Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Các thuốc chống đau docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (152.91 KB, 5 trang )

Các Thuốc Chống Đau
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Chuyên Khoa Nội Thương
Trong cõi nhân trần, ai trong chúng ta không có lúc đau nhức? Nhiều vị không may, đau
nhức kinh niên, cuộc sống kém vui. Sinh, lão, bệnh, tử là con đường mọi người chúng ta
đều đi qua.
Để xoa dịu nỗi đau, nhiều thuốc chống đau lần lượt xuất hiện. Ở Mỹ, các thuốc chống
đau chia làm 3 loại: thuốc không chứa chất nha phiến, thuốc chứa chất nha phiến, và
nhóm thuốc không thuộc hai loại trên song cũng có tác dụng giúp giảm đau.
Thuốc không chứa chất nha phiến
Gồm hai thuốc acetaminophen, aspirin, và những thuốc chống viêm không có chất
steroid.
1. Acetaminophen:
Trong các loại thuốc chống đau, acetaminophen (thường được biết dưới tên thương mại
Tylenol) lành nhất, ít gây phản ứng. Thuốc hữu hiệu ngang aspirin, dùng với lượng 650
mg – 1300 mg mỗi lần. Đa số chúng ta có thể dùng đến 4000 mg mỗi ngày không sao.
Dùng quá lượng, thuốc có thể làm hại gan đưa đến tử vong. Các vị thích nhậu rượu nhiều,
hay nhịn đói, hoặc đang dùng các thuốc isoniazid (chống lao), zidovudine, thuốc an thần
barbiturate, nên thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng acetaminophen, vì với lượng cao,
thuốc dễ khiến gan tổn thương ở các vị này.
2. Aspirin:
Aspirin hữu hiệu khi dùng chữa đau, kể cả cái đau gây do ung thư. Tiếc thay, aspirin hay
gây nhiều tác dụng phụ. Nó cản trở sự hoạt động của các tiểu cầu (platelet) cần cho sự
đông máu, nên làm tăng thời gian chảy máu; nếu đang dùng aspirin, trước khi nhổ răng
hoặc giải phẫu, ta nên ngưng thuốc 1 tuần lễ trước. Ở người nhạy ứng với apirin, chỉ một
lượng thuốc uống vào cũng có khi tạo cơn suyễn cấp tính, người dùng ho, khò khè, khó
thở. Dùng về lâu về dài, apirin có thể khiến bao tử khó chịu, chảy máu
Trẻ em đang bị trái rạ hoặc cúm nên tránh dùng apirin, vì thuốc dễ gây hội chứng Rey
(Rey’s syndrome) khiến trẻ ói mửa, mê sảng, chết.
3. Thuốc chống viêm không có chất steroid:
Thuốc chống viêm không có chất steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs, hay
được gọi tắt NSAIDs) là một nhóm gồm rất nhiều thuốc (những tên thuốc chúng ta quen


