BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUY NHƠN
ĐÀO DUY LỰC
SỰ VẬN ĐỘNG CỦA TƯ DUY TIỂU THUYẾT
VỀ CHIẾN TRANH (QUA SÁNG TÁC CỦA PHAN TỨ,
NGUYỄN MINH CHÂU, BẢO NINH)
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số
: 60.22.01.21
Người hướng dẫn: TS. NGUYỄN VĂN ĐẤU
LỜI CAM ĐOAN
Tơi xin cam đoan cơng trình này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa được cơng bố
trong bất cứ một cơng trình nghiên cứu nào.
MỤC LỤC
TRANG PHỤ BÌA
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài .................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................ 3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ......................................................... 14
4. Phương pháp nghiên cứu ...................................................................... 14
5. Đóng góp của luận văn ......................................................................... 15
6. Cấu trúc của luận văn ........................................................................... 15
Chương 1: SỰ VẬN ĐỘNG CỦA QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ
HIỆN THỰC CHIẾN TRANH .................................................................. 17
1.1. Chiến tranh – từ góc nhìn sử thi đến góc nhìn đời tư.......................... 17
1.1.1. Chiến tranh dưới góc nhìn sử thi ................................................ 17
1.1.2. Chiến tranh dưới góc nhìn đời tư ................................................ 21
1.2. Chiến tranh – từ chiến công người anh hùng đến nỗi đau con người .. 25
1.2.1. Chiến công người anh hùng trong chiến tranh ............................ 25
1.2.2. Nỗi đau con người trong chiến tranh .......................................... 30
Tiểu kết chương 1 ....................................................................................... 39
Chương 2: SỰ VẬN ĐỘNG CỦA QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ
CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT CHIẾN TRANH ...................... 41
2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người và yêu cầu đổi mới quan niệm
nghệ thuật về con người. .......................................................................... 41
2.1.1. Quan niệm nghệ thuật về con người............................................ 41
2.1.2. Yêu cầu đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người .................. 42
2.2. Từ con người cộng đồng, truyền thống đến con người cá nhân, đa diện
với bản sắc riêng....................................................................................... 44
2.2.1. Con người cộng đồng, truyền thống ............................................ 44
2.2.2. Con người cá nhân, đa diện với bản sắc riêng ............................ 48
Tiểu kết chương 2 ....................................................................................... 63
Chương 3: NHỮNG TÌM TỊI, CÁCH TÂN NGHỆ THUẬT TRONG
TIỂU THUYẾT CHIẾN TRANH ............................................................. 64
3.1. Nghệ thuật kết cấu ............................................................................. 64
3.1.1. Kết cấu đồng hiện ....................................................................... 64
3.1.2. Kết cấu lồng ghép, phần mảnh đan xen....................................... 67
3.2. Điểm nhìn và giọng điệu trần thuật .................................................... 71
3.2.1. Đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật .............................................. 71
3.2.2. Đa dạng hóa giọng điệu trần thuật ............................................. 74
3.3. Ngôn ngữ độc thoại và đối thoại ........................................................ 79
3.3.1. Ngôn ngữ độc thoại .................................................................... 79
3.3.2. Ngôn ngữ đối thoại ..................................................................... 81
3.4. Phương thức huyền thoại hoá ............................................................ 84
3.4.1. Huyền thoại và phương thức huyền thoại hoá ............................. 84
3.4.2. Sự phối trộn giữa cõi thực và cõi mơ, “khả tín” và “bất khả tín”
............................................................................................................. 85
3.4.3. Yếu tố biểu tượng, huyền tích và sự mở rộng biên độ nghĩa ........ 87
Tiểu kết chương 3 ....................................................................................... 96
KẾT LUẬN ................................................................................................. 97
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................... 99
QUYẾT ĐỊNH GIAO ĐỀ TÀI LUẬN VĂN THẠC SĨ (Bản sao)
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1.Tiểu thuyết là thể loại văn học chiếm vị trí hàng đầu trong mỗi nền
văn học. Trong suốt chiều dài của lịch sử văn học nhân loại cũng như lịch sử
văn học mỗi dân tộc, tiểu thuyết luôn là một sản phẩm tinh thần tiêu biểu nhất
cho thời đại mới, là “máy cái”, là thể loại “chúa tể”, là thành quả có giá trị
như một bước nhảy vọt của văn chương. Nó mang trong mình những đặc tính
chung, bao trùm của tư duy văn học hiện đại.
Tư duy tiểu thuyết là bộ phận cực kỳ quan trọng của ý thức về văn học.
Nó đánh dấu sự trưởng thành và phát triển ý thức văn học của mỗi nền văn
học dân tộc. Đó chính là cách nhìn, cách tiếp cận với thế giới và con người
một cách hết sức tỉnh táo, thực tế, không thành kính cũng khơng thiên vị. Nó
cảm thụ cuộc sống một cách sống động trong tính phức tạp và biến động
khơng ngừng nghỉ của cuộc đời. Con người trong tiểu thuyết là vơ cùng phức
tạp, nhiều chiều kích, nhiều gương mặt khơng ai giống ai và cũng chẳng trùng
khít với chính mình.
Văn xi hiện đại khơng thể khơng đi trên con đường lớn này, con
đường tiểu thuyết.
1.2.Văn học Việt Nam giai đoạn từ 1945 đến 1975, ra đời trong hoàn
cảnh đặc biệt. Nó phải gánh trên vai trọng trách nặng nề mà hai cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ giao phó: Tuyên truyền và cổ vũ
chiến đấu chống ngoại xâm. Khi chiến tranh chống Mĩ kết thúc, tuy khơng
cịn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu như giai đoạn trước đó nhưng đề tài
chiến tranh vẫn tiếp tục là niềm cảm hứng sáng tác của các nhà văn. Họ đã tạo
ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng
người đọc. Trong suốt 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm, tiểu thuyết
chiến tranh đã có đóng góp rất lớn trong việc hình thành diện mạo của nền
2
văn học dân tộc.
Sau 1975, trên tinh thần đổi mới tư duy nghệ thuật, tiểu thuyết chiến
tranh tiếp tục phát triển, đạt được những thành tựu mới, góp phần khơng nhỏ
vào sự đổi mới thể loại tiểu thuyết. Tiểu thuyết về chiến tranh nói chung và
chiến tranh chống Mĩ nói riêng khá phong phú về số lượng tác phẩm, đa dạng
về khuynh hướng thẩm mĩ với nhiều cách tân nghệ thuật táo bạo và đặc sắc.
