Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Tài liệu Giải pháp giải quyết việc làm cho thanh niên pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (71.42 KB, 4 trang )

Giải pháp giải quyết việc làm cho thanh niên (27/04/2007)

Việc làm và nghề nghiệp là nguyện vọng chính đáng, là mối quan
tâm hàng đầu của thanh niên. Theo thống kê, năm 2006 số người
trong độ tuổi lao động của cả nước là 43,44 triệu, trong đó số lao
động trong độ tuổi thanh niên (15 – 34 tuổi) chiếm khoảng 47%. Số
thanh niên tham gia lực lượng lao động tăng bình quân hơn 200
nghìn người/năm, khoảng 50% thanh niên đã tốt nghiệp THCS,
THPT.

Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn trong độ tuổi từ 16 – 30
(chiếm trên 74% tổng số thanh niên và 50% lực lượng lao động trong nông nghiệp). Số
thanh niên đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ cao, chỉ tính riêng số đoàn viên thanh niên đi làm ăn
xa đã chiếm tỷ lệ 20 – 30% (trong đó số đi lao động thường xuyên là 20 – 25%, số đi lao
động thời vụ lúc nông nhàn là 30 – 40%). Thời gian đi lao động trong khoảng từ 3 – 12
tháng. Lao động thanh niên đô thị trong độ tuổi từ 15 – 30 hiện chiếm khoảng 25% tổng
số thanh niên cả nước và chiếm 43% dân số đô thị. Thời gian qua, trung bình mỗi năm,
thanh niên đô thị tăng khoảng 1% và thanh niên nông thôn giảm tỷ lệ tương ứng. Trung
bình, thanh niên đô thị có đủ việc làm chiếm gần 90%, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 6%.
Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp
để giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và cho thanh niên nói riêng và đã
thu được những kết quả đáng khích lệ.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2001-2010, và Chiến lược
phát triển thanh niên Việt nam đến năm 2010 của Chính phủ đã cho thấy sự quan tâm
của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề phát triển thanh niên, trong đó, vấn đề việc làm
và dạy nghề, nâng cao trình độ học vấn chuyên môn, nghề nghiệp, năng lực khoa học
công nghệ; giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, nâng cao thu nhập cho họ
là những mục tiêu quan trọng nhất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị về
việc thanh niên tham gia thực hiện phát triển các chương trình kinh tế – xã hội, yêu cầu
các Bộ, ngành có liên quan lập kế hoạch với những mục tiêu, nhiệm vụ nhằm sử dụng
tiềm năng trong thanh niên, nhấn mạnh sự cần thiết thu hút thanh niên tham gia một số


chương trình trọng điểm quốc gia và các dự án chủ chốt ở Trung ương và địa phương.
Trong những năm qua, Đoàn TNCSHCM các cấp đã phát huy vai trò xung kích của
tuổi trẻ trong việc tuyên truyền, vận động và tổ chức lực lượng lao động trẻ tham gia
phong trào thi đua lao động xây dựng đất nước và giáo dục rèn luyện thanh niên. Các tổ
chức Đoàn phối hợp ngành giáo dục, lãnh đạo các trường, các cơ quan báo chí đã đẩy
mạnh việc hướng nghiệp, tư vấn nghề cho sinh viên, học sinh giúp họ tự đánh giá và
chọn được nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Nhiều sinh viên đã chủ động tìm
kiếm, tự tạo việc làm ngay khi còn đang học tập. Công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề
nghiệp thông qua các chương trình dự án do Đoàn thanh niên đảm nhận đã tận dụng
được nguồn vốn, nguyên liệu tại chỗ để giải quyết việc làm tại chỗ, giúp thanh niên nhận
thức, hiểu rõ hơn về vấn đề lựa chọn nghề và hạn chế vấn đề thanh niên đi làm ăn xa.
Nhiều đơn vị còn tổ chức các hoạt động để khuyến khích thanh niên tự tạo việc làm như
chương trình “Khởi sự doanh nghiệp”, tổ chức các diễn đàn giữa người lao động với
các doanh nghiệp, tư vấn cho thanh niên lập các dự án phát triển kinh tế, tự tạo việc
làm… Ngoài ra, các trung tâm dạy nghề, dịch vụ việc làm thanh niên đã giúp cho nhiều
lao động trẻ hiểu rõ hơn về chính sách, chế độ, tiêu chuẩn về lao động, việc làm của
Việt Nam và pháp luật lao động, phong tục, tập quán của những nước nơi họ đăng ký đi
XKLĐ; hướng nghiệp cho lao động trẻ cách thức tìm việc làm phù hợp trình độ, khả
năng, chuyên môn, kỹ năng trả lời phỏng vấn, cách giao tiếp… nhằm giúp cho lao động
trẻ kiến thức ban đầu trên con đường lập thân, lập nghiệp. Thông qua các hoạt động tư
vấn, nhiều lao động trẻ đã tự tìm cho mình một nghề, công việc phù hợp với nguyện
vọng, sở trường của bản thân.
Hệ thống chính sách đã tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên tìm việc làm và tự
tạo việc làm, từng bước cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo nhận thức mới về lao
động – việc làm và hình thành nhiều mô hình tạo việc làm có hiệu quả, điển hình là việc
thực hiện các chương trình dạy nghề cho nông dân, cho thanh niên dân tộc, cho bộ đội
xuất ngũ…
Tính chung, giai đoạn 2001 - 2005, trung bình mỗi năm cả nước tạo việc làm cho
hơn 1,5 triệu lao động, trong đó lao động là thanh niên chiếm khoảng 70%. Thông qua
các chương trình kinh tế – xã hội đã giải quyết việc làm cho khoảng 3 - 4 triệu thanh