thuộc: Motrin, Ibuprofen, Advil, Aleve, ...). Những thuốc này chống đau rất tốt, được
xem mạnh hơn acetaminophen và aspirin. Vài thuốc trong nhóm có tác dụng ngang ngửa
hay còn hơn cả thuốc có chứa chất nha phiến.
Việc đời thực không có gì hoàn hảo như ý ta mong muốn. Các thuốc chống viêm không
có chất steroid chống đau tốt, song chúng cũng gây những phản ứng bất lợi tương tự
aspirin. Những vị nhạy ứng với aspirin, dùng thuốc chống viêm không có chất steroid có
thể lên cơn suyễn hoặc bị những phản ứng nguy hiểm do sự nhạy ứng gây ra. Dùng về lâu
về dài, nhiều người đột nhiên chảy máu đường tiêu hóa, hoặc lở, thủng bao tử, mà chẳng
có triệu chứng gì báo trước. Người uống thuốc với lượng cao, uống trường kỳ, người
trước từng lở bao tử hay tá tràng (duodenum), tuổi tác cao, hoặc uống rượu quá độ, càng
dễ bị những biến chứng gây do thuốc chống viêm không có chất steroid.
Đã vậy, thuốc chống viêm không có chất steroid còn đưa đến suy thận ở một số người,
đặc biệt những vị tuổi đã cao, suy tim, suy thận sẵn, đang dùng thuốc lợi tiểu (diuretic),
không đủ nước trong cơ thể.
Thuốc chống viêm không có chất steroid mới, Celebrex, ít nguy hiểm cho đường tiêu
hóa, không làm tăng thời gian chảy máu, nhưng ngoài ra, những phản ứng phụ khác của
chúng không khác các thuốc cũ. Celebrex rất đắt.
Khác với thuốc chứa chất nha phiến, các thuốc chống viêm không có chất steroid không
làm người bệnh ghiền thuốc và đưa đến sự lạm dụng, cũng chưa có trường hợp cơ thể
phụ thuộc thuốc nào được ghi nhận.
Thuốc chứa chất nha phiến
Đây là một nhóm gồm các thuốc có một số đặc tính chung, chẳng hạn hay gây quen
thuốc, có thể gây nghiện, khiến cơ thể phụ thuộc vào thuốc. Do những đặc tính này, các
thuốc chứa chất nha phiến, trừ tramadol, thuộc loại thuốc kiểm soát (controlled
substances), bác sĩ nên thận trọng khi biên toa, vì biên toa nhiều và lâu, nếu không có chỉ
định rõ rệt, có thể sẽ gặp rắc rối với luật pháp.
Trong nhóm này, tiêu biểu là thuốc morphine, ra đời đầu tiên. Sau morphine, các thuốc
propoxyphene, pentazocine, codeine, meperidine, hydromorphone, oxymorphone,
methadone, levophanol, fentanyl, oxycodone, ... lần lượt xuất hiện.
Các thuốc propoxyphene, pentazocine, codeine thực ra không hữu hiệu hơn aspirin và

acetaminophen (Tylenol), nên hay được dùng chung với acetaminophen cho mạnh thêm
(như thuốc Tylenol số 2, số 3 chứa chất codeine và acetaminophen). Các thuốc morphine,
meperidine, hydromorphone, oxymorphone, methadone, levophanol, fentanyl, oxycodone
mạnh, nên dùng chữa những cái đau dữ, chẳng hạn đau do giải phẫu, gãy xương, ... rất
tốt. Có thuốc dưới dạng uống, có thuốc dưới dạng chích, hoặc đặt vào hậu môn, dán trên
da, ngậm trong miệng.
Thuốc thuộc nhóm chứa chất nha phiến có thể gây buồn nôn, ói mửa, ngầy ngật, chóng
mặt, ngứa da, bón. Tránh bón khi dùng thuốc, ta nên uống thêm thuốc giúp mềm phân.
Nguy hiểm nhất là tác dụng ức chế trung khu hô hấp trên óc. Với các vị đang mang bệnh
tắc phổi kinh niên (chronic obstructive pulmonary disease, thường do hút thuốc lá) hoặc
các bệnh phổi khác làm cơ năng hô hấp đã suy sẵn, thuốc có thể khiến người bệnh thở
kém hơn đưa đến ngưng thở. Ngay cả người không có bệnh phổi, khi mới dùng thuốc
chứa nha phiến để giảm cơn đau cấp tính, cũng dễ gặp hiểm nguy suy hô hấp gây do
thuốc. Gây mê lúc mổ, đang dùng các thuốc phenothiazines, hoặc thuốc an thần
benzodiazepines, barbiturates, thuốc chống sầu buồn tricyclic antidepressants, càng làm
tăng hiểm nguy suy hô hấp nếu dùng thuốc thuộc nhóm chứa chất nha phiến. Sử dụng
thuốc chứa chất nha phiến, bác sĩ nên cẩn trọng, thường xuyên theo dõi kỹ người bệnh.
Mọi việc đều có cái giá của nó, bác sĩ mạnh tay, cái giá người bệnh phải trả có khi rất
cao.
Một đặc tính quan trọng của các thuốc thuộc nhóm chứa chất nha phiến là sự quen thuốc
(tolerance), nếu dùng về lâu về dài. Đầu tiên người dùng thuốc thấy thời gian bớt đau do
thuốc dần ngắn đi, rồi thì, ơ, sao thuốc không còn hữu hiệu như trước nữa, buộc phải tăng
lượng thuốc lên. Nếu cần đến thuốc lâu dài, như trong những trường hợp ung thư, để tình
trạng quen thuốc chậm xảy ra, chúng ta có thể dùng thuốc với lượng thấp thôi, đồng thời
uống thêm thuốc giảm đau không thuộc nhóm chứa chất nha phiến. Khi quen thuốc xảy
ra, dùng đến lượng tối đa của thuốc, song vẫn không mấy kết quả, ta có thể thử đổi sang
một thuốc chứa chất nha phiến khác xem sao.
Các thuốc chứa chất nha phiến loại mạnh còn gây hiện tượng phụ thuộc thuốc (physical
dependence), cơ thể đâm khó chịu, bứt rứt khi bất ngờ không có thuốc. Nếu ta dùng các
thuốc mạnh tương tự như morphine với lượng cao, chỉ cần sau vài tuần, đã có thể xảy ra