Do đó, việc nhận diện sự vận động của tư duy tiểu thuyết về chiến tranh là
cần thiết đối với công việc nghiên cứu lịch sử văn học, là một trong những
nhu cầu của ý thức văn học hiện đại, góp phần thể hiện đầy đủ hơn diện mạo
của văn học giai đoạn chống Mĩ và giai đoạn đổi mới sau chiến tranh.
Đối với sự vận động và phát triển của tư duy tiểu thuyết về chiến tranh,
việc nghiên cứu, tổng kết là quan trọng và cần thiết. Nó góp phần phát triển lí
luận tiểu thuyết, sáng tác và tiếp nhận tiểu thuyết ở Việt Nam hiện tại cũng
như trong tương lai.
1.3. Chúng tôi nhận thấy Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh là
những cây bút tiểu thuyết tiêu biểu về đề tài chiến tranh chống Mĩ, ở họ vừa
có sự tiếp nối của tư duy tiểu thuyết truyền thống vừa có sự cách tân mạnh mẽ
và táo bạo, thể hiện tư duy mới đối với tiểu thuyết chiến tranh. Nó thể hiện
những quan niệm mới về hiện thực chiến tranh, về con người và lập trường
sáng tác của các nhà văn. Điều đó dẫn tới những tìm tịi, thể nghiệm, cách tân
nghệ thuật, những kĩ thuật viết mới, mang lại hiệu quả nghệ thuật cao. Đồng
thời nó cũng thể hiện tinh thần dân chủ, ý thức vượt thoát khỏi những quan
niệm cũ về tiểu thuyết và tiểu thuyết chiến tranh đã từng tồn tại từ lâu.
Đó là những lí do để chúng tơi chọn đề tài Sự vận động của tư duy tiểu
thuyết về chiến tranh (Qua sáng tác của Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu,
Bảo Ninh).
3
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết về chiến tranh chống Mĩ
Cho đến nay đã có khá nhiều bài báo và cơng trình khoa học nghiên cứu
về tiểu thuyết chiến tranh chống Mĩ. Về cơ bản, có thể thấy việc nghiên cứu
này diễn ra theo hai chặng: Từ 1975 đến khoảng cuối những năm 80 của thế
kỉ XX và khoảng từ 1990 đến nay.
2.1.1.Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết về chiến tranh chống Mĩ từ 1975
đến khoảng cuối những năm 80 của thế kỉ XX
Trong giai đoạn ngắn này, do sáng tác tiểu thuyết chưa có những đột phá
nên việc nghiên cứu tiểu thuyết về chiến tranh thường ở quy mô nhỏ trong
phạm vi các bài báo, các bài nhận xét điểm sách hay những nhận xét mang tính
đơn lẻ, khơng hệ thống; chưa có các cơng trình nghiên cứu dày dặn, cơng phu.
Các bài viết chủ yếu đề cập đến vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa con
người và sự kiện lịch sử chiến tranh như thế nào? Phản ánh chiến tranh như
thế nào là chân thực? Sang đến những năm 80, việc nghiên cứu đã có những
biểu hiện khởi sắc. Nhiều nhà nghiên cứu có nhận định một số tiểu thuyết đã
phản ánh chân thực hiện thực chiến tranh cách mạng, đã “đánh giá sự kiện và
con người một cách sâu sắc hơn, nhìn cuộc chiến tranh một cách tồn diện và
sâu sắc hơn” [41,108-113].“Khuynh hướng phân tích hiện thực chiến tranh,
mối quan hệ của nó với con người là dễ nhận thấy trong các tiểu thuyết Đất
trắng, Cửa gió, Năm 1975 họ đã sống như thế, Họ cùng thời với những ai,
Đất khơng dấu mặt… Chính việc phân tích sự kiện lịch sử và tâm lí con
người trong chiến tranh, mối quan hệ giữa con người và chiến tranh làm cho
tiểu thuyết sau 1975 có một diện mạo mới”[130, 118-122].
Ngồi việc ghi nhận những thành tựu ban đầu, một số nhà văn, nhà viết
phê bình, tiểu luận cịn chỉ ra mặt hạn chế của tiểu thuyết về chiến tranh:
“Nhìn lại những tác phẩm viết về chiến tranh, các nhân vật thường khi có
4
khuynh hướng được mô tả một chiều, thường là quá tốt, chưa thực” [22, 57].
“Ở nhiều cuốn tiểu thuyết thiên về chiều rộng trong văn học ta, nhiều trường
hợp có thể thấy cốt truyện đa tuyến chưa được triển khai đến mức cần thiết đã
bị teo lại, bị thu vào cốt truyện đơn tuyến, bút pháp tự sự khách quan bị lấn át
bởi bút pháp biểu hiện trữ tình, những mảng đời sống được dàn ra (do ý đồ
tạo nên chiều rộng của bức tranh toàn cảnh hoành tráng) thiếu sự kết dính
vào một chỉnh thể, trở nên chơi vơi, gây cảm quan về sự hời hợt, vụn vặt, làm
hại đến chính tính hồnh tráng của tác phẩm” [6,116-127]. “Các tác phẩm
viết về chiến trường thực ra chỉ phô bày sự hiểu biết về chiến trường, kể
chuyện chiến trường hơn là thể hiện một thái độ rất tôi của tác giả. Khơng có
cá tính, đúng hơn là chối bỏ cá tính, chối bỏ quan niệm riêng của mình trước
hiện thực là một trong những nguyên nhân tạo nên tình trạng yếu kém của
các tác phẩm văn học của ta” [35,128-130].
Tóm lại, trong khoảng hơn mười năm từ sau 1975, việc nghiên cứu tiểu
thuyết về chiến tranh chưa có thành tựu nổi bật. Nguyên nhân của tình trạng
trên là do tiểu thuyết về chiến tranh chưa đạt được thành tựu nổi bật, một
phần cũng còn do đặc điểm chung trong tiếp nhận văn học ở giai đoạn đó cịn
khá dễ dãi, xi chiều.
2.1.2. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết chiến tranh từ đầu những
năm 90 của thế kỉ XX đến nay
Từ đầu thập kỉ 90 trở đi, đề tài chiến tranh tiếp tục được các nhà văn khai
thác, thể hiện với những tìm tịi, thể nghiệm mới mẻ. Cùng với đó, thành tựu
của lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học cũng thật sự khởi sắc. Việc nghiên
cứu tiểu thuyết về chiến tranh đã chú ý nhiều hơn tới giá trị nhân văn, ý nghĩa
nhân bản và chức năng thẩm mĩ của tác phẩm.
