Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Tài liệu PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU VỀ BỘ LUẬT HAMMURABI pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.95 KB, 4 trang )

PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU VỀ BỘ LUẬT HAMMURABI
(Bài viết của Thạc sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Khoa Luật - Đại Học Quốc Gia - Hà Nội)
Nền kinh tế của Lưỡng Hà phát triển chủ yếu là kinh tế nông nghiệp. Tuy vậy, kinh tế hàng
hoá phát triển, dẫn đến nhu cầu cần phải có qui định để giải quyết các tranh chấp trong
quan hệ dân sự. Người Lưỡng Hà phát hiện chữ viết (văn tự) từ rất sớm (giữa thiên niên kỷ
thứ 4 trước CN). Tiền lệ pháp, tập quán pháp đã được sử dụng rất rộng rãi trước khi Bộ
luật này ra đời.
Về mặt nguồn gốc, Bộ luật Hammurabi được xây dựng trên cơ sở pháp điển hoá nhiều văn
bản trước đó và trên cơ sở kế thừa luật lệ của người Xu-me, người Amôrít. Bộ luật
Hammurabi được phát hiện năm 1901 của đoàn khảo cổ người Pháp, khắc trên đá bazan
cao 2,25 m và dựng tại quảng trường thành phố cho nhân dân đọc mà thi hành. Bộ luật
Hammurabi là Bộ luật tương đối hoàn chỉnh thời kỳ cổ đại, gồm 282 điều (hiện chỉ đọc
được 247 điều) bao gồm ba phần: Phần mở đầu, phần nội dung và kết luận[1]. Đây là một
bộ luật tổng hợp được xây dựng dưới dạng luật hình, bao gồm các qui phạm pháp luật điều
chỉnh nhiều lĩnh vực và đều có chế tài, chủ yếu điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan
đến lợi ích của giai cấp thống trị. Phần mở đầu Vua Hammurabi tuyên bố rằng các vị thần
đã trao đất nước cho nhà vua thống trị để làm cho đất nước giàu có, nhân dân no đủ. Ở
phần kết luận Hammurabi tuyên bố sẽ trừng trị tất cả những ai xem thường và định huỷ bỏ
đạo luật. Tác giả bộ luật đã ý thức sâu sắc kết hợp thần quyền, vương quyền, và pháp
quyền, khiến bộ luật trở nên được “thiêng hoá” nhằm đạt được mục đích cai trị dân chúng.
Vượt ra khỏi hạn chế lịch sử, giá trị xã hội của Bộ luật được hiện rõ ngay từ mục đích của
Bộ luật, thể hiện ở phần mở đầu của Bộ luật: “Vì hạnh phúc của loài người, thần Anu và
thần Enlin đã ra lệnh cho trẫm – Hammurabi, một vị quốc vương quang vinh và ngoan đạo,
vì chính nghĩa, diệt trừ những kẻ gian ác không tuân theo pháp luật, làm cho kẻ mạnh
không hà hiếp người yếu, làm cho trẫm giống như thần Samát sai xuống dân đen, tỏa ánh
sáng khắp muôn dân.”
Về kĩ thuật lập pháp, tuy không phân chia thành các ngành luật nhưng bộ luật cũng được
chia thành nhóm các điều khoản có nội dung khác nhau. Phạm vi điều chỉnh của bộ luật là
những quan hệ xã hội rộng, bao quát lên toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội như hôn
nhân gia đình, ruộng đất, thừa kế tài sản, hợp đồng dân sự, hình sự, tố tụng ...
Về mức độ điều chỉnh: Mức độ điều chỉnh pháp luật phụ thuộc vào tính chất của các loại


quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bằng pháp luật, các yếu tố chủ quan của nhà làm luật.
Thông thường người ta phân biệt thành hai mức độ điều chỉnh pháp luật: cụ thể – chi tiết
và khái quát hoá cao. Bộ luật về cơ bản áp dụng mức độ điều chỉnh cụ thể, chi tiết.
Về mặt hình thức pháp lý, đây là một bộ luật tổng hợp được xây dựng dưới dạng luật hình,
bao gồm các qui phạm pháp luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực và đều có chế tài. Phần nội
dung, bộ luật tập trung điều chỉnh bốn lĩnh vực chủ yếu đó là dân sự, hình sự, hôn nhân gia
đình và tố tụng, tuy vậy không có sự tách rời giữa các lĩnh vực. Các qui phạm của Bộ luật
Hammurabi cũng giống như các bộ luật khác ở Phương Đông thời kỳ cổ đại là mang tính
hàm hỗn, các điều luật đều kèm theo chế tài.
a. Về dân sự:
Những điểm tiến bộ, đặc sắc nhất của Bộ luật này chính là các qui định về dân sự. Bộ luật
đã đặc biệt chú ý điều chỉnh quan hệ hợp đồng, vì đây là quan hệ phổ biến ở xã hội Lưỡng
Hà cổ đại, có nhiều qui định không những tiến bộ về nội dung, mà còn chặt chẽ về kĩ thuật
lập pháp.
Về chế định hợp đồng, Luật qui định ba điều kiện bắt buộc đối với hợp đồng mua bán:
Thứ nhất, người bán phải là chủ thực sự,
Thứ hai, tài sản phải có giá trị sử dụng,
Thứ ba, phải có người làm chứng.
Bộ luật cũng qui định các điều khoản lĩnh canh ruộng đất. Đối với ruộng, người lĩnh canh
nhận mỗi mùa từ 1/3 - 1/2 số sản phẩm thu hoạch. Đối với vườn được nhận 2/3 số sản
phẩm thu hoạch.
Điểm tiến bộ hơn nữa là luật đã qui định mức lãi suất đối với hợp đồng vay nợ. Cụ thể luật
qui định mức lãi suất đối với tiền là 1/5, vay thóc là 1/3.
Về chế định thừa kế tài sản, Luật Hammurabi phân làm hai loại thừa kế: thừa kế theo pháp
luật và thừa kế theo di chúc.
Thừa kế theo pháp luật: Nếu người cho thừa kế không để lại di chúc thì tài sản được
chuyển đến cho những người có quyền đối với tài sản đó theo luật định. Thời gian đầu tài
sản tập trung ở dòng họ và dần dần được chuyển về gia đình có quyền thừa kế và thành tài
sản chung của gia đình. Đó là cách thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo di chúc: Bộ luật đã hạn chế quyền tự do của người viết di chúc như qui định

người cha không được tước quyền thừa kế của con trai nếu người con mới phạm lỗi lần
đầu và lỗi không nghiêm trọng. Con trai, con gái đều được hưởng quyền thừa kế ngang
nhau.
b. Về lĩnh vực hôn nhân và gia đình:
Theo xu hướng củng cố địa vị của người chồng, người cha nên trách nhiệm và nghĩa vụ
thuộc về người vợ và con cái. Nếu không có con, người chồng có quyền ly dị, bán vợ hoặc
lấy vợ lẽ. Nếu bắt được vợ ngoại tình thì chồng có quyền trói vợ và nhân tình của vợ ném
xuống sông cho chết. Ngược lại nếu vợ bắt được chồng ngoại tình, chỉ có quyền ly dị mà
thôi.
Điểm tiến bộ là đã có qui định kết hôn phải có giấy tờ, ở mức độ nào đó có qui định bảo vệ
người phụ nữ (người vợ có quyền ly hôn khi người chồng đi khỏi nhà không có lý do,
chồng có quan hệ ngoại tình hay vu cáo vợ ngoại tình). Có một qui định rất nhân đạo nếu
đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là: ”Người chồng không được bỏ vợ khi biết người vợ mắc
bệnh phong hủi.”
c. Về hình sự:
Lĩnh vực Hình sự là lĩnh vực thể hiện rõ nhất tính giai cấp và sự bất bình đẳng. Một
nguyên tắc xuyên suốt và thể hiện rõ trong Bộ luật là nguyên tắc bảo vệ quyền lợi, địa vị
của người chồng, người cha trong gia đình. Thí dụ, nếu không có con, người chồng có
quyền ly dị hoặc bán vợ hoặc lấy vợ lẽ; nếu bắt được vợ ngoại tình thì chồng có quyền trói
vợ và nhân tình của vợ ném xuống sông cho chết. Ngược lại nếu vợ bắt được chồng ngoại
tình, chỉ có quyền ly dị mà thôi. Điều 129 qui định : "Nếu vợ của dân tự do ngủ với người
đàn ông khác mà bị bắt, thì phải trói cả hai người này lại và ném xuống sông"
Tàn dư của xã hội nguyên thuỷ rất rõ là nguyên tắc trả thù ngang bằng, thậm chí còn cho
phép trừng trị cả những người không liên quan đến tội phạm. Nguyên tắc này chỉ căn cứ
vào hậu quả xảy ra trên thực tế để áp dụng trách nhiệm pháp lí, chứ không xét trên phương
diện mức độ lỗi và chủ thể thực hiện hành vi vi phạm. Thí dụ, Điều 38 qui định: " Nếu thợ
xây nhà mà xây không đảm bảo, nhà đổ, chủ nhà chết thì người thợ xây bị giết." hoặc Điều
39: "Nếu nhà đổ, con của người chủ nhà chết thì con của người thợ xây cũng phải chết
theo".
Bằng phương pháp thống kê, tác giả thấy trong Luật Hammurabi có nhắc tới 32 trường hợp

