Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Giao thoa văn hoá kinh doanh quốc tế và một vài khác biệt docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (179.97 KB, 5 trang )

Giao thoa văn hoá kinh doanh quốc tế
và một vài khác biệt
Hội nhập kinh tế quốc tế tất yếu dẫn tới hình thành các nhóm, đội làm
việc với các thành viên đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Nhận thức
khác biệt và phát triển khả năng thích nghi gần như bắt buộc nếu muốn
hiệu suất công việc được đảm bảo.
Nền kinh tế Việt Nam và mỗi nhân tố trong nó đang nỗ lực hoà nhập vào
nhịp sống kinh tế thế giới. Cùng với các hoạt động giao thương quốc tế,
biểu hiện của phong cách văn hoá Mỹ, văn hoá châu Âu, văn hoá Nhật
Bản… xuất hiện ngày một nhiều hơn và trở nên quen thuộc hơn người
Việt. Đồ ăn nhanh (fastfood), gà rán KFC, bánh pizza, kim chi, hay sushi
đã không còn xa lạ. Trên đường phố, người ta dễ dàng bắt gặp một thiếu
niên Việt Nam với bộ đồ hip-hop, nghe nhạc Ipod và đọc Harry Porter.
Đó chính là hình ảnh một thiếu niên tại Mỹ hay châu Âu ngày nay.
Hiển nhiên, văn hoá Việt Nam hội nhập với văn hoá thế giới. Tuy vậy,
các biểu hiện và hành vi có nhiều nét tương đồng chỉ mới là phần nổi của
tảng băng. Phần khác biệt không được ghi nhận bằng quan sát trực tiếp
nằm ở các khái niệm vô hình như thời gian, tình bạn, quan hệ chuyên
môn, hay giao tiếp và truyền thông. Có lẽ chính bởi những khác biệt này
mà việc sao chép và áp dụng cứng nhắc mô hình quản trị và kinh doanh
từ bên ngoài cho Việt Nam thường không mang lại thành công như ý
muốn. Hãy cùng nhau xem xét điểm không giống nhau với một vài khái
niệm tưởng như đã quen thuộc.

Làm việc theo nhóm
Cụm từ “làm việc theo nhóm” có tần suất sử dụng ngày một tăng lên
trong các công ty Việt Nam. Nó gắn liền với cảm nhận về phương thức
quản lý hiện đại, trong đó, từng bộ phận được tổ chức nhỏ gọn và linh
hoạt để thực hiện nhiệm vụ hay công việc cụ thể. Cảm nhận này thoạt tiên
tưởng chừng rất cụ thể, nhưng khi nhìn vào mấu chốt quan trọng- trách
nhiệm của từng thành viên với việc hoàn thành mục tiêu chung, lại bỗng


chốc trở nên không rõ ràng.
Hai khái niệm “đội làm việc” (team work) và “nhóm làm
việc” (group work), ở đây, đã không được phân biệt mạch
lạc. , tác giả cuốn “Team Building Tool Kit” (tạm dịch
“Bộ công cụ xây dựng đội làm việc”) sẽ tái bản lần hai
vào cuối năm 2007, đưa ra hai định nghĩa riêng biệt.
• Đội làm việc (team work) là một nhóm nhỏ các cá nhân có năng lực và
kỹ năng bổ sung lẫn nhau, cùng cam kết với mục tiêu và cách tiếp cận
trong đó từng cá nhân đều có trách nhiệm với chính mình và với các
thành viên còn lại.
• Nhóm làm việc (group work) làm một nhóm nhỏ các cá nhân có năng
lực và kỹ năng bổ sung lẫn nhau, cùng cam kết hướng tới mục tiêu và
cách tiếp cận do người lãnh đạo nhóm đặt ra và sẵn sàng đảm nhận các
trách nhiệm được phân công.
“Làm việc theo nhóm” phổ biến được hiểu theo nghĩa thứ hai. Điều này
lý giải hiện tượng trong các nhóm hay tổ công tác, người được đảm
nhiệm vị trí phụ trách thường là người cao tuổi nhất, hoặc giữ chức vụ
cao nhất trong tổ chức. Trong quá trình chuẩn bị hình thành một nhóm
làm việc, rất nhiều thời gian được dành cho việc lựa chọn người lãnh đạo
nhóm. Và sau khi đã có người lãnh đạo, trách nhiệm đảm bảo hoàn thành
công việc đã xác định được địa chỉ: người lãnh đạo.
Với cách thức này, những người trẻ tuổi, hoặc mới gia nhập doanh nghiệp
hầu như không còn cơ hội thể hiện. Kết quả là công việc thường được
triển khai theo kinh nghiệm, các nhân tố mới hiếm xuất hiện và doanh
nghiệp khó tạo ra các bước đột phá.
Thời gian
Tại các doanh nghiệp châu Âu, kế hoạch một khi đã thống nhất sẽ được
tuân thủ chặt chẽ. Từng công việc phải được thực hiện và hoàn thành vào
các mốc thời gian định trước. Trong từng khoảng thời gian cụ thể, mỗi
người cố gắng tập trung giải quyết một công việc xác định. Các kế hoạch