Các nhà nghiên cứu như Nguyễn Thiệu Vũ, Tôn Phương Lan, Nguyễn
Thanh Tú, Đinh Xuân Dũng… đã đưa ra nhiều nhận xét, đánh giá cả về thành
5
tựu cũng như hạn chế của tiểu thuyết chiến tranh mang tầm khái quát cao.
“Sau 1975 các nhà tiểu thuyết đã nỗ lực mở rộng phạm vi hiện thực
phản ánh nhưng chưa có đủ sự táo bạo cần thiết cho việc phát huy trí tưởng
tượng và giải phóng những mãnh lực hư cấu nghệ thuật”… “Cố gắng tạo
dựng những tính cách, những số phận độc đáo, đặc biệt nhưng còn tự giam
mình trong những quan niệm nghệ thuật giản đơn, nhất phiến”… “Đã ưu tiên
cho việc phân tích tâm lí nhưng chưa thực sự dám đối diện với những bí ẩn
của tâm hồn con người” [150, 104-108].
“Như vậy, với điểm nhìn mới, những sáng tác viết về chiến tranh trong
những năm gần đây cho chúng ta thấy được sự đổi mới của nó: cái ác liệt của
chiến tranh đã được nhìn sâu vào bản chất. Chúng ta dễ nhận ra việc đổi mới
tư duy nghệ thuật, đổi mới cách nhìn là cơ sở quan trọng để có được sự đa
dạng về phong cách và giọng điệu với nhiều phương thức biểu hiện mới mà
trước đó chưa có, như sử dụng hiện thực tâm linh, yếu tố kì ảo, dịng ý thức…
Nhưng trong văn xuôi viết về chiến tranh, kĩ thuật đó chưa được áp dụng
nhiều” [90, 15].
“Có thể hình dung quá trình phát triển của tiểu thuyết sử thi Việt Nam từ
1945 đến nay như một giao động hình sin, điểm bắt đầu là Xung kích, Con
trâu, Vùng mỏ… lên cao với Đất nước đứng lên và cực đại là Dấu chân
người lính… Rồi đi xuống đến cực tiểu là Nỗi buồn chiến tranh… Sự hình
dung này chỉ căn cứ vào tín
h chất thể loại xem xét chất sử thi đậm nhạt
khác nhau chứ không căn cứ vào giá trị của tác phẩm” [146, 99-101].
“Một số tác giả, đặc biệt những nhà văn đã quen và nhiều năm viết về
chiến tranh trong chiến tranh, vẫn giữ lại tạng viết của mình, ít có sự đổi
mới”… “Một số nhà văn khác đã cho ra đời những tác phẩm viết về chiến
tranh theo khuynh hướng nhìn méo hiện thực, chỉ tập trung đi tìm những cái
mất mát, đau thương, bi thảm éo le, độc ác, lố bịch xảy ra trong chiến tranh,
6
để từ đó, cho là tồn bộ hiện thực chiến tranh”... “Khuynh hướng chính của
sự phát triển, đó là khả năng phân tích, bình giá và mổ xẻ hiện thực đa chiều
của chiến tranh, đó là sự phân tích mối quan hệ cực kì phức tạp giữa số phận
từng con người với biến cố chiến tranh, đó là năng lực khám phá và đặt ra
những vấn đề nóng bỏng nhất trong chiến tranh và sau chiến tranh do tác
động dai dẳng của chiến tranh trong đời sống của từng cá nhân và của toàn
xã hội” [34, 91-95].
Nghiên cứu về tiểu thuyết chiến tranh còn là đề tài của nhiều luận án,
luận văn ở các học viện, trường đại học, của các nghiên cứu sinh, học viên
cao học. Vấn đề chiến tranh chống Mĩ trong tiểu thuyết được các tác giả
nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá, nhận xét khá sâu sắc, tồn diện. Có những
cơng trình nghiên cứu về từng tác phẩm, từng tác giả, có những đề tài nghiên
cứu cả một giai đoạn, một khuynh hướng. Ở đó, các tác giả đã có những nhận
xét , kết luận góp phần làm rõ hơn diện mạo của dòng tiểu thuyết về chiến
tranh.
Tóm lại, việc nghiên cứu tiểu thuyết về chiến tranh đã đạt được nhiều
thành tựu. Đó là nhờ có sự đổi mới của cả lĩnh vực sáng tác và phê bình trong
sự nỗ lực tiếp thu, cập nhật những thành tựu của lí luận, phê bình hiện đại.
2.2. Tình hình nghiên cứu về Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh
2.2.1. Về Phan Tứ
Phan Tứ là một trong những nhà văn xuất sắc của thế hệ nhà văn trưởng
thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta: kháng Pháp và kháng
Mĩ. Ơng gắn bó cả cuộc đời mình với đề tài chiến tranh cách mạng. Ông viết:
“Cuộc đời của tôi từ hồi 14 tuổi, cho đến nay 64 tuổi tồn là sống trong chiến
tranh, cho nên tơi rất tha thiết viết về chiến tranh. Viết ra, hay dở còn tùy bạn
đọc”. Với hàng ngàn trang viết tâm huyết, Phan Tứ đã đóng góp một phần
khơng nhỏ cho thành tựu của nền văn học cách mạng nước ta. Ông được trao
7
nhiều giải thưởng: Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, giải thưởng Hồ
Chí Minh, giải thưởng sách hay của Hội nhà văn…
Tuy nhiên, chưa có nhiều bài đánh giá của các nhà phê bình, các học giả về
sáng tác của Phan Tứ. Qua q trình tìm hiểu, chúng tơi thấy đánh giá khá sâu
sắc và toàn diện về tiểu thuyết chiến tranh của Phan Tứ là PGS.TS Mai
Hương. Trong bài viết “Lê Khâm - Phan Tứ - Nhà văn chiến sĩ”, Mai Hương
đã có những đánh giá xác đáng về cả thành công cũng như hạn chế trong sáng
tác của Phan Tứ: “Là một trong những cây bút xuất sắc của thế hệ nhà văn
trưởng thành trong hai cuộc chiến tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc:
chống Pháp và chống Mĩ [152, 13].
Đánh giá tổng thể tư duy tiểu thuyết chiến tranh của Phan Tứ, nhà
nghiên cứu Mai Hương khẳng định: “Xuất phát từ một quan niệm chuẩn xác
về hiện thực đời sống: Bức tranh cần cả màu sáng lẫn màu tối, bản nhạc cần
cả nốt thanh lẫn nốt trầm, Phan Tứ ln có cách nhìn nhận và phản ánh hiện
thực tỉnh táo và khách quan với cả gam màu sáng tối của nó trong q trình
vận động, phát triển biện chứng, hợp lí” [152, 27]. “Vấn đề trung tâm của
văn xi nói chung, tiểu thuyết nói riêng là vấn đề nhân vật. Thành công của
Phan Tứ trong việc lựa chọn và khắc hoạ rõ nét số phận nhân vật thể hiện
năng lực và sự già dặn trong tư duy tiểu thuyết của nhà văn” [152, 37].