niên; qua Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 1,7 triệu người, trong đó kênh của Đoàn
TNCSHCM với tổng nguồn vốn vay khoảng 43 tỷ đồng đã giải quyết việc làm cho hơn
3000 lao động/năm. Xuất khẩu lao động cũng là một kênh tạo việc làm chủ yếu cho
người lao động (90% ở độ tuổi thanh niên). Riêng năm 2005, đã có hơn trên 70 ngàn
lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, đưa tổng số lao động Việt Nam đang
làm việc ở nước ngoài lên trên 400 ngàn người, thu nhập 1,5 tỷ USD . Trên 160 trung
tâm giới thiệu việc làm, mỗi năm đã tư vấn giới thiệu việc làm và dạy nghề cho hàng
chục vạn lao động (chủ yếu là thanh niên), góp phần quan trọng phát triển thị trường lao
động. Các hội chợ việc làm hàng năm cũng thu hút đông người tham gia, thanh niên
chiếm trên 80%, tại mỗi hội chợ việc làm có khoảng 16 ngàn lượt người đăng ký tìm
việc, số người được phỏng vấn tại chỗ chiếm trên 60% số người đăng ký tìm việc; tuyển
dụng tại chỗ được trên 1000 lao động và gần 3000 người đăng ký học nghề.
Riêng năm 2006, cả nước đã tạo việc làm cho 1,572 triệu người; xuất khẩu lao động
và chuyên gia 78.855 người, chủ yếu là thanh niên. Hệ thống trung tâm giới thiệu việc
làm đã tư vấn việc làm cho trên 45 vạn lượt người; trong đó giới thiệu việc làm và cung
ứng lao động trên 9 vạn người; đã tổ chức hội chợ việc làm ở 40 tỉnh, thành phố, bình
quân mỗi hội chợ có 70 đơn vị tham gia, với trên 50 ngàn lượt người tham dự. Các hội
chợ việc làm đã đổi mới hình thức và nội dung, tiếp cận đến huyện, cụm xã theo hình
thức tuần việc làm, tháng việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết cung – cầu lao
động, dạy nghề. Nhiều địa phương như Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hà Nội đã thực hiện thí
điểm việc ứng dụng tin học vào giao dịch việc làm định kỳ, thu hút đông đảo doanh
nghiệp và thanh niên tham gia.
Tuy nhiên, thị trường lao động ở nước ta còn thiếu nhiều yếu tố và phát triển không
đồng đều giữa các vùng, địa phương; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn
thiện; các trung tâm giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng lao
động qua đào tạo còn thấp, chưa gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động...đã tác
động trực tiếp đến vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên.
Dự báo, từ nay đến 2010, mỗi năm sẽ có khoảng 1,4 – 1,5 triệu thanh niên bước
vào tuổi lao động. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động và khả năng thích ứng với
thị trường lao động của thanh niên; giảm thiểu tình trạng thất nghiệp trong thanh niên

