven vịnh Cácpentaria, đồng bằng Êrơ và đồng bằng Mơrây - Đáclinh . Miền núi Đông Ôxtrâylia chạy dọc bờ biển theo hướng bắc - nam có địa hình cao nhất đất nước. Đây cũng là đường phân thuỷ chính của lục địa. Từ bắc xuống nam bao gồm các dãy: Trường sơn, Livơpun và Anpơ Ôxtrâylia. Đặc điểm chính của địa hình núi Đông Ôxtrâylia là sườn tây thoải và thấp dần về phía đồng bằng nội địa, còn sườn đông dốc và tiến sát ra biển. Trừ một phần ở phía bắc thuộc đới khí hậu cận xích đạo và đảo Taxmania ở phía nam có khí hậu ôn đới hải dương, còn lại phần lớn lãnh thổ Ôxtrâylia nằm trong đới khí hậu nhiệt đới kiểu lục địa khô hạn. Nhiệt độ trung bình năm dao động trong khoảng 18 – 20 0C. Lượng mưa nhìn chung giảm dần từ duyên hải vào nội địa và từ phía đông sang phía tây. Một bộ phận lãnh thổ không lớn bao gồm vùng duyên hải phía đông và phía bắc, đảo Taxmania và ven rìa tây nam có lượng mưa tương đối cao, trung bình từ 1000 – 2000 mm/năm. Đại bộ phận còn lại (gồm sơn nguyên phía tây và đồng bằng nội địa) có lượng mưa thấp dưới 250 mm/năm, thậm trí có những nơi lượng mưa không tới 120 mm/năm. Khoảng 2/5 diện tích Ôxtrâylia là sa mạc hoặc bán sa mạc, không thích hợp cho hoạt động nông nghiệp. Hơn 60% diện tích lãnh thổ không có dòng chảy bề mặt thường xuyên. Trong đất nước chỉ một hệ thống sông lớn nhất là Mơrây - Đáclinh có giá trị phục vụ tưới tiêu và giao thông nội thuỷ. Ở vùng nội địa có nhiều hồ nhưng hầu hết là hồ nước mặn và thường bị cạn vào mùa khô, bởi vậy nguồn cung cấp nước duy nhất ở nơi đây là các bồn nước ngầm chiếm tới 1/3 diện tích đất nước. Lớn nhất trong số đó là "Bồn nước lớn" với diện tích 1,7 triệu km2. Đây là nguồn nước chủ yếu để cung cấp cho các vùng chăn nuôi cừu của bang Quynxlen và Niu South Uyênx. Rừng chỉ chiếm 5% diện tích, phân bố chủ yếu ở phía bắc, phía đông và tây nam đất nước. Ở các vùng chuyển tiếp giữa rừng và sa mạc nội địa phát triển cảnh quan xa van. Phổ biến nhất trong thảm thực vật ở đây là các loài cây keo và bạch đàn. Có hơn 600 loài bạch đàn và 500 loài keo. Khoảng 3/4 số loài thực vật của Ôxtrâylia mang tính địa phương cao, trong đó có những loài thuộc hệ thực vật cổ xưa nhất của Trái Đất. Tài nguyên khoáng sản - đó là sự giàu có nhất của thiên nhiên Ôxtrâylia. Hàm lượng nguyên tố chính trong các mỏ thường rất cao nhờ lớp phủ trầm tích ở đây phát triển yếu. Ôxtrâylia đứng đầu thế giới về trữ lượng Bôxít (5, 9 tỷ tấn, chiếm 1/3 của thế giới). Các mỏ bôxít phân bố chủ yếu ở bang Tây Ôxtrâylia và trên bán đảo Acnhem. Ôxtrâylia rất giàu có về trữ lượng quặng sắt (20 tỷ tấn, 3/4 số này phân bố ở bang Tây Ôxtrâylia), niken, vàng, thiếc. 3.1.2. Dân cư – xã hội. 2.