Bên cạnh việc khẳng định những thành cơng, đóng góp của Phan Tứ,
Mai Hương cũng chỉ ra những hạn chế trong sáng tác của ơng: “Sáng tác của
Phan Tứ khơng khỏi khơng có những hạn chế, khiếm khuyết: Sự sa đà hoặc
chưa thật nhuần chín trong cảm xúc, sự rậm rạp, nặng nề của những sự kiện,
chi tiết, chất phóng sự ở một đơi chỗ cịn đậm, một vài tính cách nhân vật cịn
chưa thật đầy đặn… Quả là, từ góc độ tiếp nhận văn học, người đọc cịn có
quyền mong mỏi và đòi hỏi nhiều hơn nữa ở nhà văn” [152, 40].
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng về khuynh hướng tư duy, Phan Tứ thiên
8
về lối tư duy của tiểu thuyết truyền thống mà người ta thường gọi là “tư duy
sử thi”. Tiểu thuyết viết về chiến tranh của ông chú trọng khẳng định chính
nghĩa của dân tộc, củng cố niềm tin cho con người, là ngợi ca chủ nghĩa yêu
nước, khát vọng độc lập tự do, là niềm tự hào về sự nghiệp đấu tranh cách
mạng, là niểm tin vào chiến thắng, chính nghĩa. Nhân vật của ông sống và
chiến đấu chủ yếu với tư cách con người chính trị, con người cơng dân. Họ là
những người anh hùng lí tưởng. Mối quan hệ giữa các tuyến nhân vật thường
là quan hệ đối lập: địch – ta; cốt truyện được kết cấu theo mơ hình này. Khi
miêu tả nhân vật chính diện tác giả chủ yếu sử dụng điểm nhìn bên ngồi
bằng ngơn ngữ thi vị mang sắc thái ngợi ca với giọng điệu chính là giọng điệu
hào hùng, thành kính.
Tóm lại, tiểu thuyết của Phan Tứ viết theo khuôn mẫu chung của loại
hình tiểu thuyết sử thi. Nó chú trọng và thiên về việc thực hiện sứ mệnh tuyên
truyền, minh họa, cổ vũ chiến đấu, chưa đầu tư nhiều cho nghệ thuật nên
không tránh khỏi sự đơn điệu nhất định.
2.2.2. Về Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn lớn của nền văn học
hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp văn học của ông
là một đề tài đầy lý thú đối với đông đảo người đọc và các nhà nghiên cứu.
Nguyễn Minh Châu không bắt đầu sự nghiệp viết văn bằng thể loại tiểu thuyết
nhưng những bài nghiên cứu về những sáng tác văn học của ông lại bắt đầu
từ thể loại này. Đã có hàng trăm cơng trình nghiên cứu, bài viết về Nguyễn
Minh Châu và sự nghiệp sáng tác của ơng. Có thể khái qt ở các phương
diện chính sau:
Ở góc độ nhà văn, Nguyễn Minh Châu là một nhà văn có tư chất nghệ sĩ
ln khát khao đổi mới tư duy nghệ thuật. Ông là một đại diện sớm, kiên định
và uy tín cao của trào lưu văn học đổi mới.
9
Ở góc độ tác phẩm, tiểu thuyết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu
luôn tạo được sự hấp dẫn trong nền văn xi đương đại. Ơng được đánh giá
cao trong việc phản ánh hiện thực anh hùng, truyền thống yêu nước chống
giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đồng thời, nhất là ở thập kỉ 80 của thế kỉ
XX, Nguyễn Minh Châu đã có những sáng tác mang tính đổi mới, mở đường.
Về khuynh hướng đổi mới tư duy trong sáng tác, các nhà nghiên cứu
như: Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Long, Phan Cự Đệ, Song Thành…
đều khẳng định Nguyễn Minh Châu là nhà văn ln đi tìm “Hạt ngọc ẩn dấu
trong bề sâu tâm hồn con người”.
Các nhà nghiên cứu như: Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Trần Trọng
Đăng Đàn, Song Thành, Lại Nguyên Ân… đều có những nhận xét, đánh giá
xác đáng về cả những thành công và hạn chế trong tiểu thuyết chiến tranh của
Nguyễn Minh Châu: “Rõ ràng thời đại chúng ta đã sản sinh ra những điển
hình xã hội to lớn và tồn vẹn. Tạo cho được những điển hình văn học đúng
với tầm vóc đó của thời đại là một trong những nhiệm vụ chủ yếu đối với
những nhà văn muốn xây dựng những tác phẩm lớn. Có thể xem tác giả Dấu
chân người lính là một trong số những nhà văn đã đạt được những kết quả
bước đầu đáng kể trong việc thực hiện nhiệm vụ chủ yếu đó” [38, 25-27].
“Chưa có một thành tựu nào thật tài hoa xuất sắc. Nhưng bước đi của
anh - dù sao cũng đã mười năm rồi – nói chung là chắc chắn” “Nguyễn Minh
Châu biết tránh lối biểu hiện công thức tô hồng, không phải bằng cách giả
tạo nào đó giữa cái xấu và cái tốt. Truyện của anh hầu như chỉ tập trung vào
phía tốt, vào mặt sáng của hiện thực, của lòng người, và anh tin rằng sự chân
thật của những điều anh mô tả sẽ quyết định sức thuyết phục nghệ thuật của
nó. Nhưng, phải nói rằng, ngịi bút Nguyễn Minh Châu chân thực và chưa
thật sâu” [101, 52].
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định những tiểu thuyết sáng tác trong giai
10
đoạn đầu của Nguyễn Minh Châu như Cửa sông, Dấu chân người lính cũng
đã kế thừa và tiếp nối tư duy tiểu thuyết sử thi truyền thống. Song, đến giai
đoạn sau, với Miền cháy, Cỏ lau, Nguyễn Minh châu đã dần chuyển sang một
hệ hình tư duy mới, thể hiện trong quan niệm mới về thể loại tiểu thuyết, về
con người và hiện thực chiến tranh. Ông quan niệm cần đổi mới tiểu thuyết
theo hướng nắm bắt cả những hành động, toan tính, tâm trạng, ham muốn rất
đời thường của con người. Những sự kiện, biến cố của lịch sử chiến tranh
được nhận thức lại, khai thác lại. Nó khơng còn là mục tiêu phản ánh nữa mà
trở thành đối tượng sáng tạo, là phương tiện nghệ thuật để thể hiện cách suy
nghĩ, cách đánh giá, cách cảm nhận của riêng nhà văn về con người, về cuộc
đời. Và do đó con người trở thành trung tâm điểm, là hệ qui chiếu để soi rọi
những vấn đề của chiến tranh và cuộc sống hậu chiến.
