Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Tài liệu Bàn về Quy định đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên và đạo luật Sarbanes -Oxley docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (84.31 KB, 5 trang )

Bàn về Quy định đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên và đạo luật Sarbanes -Oxley
Kiểm toán là một nghề nghiệp mà sự tồn tại của nó phụ thuộc vào các đức tính của người
hành nghề nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích của cộng đồng. Trên Tạp chí số 64 (tháng
2/2007), TS. Trần Thị Giang Tân đã có bài viết bàn về vai trò của đạo đức nghề nghiệp kiểm
toán và việc cần thiết phải thiết lập một cơ chế để giám sát việc tuân thủ chuẩn mực đạo
đức cũng như xét xử hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong số này, tác giả lại tiếp
tục bàn về những quy định về đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên.
Các loại quy định đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên
Các quy định về đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kiểm toán được hình thành do mối
liên hệ giữa nghề nghiệp và môi trường xã hội. Các quy định đạo đức nghề nghiệp thường được
tìm thấy trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và các quy định của luật pháp. Dù cả hai cùng đề
cập đến vần đề đạo đức nghề nghiệp nhưng cách thức ban hành và nội dung có những điểm khác
nhau.
Tại Hoa Kỳ, các chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do tổ chức nghề
nghiệp kiểm toán (AICPA) ban hành và kiểm soát chất lượng hoàn toàn do tổ chức nghề nghiệp
đảm nhận. Mô hình tự kiểm soát xuất phát từ nguyên nhân là hoạt động kiểm toán độc lập Hoa Kỳ
đã phát triển mạnh và rất sớm do nền kinh tế được tài trợ bởi thị trường chứng khoán. Sự phát
triển mạnh của hoạt động kiểm toán từ khi chưa có các quy định của Nhà nước đã đưa đến sự
hình thành và phát triển mạnh mẽ của tổ chức nghề nghiệp.
Cho đến những năm 2000, một số vụ bê bối về tài chính và kế toán nổ ra đưa đến sự sụp đổ các
công ty hàng đầu trên thế giới và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của công chúng, trong
đó có lỗi của công ty kiểm toán. Nhà nước Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp vào hoạt động kiểm toán
thông qua việc ban hành luật Sarbanes -Oxley. Luật Sarbanes -Oxley 2002 được Quốc hội Hoa Kỳ
phê chuẩn ngày 30/7/2002 nhằm nâng cao chất lượng và tính minh bạch của báo cáo tài chính,
tăng cường trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và kiểm toán viên. Ngoài một số
điều khoản liên quan đến tính độc lập của kiểm toán viên, Luật Sarbanes -Oxley còn cho phép Uỷ
ban giám sát kế toán và kiểm toán các công ty niêm yết (PCAOB) thuộc SEC sẽ quản lý việc đăng
ký các công ty kiểm toán được phép kiểm toán cho các công ty niêm yết, thiết lập hay chấp nhận
bằng luật lệ đối với các quy định liên quan đến kiểm soát chất lượng, đạo đức, tính độc lập và các
chuẩn mực khác liên quan đến việc soạn thảo báo cáo kiểm toán và thực hiện việc giám sát đối
với các công ty kiểm toán.


Các quy định của Luật Sarbane -Oxley không hề mâu thuẫn với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Tuy nhiên, nội dung của luật Sarbanes -Oxley có một số khác biệt chủ yếu so với quy định trong
chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, như là:
Các quy định trong Luật Sarbanes -Oxley chỉ tập trung vào tính độc lập, còn những nguyên tắc đạo
đức nghề nghiệp khác trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp như trung thực khách quan, tư cách
nghề nghiệp… không được luật này đề cập.
Các quy định trong Luật Sarbanes -Oxley rất chặt chẽ, cụ thể và được ban hành dưới dạng những
điều cấm và những điều mà kiểm toán viên phải tuân thủ để thể hiện tính độc lập của mình. Nếu
kiểm toán viên làm trái những quy định này có nghĩa là họ đã vi phạm pháp luật và phải chịu xử lý
về mặt pháp luật. Trong khi các quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thường ban hành
dưới dạng nguy cơ và biện pháp bảo vệ.
