XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
TỪ MỘT CUỘC ĐIỀU TRA XÃ HỘI HỌC – SUY NGHĨ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN GẦN DÂN
GS.TSKH. NGUYỄN VĂN THÂM
Học viện Hành chính
ách đây không lâu, trong khuôn khổ Dự án cải cách hành chính (CCHC)
tỉnh Ninh Bình, chúng tôi đã có dịp thực hiện một cuộc khảo sát xã hội học
để chuẩn bị cho việc triển khai Dự án giai đoạn II (2007-2010). Cuộc điều
tra đã mang lại nhiều kết quả thú vị và rất hữu ích trên nhiều phương diện. Bài viết
này xin giới thiệu một khía cạnh của vấn đề từ cuộc khảo sát đó: vấn đề xây dựng
một bộ máy chính quyền gần dân trong thực tế.
C
Trước hết xin nói vài nét về cuộc khảo sát của chúng tôi.
Dự án CCHC tỉnh Ninh Bình do Chính phủ Na Uy tài trợ, có 5 mục tiêu cụ thể
là:
1. Thí điểm các giải pháp CCHC nhằm cải tiến việc cung cấp các dịch vụ để
hỗ trợ thực hiện xoá đói giảm nghèo;
2. Tăng cường năng lực tổ chức và nguồn nhân lực cho chính quyền cơ sở;
3. Hỗ trợ cải cách đồng bộ về thể chế và tổ chức để nâng cao hiệu lực, hiệu
quả hoạt động của cả 3 cấp chính quyền địa phương;
4. Nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia của phụ nữ ở cả 3 cấp chính
quyền địa phương;
5. Tăng cường năng lực cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của
Mặt trận các cấp của địa phương trong việc theo dõi và giám sát thực hiện các quy
định của Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Địa điểm khảo sát được lựa chọn và tiến hành là 4 xã và một phường thuộc 2
huyện và 1 thị xã của tỉnh Ninh Bình, cụ thể như sau: xã Gia Hoà thuộc huyện Gia
Viễn; xã Thạch Bình và xã Cúc Phương thuộc huyện Nho Quan; xã Đông Sơn và
phường Nam Sơn thuộc thị xã Tam Điệp.
Trong các địa phương nói trên, Cúc Phương là xã thuộc diện đặc biệt khó
khăn, được chương trình Quốc gia về xoá đói giảm nghèo (Chương trình 135) giúp
đỡ và trước đây đã tham gia Dự án CCHC giai đoạn I (2001-2004). Các địa phương
còn lại lần đầu tiên được lựa chọn để dự kiến sẽ tổ chức thí điểm dự án CCHC giai
đoạn II.
Việc khảo sát nhằm giúp làm sáng tỏ một số câu hỏi như: cần cải cách việc
cung cấp các dịch vụ công như thế nào để chúng có khả năng hỗ trợ tốt nhất cho việc
xoá đói giảm nghèo ở các địa phương trong giai đoạn hiện nay? Cần bồi dưỡng
những kỹ năng nào cho cán bộ chính quyền cơ sở để giúp họ nâng cao năng lực thực
hiện tốt các yêu cầu của công cuộc cải cách nền hành chính theo các mục tiêu mà
Chính phủ đã đề ra? Cần đưa ra và thực hiện các giải pháp nào để đề cao được trên
thực tế vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát thực hiện các quy định của
Chính phủ trong bản Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở ở cấp xã? Giải pháp nào cần
chú trọng triển khai để nâng cao sự bình đẳng giới tại các địa phương thuộc tỉnh
Ninh Bình?.v.v... Chính vì thế nó có thể nêu lên nhiều vấn đề về xây dựng một bộ
máy nhà nước gần dân mà hiện Đảng và Nhà nước ta đang rất quan tâm.
Dưới đây là tóm tắt một số kết quả thu được qua cuộc khảo sát.
Được hỏi về các dịch vụ mà chính quyền địa phương thông qua các chính sách
chung của Nhà nước đã cung cấp cho người dân để thực hiện xoá đói giảm nghèo cho
nhân dân của mình, 96% người được hỏi trả lời là họ được vay vốn để tổ chức sản
xuất; 87% trả lời họ được tư vấn kỹ thuật trong sản xuất, canh tác; 67% người trả lời
cho biết họ được chính quyền giúp đỡ xây dựng nhà ở, giúp đỡ con em họ có điều kiện
học tập. Căn cứ vào kết quả thực tế của việc xoá đói giảm nghèo tại các địa phương
Ninh Bình thời gian qua, có thể nhận xét rằng những biện pháp cung cấp dịch vụ mà
chính quyền thực hiện thời gian qua đã có tác dụng nhất định. Điều đáng quan tâm
hiện nay là chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ đó. Trên thực tế, một số hoạt động
xoá đói giảm nghèo hiện đang được triển khai tại các địa phương, nhưng việc nâng
cao chất lượng các dịch vụ phục vụ người nghèo vẫn còn nhiều điều chưa thực hiện
được. Vì vậy, việc phát triển kinh tế bền vững của các địa phương còn hạn chế.