Có thể nói tiểu thuyết chiến tranh của Nguyễn Minh Châu được đánh giá
là đã bước những bước vững chắc và đầy hứa hẹn; từ khẳng định vẻ đẹp
hồnh tráng của những thế hệ người lính trong chiến đấu đến khẳng định vẻ
đẹp bề sâu của phẩm giá con người Việt Nam; từ chủ nghĩa hiện thực đậm
chất lãng mạn cách mạng trong màu sắc sử thi sang chủ nghĩa hiện thực đậm
chất tỉnh táo, giàu chất suy tư.
2.2.3. Về Bảo Ninh
Tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh của Bảo Ninh, đến nay, duy nhất
chỉ có tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm có một số phận đặc biệt,
được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991 và là trường hợp bị
tranh cãi nhiều nhất trong số các giải thưởng văn chương có uy tín. Đây cũng
là cuốn tiểu thuyết chiến tranh được chuyển ngữ và giới thiệu ở 18 quốc gia
trên thế giới, được giải thưởng Châu Á (Nikkei Asia Prizes) 2011.
Nhìn chung, có hai khuynh hướng đánh giá cuốn tiểu thuyết này: khuynh
hướng khẳng định, đề cao, ca ngợi và khuynh hướng phê phán, bài xích. Ở
11
nước ngồi, có nhiều tài liệu, bài viết thiên về đề cao, ca ngợi tiểu thuyết Nỗi
buồn chiến tranh của Bảo Ninh. “Cuốn tiểu thuyết này, của một nhà văn cựu
chiến binh quân đội Bắc Việt Nam, đã rất thành công trong việc tôn vinh tầm
nhân văn của dân tộc mình, một dân tộc mà trước đây thường bị ngộ nhận là
vô cảm như những Rô bốt” (Sunday Times). “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã
in dấu trong tâm trí của chúng ta qua vô số tác phẩm điện ảnh và văn học,
nhưng chưa tác phẩm nào có thể gửi đến chúng ta một thông điệp đầy ám ảnh
như là cuốn tiểu thuyết này của Bảo Ninh” ( Yorkshire Post). “Một minh
chứng vơ song về chiến tranh nói chung và chiến tranh Việt Nam nói riêng”
(Labour Briefing). “Một tác phẩm có tầm cỡ quốc tế: mang tính văn học cao,
rất dễ đọc và đầy uy lực” (The List). “Đây là một tác phẩm cực kỳ tương phản
với dòng văn học của Mĩ về cuộc chiến tranh Việt nam. Trong vai trò chuyển
tải thông điệp, Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết vô cùng giá trị. Trôi
dạt giữa thời gian và khơng gian, chuyển dịch nhuần nhuyễn giữa những kí
ức của những ngày tháng trước chiến tranh với những mô tả về các trận
đánh, cuốn tiểu thuyết mang trong mình sự bình yên và nỗi đau buồn, chất thơ
của văn học lãng mạn, sự sâu sắc của văn học hiện thực” (Times Literari
Supplement). “Liệt kê đầy đủ các phẩm chất của sách này ở đây là không thể.
Liên quan đến văn học Việt Nam, đây là một tác phẩm ngoại hạng so với tất
cả các tác phẩm khác cùng lĩnh vực. Liên quan đến văn học chiến tranh thì
chỉ có Phía tây khơng có gì lạ là may ra có thể so sánh được. Bảo Ninh đã
viết nên bản tụng ca đẹp đẽ đầy ám ảnh về sự trong trắng bị mất đi trong
dịng xốy chiến tranh. Tuổi trẻ, tình u và nghệ thuật đều được mô tả kĩ
lưỡng dưới ánh của ẩn dụ tối hậu đối với cuộc sống là chiến tranh”
“Hỗ trợ cho cách trình bày chủ đề khơng gì so sánh nổi của cuốn sách là
thứ văn xi tuyệt vời của tác giả. Cuốn sách được viết bằng một văn phong
nên thơ nhưng súc tích, nó là một mơ hình tiết kiệm. Mỗi dịng của cuốn tiểu
12
thuyết tương đối ngắn này chất chứa vẻ đẹp thẩm mĩ và chiều sâu tinh thần.
Cuốn sách tràn đầy những suy tư thấu suốt về Việt Nam cũng như về tâm hồn
con người. Đây là một trải nghiệm đọc không thể bỏ qua” (Leif A .
Torkelsen, Columbus, OH United States).
Ở trong nước, cũng có rất nhiều bài viết có khuynh hướng khẳng định
giá trị của tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. “Nỗi buồn chiến
tranh đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại – đó là câu chuyện của thân
phận, của mất mát, của tình yêu và chiến tranh… Chỉ có những tác phẩm như
vậy mới thực sự được đón nhận và sẻ chia”. (Nguyễn Quang Thiều) “Cái may
của Nỗi buồn chiến tranh là ở chỗ nó ra đời vào thời hội nhập. Nhiều khách
phương xa đặt chân đến đây với cuốn truyện của Bảo Ninh. Trong chừng mực
mà ở nhiều nơi, hai tiếng Việt Nam mới có nghĩa một cuộc chiến tranh – Nó
đã trở thành người đại sứ duy nhất của văn học mời gọi người ta đến với xứ
sở này để khám phá tiếp” (Vương Trí Nhàn).