Luật Sarbanes - Oxley và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là hai cách tiếp cận khác nhau đối với
lĩnh vực đạo đức nghề nghiệp. Điều đó xuất phát từ nguyên nhân đối với cơ quan quản lý xã hội,
kiểm toán không chỉ là phương tiện để đảm bảo độ tin cậy của thông tin mà còn là công cụ giám
sát thông tin của xã hội. Còn đối với nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp là những hướng dẫn giúp
các thành viên ứng xử một cách trung thực nhằm đạt được sự tin cậy của xã hội. Từ các vấn đề
trên cho thấy, khuynh hướng phổ biến hiện nay là luật pháp phải can thiệp vào một số phương
diện của nghề nghiệp kiểm toán nhằm tạo sự ổn định xã hội, đặc biệt là ổn định thị trường chứng
khoán. Trong khi đó, chuẩn mực đạo đức nhằm xây dựng hình ảnh lý tưởng của nghề nghiệp để
nâng cao sự tín nhiệm của công chúng đối với nghề nghiệp. Việc tồn tại song song hai quy định
trên là điều tất yếu khách quan.
Quy định về đạo đức nghề nghiệp tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các quy định về đạo đức nghề nghiệp hiện hành được thể hiện chủ yếu trong Nghị
định 105/2004/NĐ- CP ban hành ngày 30/3/2004 của Chính phủ về Kiểm toán độc lập và Chuẩn
mực đạo đức nghề nghiệp ban hành ngày 01/12/2005 theo Quyết định số 87/2005/QĐ-BTC, áp
dụng cho tất cả những người làm kế toán và người làm kiểm toán. Việc tồn tại song song hai loại
quy định nói trên là phù hợp với thông lệ chung trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng chúng vào
thực tế hiện nay vẫn còn một số bất cập.
Trước hết, các quy định về đạo đức nghề nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức độ chuẩn mực, chưa có
các hướng dẫn cụ thể. Bản thân một số nội dung trong chuẩn mực cũng còn nhiều điểm rất trừu

tượng, do vậy, hạn chế về khả năng triển khai chúng trong thực tế. Các quốc gia trên thế giới như
Hoa Kỳ, để có thể áp dụng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp vào thực tế, đều có các hướng dẫn
chi tiết (các giải thích và hướng dẫn cụ thể về đạo đức). Chính vì vậy, việc đưa ra các hướng dẫn
đối với Việt Nam rất quan trọng vì sẽ giúp các công ty kiểm toán có thuận lợi hơn trong việc xây
dựng chính sách đạo đức nghề nghiệp cho mình.
Trong khi chờ đợi việc nghiên cứu để có thể ban hành đầy đủ các hướng dẫn, trước mắt để chuẩn
mực đạo đức nghề nghiệp có thể áp dụng sớm, cần ban hành ngay những hướng dẫn chi tiết về
một số nội dung quan trọng.
Một là, phí dịch vụ:
Đoạn 106 của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đã nêu: “Việc quá phụ thuộc vào phí dịch vụ của
khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo sẽ tạo nguy cơ do tư lợi làm ảnh hưởng tính độc lập của
kiểm toán viên”. Và công ty không nên nhận hợp đồng kiểm toán nếu mức phí thấp hơn đáng kể
so với công ty kiểm toán tiền nhiệm (hay công ty kiểm toán khác). Tuy nhiên, chuẩn mực không
nêu rõ như thế nào là “quá phụ thuộc” hay “ đáng kể “nên rất khó áp dụng vào thực tế. Theo chúng
tôi, để xem xét thể nào là quá phụ thuộc, có thể dựa vào hướng dẫn của một số Hiệp hội nghề
nghiệp của các quốc gia trên thế giới. Thông thường, phí của hợp đồng kiểm toán cho một khách
hàng không nên vượt quá 15% (đối với khách hàng là công ty không niêm yết) hay vượt quá 10%
(đối với khách hàng là công ty niêm yết) tổng doanh thu của công ty kiểm toán (theo hướng dẫn
của hội nghề nghiệp kiểm toán Anh quốc ACCA). Trường hợp phí hợp đồng thu được từ một
khách hàng cao hơn tỷ lệ nêu trên, công ty kiểm toán nên có các chính sách, thủ tục thích hợp để
bảo vệ và giám sát việc thực hiện hợp đồng kiểm toán, cũng như kiểm soát chất lượng của hợp
đồng kiểm toán. Nếu không, phải từ chối thực hiện hợp đồng kiểm toán cho khách hàng này.
