Cách chiết cây ăn quả nhanh ra rễ?
Chọn thời vụ chiết cành:
Chiết cành thường vào vụ xuân tháng 2-4 và vụ thu tháng 8-9. Vụ xuân chiết
trước khi cây nhú lộc xuân. Nếu các loại cây rụng lá vào mùa đông, cần chiết sau khi
lộc xuân đã trở thành lá bánh tẻ thì tỷ lệ cây sẽ ra rễ nhiều hơn.
Chọn cành và khoanh vỏ:
Chọn cành bánh tẻ đường kính 0,5-2 cm, có 2-3 ngạc ở giữa tán, tráng nắng để
chiết cành sẽ nhanh ra rễ và chóng ra quả ổn định hơn các cành khác. Không chiết
cành la, cành vóng, cành bị sâu bệnh sẽ lâu ra rễ, khi trồng sinh trưởng kém gây thiệt
hại cho người trồng vườn. Khoanh vỏ ở vị trí cách cành chẽ (vị chí cành bên, cành
chạc 2-3) khoảng 10 cm, vết khoanh dài 4-5 cm được cạo sạch lớp vỏ lụa (lớp tượng
tầng sinh vỏ), để khô trong 3-5 ngày bó sẽ ít bị thối cành, liền vỏ.
Chọn vật liệu bó bầu:
Dùng đất phù sa, bùn ao (thành phần cơ giới đất thịt nhẹ đến thịt trung bình)
phơi khô đập nhỏ 50-70% + 50-30% rơm, rạ hoặc rễ bèo khô chặt dài 5-7 cm trộn đều
tưới ẩm đạt độ ẩm 75-80% (nắm thành từng nắm không chảy nước qua kẽ ngón tay,
còn nguyên dạng khi để trên mặt đất). Loại vật liệu này xốp, nhanh ra rễ, độ liên kết
bầu tốt ít bị vỡ khi vận chuyển cành chiết đi xa. Dùng giấy bóng màu đen, tạo màu tối
thích hợp với điều kiện sinh lý của bộ rễ sẽ kích thích cành chiết nhanh phát rễ hơn là
giấy nilon màu trắng.
Những cây có nhựa mủ khó chiết như:
Hồng xiêm, trứng gà, mít… cần chọn cành có đường kính to 1,5-2 cm và nên
bôi thêm một số chất kích thích ra rễ sau: Atonic 0,1%; Orgamin 1%; Na 2,4D
100ppm; NAA 100ppm… để khô thuốc trong 10-15 phút sau đó mới bó bầu, cành
chiết sẽ nhanh ra rễ hơn, tỷ lệ ra rễ tăng 30-40%.
Cách phòng bệnh đốm rong hại bưởi
Bệnh đốm rong, do một loài rong có tên là Cephaleuros viresens gây ra. Ngoài
bưởi và những cây thuộc nhóm có múi khác như cam, quýt…, bệnh còn xuất hiện rất
phổ biến trên ổi, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, măng cụt, vú sữa...
Bệnh có thể xuất hiện và gây hại trên thân cây, cành già và lá già (hầu như
không thấy trên các lá bánh tẻ và lá non), thỉnh thoảng cũng bắt gặp trên vỏ trái. Trên
thân và cành già lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ màu xanh, sau đó lớn dần, có
hình tròn hoặc hình bầu dục, trên vết bệnh có một lớp lông tơ mịn, màu xanh rêu, giữa
vết bệnh có màu đỏ gạch cua. Nếu nặng, từ gốc thân chính, cành già, bệnh leo lên phía
trên, làm cho vỏ cành bị nứt, kém phát triển.
Trên lá, vết bệnh là những đốm tròn hoặc hơi tròn, hơi nổi lên cao hơn bề mặt
của phiến lá một chút. Do có lớp rong phát triển nên nhìn giống như một lớp nhung
mịn, màu nâu đỏ gạch cua. Vết bệnh chỉ xuất hiện ở mặt trên của lá, còn mặt dưới, nơi
có vết bệnh ban đầu vẫn bình thường, về sau chuyển dần sang màu nâu đen do rong
tấn công vào tế bào biểu bì làm hủy hoại mô lá. Nếu bị hại nặng, lá trở nên thô cứng và
rụng sớm, cây còi cọc, phát triển kém.