<span class='text_page_counter'>(3)</span> Ôxtrâylia là đất nước của những người nhập cư. Quá trình phát triển dân số của đất nước có thể chia ra theo hai giai đoạn: 1) Từ thời kỳ đầu thực hoá tới Đại chiến Thế giới lần thứ II; 2) Từ sau Đại chiến Thế giới lần thứ II tới nay. Giai đoạn 1. Mặc dù đã phát hiện ra Ôxtrâylia trước đó nhiều năm, nhưng chỉ từ khi tìm thấy vàng vào năm 1850, lục địa này mới thực sự thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người châu Âu. Bắt đầu từ đó, đã xảy ra một cuộc di cư ồ ạt của những người dân tự do Anh và các nước châu Âu khác tới đây để tìm vàng và chiếm lấy những vùng đất rộng lớn mà không phải trả tiền ở Niu South Uyênx và Quynxlen. Những người nhập cư này đã tạo nên lực lượng lao động chính ở đây và làm cho dân số Ôxtrâylia tăng lên khá nhanh. Vào đầu Đại chiến Thế giới lần thứ II, dân số Ôxtrâylia có 7,4 triệu người, trong đó chủ yếu là người Anh và Ailen. Giai đoạn 2. Từ sau Đại chiến Thế giới thứ II tới nay dân số Ôxtrâylia tăng lên gấp 2,5 lần. Ngoài gia tăng tự nhiên, một phần đáng kể của sự tăng dân số trong thời kỳ này vẫn nhờ vào dòng người nhập cư từ các nước. Nhưng khác với giai đoạn trước, vào thời gian này tỷ lệ người nhập cư tới từ Anh và Ailen đã giảm (chỉ chiếm 1,8 triệu), thay vào đó phần lớn là những người từ các nước khác tới như: Italia, Hy Lạp, Nam Tư, Đức, Ba Lan, thậm trí cả từ Hoa Kỳ, Ucraina, Niu Dilân. Đặc biệt số người nhập cư các nước thuộc châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Malaixia, Inđônêxia, Philípin vv…) tăng lên rất nhanh. Trong một thời gian dài, Ôxtrâylia luôn tự coi mình là một quốc gia châu Âu ở phương Nam (chính xác hơn là của những người Ănglô Xắcxông), đồng thời đã hạn chế sự nhập cư của những người từ các nước khác tới. Nhưng từ nửa sau của thế kỷ XX, đặc biệt trong khoảng hai thập niên gần đây chính sách nhập cư của chính phủ Ôxtrâylia đã có sự nới rộng do những nguyên nhân sau: 1). Nhận thấy sự cần thiết phải tăng dân số nhằm đáp ứng nhu cầu lao động đỏi hỏi ngày càng nhiều trong quá trình khai thác lãnh thổ rộng lớn, đồng thời muốn khẳng định vị thế của Ôxtrâylia trên trường quốc tế; 2) Thấy được nguy cơ của sự ít dân số qua cuộc chiến tranh với Nhật; 3). Cần kích thích phát triển thị trường trong nước để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài; 4). Không muốn bị tách rời với khu vực châu Á đầy tiềm năng và đang phát triển rất năng động. Mật độ dân số Ôxtrâylia vào loại thấp nhất trên thế giới (2 người/km2), nhưng phân bố rất không đồng đều. Hơn 3/4 dân số đất nước tập trung ở ven bờ biển phía đông thuộc các bang Niu South Uyênx, Víchtoria và Quynxlen. Gần 85% dân số Ôxtrâylia sống không cách xa bờ biển quá 80 km. Ôxtrâylia là một trong những nước có mức độ đô thị hoá cao nhất thế giới (86%). Phần lớn dân thành phố là những người nhập cư. Hai thành phố Xítnây và Mebuốc tập trung đông dân nhất. Trên thực tế cứ 5 người dân Ôxtrâylia thì có 2 người sống ở một trong hai thành phố này, trong 5 người thì có 3 người sống ở thủ phủ một bang nào đấy. Thành phố Xítnây và Menbuốc chiếm hơn 1/2 số lao động trong ngành công nghiệp chế biến, 2/3 hoạt động thương mại và 9/10 dịch vụ ngân. 3.

<span class='text_page_counter'>(4)</span> hàng của cả nước. Nếu như Xítnây mang đậm phong cách thành phố kiểu Mỹ thì Menbuốc lại lưu giữ phong cách truyền thống của Anh. Tỷ lệ người biết chữ ở Ôxtrâylia thuộc loại cao nhất thế giới: 99,9 % , tuổi thọ bình quân của người dân đạt 79 năm, trong đó tuổi thọ ở nam giới: 76, nữ giới: 82 (2001). Tỷ lệ gia tăng tự nhiên vào loại thấp trên thế giới: 0.6 % (2001), 3.1.3. Kinh tế 3.1.3.1. Công nghiệp. Đây là ngành quan trọng nhất trong khu vực kinh tế, chiếm gần 1/3 lao động của cả nước. Công nghiệp Ôxtrâylia bao gồm nhiều ngành, nhưng trong đó khai thác mỏ vẫn chiếm vị trí hết sức quan trọng và rất phát triển trên cơ sở được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại. Ôxtrâylia là nước sản xuất năng lượng nhiều hơn gấp 2 lần nhu cầu sử dụng, vì vậy mặc dù đứng thứ sáu trên thế giới về khai thác than ( đạt 193 triệu tấn năm 1996) nhưng lại chiếm vị trí số một về xuất khẩu trên thế giới. Vận chuyển than chiếm 30% số lượng hàng vận chuyển đường biển của đất nước. Một nửa số than xuất khẩu cho Nhật, nửa còn lại cho các nước EU trong đó chủ yếu bán cho Hà Lan và Anh. Các mỏ than phân bố chủ yếu ở phía