Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Nói lý và hát lý của đồng bào Cơtu doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (139.54 KB, 4 trang )

Nói lý và hát lý của đồng bào Cơtu

Tiếng Cơ-tu gọi là paprăbhma, không rõ ai đã dịch ra là nói lý. Theo một số cán bộ
Kinh sống lâu năm biết sâu tiếng Cơ-tu thì cho rằng dịch như vậy chưa chính xác,
nhưng chúng ta dùng quen miệng, quen tai, ngầm hiểu rằng nói lý không phải là nói
lý lẽ, là biện luận dài dòng, bắt bẻ kẻ đối thoại với mình buộc họ phải chấp nhận
quan điểm của mình là đúng. Nói lý chỉ là nêu lên một hình ảnh thể hiện được toàn diện
và bao quát nhận thức của mình đối với sự việc, không kèm theo lý lẽ, không có phân
tích, nhưng lại làm cho người nghe cảm thấy ý kiến của mình là đúng và chấp nhận.

Các đêm có trăng, khi trời trong mát, các chàng trai, cô gái chưa vợ, chưa chồng thường
rủ nhau ra chòi rẫy chuyện trò, tìm hiểu nhau, hẹn hò xe tơ kết tóc, hứa giữ tình chung
thủy, xây đắp mộng vàng. Họ nói chuyện thủ thỉ tâm tình, và hát những câu hát trữ tình
qua tiếng trầm bổng của "đàn môi" (một loại nhạc cụ đồng dài độ 8-l0cm, có lưỡi gà
mỏng như lá lúa), người hát để đàn môi trên môi, dùng một ngón tay gảy nhẹ, làm cho
lưỡi gà rung lên và khéo léo hát vào tiếng rung đó. Không có câu hát sẵn, phải ứng khẩu
hát nên vần, nên điệu, phải nêu cho được cái hình ảnh đẹp đẽ nhất, sâu sắc nhất, bộc lộ
một cách kín đáo nỗi lòng của mình. Hát như vậy gọi là hát tình ý với nhau của đôi nam
nữ (theo tiếng Cơ-tu Bhnooch hoặc Bh'bh'ooch mà ai đó đã dịch ra là hát lý).

Mới nghe qua, chúng ta có thể lầm tưởng rằng nói lý, hát lý của đồng bào Cơ-tu là nói ví
dụ, là hát hò khoan theo điệu và kiểu của dân tộc, không đơn giản như vậy. Hình ảnh nêu
ra nghe gần gần, xa xa, có nhiều ẩn ý, có chiều sâu về tâm lý và nhận thức, hình ảnh đó
quen thuộc với mọi người nhưng lại buộc người nghe phải suy nghĩ để thấy hết mọi khía
cạnh của hình ảnh đó. Thật là độc đáo, muốn nói lý, hát lý hay, sâu sắc, trước hết phải
hiểu vấn đề nêu ra một cách tường tận. Phải chọn hình ảnh thật chính xác, thật "chết lý"
làm cho người nghe không thể vin vào những sơ hở để bắt bẻ hoặc hiểu lầm. Nói một
cách khác, người nói lý và hát lý hay, ngoài việc ăn nói lưu loát, nhanh trí tìm ra vần, biết
lên bổng xuống trầm đúng lúc, đúng điệu, thì điều cơ bản là phải hiểu cho rành rọt đất
nước, tài nguyên, hiểu xã hội, con người đang sống ở vùng đất đó. Nói tên một con suối
phải biết đó là con suối cát hay đá, nước trong hay đục, sâu hay cạn, bốn mùa có nước


hay chỉ có trong mùa mưa. Biết tường tận như vậy thì khi nghe người hát nêu tên con
suối là biết ngay họ nói đến cái tốt, cái trong sạch, cái bền bỉ thủy chung, hay là cái xấu,


cái dơ bẩn, cái tạm thời không ổn định. Cây lan biểu hiện sự yêu mến, cây kiền kiền, cây
lim biểu hiện tính kiên cường vững chắc. Nêu tên con khỉ là con vật phá hoại mùa màng,
phá hoại cuộc sống, phá táo tợn hơn con heo rừng, là kẻ thù của sản xuất, ngoan cố nhất,
khó trừng trị nhất.