hiện tượng phụ thuộc thuốc, bỏ thuốc bất ngờ, cơ thể khó chịu. Ngoài ra, còn sự phụ
thuộc về tinh thần (psychological dependence), tức sự nghiện thuốc. Sử dụng thuốc một
thời gian, nhiều người thấy tinh thần hân hoan phơi phới (euphoria), đâm ghiền, cứ muốn
có thêm thuốc, không dứt bỏ được. Cũng may, người dùng thuốc một thời gian ngắn để
chữa đau cấp tính, và các vị dùng thuốc lâu dài vì ung thư, ít khi cảm thấy tinh thần phải
phụ thuộc vào thuốc, hiếm khi trở thành ghiền thuốc.
Thuốc giảm đau phụ thêm
Một số trường hợp đau nhức gây bởi vấn đề thần kinh (neuropathic pain) cần đến các
thuốc chống sầu buồn (antidepressants) và các thuốc chống kinh giật (anticonvulsants).
Chính ra, với những cái đau do thần kinh, thuốc chứa chất nha phiến lại không giúp
nhiều.
Trong nhóm thuốc chống sầu buồn, amitriptyline và imipramine là hai thuốc tiêu biểu
hay được dùng để giúp giảm đau trong nhiều trường hợp đau do thần kinh, chẳng hạn như
đau tê bàn chân do thần kinh ở bàn chân hư hoại vì tiểu đường (diabetic neuropathy), đau
do thần kinh bị chấn thương, thần kinh bị ung thư xâm nhập...
Trong nhóm thuốc chống kinh giật, carbamazepine, phenytoin, sodium valproate,
clonazepin, gabapentin, ... có thể làm giảm những cái đau do vấn đề thần kinh.
Ngoài ra, những thuốc dưới đây cũng góp phần giúp giảm đau:
· Cafeine, với lượng 65-200 mg, có thể làm tăng tác dụng chống đau của các thuốc
acetaminophen (Tylenol), aspirin hay ibuprofen (một thuốc thuộc nhóm chống viêm
không có chất steroid), nên hay được pha chung với những thuốc này.
· Hydroxyzine, với lượng 25-50 mg, tăng tác dụng của các thuốc chứa chất nha phiến,
trong những trường hợp đau sau khi giải phẫu, hoặc đau do ung thư. Đồng thời,
hydroxyzine còn làm bớt ói mửa.
· Thuốc có chất steroid giúp bớt đau trong một số trường hợp bệnh do cơ chế viêm
(inflammatory diseases) hoặc do thần kinh bị ung thư xâm nhập.
Dùng thuốc chữa đau
Rất nhiều khi, đau đớn đưa đến đau khổ. Người bệnh đau đớn, trông nhờ vào bác sĩ xoa
dịu nỗi đau khổ của mình, kỳ vọng bác sĩ sẽ dùng thuốc mạnh, nỗi đau khổ mau tan. Song
với mọi việc, chúng ta đều nhiều ít trả một cái giá. Làm thế nào để cái giá đó không quá