Về mức phí thấp hơn đáng kể, do rất khó xác định bằng số tuyệt đối hay số tương đối, vì vậy, các
hướng dẫn thường yêu cầu công ty kiểm toán phải cân nhắc các vấn đề:
- Thời gian thực hiện hợp đồng phải thích hợp, tức không được giảm thời gian thực hiện kiểm
toán;
- Trình độ chuyên môn và năng lực kiểm toán viên tham gia vào hợp đồng kiểm toán phải phù hợp;
- Tuân thủ đầy đủ chuẩn mực kiểm toán và quy trình kiểm soát chất lượng trong quá trình kiểm
toán.
Hai là, xem xét khả năng phát sinh xung đột lợi ích

Xung đột lợi ích ảnh hưởng đến việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên vấn
đề này không được trình bày đầy đủ trong chuẩn mực hiện hành. Chuẩn mực đạo đức nghề
nghiệp của quốc tế năm 2006 đã đưa thêm nội dung này. Trong thực tế, đây là một vấn đề cần
quan tâm trong việc chấp nhận hợp đồng kiểm toán. Vì vậy, cần bổ sung nội dung này vào chuẩn
mực đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, cần đưa ra các hướng dẫn chi tiết hơn về các loại xung đột
lợi ích.
Phương pháp giải quyết xung đột do đối lập lợi ích:
Khi nhận đề nghị cung cấp dịch vụ từ khách hàng mới, mà lợi ích của khách hàng này đối lập với
khách hàng hiện tại, công ty kiểm toán không nên chấp nhận đề nghị này, ngoại trừ trường hợp
sau:
Khách hàng mới và khách hàng hiện tại ký văn bản cam kết chấp nhận cho công ty kiểm toán cung
cấp dịch vụ sau khi họ đã được công ty kiểm toán cung cấp thông tin nêu trên.
Công ty sử dụng hai nhóm kiểm toán riêng biệt, có thiết lập thủ tục ngăn ngừa việc tiếp cận thông
tin, cũng như đã hướng dẫn đầy đủ cho nhóm kiểm toán về yêu cầu bảo mật thông tin để đảm bảo
tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Nếu khách hàng từ chối ký văn bản cam kết, công ty kiểm toán không được cung cấp dịch vụ cho
một trong hai khách hàng này.
Trường hợp công ty kiểm toán chỉ phát hiện xung đột lợi ích khi tiến hành kiểm toán, công ty nên
chọn phương pháp xử lý như là: Rút lui khỏi hợp đồng dịch vụ đang cung cấp cho cả hai bên nếu
nhận thấy không có biện pháp nào có thể áp dụng để giảm thiểu nguy cơ có xung đột do đối lập lợi
ích, hoặc xin sự chấp nhận bằng văn bản của khách hàng và thực hiện các biện pháp phân chia
nhân lực nhằm tuân thủ đầy đủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Phương pháp giải quyết xung đột lợi ích do cạnh tranh:
Khi chấp nhận hợp đồng kiểm toán cho khách hàng mới mà có thể tạo xung đột lợi ích do cạnh
tranh với khách hàng hiện hữu, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đặc biệt chú ý đến việc
bảo mật thông tin của khách hàng.