đông, thuộc các bang Niu South Uyênx và Quynxlen. Ở đây có các bể than lớn với chất lượng cao nằm ở Niucatsơn, Xítnây. Gần 2/3 sản lượng than khai thác thuộc về bang Niu South Uyênx ( kiểu hầm lò), số còn lại – Quynxlen (kiểu lộ thiên). Ôxtrâylia khai thác trên 99 triệu tấn quặng sắt năm 1996, đứng đầu thế giới về xuất khẩu loại quặng này. Trong đất nước có nhiều mỏ quặng sắt với trữ lượng lớn vào bậc nhất thế giới, phần lớn các mỏ này phân bố ở bang Tây Ôxtrâylia (chiếm 3/4 ). Dựa trên nguồn than dồi dào, công nghiệp điện lực (chủ yếu các nhà máy nhiệt điện) phát triển mạnh ở khu vực đông nam và tây nam đất nước. Thuỷ điện được phát triển ở trên đảo Taxmania và vùng núi Anpơ Ôxtrâylia, ngoài ra một nhà máy điện nguyên tử cũng được xây dựng ở bang Niu South Uyênx. Sản lượng điện của Ôxtrâylia đạt 177 tỷ kwh (1996). Dẫn đầu trong trong nghiệp chế biến là ngành luyện kim và chế tạo máy, bao gồm sản xuất các thiết bị khai thác mỏ và chế biến thực phẩm, phương tiện giao thông, vũ khí quân sự, máy nông nghiệp, các rôbốt công nghiệp. Ngành công nghiệp thực phẩm chiếm vị trí thứ hai. Công nghiệp thực phẩm phát triển mạnh với nhiều ngành khác nhau: xay bột, chế biến đường – sữa, chế biến hoa quả, làm đồ uống vv…. Nhưng trong đó quan trọng nhất vẫn là ngành chế biến thịt, đây là ngành có sản phẩm được xuất khẩu tương đối lớn. Công nghiệp xuất bản - in ấn cũng rất phát triển. Đây là ngành được coi là niềm tự hào của người dân Ôxtrâylia, vì nó đứng thứ năm thế giới về doanh thu.. 4.

<span class='text_page_counter'>(5)</span> Ngoài ra ở Ôxtrâylia còn phát triển các ngành chế biến dầu mỏ, sản xuất ximăng và các loại lốp xe. 3.1.3.2. Nông nghiệp Đặc trưng sản xuất nông nghiệp của Ôxtrâylia là gồm nhiều ngành có giá trị hàng hoá cao, phát triển theo hướng quảng canh nhưng được cơ khí hoá, điện khí hoá cao độ, sử dụng nhiều lao động làm thuê và thể hiện rõ nét theo hướng xuất khẩu. Việc cung cấp nước cho trồng trọt cũng như chăn nuôi trong ngành nông nghiệp chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt. Ngành nông nghiệp chỉ mới sử dụng được gần 10% diện tích lãnh thổ đất nước, trong đó đất trồng trọt chiếm hơn 30%, số còn lại thuộc về đất dành cho chăn nuôi. Ở đây mỗi trang trại rộng trung bình 2300 ha - thuộc loại quy mô lớn nhất thế giới. Ngành chăn nuôi chiếm 60% giá trị nông nghiệp và là ngành quan trọng nhất trong nông nghiệp. Chăn nuôi cừu có mặt trên một nửa lãnh thổ đất nước. Đàn cừu của Ôxtrâylia chiếm vị trí số một trên thế giới, tuy nhiên số lượng đang bị giảm sút trong những năm gần đây. Nhờ cừu, ngành sản xuất len phát triển, len Ôxtrâylia nổi tiếng thế giới vì chất lượng tốt, bền và đẹp. Những nguyên nhân chính thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi cừu của Ôxtrâylia : 1) Nhu cầu của ngành dệt len từ lông cừu của Anh không ngừng tăng lên; 2) Điều kiện tự nhiên thuận lợi: có diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn rất thích hợp với chăn nuôi cừu; 3) Ngành này có thể phát triển theo hướng quảng canh, không đòi hỏi chi phí nhiều, phù hợp với tình trạng thiếu lao động của Ôxtrâylia; 4) Nuôi cừu có giá trị kinh tế cao: ngoài lấy lông, da và thịt cừu đều là những sản phẩm có giá trị. Gần 90% lông cừu được xuất khẩu nhưng phần lớn dưới dạng nguyên liệu thô chưa được làm sạch. Bên cạnh lông cừu, Ôxtrâylia còn xuất khẩu nhiều thịt cừu và cừu sống. Khoảng 1/2 số đầu cừu được nuôi thả trên các đồng cỏ thuộc bang Niu South Uyênx và Víchtoria. Số còn lại phân bố ở các bang Tây Ôxtrâylia, Quynxlen - những nơi có khí hậu khô hạn, kém thuận lợi hơn. Tại các vùng nuôi cừu, người ta dùng dây thép để chia các bài cỏ thành những ô lớn. Ở đây có hệ thống cấp nước uống cho cừu và nhà kho dự trữ cỏ khô dùng vào khi mùa đông hiếm cỏ. Ngành chăn nuôi cừu đôi khi cũng bị thiệt hại nặng do hạn hán kéo dài hay nạn thỏ hoang ăn tranh cỏ của cừu còn được gọi là nạn "thỏ ăn thịt cừu". Chính phủ Ôxtrâylia đã phải tiến hành nhiều biện pháp để bảo vệ đàn cừu. Chăn nuôi bò cũng là một ngành phát triển và theo hai hướng: 1) Chăn nuôi lấy sữa phát triển ở những nơi có khí hậu ẩm, nhiều cỏ non như sườn đông dãy núi Đông Ôxtrâylia, tây nam bang miền Tây và trên đảo Taxmania; 2) Chăn nuôi lấy thịt được phân bố ở phía bắc, phía tây bang Quynxlen và vùng lãnh thổ phía Bắc – nơi có khí hậu khô hạn và điều kiện tự nhiên kém thuận lợi hơn. 3.1.3.3.Dịch vụ. 5.