xử tử hình. Thường là các hình phạt rất khắc nghiệt như dìm, đóng đinh, chém v.v…Tính
chất tương xứng trong trách nhiệm pháp lý nhấn mạnh nhiều đến tính trừng trị đối nhân
hoặc đối vật, mà chưa tính đến tính giáo dục, hay tạo điều kiện để người vi phạm hoàn
lương. Bên cạnh đó, Bộ luật còn nêu ra trách nhiệm tập thể của các thành viên công xã đối
với nhà nước; qui định về trừng phạt kẻ giúp nô lệ chạy trốn, trừng phạt những kẻ xâm
phạm quyền sở hữu của nhà vua, chủ nô; Trừng phạt người quản gia làm thất thoát tài sản
của chủ bị ném cho dã thú xé xác; Lấy cắp gia cầm hoặc các đồ dùng khác của chủ sẽ bị
phạt từ 10 đến 30 lần giá trị thứ lấy cắp. Nếu không nộp được phạt, kẻ lấy cắp sẽ bị giết.
Điểm tiến bộ trong lĩnh vực hình sự là luật đã manh nha phân biệt phạm tội vô ý và phạm
tội cố ý. Ví dụ luật ghi trong khi ẩu đả làm chết người, nếu kẻ làm chết người chứng minh
được rằng không cố ý giết người thì sẽ không bị tử hình, chỉ bị phạt tiền.
d. Về tố tụng:
Tố tụng là thủ tục giải quyết các vụ án. Bộ luật đã có nhiều qui định về thủ tục bắt giữ,
giam cầm, qui định những nguyên tắc khi xét xử như xét xử phải công khai, phải coi trọng
chứng cứ, phán quyết phải được thi hành nghiêm minh...
Có hai qui định rất đặc thù về tố tụng của Bộ luật này:
Thứ nhất, qui định về trách nhiệm của thẩm phán.
”Nếu thẩm phán xử một vụ kiện mà ra phán quyết bằng văn bản, nếu sau đó phát hiện lỗi
trong văn bản là do lỗi của thẩm phán, thẩm phán sẽ phải trả 12 lần giá trị tiền phạt mà ông
ta đã yêu cầu bồi thường trong vụ kiện, đồng thời ông ta sẽ bị buộc phải rời khỏi ghế thẩm
phán vĩnh viễn và không bao giờ có thể trở thành thẩm phán lần nữa”
(Nguyên bản Tiếng Anh để bạn đọc tiện tra cứu: If a judge try a case, reach a decision, and
present his judgment in writing; if later error shall appear in his decision, and it be through
his own fault, then he shall pay 12 times the fines set by him in the case, and he shall be
publicly removed from the judge’s bench, and never again shall be sit there to render
judgement.)
Qui định về trách nhiệm của thẩm phán trong việc xét xử như qui định trên trong một xã
hội thể hiện tính giai cấp sâu sắc quả thật là một sự tiến bộ. Qua đó cho thấy, thời kỳ này
rất coi trọng công tác xét xử, rất coi trọng trách nhiệm xét xử công bằng của thẩm phán. Sử
sách đã ca ngợi rằng ở Lưỡng Hà cổ đại, tinh thần thượng tôn luật pháp và thói quen cầu