thường đươc điều chỉnh tại các doanh nghiệp Việt Nam bởi cùng một lý
do: nhiều mục tiêu được đặt ra cùng lúc. Do vậy, theo kế hoạch, một cán
bộ có thể phải triển khai cùng lúc nhiều việc và các “linh hoạt” trong kế
hoạch trở nên tất yếu. Khi một nhân viên thực hiện nhiều công việc trong
một khoảng thời gian, chỉ riêng việc ngắt quãng thời gian làm việc bởi
các trao đổi với đồng nghiệp từ các phần việc khác nhau cũng đủ triệt tiêu
tập trung và giảm đáng kể hiệu suất làm việc.
Nhiều đối tác nước ngoài chia sẻ nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam có rất
nhiều qui tắc và rất nhiều ngoại lệ. Còn hình ảnh thường được sử dụng để
so sánh với khả năng thực hiện nhiều công việc cùng lúc của các cán bộ
Việt Nam là vừa đi xe máy trên đoạn đường đông người qua lại vừa trao
đổi công việc qua điện thoại di động với đồng nghiệp tại văn phòng. Như
vậy, quả thật không an toàn!


Quan hệ đồng nghiệp
Quan hệ đồng nghiệp tại châu Âu và Mỹ được xây dựng trên công việc
chuyên môn. Đồng nghiệp là những người cùng làm việc trong một công
ty, hay cùng một bộ phận. Quan hệ đồng nghiệp gắn bó khi các phần việc
chuyên môn có liên quan nhiều tới nhau và đòi hỏi giao tiếp và truyền
thông thường xuyên. Tại các doanh nghiệp Việt Nam, quan hệ đồng
nghiêp tốt đẹp đòi hỏi không chỉ gần gũi trong chuyên môn mà còn cả
trong các hoạt động xã hội bên ngoài công việc.
“Chúng ta có quyền chọn người yêu,
nhưng không có quyền chọn đồng
nghiệp” là câu nói vui với giữa các nhân
viên trong một công ty châu Âu. Với một
doanh nghiệp Việt Nam, các bạn đồng
nghiệp sẽ cùng nhau chia sẻ thời gian
mua sắm đồ tại siêu thị, các buổi liên hoan sau giờ làm việc hoặc ngày

nghỉ, hay cùng tham dự một trò thể thao ưu thích.
Quan hệ cá nhân và trật tự trên dưới (đôi khi là tuổi tác) có vai trò tác
động rất lớn trong các doanh nghiệp Việt Nam. Một đề xuất không thuyết
phục có thể vẫn được thông qua khi người đề xuất được đa số người tham
dự kính trọng và quí mến. Cách làm việc này được đối tác nước ngoài
xem là rất thiếu chuyên nghiệp, khi các quyết định được đưa ra dựa trên
cảm tính nhiều hơn mức độ khả thi và hiệu quả công việc.
Truyền thông
Việc kinh doanh không thể thiếu giao tiếp và truyền thông. Các đối tác
Âu, Mỹ thường đi thẳng vào nội dung của vấn đề. Đối tác Việt Nam chú
tâm hơn tới hình thức và tính ngoại giao.
Một câu hỏi vẫn thường khiến đối tác nước ngoài băn khoăn sau mỗi buổi
họp là “Đối tác Việt Nam cần gì?". Trình bày rõ ràng yêu cầu, mong
muốn của mình với đối tác và thẳng thắn từ chối các đề xuất không phù
hợp không chỉ giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn mở ra các
cơ hội hợp tác khả thi hơn trong tương lai.
Giao thương quốc tế rất cần rèn luyện khả năng thích ứng với nhiều
phong cách văn hoá, nhưng để thành công trước tiên và hãy luôn là doanh
nhân Việt Nam.

===
Bài viết hợp tác giữa SAGA Communication và Báo Doanh nhân Sài Gòn
Cuối tuần, đăng trên số 187, ngày thứ sáu 2/3/2007, phát hành ngày
28/2/2007.
===
Trần Trí Dũng, www.saga.vn

×