Ngoài ra, công ty kiểm toán cần lưu ý trường hợp xung đột lợi ích do cạnh tranh có thể trở thành
xung đột do đối lập lợi ích. Ví dụ, khách hàng X và Y là hai đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành
kinh doanh. Cả hai công ty dự định sẽ tham gia đấu thầu vào một hợp đồng cung cấp dịch vụ. Đây
là cuộc đấu thầu ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh và công ty nào thắng thầu sẽ trở thành

nhà cung cấp, đồng thời sẽ chi phối thị trường. Khi đó, công ty kiểm toán phải cân nhắc các nhân
tố sau khi đưa ra quyết định chấp nhận hợp đồng kiểm toán:
- ảnh hưởng của việc chấp nhận hợp đồng của khách hàng thứ hai đối với khách hàng thứ nhất.
- ảnh hưởng của khách hàng thứ nhất đối với khách hàng thứ hai.
Thông thường, công ty vẫn có thể cung cấp dịch vụ khi các điều kiện sau được bảo đảm:
Công ty sẽ sắp xếp được nhân sự một cách hợp lý để các nhóm tham gia kiểm toán sẽ tách biệt
với nhau nhằm bảo mật tuyệt đối thông tin của khách hàng.
Thông báo cho khách hàng và cần có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng.
Phương pháp giải quyết xung đột lợi ích kinh doanh:
Xung đột này nảy sinh khi công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ cho một khách hàng mà lợi ích của
công ty kiểm toán gắn liền với lợi ích của khách hàng đó.
Cần chú ý trường hợp xung đột lợi ích kinh doanh có thể đưa đến xung đột đối lập lợi ích hay xung
đột lợi ích cạnh tranh. Ví dụ, công ty kiểm toán có quan hệ kinh doanh với khách hàng C. Công ty
nhận được đề nghị cung cấp dịch vụ cho khách hàng D về việc tư vấn dự án phát triển cho một
sản phẩm /dịch vụ thuộc ngành nghề của C, hay của các đối thủ cạnh tranh của công ty C. Điều
này có thể sẽ dẫn đến việc công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán lại tư vấn cho công ty D theo
hướng có lợi cho công ty C.
Khi phát sinh xung đột lợi ích nêu trên, công ty kiểm toán cần thông báo cho khách hàng tiềm năng
(khách hàng D, ở ví dụ trên) đầy đủ thông tin về mối quan hệ này. Nếu khách hàng vẫn đồng ý,
công ty có thể chấp nhận hợp đồng kiểm toán và khi đó, cần có các biện pháp bảo vệ thích hợp để
giảm thiểu rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được.
Ba là, Vay và bảo lãnh
Đoạn 147, 148 và 149 chuẩn mực đạo đức hiện hành quy định: “KiỂm toán viên và công ty kiỂm
toán có thỂ đi vay và cho vay đỐi vỚi khách hàng nẾu khoẢn đi vay và cho vay không đáng kể đối
với cả công ty kiểm toán hoặc kiểm toán viên và khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo”. Thế
nhưng chuẩn mực lại không hướng dẫn như thế nào là “không đáng kể” nên rất khó áp dụng, vì
vậy rất cần có hướng dẫn chi tiết hơn về vấn đề này.
Mức “không đáng kể” có thể xác định bằng số tuyệt đối hay số tương đối. Đối với kiểm toán viên,
nên sử dụng số tuyệt đối, còn đối với công ty kiểm toán nên sử dụng số tương đối (chẳng hạn một
tỷ lệ % so với doanh thu, tài sản …). Chẳng hạn theo hướng dẫn một số công ty kiểm toán: kiểm

toán viên chỉ có thể thực hiện kiểm toán cho khách hàng là các tổ chức tín dụng nếu những khoản
thấu chi hay khoản vay từ các công ty (không phải là ngân hàng, tổ chức tài chính) có số dư không
vượt quá 5.000 USD. Như vậy, tuỳ theo tình hình thực tế, Hội nghề nghiệp nên chọn một số thích
hợp và đưa ra hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Bốn là, Cần đưa ra yêu cầu kiểm toán viên phải ký văn bản cam kết về tính độc lập
Một số quốc gia, chẳng hạn như Pháp, yêu cầu trước mỗi cuộc kiểm toán, kiểm toán viên phải ký
văn bản này. Việc yêu cầu kiểm toán viên ký cam kết nhằm nhắc nhở họ tầm quan trọng của việc
tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và là cơ sở để sau này có thể xem xét vi phạm của kiểm toán viên.