viện công lý đã ăn sâu vào tác phong sinh hoạt của người dân nơi đây.
Thứ hai, về hình thức xét xử
Nếu một người kiện một người khác, bị đơn sẽ phải đi đến một dòng sông và nhảy xuống,
nếu anh ta chìm, bị dòng nước cuốn đi, nguyên đơn sẽ sở hữu nhà của bị đơn. Nhưng
ngược lại, nếu dòng sông chứng minh rằng bị đơn là không có tội, tức là anh ta còn sống
sót, thì nguyên đơn sẽ bị giết chết, và bị đơn sẽ sở hữu nhà của nguyên đơn”
(Nguyên bản Tiếng Anh để bạn đọc tiện tra cứu: If anyone bring an accusation against a
man, and the accused go to the river and leap into the river, if he sink in the river, the
accuser shall take possession of his house. But if the river prove that the accused is not
guilty, and he escape unhurt, then he who had brought the accusation shall be put to death,
while he who leaped into the river shall take the possession of the house that had belonged
to his accuser)
Có một thực tế là người cổ đại bất lực trước tự nhiên, bất lực trước việc giải thích các hiện
tượng tự nhiên và xã hội, hơn nữa không phải lúc nào cũng dễ dàng có được chứng cứ xác
thực khi khoa học chưa phát triển, nên ta thấy cách thức xử lý có vẻ như bất bình thường
kia lại trở nên rất dễ hiểu, dễ hiểu đến mức bình thường và tự nhiên trong quan niệm, trong
cách hành xử của người dân Lưỡng Hà cổ đại. Họ tin rằng đấng tối cao đã sáng tạo muôn
loài, sáng tạo nên nhà nước và luật pháp nên họ chấp nhận điều đó, và tin rằng thần thánh
mới là người công minh nhất, thần thánh mới là người cho họ biết thế nào nào là đúng, thế
nào là sai, thế nào là công bằng hay không công bằng.
Phần kết luận, Hammurabi khẳng định lại mục đích của Bộ luật và tuyên bố sẽ trừng phạt
bất cứ ai vi phạm Bộ luật này: “Để cho kẻ mạnh không hà hiếp kẻ yếu; để cho những
người cô quả có thể nương tựa ở thành Babilon…; để cho sự tuyên án trong nước tiện việc
quyết định; để cho những kẻ thiệt thòi được trình bày lẽ phải…Nếu kẻ nào thi hành triệt để
bộ luật này thì sẽ được các thần phù hộ, trái lại nếu người nào không nghiêm chỉnh thi
hành hoặc sửa đổi bộ luật thì sẽ bị thần linh trừng phạt”.
Bộ luật Hammurabi là Bộ luật thành văn cổ nhất trên thế giới, là một trong những thành
tựu có giá trị bậc nhất của lịch sử văn minh cổ đại. Giá trị của Bộ luật này cho đến nay vẫn
tiếp tục được nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu, khai thác và kế thừa. Bộ luật đã
xây dựng rất công phu, điều chỉnh và phản ánh một cách sinh động các hoạt động kinh tế,

chính trị, văn hoá xã hội của vương quốc Babilon. Bộ luật không chỉ có giá trị về nghiên
cứu pháp lý mà còn là nguồn cứ liệu lịch sử phong phú, quí giá để nghịên cứu nền văn hoá
Babilon - Lưỡng Hà cổ đại.
Vượt ra khỏi hạn chế về tính giai cấp, có thể thấy chứa đựng trong nhiều qui phạm của Bộ
luật dù ở dạng thức sơ khai nhất, cổ xưa nhất vẫn hằng chứa đậm nét những giá trị tiến bộ,
nhân văn, đặc biệt là về kĩ thuật lập pháp trong các qui định từ hôn nhân gia đình đến thừa
kế, và qui định về hợp đồng. Gấp Bộ luật lại, nhìn vào cuộc sống và suy ngẫm ta thấy
không khỏi ngạc nhiên và trân trọng những giá trị lịch sử pháp lý của Bộ luật, những qui
định ra đời cách đây gần 4000 năm vẫn chứa đựng nhiều giá trị đương đại đáng kế thừa, và
phát triển./.
[1] Hiện nay có nhiều bản dịch khác nhau từ Tiếng nước ngoài. Ví dụ như bản dịch của
Nguyễn Gia Phu dịch theo bản Trung Văn của Nhật Trị in trong “Thế giới sử tư liệu tùng
san, sơ tập” được công bố khá rộng rãi trong cuốn Lịch sử thế giới cổ đại, NXB Giáo dục
do Lương Ninh (Chủ biên). Khi viết phần này, tác giả chủ yếu tham khảo bản dịch từ
Website của Trường Đại học Yale của Hoa kỳ do tác giả L. W. King dịch từ nguyên bản:
/>

×