Quản trị, quản lý tác nghiệp, chìa khóa để
mở chiến lược
TS. Nguyễn Công Phú (*)
Thời báo Kinh tế SG
Thế kỷ 20, từng thời kỳ, dưới sự thôi thúc, áp lực của thị trường, quần thể
các doanh nghiệp lớn, nhỏ đã phải thay đổi cách quản trị, quản lý khâu tác
nghiệp, khâu biến chiến lược, sách lược thành hiện thực. Thập niên đầu tiên
của thế kỷ 21 đang chứng kiến những sự thay đổi, xã hội và cộng đồng
người tiêu dùng có những đòi hỏi cao hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp
đối với môi trường, các chính sách an sinh cho người lao động, sự an toàn
của thực phẩm.
Thử nhìn lại một cách đơn giản nhưng đủ nghĩa, việc quản trị và quản lý tác
nghiệp là như thế nào, đóng vai trò ra sao trong sự thành bại của một doanh
nghiệp.
Sơ đồ trên đây (hình 1) cho ta hình dung được là khâu “tác nghiệp” liên
quan đến 90-95% trong chu trình tạo ra sản phẩm.
Từ đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1980, sự phân bố chức năng trong một doanh
nghiệp thường là theo lối từ trên xuống “top down”.
Thứ nhất, ban giám đốc tổ chức, điều hành chu trình sản xuất để sản phẩm
(hữu hình hay dịch vụ) được thực hiện đúng như mong muốn.
Thứ hai, quản trị/quản lý tác nghiệp chỉ giới hạn là thi hành đúng, ngày qua
ngày, từng hay một số công đoạn tạo ra sản phẩm.
Hình 1.
Ở các nền công nghiệp phát triển nhanh và mạnh, giai đoạn từ thập niên
1960-1980, đã đảo lộn sự vận hành tác nghiệp. Khi tư tưởng, tư duy nhắm
đến “sự hài lòng của khách hàng” là thước đo chính, thì hệ quả chính của nó
là quản lý chất lượng, chất lượng toàn diện... Mà muốn thực hiện điều này
thì thông tin phải được đi từ dưới lên trên “bottom up”, chính những ai ở gần
khách hàng nhất, trực tiếp với các nhà cung ứng nhất của cả hai khâu “đầu
vào” và “đầu ra” thì mới nắm được thông tin hoàn hảo nhất để “liên tục làm
tốt hơn nữa sản phẩm, dịch vụ”.
Thêm vào đó, sự phát triển cực kỳ nhanh của nền công nghiệp thông tin, vừa
phục vụ rất hiệu quả mọi khâu quản trị, đặc biệt quản trị tác nghiệp, lại vừa
làm cho con người lao động trực tiếp “lệ thuộc” vào “máy móc mà mình sử
dụng” - Nói cách khác, tính chuyên nghiệp, tri thức ngày càng nâng cao, dây
chuyền tác nghiệp càng phức tạp nên khoa học theo tư duy Taylor không còn
ứng dụng được nữa.
Trong khoảng thời gian đó, sự cạnh tranh đã buộc cộng đồng doanh nghiệp
đưa cách sản xuất “Just in time”, “zero stock” (giảm tối đa hàng tồn kho)
vào cuộc càng làm tính quản trị, quản lý tác nghiệp trở thành vừa phức tạp,
vừa là khâu quan trọng nhất cho sự tồn tại ngắn hạn của doanh nghiệp.
Hình 2.
Hai thập niên cuối của thế kỷ 20 là khoảng thời gian bùng nổ của số lượng
doanh nghiệp được thành lập và tỷ lệ các doanh nghiệp phá sản cũng cao
nhất. Ngay các tập đoàn, doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu đời cũng tan biến
trong vùng xoáy tác nghiệp không hữu hiệu.
Vì thế, mô hình quản trị vĩ mô/quản trị tác nghiệp của cuối thế kỷ 20, đầu
thế kỷ 21 có thể minh họa như hình 2.
Trong khi mô hình mới này là để đáp ứng các yêu cầu của thời đại, thì có
nhiều ban tổng giám đốc, ban giám đốc điều hành không biết tạo dựng một
nền quản trị/quản lý tác nghiệp thực sự có tính tự chủ, ủy quyền cao. Ngược
lại, còn có khuynh hướng “làm thay”. Và cũng nên lưu ý rằng con người
“cầm trịch” quản trị tác nghiệp là thành viên quan trọng của ban tổng giám
đốc
Nền quản trị, quản lý tác nghiệp, dĩ nhiên, là hệ quả của chiến lược kinh
doanh của ban tổng giám đốc, cốt lõi nhất là chọn những sản phẩm/dịch vụ
gì cho hiện tại, tương lai và với sách lược gì.
Các nhà lãnh đạo của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới vẫn khẳng định
“người nào việc nấy, đúng lúc, đúng nơi”. Đó là nguyên lý vẫn còn giá trị
quản trị của nó. Và quản trị tác nghiệp chính là “bây giờ” và “nơi đây” cho
sự tồn tại của doanh nghiệp. Dĩ nhiên, ban tổng giám đốc, nhờ đấy thực hiện
sứ mệnh bảo đảm tương lai rực rỡ hơn nữa!
_______________________
(*) Tổng giám đốc APAVE Việt Nam & Đông Nam Á
Nguồn: Thời báo Kinh tế SG