Giữa chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và các quy định trong NĐ105 có một số điểm khác biệt. Khi
phát sinh khác biệt, kiểm toán viên và công ty kiểm toán hiện nay chưa có cơ sở để giải quyết.
Thực vậy, giữa chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Nghị định 105 còn tồn tại một số nội dung
khác biệt. Chẳng hạn theo đoạn 190 của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, nếu khách hàng kiểm
toán không phải là công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty kiểm toán có thể cung
cấp các dịch vụ kế toán và ghi sổ kế toán theo thủ tục thoả thuận trước với điều kiện các nguy cơ
tự kiểm tra có thể được giảm xuống mức có thể chấp nhận được.
Còn nếu khách hàng kiểm toán là công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì công ty
kiểm toán không được cung cấp dịch vụ kế toán, ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính..
Trong khi đó ở Điều 27, Nghị định 105/2004/NĐ- CP ban hành ngày 30/3/2004 của Chính phủ quy
định là: Doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán trong trường hợp “đang cung
cấp dịch vụ ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính, dịch vụ kiểm toán nội bộ, định giá tài sản, tư vấn
quản lý, tư vấn tài chính hoặc đã thực hiện các dịch vụ trên trong năm trước cho khách hàng”
không phân biệt là khách hàng có niêm yết hay không.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, công ty vẫn có thể
chấp nhận hợp đồng kiểm toán. Nhưng nếu chấp nhận hợp đồng kiểm toán, công ty sẽ vi phạm
Nghị định 105/2004/NĐ-CP .
Việc khác biệt này không chỉ phát sinh tại Việt Nam mà đã từng phát sinh ở nhiều quốc gia trên thế
giới. Tại Hoa Kỳ, một số các quy định trong Luật Sarbanes -Oxley có sự khác biệt so với chuẩn
mực đạo đức nghề nghiệp. Để giải quyết khác biệt này, sau khi Luật Sarbanes -Oxley được ban
hành, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Hoa Kỳ đã bổ sung một số quy định cho phù hợp quy định
trong luật Sarbanes -Oxley.

Nói cách khác, giữa chuẩn mực đạo đức và Nghị định 105/2004/NĐ-CP có những nội dung khác
biệt và về nguyên tắc, chuẩn mực được ban hành bằng Quyết định của Bộ Tài chính, tức có giá trị
pháp lý thấp hơn Nghị định 105, nên khi có khác biệt phải tuân theo Nghị định 105. Thế nhưng,
nếu tuân thủ Nghị định 105/2004/NĐ-CP, trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu của
chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Phương pháp giải quyết tốt nhất là nên học tập kinh nghiệm của
Hoa Kỳ, tức bổ sung nội dung sau đây vào chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Việt Nam quy
định như sau:
Khi áp dụng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, có thể nảy sinh một số khác biệt. Lúc này, nếu
quy định của chuẩn mực đạo đức không chặt chẽ bằng quy định pháp lý, cần tuân thủ các quy
định pháp lý có liên quan. Ngược lại, khi chuẩn mực đạo đức chặt chẽ hơn các quy định pháp lý,
thì phải tuân thủ các quy định của chuẩn mực.
Tóm lại, việc hoàn thiện các quy định đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên ở Việt Nam nhằm
giúp các công ty kiểm toán và người hành nghề dễ dàng áp dụng vào thực tế. Đây là một biện
pháp góp phần phát triển các dịch vụ kiểm toán và những dịch vụ đảm bảo khác trong tiến trình hội
nhập khu vực và quốc tế./.
Admin (Theo
Tạp chí kế toán số 64
)

×