<span class='text_page_counter'>(6)</span> Với diện tích rộng lớn cùng với các lãnh thổ kinh tế nằm cách xa nhau như ở Ôxtrâylia, ngành giao thông - vận tải có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Chiếm vị trí quan trọng nhất trong chuyên chở hàng hoá và vận chuyển hành khách thuộc về ngành ô tô. Khối lượng vận chuyển của ngành chiếm gần 80% khối lượng vận chuyển cả nước. Mạng lưới ô tô không những được xây dựng đồng hành với đường sắt mà còn phát triển ở nhiều nơi mà đường sắt không vươn tới, ví dụ như tuyến đường Alix – Xprinh - Đauyn. Khoảng 680 000 km đường ôtô có ý nghĩa địa phương, độ dài mạng lưới đường của các bang – 97 000 km, đường quốc gia nối giữa các thành phố lớn của đất nước với thủ phủ các bang – 16 000 km. Ôxtrâylia có hơn 10 triệu xe ô tô (575 xe trên 1000 đầu dân), riêng bang miền Tây và Taxmania – 645 xe trên 1000 dân. Ôxtrâylia có 70 cảng biển thương mại, trong đó có nhiều cảng chuyên dụng chỉ xuất - nhập một vài loại hàng hoá nhất định: cảng Heđlen (công suất bốc dỡ 68 triệu tấn một năm), Niucatsơn (67 triệu tấn ), Đampi (48 triệu tấn). Cảng tổng hợp lớn nhất nước là Menbuốc (25 triệu tấn). Hàng không nội địa hàng năm vận chuyển được hơn 14 triệu lượt hành khách. Khai thác các đường bay nội địa chủ yếu thuộc về 3 hãng Anxet – Grúp, Ôxtrâylian – Elai và Ixt – Uex. Trên cơ sở tự nhiên và đất nước có nhiều nét độc đáo, Ôxtrâylia chú trọng phát triển ngành du lịch. Hàng năm thu hút tới đây khoảng 2 triệu lượt khách du lịch, mang lại cho đất nước hàng tỷ USD. Ôxtrâylia chiếm vị trí số 20 trên thế giới về tổng giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương. Trong 25 gần đây, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp giảm từ 3/4 xuống còn 1/3 tổng giá trị hàng xuất khẩu, trong khi đó các sản phẩm công nghiệp khai thác (khoáng sản và nhiên liệu) tăng từ 10 % lên 35%. Sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến ổn định ở mức 1/4 . Nhật Bản là bạn hàng lớn nhất chiếm 1/4 tổng khối lượng hàng xuất, trong đó 2/5 – khoáng sản và nhiên liệu (than – 1/2, 2/3 – quặng sắt), còn tỷ lệ của Anh có chiều hướng giảm xuống. Nhiều nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng trở thành bạn hàng mới của Ôxtrâylia, trong đó đặc biệt phải kể tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài loan và Niu Dilân. Ôxtrâylia cũng là bạn hàng không thể thay thế được đối với nhiều quốc đảo trong khu vực. "Xuất khẩu" giáo dục và đào tạo là một ngành mang lại cho đất nước hàng tỷ USD. Hằng năm có khoảng 50 000 sinh viên nước ngoài tới Ôxtrâylia học tập theo phương thức trả tiển. Ôxtrâylia là một trong những nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Ở đây có nhiều trường đại học lớn, trong đó Đại học Menbuốc là một trong những trường lớn nhất được xây dựng từ 1853. Hằng năm trường có 37 000 sinh viên theo học.. 6.