Nêu lên con người nhịp tạ (một cách đánh thanh la bằng đồng) là nêu lên hình ảnh kẻ
nhát gan, run sợ, vì người nhịp tạ giỏi, điêu luyện, có hồn nghệ sĩ, là vừa nhịp tạ, vừa
nhớm chân, cúi xuống, ngẩng lên, toàn thân rung lên như tiếng tạ, đó là một hình ảnh kẻ
quá sợ hãi, tay run bần bật. Cùng một hình ảnh, nhưng từng vùng, từng lúc ý nghĩa có
khác nhau; người có uy tín, ăn nói vững vàng nhưng lại nói, lại hát những điều mới nghe
như ngớ ngẩn, vậy phải hiểu sau cái ngớ ngẩn là cái gì, ý đồ của người nói là thế nào.
Không tính toán sâu sắc, thì có thể người nói, người hát muốn nói đen ta lại hiểu lầm là
trắng, muốn nói phải ta hiểu lầm là trái, họ phản đối ta tưởng họ tán thành. Đó là điều hết
sức phức tạp, hết sức khó khăn trong nói lý, hát lý.

Nói chung đồng bào đều biết nói lý, hát lý, biết từ lúc nhỏ, từ lúc gùi được nước uống,
biết cầm cán rựa, con dao tham gia làm rẫy. Nhưng nói lý, hát lý sâu xa, nhiều tầng,
nhiều lớp, pha lẫn tiếng Cơ-tu và tiếng Kinh, nói lý và hát lý để đả thông tư tưởng, giải
quyết được công việc thì mỗi bản, mỗi thôn, mỗi vùng chỉ có một vài người. Nói lý, hát
lý xem ra rất khó, nhưng hiểu được nói lý, hát lý càng khó hơn. Người hát lúc cất cao
giọng ngân nga, lúc hạ giọng, hát lầm thầm trong cổ họng, có lúc nói chậm từng câu,
từng tiếng, có lúc dồn dập, đúng điệu, đúng phong cách.

Hát là phải hát có vần, phải xuôi vần, thuận tai, cho nên người hát có lúc dặm thêm nhiều
tiếng đệm không có lời có nội dung, với lời chỉ để lấy vần, thì không nắm được ý nghĩa
câu hát hoặc hiểu sai lệch. Thường sau các cuộc họp giữa thôn này, thôn khác, xã này, xã

khác, hay các cuộc gặp để giải quyết cưới xin, nợ nần, giải quyết một số vụ mất đoàn kết,
những vụ tranh chấp đất rừng, khe suối, nhất định có kết thúc bằng hát lý. Cả ngày, cả
buổi gặp nhau, hai bên trình bày ý kiến, lý lẽ của mình,bàn qua cãi lại nhất trí một số
điểm. Có thể còn có một số ý kiến khác nhau, cả hai bên đều chờ ý kiến của người có uy
tín nhất của mỗi bên, tất nhiên người đó thường không kết luận ngay, mà chờ đợi đến tối
uống rượu, hát lý. Qua câu hát, ý kiến sẽ được trình bày rõ ràng, cụ thể, kết thúc luôn
cuộc họp mà hai bên đã thảo luận và làm theo. Cơm nước xong, người chủ thôn bản chế
trà mời khách. Câu chuyện xoay quanh việc làm rẫy, bắt cá, bắt chim, săn thú rừng ,việc
về miền xuôi buôn bán, đổi chác. Khoảng 20 hay 21 giờ đêm, chủ nhà cho dọn thịt ngon,
cá ngon để làm mồi nhấm rượu, rượu sắn, rượu bắp hoặc có khi rượi tà đìn, tà vạc (là
rượi được lấy nước trong buồng non cây đoát, và thân cây tà đìn có ngâm vỏ cây chuồn).

Ở vùng thấp, việc mua bán với tư thương người Kinh thuận lợi hơn thì chủ thôn bản cho
mua thêm rượu chai, rượu trắng đựng trong canh nhựa. Người chủ tiệc tự rót rượu, ly đầu
tiên tự uống để ra hiệu rằng là rượu này không có vấn đề gì nghi vấn, rồi sau đó rót rượu
mời từng vị khách, mà trước hết là người cao tuổi, người có uy tín; nếu là rượu cần, thì
những vị khách đặc biệt được mời cầm cần trước, rồi sau đó mời các đại biểu khác.
Không khí trong đình bắt đầu ồn ào, náo nhiệt. Mời qua, mời lại, một vòng, hai vòng, ba
vòng. Câu chuyện bắt đầu, rượu càng vào, lời càng ra, lại nói chuyện làm ăn trau đổi,
buôn bán xen kẽ với một vài ý kiến về cách giải quyết vấn đề đã thỏa thuận ban ngày.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến rất dè dặt, chạy quanh lề, dò ra ý tứ nhau. Người chủ tiệc cho
dọn thêm thức nhấm, thêm rượu, rồi chọn cơ hội thuận lợi nhất để cất tiếng hát "hát khai
mạc" : " ô,ô, ô, adô... cáeer...".