Cùng với khuynh hướng đó, Nguyễn Phan Hách cho rằng Nỗi buồn
chiến tranh là: “một tác phẩm văn chương đích thực, văn đẹp lắm, cực kì
đẹp, những chi tiết tuyệt vời gây ấn tượng không thể nào quên, gợi bóng dáng
một tác phẩm lớn”. Từ Sơn khẳng định đó là “cuốn sách hay nhất trong
những năm gần đây, có giá trị văn chương đích thực”. Bích Thu ca ngợi:
“Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết tình yêu xót thương nhất, đã trở
thành tác phẩm hay nhất viết về chiến tranh, xứng đáng với giải thưởng Hội
nhà văn 1991”. Giáo sư Trần Đình Sử, một chuyên gia hàng đầu của giới
nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam đánh giá rất cao: “Nỗi buồn chiến
tranh của Bảo Ninh đã mang lại một cái nhìn mới về chiến tranh bổ sung cho
cách nhìn đã quen. Tác giả đã lộn trái cuộc chiến tranh ra để ta được nhìn
vào cái phía trong bị che khuất, lấp chỗ trống chưa được lấp”. Có rất nhiều
nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu khác có cùng khuynh hướng như vậy:
13
Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Long, Đặng Anh Đào, Bùi Việt Thắng, Phạm
Xuân Thạch, Đỗ Đức Hiểu, Đào Duy Hiệp, Nguyễn Văn Kha…
Về mặt nghệ thuật, các tác giả trên đều khẳng định Nỗi buồn chiến
tranh là một hiện tượng nghệ thuật mới mẻ của nền văn học Việt Nam thời
kỳ đổi mới. Tác phẩm là một cuộc phiêu lưu muốn hòa nhập với văn học
hiện đại thế giới; là một tác phẩm đi xa hơn cả trên con đường hiện đại hóa
và đổi mới tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Đó là thành tựu cao nhất của
văn học đổi mới.
Bên cạnh khuynh hướng khẳng định giá trị tác phẩm về cả nội dung lẫn
nghệ thuật là khuynh hướng phê phán. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là
các tác giả Đỗ Minh Tuấn, Vũ Hạnh, Đỗ Văn Khang, Nguyễn Phong Nam.
Các nhà phê bình này đã từ tác phẩm văn chương nâng lên thành quan điểm
chính trị, lập trường giai cấp, dân tộc. Họ cho rằng Bảo Ninh “tìm cách xuyên
tạc q khứ”, tự đặt mình “ra ngồi dân tộc, trên cả dân tộc” để phán xét
cuộc chiến tranh, không phân biệt cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa;
cuốn tiểu thuyết là một cái nhìn lệch lạc đối với người lính cách mạng. Đây là
một tác phẩm “điên loạn”, “rối bời”, “lố bịch hóa hiện thực”…
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một hiện tượng văn học độc đáo,
bởi những giá trị về nội dung và nghệ thuật tự thân của mình. Nó trở thành cái
phong vũ biểu, thành một phép thử đối với sáng tác tiểu thuyết chiến tranh và
đối với cả nền lí luận và phê bình văn học nước ta trong thời gian qua và đến
tận hơm nay.
Nhìn chung, các tiểu thuyết viết về cuộc chiến tranh chống Mĩ của Phan
Tứ, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh được đánh giá khá đa dạng, phong phú,
phức tạp, mang tính phản quang của hiện thực cuộc chiến. Trên cái nhìn tổng
thể, các cơng trình nghiên cứu, bài viết đều mới tập trung ở từng tác giả, từng
tác phẩm hoặc những khía cạnh đơn lẻ của tác phẩm. Chưa có một cơng trình
14
nào nghiên cứu tiểu thuyết về chiến tranh chống Mĩ của Phan Tứ, Nguyễn
Minh Châu, Bảo Ninh trong mối tương quan để tìm ra sự vận động tư duy tiểu
thuyết về chiến tranh của các nhà văn này.
Luận văn của chúng tôi kế thừa sự gợi mở của các nhà nghiên cứu, phê
bình, đồng thời tiếp tục triển khai nghiên cứu các tiểu thuyết về chiến tranh
chống Mĩ của Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh trong mối tương quan
so sánh để tìm ra sự vận động tư duy theo xu hướng hiện đại hóa của tiểu
thuyết nói chung và tiểu thuyết về chiến tranh nói riêng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là vấn đề sự vận động tư duy tiểu
thuyết về chiến tranh qua sáng tác của Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Bảo
Ninh. Đó vừa là hướng tiếp cận vừa là giới hạn mục tiêu cần đạt tới của đề tài.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Chúng tôi chủ yếu tập trung tìm hiểu sáng tác tiểu thuyết về chiến tranh
chống Mĩ của Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh để đánh giá, nhận
định, hệ thống, tìm ra sự kế thừa, phát triển, đổi mới tư duy của họ trong sáng
tác tiểu thuyết chiến tranh. Những sáng tác của Phan Tứ về kháng chiến
chống Pháp không nằm trong diện khảo sát của đề tài. Riêng tác phẩm Cỏ lau
của Nguyễn Minh Châu, qua những lần xuất bản và tái bản, việc xác định thể
loại khơng thống nhất; có khi được xếp vào thể loại tiểu thuyết, có khi được
xếp vào thể loại truyện vừa, có khi được xếp vào thể loại truyện ngắn. Để phục
vụ cho mục đích của đề tài, chúng tôi đưa tác phẩm này vào diện khảo sát.
4. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu vấn đề này, chúng tơi sử dụng nhiều phương pháp, trong đó
có các phương pháp chính sau:
4.1. Phương pháp hệ thống – cấu trúc: Với phạm vi tư liệu trong suốt hơn
15
hai mươi năm chúng tơi ln có ý thức đặt đối tượng nghiên cứu trong cả cái
nhìn đồng đại lẫn lịch đại; dùng các thao tác phân tích, tổng hợp, sắp xếp tạo
thành hệ thống để làm sáng tỏ vấn đề một cách tồn diện.
4.2. Phương pháp loại hình: Phương pháp này dùng để nhận diện các
khuynh hướng tiểu thuyết về chiến tranh của các tác giả và phân tích sự đổi
mới nghệ thuật của nó theo đặc trưng thể loại.
4.3. Phương pháp so sánh: Phương pháp này đặc biệt quan trọng đối với đề
tài. Chúng tôi luôn luôn đặt đối tượng nghiên cứu trong mối tương quan với
nhau để chỉ ra những điểm tương đồng, sự kế thừa, những điểm mới, chiều
hướng vận động của tư duy tiểu thuyết về chiến tranh qua những tác phẩm
của các tác giả mà đề tài khảo sát.
4.4. Phương pháp liên ngành: Trong luận văn này, chúng tơi ln có ý thức
vận dụng những thành tựu nghiên cứu của lí luận văn học, triết học, mĩ học,
phân tâm học, tự sự học, ngôn ngữ học và lịch sử để đạt được mục tiêu nghiên
cứu của mình.
