Điêu khắc Chăm tại Bảo tàng Guimet
(Paris)
Tháng mười, khi trời Paris vào thu,
Guimet - Bảo tàng hàng đầu thế giới về nghệ
thuật châu Á - sẽ tổ chức cuộc triển lãm "Kho
tàng nghệ thuật Việt Nam: Điêu khắc Chăm
(thế kỷ 5-15)" từ 12-10-2005 đến 9-1-2006.
Lần đầu tiên trên thế giới, 10 thế kỷ
điêu khắc Chăm được trưng bày một cách quy
mô, bài bản, tập trung 95 hiện vật đến từ Bảo
tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch
sử TP Hồ Chí Minh, khu di tích Mỹ Sơn, Bảo
tàng Nghệ thuật châu Á Guimet, Bảo tàng Lịch
sử tự nhiên - Bảo tàng Guimet ở Lyon (Pháp)
và Bảo tàng Rietberg ở Zurich (Thụy Sĩ). Tất
cả nhằm giới thiệu cho công chúng một cái nhìn tổng quan về điêu khắc Chăm vốn ít
được biết đến ở phương Tây, lại thường bị che khuất trong ánh hào quang của nghệ
thuật Angkor (Campuchia) và Java
(Indonesia).
Triển lãm điêu khắc Chăm tại Paris còn nằm trong khuôn khổ hợp tác văn hóa
Việt - Pháp, cụ thể giữa Bảo tàng Chăm Đà Nẵng và Bảo tàng Guimet. Dưới sự bảo trợ
của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), một xưởng trùng tu tác phẩm điêu khắc bước
đầu đã đi vào hoạt động tại Bảo tàng Chăm.
Được khánh thành năm 1889 với hơn 50.000 hiện vật đến từ các nước châu Á,
năm 1996 Bảo tàng Guimet đóng cửa trong năm năm để sửa sang, chỉnh trang, sắp xếp
và trưng bày các hiện vật trong tinh thần mà E.Guimet, người sáng lập bảo tàng, hằng
mong ước: "Một bảo tàng đang suy nghĩ, đang đối thoại, đang sống".
Từ sảnh trung tâm hình tròn của bảo tàng, trong ánh sáng dịu nhẹ, khách lần
bước theo những phong cách của nghệ thuật Chăm khởi đi từ thế kỷ thứ 5 trong truyền
thống Ấn Độ hóa. Tiếng hát của loài chim thiên nga vươn cao, thăng hoa trong thế kỷ
thứ 10, đánh dấu buổi hoàng kim của vương quốc Champa ở Simhapura - Trà Kiệu,
Indrapura - Đồng Dương (Quảng Nam), trước khi nhạt nhòa trên vùng Vijaya (Bình
Định), Panduranga (Phan Rang). Dư âm của nghệ thuật ấy bây giò là chuỗi ngọc điêu
khắc kết nối những tuyệt tác như mi cửa (fronton) phong cách Mỹ Sơn (tháp E1) thể
hiện truyền thuyết Ấn Độ về sự xuất hiện của kỷ nguyên Hoa Sen: thần Sáng tạo
Brahma sinh ra trên đài sen mọc từ rốn của thần Visnu nằm giữa đại dương linh diệu.
Một trong những đóng góp của Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh tại cuộc triển lãm
này là tượng bán thân Devi tìm thấy ở Hương Quê (Quảng Nam). Tượng Devi, nữ thần
trong truyền thống Ấn Độ giáo, thể hiện vẻ đẹp Chăm, đằm thắm mà đầy nữ tính. Một
trong những tuyệt phẩm sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng thưởng ngoạn là tượng
Tara (Bồ tát Quán Thế âm) phát hiện ở Quảng Nam vào năm 1978. Đây là tượng đồng
lớn nhất được biết đến hiện nay trong lịch sử nghệ thuật Chăm, phong cách Đồng
Dương. "Tượng Tara phảng phất những ảnh hưởng Ấn Độ, Trung Hoa trên một truyền
thống mang đậm bản sắc Chăm. Đó là đỉnh cao của nghệ thuật Chăm". (J.Boisselier. Un
bronze de Tara du Musée de Đà Nẵng et son importance pour I'histoire de I'art du
Champa. BEFEO.1984).