<span class='text_page_counter'>(7)</span> Hàng nhập khẩu vào Ôxtrâylia chủ yếu từ các nước Hoa Kỳ, Nhật bản và EU bao gồm thiết bị máy vi tính, văn phòng, thiết bị giao thông vận tải, hoá dầu và một số máy móc cơ khí . 3.1.4. Sự phân hoá lãnh thổ. Trên lãnh thổ Ôxtrâylia hình thành 4 vùng kinh tế lớn: Đông – Nam, Đông – Bắc, Trung tâm – miền Tây và lãnh thổ phía bắc, ngoài ra còn một vùng riêng biệt đảo Taxmania. Sự khác nhau về điều kiện phát triển và chuyên môn hoá giữa các vùng xuất hiện từ thời kỳ chủ nghĩa thực dân đồng thời gắn liền với sự khác biệt các điều kiện tự nhiên của mỗi vùng. Vùng Đông – Nam. Vùng này bao gồm các bang Niu South Uyênx, Víchtoria, phần đông – nam của bang Nam Ôxtrâylia và lãnh thổ thủ đô liên bang. Đây là vùng kinh tế chính của đất nước, chiếm 20% lãnh thổ và 70% dân số đất nước. Đây là vùng công – nông nghiệp phát triển. Vùng cung cấp tới 4/5 giá trị sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, 2/5 sản phẩm công nghiệp khai thác, 3/5 sản phẩm nông nghiệp, 3/4 trao đổi thương mại. Ở đây tập trung hơn một nửa số số độ dài đường sắt của cả nước. Đây là nơi được thực dân hoá sớm dựa trên những điều kiện tự nhiên thuận lợi, trước hết là khí hậu cận nhiệt và sự giàu có tài nguyên thiên nhiên như than, sắt, kim loại màu cùng với nguồn thuỷ năng. Xítnây là trung tâm công nghiệp và là thành phố lớn nhất Ôxtrâylia (3,5 triệu người), đồng thời cũng là một trung tâm tài chính, một hải cảng quan trọng và đóng vai trò rất lớn trong đời sống văn hoá của đất nước. Trong số các công trình kiến trúc, trước hết phải kể tới cây cầu cho cả xe lửa và ô tô chạy dài 4 km bắc ngang qua vịnh - cảng Đrekcôn. Các loại tầu biển lớn nhất có thể qua lại dưới cầu một cách dễ dàng. Chiếc cầu nối liền giữa vùng công nghiệp phía bắc thành phố với khu hành chính và văn hoá phía nam. Kỳ quan thứ hai phải kể tới nhà hát ôpêra có kiến trúc rất độc đáo theo kiểu những vỏ sò (có người hình dung đó là những cánh buồm) màu trắng xếp lồng vào nhau được xây dựng từ năm 1973 ngay trên mặt nước của vịnh. Trong thành phố có nhiều đại lộ rộng, đẹp và tiện lợi. Ở đây có những dãy phố với những ngôi nhà kiểu biệt thự một hoặc hai tầng được bao quanh bởi những vườn hoa và thảm cỏ sạch sẽ. Chính tại Xítnây đã diễn ra Đại hội Ôlempic thế giới vào mùa hè năm 2000. Vùng Đông – Bắc (bang Quynxlen). Vùng này nằm ở đới khí hậu nhiệt đới, chiếm 1/5 diện tích, 1/6 dân số , 1/4 sản phẩm công nghiệp khai thác và nông nghiệp của toàn đất nước. Trước Đại chiến Thế giới lần thứ II, đây là vùng sản xuất chủ yếu nông nghiệp. Nhưng gần đây vùng còn phát triển công nghiệp khai thác quặng bôxít, đồng, quặng đakim, thiếc, côban, khai thác dầu mỏ, khí đốt, thậm trí cả uran. Hiện nay cơ cấu kinh tế của vùng là công – nông nghiệp với các ngành khai thác mỏ và chăn nuôi lấy thịt. Công nghiệp chế biến bao gồm các ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và khoáng sản phi. 7.