Về việc cung cấp các dịch vụ công cho dân, đại đa số người được hỏi cho rằng
vai trò của các dịch vụ đó ở mức độ bình thường. Trong số các dịch vụ được nêu để
khảo sát, chỉ có dịch vụ cho vay vốn được đánh giá là có vai trò tốt nhất (78% số
người trả lời đánh giá tốt trở lên). Điều đó cho phép nêu lên một nhận xét quan trọng
là chính quyền các cấp rõ ràng cũng có thể đã thấy được vai trò của các dịch vụ mà
mình cung cấp để giúp cho công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương mình là
quan trọng, nhưng do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức các dịch vụ đó còn nhiều hạn
chế. Từ cách làm của các cơ quan chưa hiệu quả mà người dân chưa thấy hết ý nghĩa
thực sự của mỗi loại dịch vụ xoá nghèo. Rất có thể điều đó là do trình độ tổ chức của
các nhà cung cấp dịch vụ còn hạn chế, cũng có thể là do thiếu những thể chế cụ thể và
thích hợp nên các dịch vụ đưa ra đã không phát huy được vai trò và tác dụng của mình
trong thực tế nên người dân đã không quan tâm. Khảo sát cụ thể hơn về hiệu quả của
từng dịch vụ đã được cung cấp tại 5 xã thí điểm, kết quả tổng hợp được cho thấy chỉ
có dịch vụ cho vay vốn để giúp xoá nghèo là được đánh giá có hiệu quả nhất (71%).
Các dịch vụ còn lại ít hiệu quả. Đánh giá nghiêm túc vấn đề này là rất quan trọng vì nó
cho thấy nguyên nhân thực tế đã dẫn đến việc tiếp cận của người nghèo với các dịch
vụ do chính quyền hoặc các tổ chức khác cung cấp chưa có hiệu quả như mong muốn.
Hơn 80% số người cho rằng các công trình phúc lợi chưa phục vụ người nghèo có
hiệu quả. Vì sao họ đánh giá như vậy? Khi được phỏng vấn trực tiếp thêm ngoài câu
hỏi, một số không ít người trả lời rằng mặc dù ở các địa phương điều có trạm xá,
trường học, nhưng chất lượng phục vụ cho người nghèo thấp, học sinh nghèo thường
gặp khó khăn khi đến trường mà việc hỗ trợ thêm thì hầu như rất hạn chế. Những bác
sĩ được đào tạo tốt, các giáo viên giỏi, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do
lương thấp và điều kiện làm việc không bảo đảm, đã không có nhiều người muốn về
nông thôn phục vụ. Đó là một thực tế không riêng gì ở Ninh Bình.
Về quan hệ giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể trong hệ thống chính
trị, đại đa số người dân tham gia trả lời câu hỏi ở tất cả 5 địa phương đều xác nhận
rằng việc phối hợp của các đoàn thể với chính quyền địa phương trong việc triển
khai chính sách xoá đói giảm nghèo ở địa phương là đúng mức. Nếu hiệu quả của
việc thực hiện chính sách đang nói đến chưa cao thì điều đó không phải là do nguyên
nhân không có sự phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm mà là ở các nguyên
nhân khác.
Đánh giá quá trình làm việc của cán bộ địa phương khi họ tiếp cận với công
dân để thực hiện các nhiệm vụ được giao, bên cạnh sự hài lòng của nhiều người thì
vẫn còn có một tỷ lệ nhất định công dân không hài lòng với cán bộ địa phương bởi
nhiều lý do khác nhau. Lý do đáng nói nhất là do trình độ làm việc hạn chế nên để
công việc chậm, người dân phải đi lại nhiều lần mới được giải quyết. Đây là một
thực tế đã được người dân nêu lên rất công bằng. Tuy nhiên, cần chú ý rằng nếu sự
hài lòng của dân gắn với trách nhiệm của cán bộ thì sự không hài lòng lại không phải
do trách nhiệm thấp mà do năng lực hạn chế của cán bộ gây nên. Do đó, để cải thiện
thái độ của dân với cán bộ trong trường hợp sau không thể chỉ là ở chỗ nâng cao tinh
thần trách nhiệm mà phải chú ý cải thiện trình độ của cán bộ địa phương để giải
quyết công việc cho dân tốt hơn, nhanh chóng hơn. Tiếp tục khảo sát về năng lực
chung của cán bộ dưới con mắt của người dân, kết quả tổng hợp cho thấy 43,8% số
người trả lời câu hỏi cho rằng năng lực của cán bộ chính quyền địa phương mình là
tốt, 53,4% cho là bình thường. Chỉ có 2,7% đánh giá là năng lực còn yếu. Như vậy,
những người có trình độ trung bình và yếu đang làm việc trong các xã hiện nay theo
người dân đánh giá là hơn một nửa. Còn nhiều người năng lực làm việc bình thường
và yếu trong bộ máy chính quyền cơ sở thì hiệu quả làm việc của bộ máy này không
cao là điều dễ hiểu.