Ngoài những tượng, bệ thờ, lá nhĩ, phù điêu, tượng tròn (rondes-bosses)... bằng
sa thạch và đồng, Bảo tàng Guimet còn chọn lọc trưng bày một bộ sưu tập đồ tế tự và
trang sức bằng vàng, bạc và quý kim gồm 96 hiện vật mà đa số chỉ mới được triển lãm
lần đầu. Không gian nghệ thuật Chăm còn được minh họa thêm bằng những hình ảnh
sống động chụp từ hồi đầu thế kỷ 20, ghi lại những đền tháp Chăm phân bố rải rác ở
miền trung; những đoạn phim câm mô tả những công trình khai quật khảo cổ của Jean-
Yves Claeys thực hiện ở Trà Kiệu (Quảng Nam) và Tháp Mắm (Bình Định) những năm
1920-1930; những khuôn đúc (moulages) đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Vũ nữ Trà Kiệu,
những trụ áp tưởng của tháp Mỹ Sơn A1...
Trong những lần trò chuyện với ban giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhằm
chuẩn bị cho cuộc triển lãm này, P.Baptiste - quản thủ Bảo tàng Guimet, phụ trách phần
nghệ thuật Đông Nam Á - đã tâm sự: "Sở dĩ phải tập trung chủ đề điêu khắc Chăm vì
kiến trúc đền - tháp thật ra chỉ là bệ thờ cho điêu khắc. Điêu khắc Chăm chịu ảnh hưởng
từ Ấn Độ giáo nhưng không sao chép, không mô phỏng, không đóng khung trong
truyền thống đó. Trái lại, đã phát huy và vươn lên từ những yếu tố bản địa để có một
chỗ đứng riêng trong dòng nghệ thuật Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á".
Khi được hỏi: "Đâu là những nét đặc trưng của điêu khắc Chăm? Điều làm nên
sự khác biệt so với những nền nghệ thuật Ấn Độ hóa khác ở Đông Nam Á như nghệ
thuật Khơme hay Java (Indonesia)...?", P. Baptiste, người chủ trì cuộc triển lãm còn rất
trẻ, với mái tóc dài của một tay chơi nhạc rock hơn là một chuyên gia bảo tàng, trả lời:
"Điểm độc đáo đầu tiên của điêu khắc Chăm là những đài thờ, như đài thờ tháp Mỹ Sơn
E1, Trà Kiệu, Đồng Dương... Đài thờ nối liền thần linh và đền - tháp, trời - đất. Những
ô hộc trang trí chung quanh bệ thờ Mỹ Sơn E1 phản ánh đời sống tu hành của giới tu sĩ
Ấn Độ giáo, nhưng thật thú vị, quan niệm về đài thờ hầu như vắng bóng trong truyền
thống nghệ thuật Ấn Độ. Đó là một nét riêng của điêu khắc Chăm. Từ đài thờ ở vị trí
trung tâm của một tháp Chăm bằng gạch, trên những vòm cuốn, ô hộc bằng sa thạch,
người nghệ sĩ cố gắng thể hiện những bức tượng trong không gian ba chiều. Điêu khắc
Chăm chuyển từ những bức phù điêu sang tượng tròn với nhiều chủ đề phong phú:
tượng thần giữ cửa Dvarapala, chim thần Garuda, voi, sư tử, sơn dương... Tất cả, từ thần
linh đến muông thú, đều sống động, có hồn trong từng chi tiết nhỏ. Tượng tròn Chăm
không còn đóng khung trong một không gian cố định như những dải phù điêu khắc họa
những sử thi Ấn Độ ở Angkor Wat, những hoạt cảnh chinh chiến giữa người Khơme và
người Chăm ở Bayon. Điêu khắc Chăm như bay bổng, hóa thân thành hình tượng Si va
múa, vũ nữ Trà Kiệu hay nữ thần với nụ cười mang phong cách Chánh Lộ đang uốn
mình giữa hai ham sa tượng trưng cho sự minh triết...
Đây cũng chính là chủ đích của cuộc triển lãm Kho tàng nghệ thuật Việt Nam:
điêu khắc Chăm (thế kỷ 5 - 15), bởi tinh hoa nghệ thuật ấy xứng đáng có một vị trí trang
trọng trong dòng nghệ thuật Ấn Độ hóa, trong lòng công chúng thưởng ngoạn, phương
Tây và Việt Nam".
Nguồn tin: Tuổi trẻ