5. Đóng góp của luận văn
Trên cơ sở cái nhìn bao qt, từ việc phân tích, so sánh sáng tác tiểu
thuyết về chiến tranh của Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, tìm ra sự
vận động, đổi mới theo chiều hướng đa dạng, hiện đại trong tư duy sáng tác
của các nhà văn này. Từ một bộ phận tiểu thuyết về chiến tranh, chúng tơi hi
vọng góp phần làm sáng tỏ đặc điểm tư duy thể loại tiểu thuyết trong quá
trình vận động của văn học Việt Nam hiện đại. Từ đó góp phần phát triển lí
luận tiểu thuyết, sáng tác và tiếp nhận tiểu thuyết.
6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn được triển
khai thành ba chương:
16
Chương 1: Sự vận động của quan niệm nghệ thuật về hiện thực
chiến tranh
Chương 2 : Sự vận động của quan niệm nghệ thuật về con người
trong tiểu thuyết chiến tranh
Chương 3 : Những tìm tịi, cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết
chiến tranh
17
Chương 1
SỰ VẬN ĐỘNG CỦA QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT
VỀ HIỆN THỰC CHIẾN TRANH
1.1. Chiến tranh – từ góc nhìn sử thi đến góc nhìn đời tư
1.1.1. Chiến tranh dưới góc nhìn sử thi
Cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta kéo dài hơn hai
mươi năm. Chúng ta đã phải đương đầu với một đế quốc hùng mạnh nhất thế
giới. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và kéo dài như vậy, con người buộc
phải thích nghi với cuộc sống bất bình thường và một nền văn hóa, văn học
thời chiến dần định hình.
Đây là một giai đoạn lịch sử đã in dấu những biến động vô cùng to lớn
của dân tộc. Chiến tranh cách mạng là một hiện thực hào hùng, sơi động,
hồnh tráng nhất trong lịch sử chiến tranh vệ quốc. Chưa bao giờ tinh thần
cộng đồng, lòng yêu nước lại được khơi dậy mạnh mẽ trong mỗi con người
Việt Nam như vậy. Trước vấn đề sinh tử của cả dân tộc, nhiều thế hệ con
người đất Việt đã sẵn sàng hi sinh tất cả, nối tiếp nhau lên đường ra trận. Tinh
thần quyết chiến quyết thắng, khơng ngại khó khăn gian khổ, khơng tiếc thân
mình đã thôi thúc bao lớp thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhân
dân miền Nam – thành đồng Tổ Quốc – bất khuất, can trường vừa đấu tranh
chính trị, vừa đấu tranh vũ trang chống lại sự đàn áp của đế quốc Mĩ và chính
quyền tay sai.
Về mặt văn hóa, đặc điểm nổi bật và bao trùm của nền văn hóa Việt Nam
giai đoạn này là được phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta ngày
càng quan tâm đến cơng tác chỉ đạo văn hóa, văn nghệ. Tư tưởng chỉ đạo
đường lối văn nghệ được thể hiện qua những văn kiện của Đảng, những bức
thư của Trung ương Đảng gửi văn nghệ sĩ, trong những bài viết của các đồng
chí lãnh đạo cấp cao của Đảng cũng như lãnh đạo văn nghệ.
18
Để chiến thắng được đế quốc Mĩ, một kẻ thù hùng mạnh, chúng ta phải
huy động mọi nguồn lực, trong đó có văn học. Trong đời sống văn học, tiểu
thuyết chiến tranh được đón nhận nhiệt tình vì nó trực tiếp khẳng định chính
nghĩa dân tộc, củng cố niềm tin cho con người. Đó là những lí do quan trọng
khiến tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn này phát triển theo khuynh hướng sử thi.
Cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết của Phan Tứ và những tiểu thuyết
viết trong giai đoạn đầu của Nguyễn Minh Châu là ngợi ca chủ nghĩa yêu
nước, là khát vọng độc lập tự do, là niềm tự hào về sự nghiệp đấu tranh chống
Mĩ hào hùng, vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Cảm hứng sử thi lãng mạn bao trùm khiến hiện thực trong tác phẩm ln
được thi vị hóa. Ở hậu phương là những người phụ nữ ba đảm đang, hồn
thành mọi cơng việc, ngày đêm thi đua với tiền tuyến. Còn ở tiền tuyến, người
chiến sĩ anh dũng giết giặc với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai, vào hịa
bình, chính nghĩa. Lí tưởng chiến đấu, tình u đơi lứa, tình hậu phương –
tiền tuyến đã làm nên sức mạnh và chiến thắng của chúng ta cũng như thất bại
thảm hại của kẻ thù.
Những nhân vật trong Gia đình má Bảy, Mẫn và tơi, Dấu chân người
lính phản ánh xu thế của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Những người như Tư
Sỏi, Út Sâm, Mẫn, cụ Phang, Xiêm được lột xác, đổi đời nhờ cách mạng và
kháng chiến. Ở trong họ, đời sống ý thức, nhãn quan chính trị ln được tơ
đậm. Ngay cả trong tình u đơi lứa, một lĩnh vực rất riêng tư cũng trở thành
nơi kết tinh những phẩm chất đẹp đẽ của cộng đồng, thời đại, lí tưởng. Đây là
cảm nhận của Thiêm về Mẫn, cơ du kích can trường của làng Cá: “Qua đơi
mắt rất đen cịn hay khóc, những ngàn năm trước đang cùng em nhìn giặc Mĩ,
cùng làm nên cái tia chớp gan và khôn lạ lùng lóe giữa đơi hàng mi dày khi
em sắp đánh một đòn chưa ai nghĩ ra.”… “Chỉ cần nghe em vuốt ve mấy
tiếng “anh chủ lực” là anh nhận ra ngay chút hương riêng của tình yêu,
19
khơng lẫn được trong câu chuyện đánh Mĩ đầy khói thuốc nổ đêm nay” [151,
519-520]. Tình yêu của Sâm cũng vậy: “Dạ, em thương ảnh. Hễ em còn nghĩ
đến Đảng là em cịn chờ ảnh. Đối với Sâm, đó là lời hứa cao nhất của tình
yêu” [152, 917]. Tình yêu của họ luôn gắn liền với vận mệnh của cộng đồng,
của Đảng, của dân tộc.
Tuy được phân biệt rạch ròi thành hai tuyến địch – ta, chính diện – phản
diện nhưng tâm huyết và dụng công nhất của nhà văn ln dành cho các nhân
vật chính diện. Họ có thể là một bà má miền Nam trong vùng địch chiếm, là
cơ du kích, là anh bộ đội… họ là những người anh hùng bách chiến bách
thắng. Họ sống và chiến đấu chủ yếu trong tư cách con người chính trị, con
người công dân. Những người anh hùng ấy là những nhân vật được lí tưởng
hóa một chiều, họ hầu như khơng có tì vết, khơng phạm sai lầm. Người đọc
hầu như ít thấy họ buồn bã, cơ đơn, chán nản hay thất vọng, tuyệt vọng.