đắt, phải chăng, chấp nhận được.
Đau thường được chia làm ba mức độ: nhẹ (mild), vừa (moderate) và nặng (severe).
- Đau ở mức độ nhẹ đến vừa (mild to moderate): tốt nhất chúng ta thử acetaminophen
(Tylenol); apirin, so với acetaminophen, không hữu hiệu hơn, còn có thể gây nhiều tác
dụng không tốt. Nhiều vị trong chúng ta, nghe đến Tylenol, tỏ vẻ nghi ngại: “Ồ, thuốc
cảm Tylenol cũng chữa đau ư?”. Thưa bạn, Tylenol là thuốc tốt chữa đau, nếu chúng ta
dùng đúng phân lượng. Tylenol lại lành, ít gây phản ứng, không làm chảy máu bao tử,
không hại cho thận. Ở nhà, đau nhức, trong lúc chờ đi khám bác sĩ, tạm thời bạn có thể
thử Tylenol trước (lượng cho người lớn: 650 mg – 1300 mg, thường chúng ta uống 1 viên
500 mg không đủ).
- Đau ở mức độ vừa đến khá nặng (moderate to moderately severe): dùng thử Tylenol
không bớt, ta dùng đến thuốc chống viêm không có chất steroid hoặc thuốc chứa chất nha
phiến nhẹ (thường pha chung với acetaminophen, như trong các thuốc Tylenol số 2, số 3,
Darvocet-N) và nếu có thể, trong thời gian ngắn thôi.
Ở đây, cái giá ta trả bắt đầu cao hơn. Các thuốc chống viêm không có chất steroid và
thuốc chứa chất nha phiến nhẹ đắt hơn Tylenol. Phản ứng phụ đáng ngại nhất của thuốc
chống viêm không có chất steroid là gây chảy máu đường tiêu hóa, bạn nên cẩn thận
dùng thuốc lúc bụng no, và nếu đi cầu ra phân đen xin cho bác sĩ biết ngay. Người viết có
vị bệnh nhân, trước giờ không có bệnh bao tử, dùng thuốc Naproxen chỉ mới hơn tuần lễ,
đã đi cầu ra phân đen, phải vào nhà thương chữa trị. Thuốc chứa chất nha phiến lại hay
gây buồn nôn, ói mửa, ngầy ngật, chóng mặt, ngứa da, bón.
- Đau mức độ nặng dữ (severe): khi gãy xương, hoặc sau giải phẫu, chúng ta có lẽ phải
cần đến những thuốc có chất nha phiến mạnh, như Vicodin (hydrocodone pha chung với
acetaminophen). Người viết đã có dịp dùng Vicodin, bớt đau thật đấy, nhưng, ôi, người
cứ như mê thỉu đi, bụng nôn nao khó chịu, chỉ muốn ngủ. Đời... tạm thời đáng chán.
Cũng may, chỉ vài ngày sau thôi, đời vui trở lại, vì bớt đau, không cần dùng đến Vicodin
nữa, Tylenol thường cũng đủ. Đấy là cái giá nhiều người chúng ta phải trả khi dùng
những thuốc có chất nha phiến mạnh. Dùng lâu còn quen thuốc, đâm nghiện.
Câu chuyện về các thuốc giảm đau ở Mỹ xin ngừng nơi đây. Ngẫm nghĩ, cõi nhân gian
này, việc gì cũng có cái giá của nó. Sao cho cái đau của ta dịu đi, mà ta chỉ phải trả một

giá phải chăng, chấp nhận được. Nếu cần, ta dùng thêm các thuốc loại giảm đau phụ
thêm. Và xin nhớ, thời gian cũng là liều thuốc thần hiệu, xoa dịu rất khéo nhiều cái đau,
chúng ta chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi chút.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức,
Chuyên Khoa Nội Thương
8748 E. Valley Blvd., Ste H
Rosemead, CA 91770
Tel: (626) 288-3306

Copyright, 2009. Muốn phổ biến bài viết này, cần xin phép tác giả và xin ghi rõ nguồn Y
Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com

×