Câu hát của người chủ tiệc không gì quan trọng, nói một cách chính xác, đó là một công
thức, mà người chủ tiệc nào cũng phải hát như vậy. Nói theo kiểu hát Tuồng, thì câu hát
của người chủ tiệc là câu "giáo Tuồng". Trước hết, là lời chào mừng các vị khách, sau
khiêm tốn xin lỗi vì thôn bản mình còn nghèo, nhà không đủ rộng, việc tiếp khách còn
vụng về, đàn bà nấu cơm không dẻo, thịt không béo, rượu không ngọt, thuốc xắt không
nhỏ, tội nghiệp cho thôn bản, chỉ có tấm lòng mến khách, có bụng dạ đoàn kết, muốn làm

anh em như con cháu trong một nhà,... Hát xong, người chủ tiệc xin lỗi vì hát không
thạo,lời lẽ thô thiển, giọng hát ồm ồm. Câu hát "khai mạc" như một hồi chuông nhắc mọi
người bớt nói chuyện. Các gia đình trong thôn bản vội vã dọn dẹp rồi kéo nhau rủ ra đình
làng nghe hát, nghe cách giải quyết công việc và kết luận của người lớn. Cả ngày họ
không dự họp, bây giờ họ được phép vào đình làng để nghe. Số thính giả này phần lớn là
đàn bà và trẻ em, trình độ hiểu biết về hát lý còn non kém, họ xúm quanh các đại biểu,
vừa nghe vừa học tập, có chỗ nào khó hiểu là hỏi nhau, nhất là hỏi các cụ già, rồi trao đổi
nội dung, tìm hiểu "cái ý" của câu hát.

Điều thú vị ở chỗ, cuộc hát lý vừa là cuộc so tài về văn nghệ giữa hai bên, vừa là cuộc
đấu khẩu lý lẽ, để giải quyết công việc, vì vậy hai bên đều âm thầm sắp xếp lực lượng, ai
hát trước, ai hát sau, ai kết thúc. Bên này hát một câu, bên kia hát đáp laị một câu, thính
giả cùng nhau bàn luận, trao đổi ý nghĩa câu hát. Từng cặp trổ tài, tuy hát cỡ nhỏ, cỡ vừa
đều lên tiếng. Khi trời đã về khuya, rượu cốt trong các ché đã bày ra, thì "chủ soái" của
hai bên phải lên tiếng để kết thúc cuộc hát lý, kết luận cuộc họp cả ngày. Đó là điều mà
mọi người đang chờ đợi. Các tay hát cự phách này, mỗi người chỉ hát một câu, nhưng lời
hát điêu luyện, hình vừa đẹp, vừa mới, ý tứ sâu xa, tóm tắt được ý kiến của mọi người.
Có thể nói cả đình làng đều im lặng, mở rộng tai để thu nhận lời hát. Người sáng ý nắm
được cái lý, thấy được cách giải quyết vấn đề, thấm thía cái hay, cái tinh túy của hình ảnh
nêu ra. Ai chưa hiểu hết thì về nhà suy nghĩ thêm, hoặc trao đổi nhau để thống nhất. Sau
câu hát cuối cùng chấm dứt, bà con trong thôn bản ra về. Trong đình làng lúc này, bếp
lửa được thổi cao hơn, chiếu mới, đẹp được trải thêm ra mời khách nghỉ lưng sau một
ngày thảo luận.

Tập quán nói lý, hát lý trong đồng bào Cơ-tu đã có từ lâu đời, trở thành một phong cách
thể hiện tình cảm, lý trí của đồng bào, thành một nghệ thuật dân gian mà mọi người đều
ưa chuộng. Nghệ thuật ấy điêu luyện đến mức nói ra, hát ra đồng bào hiểu nhau, thông
cảm nhau rất dễ dàng, sâu sắc, nhưng kẻ địch lại không hiểu hoặc hiểu sai lệch. Trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng bào Cơ-tu dùng kiểu nói lý, hát lý để qua
mắt, qua tai địch, trao đổi ý kiến với nhau, thông báo tin tức cho nhau, cam kết với nhau

mà kẻ địch có tai như điếc, có mắt như mù, nghe họ chửi mà tưởng họ hoan hô tán
thướng. Còn cán bộ Kinh công tác ở vùng đồng bào Cơ-tu lại biết vận dụng kiểu nói lý,
hát lý để giáo dục, thuyết phục quần chúng nghe theo lời Đảng, lời Bác Hồ để làm cách
mạng, mở rộng và củng cố khối đoàn kết, đề cao cảnh giác đối với địch, phân biệt rõ thù,
bạn, ta để có hướng và biện pháp hành động đúng đắn.

Ngày nay, trong hòa bình xây dựng quê hương, đất nước, cán bộ dùng hát lý để tuyên
truyền, giáo dục đồng bào nhận thức sâu sắc các chủ trương, chính sách, pháp luật của
Đảng và Nhà nước để xây dựng cuộc sống mới ở vùng đồng bào dân tôc Cơ- tu.

×