<span class='text_page_counter'>(8)</span> kim loại. Thành phố Glatxtôn là nơi khai thác và chế biến nhiều nhất đất caolanh. Vùng này chiếm 2/5 số đầu gia súc có sừng, 1/3 sản lượng thịt và hầu hết thịt ở đây được dùng cho xuất khẩu. Nghề chăn nuôi cừu lấy thịt và lông cũng được phát triển. Ở đây cung cấp 95% sản lượng đường của cả nước, ngoài ra còn phát triển nghề trồng ngô, thuốc lá, chuối, lạc vv…Trong vùng có thành phố Britxben với 1,1 triệu dân là thành phố lớn thứ 3 đất nước. Vùng Trung tâm – miền Tây Vùng này bao gồm phần bắc của bang Nam Ôxtrâylia và toàn bộ bang Tây Ôxtrâylia. Đây là vùng có diện tích lớn nhất nước (2/5 toàn lãnh thổ) nhưng khô hạn và thưa dân cư. Vùng chiếm vị trí thứ hai về giá trị khai thác khoáng sản và thứ ba về thu hoạch lúa mì. Cơ cấu kinh tế của vùng gần giống với vùng Đông – Bắc, định hướng sản xuất chính là nguyên liệu. Các ngành chủ yếu – khai thác khoáng sản phi kim loại, chế biến gỗ, công nghiệp giấy và thực phẩm. Trung tâm lớn nhất của vùng là thành phố Pét. Vùng phía Bắc. Đây là vùng ít được khai thác nhất trong trong số các vùng thuộc đới khí hậu nhiệt đới ẩm và sa mạc. Vùng chiếm 17% diện tích cả nước, nhưng chỉ chiếm 1% dân số. Cách đây không lâu người ta đã phát hiện thấy mỏ bôxít với trữ lượng lớn, các mỏ uran, mangan, quặng đa kim và phốtphorít; điều này đã kích thích các dòng di cư tới đây. Ngành kinh tế chính của vùng – khai thác khoáng sản và chăn nuôi đại gia súc. Thành phố lớn nhất - Đauyn. Ở đây còn có các cơ sở không quân và chiến lược quân sự. Trong vùng có những xí nghiệp công nghiệp không lớn. Taxmania. Đây là một hòn đảo nằm trong đới khí hậu ôn đới, chiếm 1% diện tích cả nước, nhưng là một vùng khá phát triển về kinh tế nhờ giàu có khoáng sản, tài nguyên rừng và nguồn thuỷ năng. Thổ dân gốc là những người Maori đã bị tiêu diệt trong quá trình thực dân hoá. Hiện nay trong vùng phát triển các ngành khai thác vonfram , quặng pirít (chiếm vị trí thứ nhất), kẽm, đồng, chì (đứng vị trí thứ hai), ngoài ra còn khai thác thiếc và quặng sắt. Các sông ở đây tuy không lớn nhưng đầy nước vì thế cho phép xây dựng những nhà máy thuỷ điện với công suất tương đối lớn. Công nghiệp chế biến thiên về những ngành sử dụng lợi thế nguồn điện năng rẻ ( luyện kim màu, chế tạo máy). Nông nghiệp thâm canh với nhiều sản phẩm khác nhau: trồng hoa quả (chiếm 1/2 sản lượng táo), khoai tây, hoa hublon (nguyên liệu sản xuất bia), chế biến thức ăn gia súc, chăn nuôi cừu, chăn nuôi bò lấy sữa. Trung tâm kinh tế chính của đảo là thành phố Khabat. 3.2.Các đảo châu Đại Dương 3.2.1. Giới thiệu khái quát. Tên gọi châu Đại Dương (Oceania) xuất hiện vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX để chỉ toàn bộ các đảo, quần đảo nằm trong khu vực trung tâm và tây nam Thái Bình Dương.. 8.

<span class='text_page_counter'>(9)</span> Khu vực này gồm rất nhiều đảo và quần đảo nằm rải rác trên một vùng biển rộng lớn. Diện tích của các đảo và quần đảo này tổng cộng 1, 26 triệu km2, chỉ bằng 1/50 diện tích bề mặt đại dương thuộc phạm vi phân bố chúng. Do đặc điểm đó, bộ phận này của thế giới có tên gọi là châu Đại Dương. Khi phân chia các phần đất nổi trên thế giới, người ta đã gộp các nhóm đảo này cùng với Ôxtrâylia thành một châu lục chung. Các đảo châu Đại Dương chia làm 4 nhóm chính : 1. Mêlanêdia (tiếng Hylạp – các đảo đen) là một trong những nhóm đảo lớn nhất ở châu Đại Dương, nằm ở phía đông bắc lục địa Ôxtrâylia, kéo dài trên 5000 km theo hướng tây bắc - đông nam. Thuộc nhóm Melanêdia có các đảo và quần đảo chính : Niu Ghinê, Bixmác, Xôlômông, Niu Hêbrít, Niu Calêđôni (Tân đảo), Phigi…Diện tích chung: 980 000 km2, bằng 3/4 diện tích toàn bộ các đảo châu Đại Dương. Trong đó có đảo Niu Ghinê lớn nhất với diện tích 888 000km2 , khoảng cách lớn nhất của đảo theo chiều đông - tây: 2400 km, bắc – nam: 700 km. 2. Micrônêdia (các đảo nhỏ) là nhóm các đảo nằm ở phía tây Thái Bình Dương từ Xích Đạo trở về phía bắc (phía đông bắc của Mêlanêdia). Nhóm này có các quần đảo chính là Marian, Carôlin, Mácsan, Gimbớt với tổng số gần 1500 đảo, diện tích chung 3420 km2. Phần lớn các đảo thuộc nhóm này có nguồn gốc san hô, số còn lại có nguồn gốc núi lửa. 3. Pôlinêdia (nhiều đảo) nằm ở vùng trung tâm Thái Bình Dương giữa vĩ tuyến 23030' B – 280 N. Đây là bộ phận gồm nhiều đảo nhất và phân bố trên một vùng rộng lớn nhất. Thuộc nhóm này có các quần đảo chính: Haoai, Lainơ, Phơrich, Tôkêlau, Cúc, Xamoa, Tônga, Tubuai, Tuamôtu, Taiti (q.