Bệnh đốm rong thường xuất hiện và gây hại cây bưởi vào mùa mưa. Những
vườn không được chăm sóc chu đáo (thiếu phân, thiếu nước, đất khô cằn) làm cho cây
sinh trưởng kém, những vườn trồng quá dày làm cho vườn cây luôn rậm rạp, không
thông thoáng... thường bị bệnh gây hại nhiều hơn.
Để hạn chế tác hại của bệnh các bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp
chính sau:
- Không nên trồng bưởi quá dày.
- Thường xuyên tỉa bỏ cành, lá già đã bị bệnh nặng phía dưới gốc, cành bị sâu
bệnh, cành nằm bên trong tán không có khả năng cho trái đem tiêu hủy để hạn chế
nguồn bệnh, đồng thời làm cho vườn có độ thông thoáng.
- Bón phân cân đối và đầy đủ cho vườn cây, không nên phun phân bón lá định
kỳ, dễ làm cho trái bị nhiễm bệnh, tưới nước đầy đủ để đảm bảo đất luôn đủ ẩm, chăm
sóc chu đáo, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh... để cây luôn phát triển tốt.
- Có thể dùng một trong vài loại thuốc như: COC 85, Booc đo 1‰, Đồng
Oxyclorua, Copper-B, Copper-Zinc 75WP, Kocide, Champion... pha đặc quét lên thân,
cành già mỗi năm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa
Cứu cây ăn quả sau nước rút
Sau khi nước rút, hộ có diện tích cây ăn quả cần khẩn trương đánh rãnh thoát
hết nước đọng trên bề mặt và hạ thấp mực nước trong vùng rễ cây. Xới nhẹ mặt đất
ngay dưới tán lá để phá váng. Cắt tỉa bớt những cành lá rậm rạp để vườn thoáng; bốc
hơi nước nhanh.
Dùng cọc buộc chéo gốc để giữ chắc cây. Bón nhử thêm phân để kích thích cây
ra rễ mới. Bằng cách làm này thì cây ăn quả có thể phục hồi sống được. Riêng cam,
bưởi sẽ bị rụng quả.
Giống su hào cực ngắn ngày B40
Trong khi nhiều gia đình vùng chuyên canh rau ở xã Tiền Phong, huyện Mê
Linh, TP. Hà Nội đang băn khoăn chưa biết trồng giống rau gì để có thu nhập trong
thời gian ngắn nhất, đặc biệt là vào dịp Tết Kỷ Sửu sắp tới thì anh Nguyễn Văn Toàn
yên tâm gieo ươm giống su hào Hàn Quốc B40 để chuẩn bị xuống giống.
Theo anh Toàn, giống su hào B40 cực ngắn ngày, có thể cho thu hoạch sau
trồng 35 ngày, thừa kịp bán dịp Tết. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một đại lý bán hạt giống
rau ở thôn Quan Âm, xã Bắc Hồng, Gia Lâm, Hà Nội cho biết thêm: Giống su hào B40
là giống lai F1 do Công ty Hungnong - Hàn Quốc thuộc tập đoàn Seminis sản xuất và
cung ứng tại thị trường Việt Nam.
Hiện nay giống su hào này đã được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là
vùng ĐBSH đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Su hào B40 củ to (trung bình 400-
600g/củ), tròn dẹt, màu xanh trắng, mỏng vỏ, thịt mềm mà giòn, ăn ngọt, không xơ;
năng suất cao (chăm sóc tốt có thể đạt 2-2,5 tấn/sào Bắc bộ, cho thu nhập 3-4 triệu
đồng/sào), có thể gieo trồng gần như quanh năm: Vụ sớm gieo trồng từ tháng 7 đến
tháng 9; vụ chính gieo trồng từ tháng 9 đến hết tháng 10; vụ muộn, gieo trồng trong
tháng 11, 12. Ngoài ra có thể trồng trái vụ tháng 2-3 vì đây là giống chịu nhiệt khá, chỉ
trừ những tháng nhiệt độ cao quá 35oC trở lên.