khu vực đô thị và giảm tỷ lệ thời gian thiếu việc làm của thanh niên khu vực nông thôn;
góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn
2006-2010 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010; phấn đấu giải
quyết việc làm cho thanh niên đạt 75-77% tổng số lao động được giải quyết việc làm
hàng năm, nâng tỷ lệ lao động thanh niên đã qua đào tạo ở các trình độ đạt khoảng
40%, trong đó trình độ từ cao đẳng trở lên đạt 6%, trung học chuyên nghiệp 8%, công
nhân kỹ thuật 26% vào năm 2010, theo chúng tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
chủ yếu sau:
Thứ nhất, nghiên cứu và hoàn thiện các chính sách về lao động- việc làm, nhất là
đối với thanh niên nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giải
quyết cơ bản tình trạng thất nghiệp thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn. Sớm hoàn
thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên để tạo hành lang pháp lý cho
các chương trình hành động của thanh niên đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả
cao. Bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thanh niên tự tạo việc
làm, tự lập nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển thị trường lao động,
chú trọng các chính sách đối với thanh niên có trình độ cao, thanh niên nông thôn đến
các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp, thanh niên là người tàn tật, thanh
niên dân tộc thiểu số, nữ thanh niên.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống thông tin và giao dịch trên thị trường lao động, đa dạng
hoá các kênh giao dịch, tạo điều kiện phát triển các giao dịch trực tiếp giữa người lao
động và người sử dụng lao động. Đầu tư hiện đại hóa các trung tâm giới thiệu việc làm
để đáp ứng nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động, thu thập và cung
cấp thông tin thị trường lao động... cho thanh niên.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc
làm, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tìm việc làm và tự tạo việc làm thông qua các
hoạt động của chương trình. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, tập trung đào tạo
nghề, ngoại ngữ, pháp luật cho thanh niên tham gia xuất khẩu lao động.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển dạy nghề gắn với chiến lược kinh tế- xã hội khu vực và
của từng địa phương, lồng ghép chương trình dạy nghề với các chương trình việc làm,
chương trình giảm nghèo và các chương trình khác... Tập trung phát triển dạy nghề

ngắn hạn, phổ cập nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động
vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chuyển đổi cơ cấu ngành nghề nông nghiệp
sang công nghiệp và dịch vụ. Đa dạng hoá các hình thức dạy nghề phù hợp với điều
kiện từng đối tượng. Đồng thời, chủ động rà soát, bổ sung, quy hoạch lại năng lực của
các cơ sở dạy nghề hiện có, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới dạy nghề trên địa bàn cho
phù hợp với nhu cầu lao động có nghề để phát triển kinh tế- xã hội của khu vực.
Thứ năm, tập trung phát triển các lĩnh vực tạo nhiều việc làm và thu hút lao động:
Phát triển kinh tế nhiều thành phần, các khu công nghiệp tập trung, phát triển dịch vụ,
nhất là thương mại- du lịch, mở rộng và hình thành các trung tâm thương mại dịch vụ
lớn, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hoá làng nghề; kinh tế
trang trại, kinh tế vườn rừng, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống gắn
với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu vật nuôi, cây trồng và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua nên hình thành và phát triển các khu
công nghiệp, các loại hình doanh nghiệp để khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của
địa phương, nhất là gắn vùng nguyên liệu với việc chế biến và bảo quản; đồng thời
nghiên cứu và hình thành các làng thanh niên lập nghiệp ở dọc đường Hồ Chí Minh ,
biên giới và các xã đặc biệt khó khăn nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên
tham gia xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết việc làm, giảm nghèo,
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lại lao động và dân cư, xây dựng mô hình kinh tế
hộ phát triển bền vững, phát triển sản xuất hàng hoá...
Cuối cùng, hỗ trợ, tạo thêm cơ hội tìm việc làm cho thanh niên, đặc biệt là đối với
thanh niên nông thôn, thanh niên thuộc nhóm yếu thế. Khuyến khích thanh niên chủ
động tự tạo việc làm trên cơ sở khả năng và các điều kiện thực tế hiện có. Phát huy vai
trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình
phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và mỗi địa phương. Mở rộng mô hình trí thức trẻ
tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi và nhân rộng các mô hình giải quyết
việc làm có hiệu quả cho thanh niên.
Lê Quang Trung
Phó Vụ trưởng Vụ Lao động-Việc làm

×