đ Xã hội)…Diện tích chung của cả nhóm: 26 000 km2. Các đảo đều có nguồn gốc san hô hoặc núi lửa. 4. Niu Dilân (tên gọi cũ Tân Tây lan) là nhóm đảo ở tây nam Thái Bình Dương. Thuộc nhóm này có 2 đảo lớn : đảo Bắc và đảo Nam, ngoài ra còn một số đảo nhỏ khác. Diện tích chung : 270 000 km2. Phần lớn các đảo của châu Đại Dương đều nằm trong vành đai nóng, chỉ có Niu Dilân và một số đảo nhỏ phía nam Pôlinêdia là nằm trong đới ôn hoà. Các đảo châu Đại Dương nằm trên tuyến đường giao thông quốc tế nối giữa châu Mỹ với châu Á và Ôxtrâylia. Do có vị trí quan trọng như vậy nên chúng bị các nước đế quốc đua nhau tới xâm chiếm từ thế kỷ XIX tới nay. 3.2.2. Dân cư - xã hội Sống trên các đảo châu Đại Dương có hơn 11 triệu người (2001), mật độ trung bình khoảng 3 người/ km2. Tại một số đảo và quần đảo nhỏ, mật độ dân số rất cao, ví dụ ở Guam- 287 người/km2, quần đảo Mácsan-389 người/ km2, Nauru – 545 người/ km2.. 9.

<span class='text_page_counter'>(10)</span> Trừ Niu Dilân là quốc gia có tỷ lệ gia tăng dân số thấp (dưới 1%), trên các đảo khác của châu Đại Dương tỷ lệ gia tăng dân số khá cao (trên 1,5% ), có nơi rất cao như Guam: 2,5 %, quần đảo Xôlômông: 3,4%. Trước khi người châu Âu tới, Trên các đảo thuộc châu Đại Dương dân bản địa đã có mặt khá đông. Có thể chia họ thành 4 nhóm: + Người Papua sống ở miền trung và đông đảo Niu Ghinê + Người Mêlanêdiêng sống trên các đảo thuộc Mêlanedia. Đây là những người có trình độ phát triển cao hơn người Papua. Người Mêlanêdiêng lại chia ra hai nhóm nhỏ: 1). Nhóm Nêgrítô sống ở các miền rừng rậm Niu Ghinê và Niu Hêbrít, bao gồm những người có tầm vóc nhỏ bé và da màu đen (gần giống người Pícmê ở châu Phi); 2). Người Nêgritô sống ở Niu Calêđôni có tầm vóc to lớn hơn. Theo các nhà nghiên cứu người Papua và Mêlanêdiêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á tới. + Sống trên các đảo Pôlinêdia và Niu Dilân là người Pôlinêdiêng. Những người này vừa có đặc điểm của người Ôxtrâyliêng (tóc quăn, da ngăm đen, môi dày) vừa có nhiều nét của chủng tộc Ơrôpôit (trán vát, mũi thẳng và cao, khuôn mặt hẹp, tầm vóc người cao lớn từ 1,70 – 1,73 m). Người Pôlinêdiêng có trình độ sản xuất và văn hoá phát triển khá cao, đi biển giỏi và có tiếng nói gần giống với ngôn ngữ Inđônêxia. Về mặt nguồn gốc của tiểu chủng này đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Trên các đảo Niu Dilân có nhóm người Maori cũng thuộc tiểu chủng này (họ đã bị tiêu diệt trong quá trình thực dân hoá). + Người Micrônêdiêng có đặc điểm trung gian giữa người Mêlanêdiêng và người Pôlinêdiêng. Tổ tiên của họ theo các nhà nghiên cứu có thể từ Inđônêxia và Philipin tới. Vào thế kỷ XIX, toàn bộ các đảo châu Đại Dương đã trở thành thuộc địa của Anh, Đức, Pháp và Hoa Kỳ. Trong đó đế quốc Anh chiếm những vùng rộng lớn, giầu tài nguyên nhất. Sau khi Ôxtrâylia và Niu Dilân giành được độc lập, một số thuộc địa của Anh chuyển sang hai nước này. Sau Đại chiến thế giới lần thứ II, phần lớn các thuộc địa của Anh, Đức và Pháp dần chuyển sang tay Hoa Kỳ. Hoa Kỳ còn chiếm vùng đảo Micrônêdia từ tay Nhật, ngoài ra còn sát nhập Ha Oai ở trung tâm Thái Bình Dương trở thành bang thứ 50 của họ. Khu vực châu Đại Dương hiện nay có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng một nửa là có chủ quyền, nửa còn lại nằm trong tình trạng thuộc địa hoặc sự bảo hộ của 5 nước ( Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ôxtrâylia và Niu Dilân) 3.2.3. Kinh tế. Phần lớn người dân của các đảo châu Đại Dương sống bằng nghề nông. Trên các đảo lớn người dân phát triển trồng các loài cây nhiệt đới như mía, dứa, dừa, mít, cà phê, cacao, cây bánh mì và những cây gia vị. Trên các đảo nhỏ, ngoài trồng. 10.