Chúng ta ít gặp những trăn trở đời thường trong tâm hồn họ vì những cảm
xúc, suy nghĩ của họ đều ln gắn với lí tưởng, với cộng đồng, đoàn thể.
Nhân vật chủ yếu được xây dựng từ góc nhìn bên ngồi chứ khơng phải từ
góc nhìn bên trong nên những chiều sâu, những góc mờ, khuất, tối trong tâm
hồn nhân vật không được soi rọi tới. Cảm hứng sử thi bao trùm theo khuynh
hướng mô tả nhân vật quá tốt, chỉ có tốt một chiều như thế là một hạn chế của
tiểu thuyết chiến tranh. Có thể hiểu là trong cuộc chiến với kẻ thù hung mạnh
là đế quốc Mĩ, chúng ta buộc phải chiến thắng bằng bất cứ giá nào vì sự sống
cịn của dân tộc. Do đó, các nhà văn buộc phải gác sang một bên những gì
khơng góp phần trực tiếp cho chiến thắng như những mất mát, đau buồn,
những thất vọng, cô đơn của nhân vật, của con người.
Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ lại, trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh
Châu, “người mở đường tinh anh và tài hoa”, chúng ta đã thấy thấp thống
đây đó những dấu hiệu của con người đời tư, con người số phận. Đó là cuộc
20
hôn nhân bất hạnh giữa Xiêm, cô gái đồng rừng xinh đẹp và Kiếm, tên lính
biệt kích ngụy. Đó là cụ Phang dằn vặt khổ đau giữa một bên là tình cảm với
cách mạng và một bên là thằng con biệt kích ngụy. Đó là bi kịch cá nhân của
mối tình ngang trái giữa Xiêm và Lượng, người con gái đã có chồng và anh
bộ đội giải phóng chưa vợ… Đây có thể được coi là tín hiệu cho sự xuất hiện
kiểu nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh
sau này.
Mối quan hệ giữa các tuyến nhân vật thường là quan hệ đối lập: địch –
ta, cốt truyện được tổ chức theo kết cấu mơ hình này. Trong những tiểu thuyết
như Gia đình má Bảy, Mẫn và tơi, Dấu chân người lính, những sự kiện và
biến cố lịch sử thường lấn át sự miêu tả con người. Sự kiện được tổ chức
thành chuỗi, có trước có sau, cái trước làm nảy sinh cái sau theo quy luật nhân
quả. Có khi tác giả viết như hoạch định của các nhà quân sự: chuẩn bị, hành
quân, tấn cơng, thu qn. Dấu chân người lính viết về chiến dịch Khe Sanh
theo kiểu như vậy: Hành quân, Chiến dịch bao vây, Đất giải phóng. Khi đọc,
cảm giác thời gian chảy trôi trong tác phẩm gần gần giống như trong tiểu
thuyết chương hồi.
Do cảm hứng sử thi tràn ngập, hiện thực lịch sử lớn lao luôn được đặt
trong cái nhìn thành kính, tầm vóc của sự kiện, của nhân vật chính ln cao
hơn người kể chuyện. Khi miêu tả nhân vật, các tác giả chủ yếu sử dụng điểm
nhìn bên ngồi. Ngơn ngữ thi vị, mang sắc thái ngợi ca. Giọng điệu hào hùng,
thành kính là chất giọng chủ đạo. Tính chất chính nghĩa và vẻ đẹp của cuộc
kháng chiến chống Mĩ là điều mà tác giả luôn chú ý khẳng định.
Tóm lại: tiểu thuyết chiến tranh của Phan Tứ và những tiểu thuyết viết
trong chiến tranh của Nguyễn Minh Châu được viết theo khn mẫu chung
của loại hình tiểu thuyết sử thi, được nhìn từ góc nhìn sử thi. Nó chú trọng và
cơ bản hồn thành sứ mệnh tuyên truyền cổ vũ chiến đấu. Phan Tứ, Nguyễn
21
Minh Châu giai đoạn này coi trọng viết cái gì hơn là viết như thế nào, tuyệt
đối hóa nội dung và chưa đầu tư nhiều cho nghệ thuật nên không tránh khỏi
sự đơn điệu và chưa cho thấy sự tìm tòi đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết.
1.1.2. Chiến tranh dưới góc nhìn đời tư
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi và kéo dài đến
khoảng mười năm tiếp theo, văn học nước ta nói chung, tiểu thuyết và tiểu
thuyết chiến tranh nói riêng rơi vào tình trạng “mất hẳn độc giả”. Tình trạng
ấy là một thách thức lớn đối với các nhà văn và nhu cầu tất yếu là phải đổi
mới. Tiến trình vận động và đổi mới ấy bắt đầu từ sự vận động và đổi mới tư
duy tiểu thuyết. Nó nằm trong tiến trình vận động và đổi mới của cả nền văn
học Việt Nam sau 1975.
Từ giữa thập kỉ tám mươi, trong khơng khí chung của phong trào đổi
mới, các nhà văn đã đưa ra những quan niệm hết sức phong phú về sứ mệnh
của nhà văn, của văn chương nói chung, sứ mệnh của tiểu thuyết và tiểu
thuyết chiến tranh nói riêng.
Đó là bước đột phá đầu tiên về đổi mới tư duy trong lĩnh vực văn học
nghệ thuật. Trong bầu khơng khí dân chủ ấy, các nhà văn đã nhận thức lại
thiên chức của mình, ý thức về tư cách nghệ sĩ được tự giác hơn và trở thành
nhu cầu cần được khẳng định cấp thiết. Văn nghệ sĩ là những “con chim báo
bão”, là “người đi trước”, là người mổ xẻ những ung nhọt của xã hội, của con
người, là giúp con người tự nhận thức về thói xấu của mình. “Nhà văn là gì?
Chẳng là gì cả. Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và ln tìm cách sám
hối vượt khỏi những lỗi lầm ấy, là con vật nhạy cảm hết sức đáng thương với
các thói xấu của cả bầy đồn. Nó viết khơng phải vì nó, nó viết để cả bầy
đồn rút ra từ đấy một lợi ích cơng cộng, một lợi ích văn hóa”[137, 25].
Nguyễn Minh Châu đã lên tiếng từ rất sớm: “Nhà văn tồn tại trên đời để bênh
vực cho những con người khơng cịn có ai để bênh vực.”. Ơng kêu gọi Hãy