Hạn chế cần chú ý khắc phục của cán bộ chính quyền cơ sở các xã được khảo
sát được xác nhận chủ yếu là về nghiệp vụ chuyên môn. Kết quả trao đổi với cán bộ
địa phương các xã cũng xác nhận điều này. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là
do nguồn cán bộ được tuyển vào làm việc tại các xã nhìn chung có mặt bằng văn hoá
thấp và còn ít được đào tạo, bồi dưỡng.
Tổ chức cho người dân thực hiện các chủ trương, chính sách đã ban hành dĩ
nhiên là nhiệm vụ trọng yếu của chính quyền cơ sở. Điều này làm được tốt hay
không lệ thuộc một phần rất lớn vào các phương pháp vận động quần chúng mà
chính quyền áp dụng trong thực tế. Yêu cầu của việc vận động là làm cho mọi người
hiểu rõ mục tiêu công việc do chính quyền đưa ra để họ tích cực tham gia thực hiện.
Đây thuộc về một nguyên tắc trong làm việc: trước khi khởi hành cần biết rõ mình sẽ
đi đến đâu.
Kết quả khảo sát cho thấy có 66,4% số người trả lời đánh giá bằng phương
pháp mà chính quyền áp dụng để vận động quần chúng tham gia thực hiện các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là thích hợp. 32,2% số người trả lời cho là
bình thường. Số người trả lời chưa thích hợp là không đáng kể (1,4%).
Được hỏi kỹ hơn về những tồn tại trong phương pháp vận động quần chúng
của chính quyền địa phương, có 11,6% số người trả lời cho rằng hiện còn nhiều điều
chưa hiểu rõ về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà chính quyền
địa phương không giải thích cho người dân.
Có 6,8% số người trả lời rằng có những chủ trương, chính sách khi đi vào đời
sống đã không được người dân ủng hộ. Tỷ lệ này không cao nhưng rất đáng suy nghĩ
về phương diện vận động quần chúng của chính quyền cơ sở. Nguyên nhân của điều
này có thể là do một số cán bộ thiếu kỹ năng vận động quần chúng thực hiện chính
sách hoặc do chính bản thân một số chính sách đã được đưa ra không thích hợp với
thực tế, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Về trách nhiệm của cán bộ địa phương, 65,1% số người trả lời xác nhận rằng
cán bộ địa phương mình đã có trách nhiệm trong công việc. Có 29,5% số người trả
lời cho rằng trách nhiệm của cán bộ khi làm việc công là bình thường. Tỷ lệ này phù
hợp với câu trả lời về sự hài lòng của người dân với cán bộ của mình trong quá trình
tiếp cận và giải quyết công việc cho dân. Những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm
trong bộ máy chính quyền các địa phương được khảo sát được đánh giá là vẫn còn,
nhưng tỷ lệ thấp.
Về những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết
công việc cho dân tại các địa phương được khảo sát, có 79,6% số người trả lời câu
hỏi xác nhận các thủ tục hành chính đã được công khai hoá và tổ chức thực hiện
thuận lợi. Điều này cho thấy kết quả cải cách thủ tục hành chính ở địa phương Ninh
Bình thời gian qua là có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cộng cả tỷ lệ những người đánh giá
thủ tục hành chính chưa công khai hết với tỷ lệ nói rằng còn những thủ tục chưa
được thực hiện thuận lợi thì tỷ lệ đánh giá triển khai thủ tục hành chính chưa tốt cũng
còn tới 23% (8,8% + 14,3%). Vẫn còn một tỷ lệ nhất định (6,1%) số người nhận xét
giải quyết một thủ tục phải đi qua nhiều cửa, mặc dầu hiện nay cơ chế thực hiện thủ
tục hành chính “một cửa” đã được triển khai ở tất cả các địa phương của tỉnh.
Ngoài ra, kết quả làm việc tại các xã cũng cho biết hiện nay ở hầu hết các địa
phương, cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính chủ yếu vẫn chỉ ở
từng cấp chính quyền độc lập, thiếu sự liên thông. Điều này giải thích vì sao còn có
một bộ phận người dân được hỏi trả lời rằng một số thủ tục vẫn phải qua nhiều cửa
mới có thể giải quyết được. Tại bộ phận “một cửa”, nhiều cán bộ phụ trách trình độ
nghiệp vụ còn hạn chế, chưa được huấn luyện thành thạo nên công việc giải quyết
không thể nhanh chóng.
Về sự sâu sát để tìm hiểu nguyện vọng người dân của cán bộ chính quyền các
địa phương được khảo sát, có 49,7% số người trả lời là rất tốt, một số lượng tương
đương như thế (48,3%) trả lời là bình thường. Như thế, về cơ bản cán bộ địa phương
đã có sự quan tâm để tìm hiểu nguyện vọng người dân.
Những biểu hiện còn hạn chế về phương diện này được đánh giá là vẫn còn,
nhưng nhìn chung không nhiều. Ví dụ:
Có 14,3% người trả lời câu hỏi cho rằng cán bộ chưa hiểu hết được khó khăn
của dân.
8,2% số người trả lời nhận xét rằng cán bộ địa phương chưa tạo điều kiện
thuận lợi cho người dân tiếp xúc với chính quyền các cấp.