<span class='text_page_counter'>(11)</span> dừa ven bờ, dân đảo còn trồng cây ăn quả, phát triển nghề đánh cá và chăn nuôi hải sản. Trong công nghiệp bao gồm chủ yếu các ngành: khai thác và xuất khẩu gỗ ở Papua Niu Ghinê, Xôlômông, Phigi, Tây Samoa; khai thác vàng, đồng - Papua Niu Ghinê; phốtphorít - Nauru (mỏ này sắp bị cạn kiệt), Niken – Niu Calêđôni. Những năm gần đây, các công ty Ôxtrâylia đã đầu tư xây dựng một số xí nghiệp của ngành công nghiệp nhẹ, thực phẩm, chế biến gỗ, luyện thép ở một số nước trong khu vực nhưng chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ. Nhờ phong cảnh tự nhiên đẹp và không khí trong lành, du lịch sẽ là ngành có nhiều triển vọng ở đây. Ngoài ra khai thác tài nguyên biển (sinh vật và khoáng chất) cũng là những hướng tương lai hứa hẹn của các nước trong khu vực. Giữa các nước trong khu vực có sự khác biệt khá lớn về mức độ phát triển kinh tế cũng như xã hội trong đó Niu Dilân là nước phát triển nhất. Nằm cách xa các trung tâm phát triển của thế giới, sự phân tán quá xa nhau trên một khu vực đại dương rộng lớn sẽ là một rào cản đáng kể làm hạn chế sự phát triển của các quốc gia - đảo châu Đại Dương. *Tài liệu học tập: [1]. Vũ Tuyết Loan ( chủ biên). Ôxtrâylia ngày nay. NXB KH-XH. Hà Nội, 1998. [2]. Niên giám thống kê các năm từ 2000 đến 2007. NXB Thống kê. [3]. Nguyễn Quán. 217 Quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. NXB Thống kê, Hà Nội, 2003 [4]. Nguyễn Minh Tuệ, Nguyễn Viết Thịnh. Giáo trình địa lý kinh tế xã hội đại cương.NXB Giáo dục. Hà Nội 2006. [5]. Ông Thị Đan Thanh. Địa lí kinh tế- xã hội thế giới. NXBĐHSP, Hà Nội 2006 CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP 1. Viết báo cáo về phân bố dân cư Ôxtraylia 2. Thống kê ngôn ngữ chính, tôn giáo chủ yếu và nêu ý kiến nhận xét. 3. Phân tích những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khó khăn về mặt KT – XH hiện nay của các nước châu Đại Dương.. 11.

<span class='text_page_counter'>(12)</span> TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Phi Hạnh. Địa lý tự nhiên các lục địa, T.1. NXBGD. HN 1989 2. Nguyễn Kim Hồng ( chủ biên). Địa lý KT- XH đại cương. ĐHSP HCM 1997 3. Vũ Tuyết Loan ( chủ biên). Ôxtrâylia ngày nay. NXBKHXH. HN 1998. 4. Manach A.L. Những nền văn minh thế giới. NXBVH-TT. HN 1997 5. Niên giám thống kê 2001. NXB Thống kê . HN 2002 6. Kim Ngọc. Kinh tế thế giới 2000 - 2001. Đặc điểm và triển vọng NXBCTQG . HN 2001 7. Nguyễn Quán. 217 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. NXB Thống kê. HN 2003. 8. Hoàng Thiếu Sơn. Tìm hiểu nguồn gốc người Vạn đảo. NXBGD 1984. 9. Lê Thông. Nhập môn Địa lý nhân văn. HN 1996 10. Trần Bích Thuận, Tạ Bảo Kim. Địa lý kinh tế - xã hội. T III. ĐHSP HN 1996. 11. Xauskin Y.U. Những vấn đề địa lý kinh tế hiện nay trên thế giới. Tập I, II. NXBGD. HN 1981. 12. Phan Huy Xu ( chủ biên). Tìm hiểu một số vấn đề Địa lý KT- XH thế giới giảng dạy trong nhà trường. NXBGD 1999. 12.

<span class='text_page_counter'>(13)</span>

×