Kiến thức y học: Cách chăm sóc sức khỏe (P5)
Trị rụng tóc với hà thủ ô
Từ khi dầu gội đầu có mặt trên thị trường, đồng hành với sự tiện lợi mà nó
mang lại là hiện tượng rụng tóc
Chưa tính đến chuyện chất lượng của mỹ phẩm trôi nổi, có mặt khắp nơi,
dù là dầu gội có thương hiệu thì với các hóa chất làm sạch chân tóc, dầu gội sẽ
“tiện thể” bào mòn da đầu, khiến cơ chế bảo vệ tóc sẽ kém hơn hẳn. Đây chính là
nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều hơn.
Trong đông y có phương thuốc khá hay để trị chứng rụng tóc. Cách chế
biến tuy không đơn giản nhưng dễ thực hiện. Chọn mua hà thủ ô đỏ (tên khoa học
Poly Multiflorum Thunb), rửa sạch, cắt khúc, lưu ý không dùng hà thủ ô trắng cho
bài thuốc này. Chưng hà thủ ô với đậu đen và nước theo tỉ lệ 1 kg hà thủ ô, 100 g
đậu đen, 2 lít nước.
Để lửa nhỏ, đảo đều tay để hà thủ ô và đậu chín đều. Chưng nhiều lần hoặc
đun trực tiếp cho đến khi hỗn hợp gần cạn thì lấy hà thủ ô đem phơi khô. Sau đó,
lấy nước hầm còn lại trong nồi tẩm vào hà thủ ô, rồi tiếp tục phơi cho khô. Hầm
tiếp 100 g đậu đen và 2 lít nước với hà thủ ô đã khô. Lặp lại thao tác đủ 9 lần thì
sao hà thủ ô khô đã qua chưng, phơi trên chảo nóng cho khô vàng. Cuối cùng, xay
hà thủ ô khô thành bột, dùng uống mỗi ngày 1 đến 2 lần, mỗi lần khoảng 15 g-20
g.
Tác dụng của bài thuốc này là chống rụng, giúp đen tóc. Tuy nhiên, điểm
hạn chế là khi dùng nhiều hà thủ ô sẽ dẫn đến táo bón. Vì vậy nên kết hợp với việc
ăn rau củ có tính nhuận tràng như rau lang, khoai lang, rau sam... để quân bình cho
bộ máy tiêu hóa.
Bên cạnh việc cung cấp dưỡng chất bên trong cơ thể, cũng cần chăm sóc
tóc từ bên ngoài. Nếu tóc rụng quá nhiều, nên dùng quả bồ kết, chế dưới dạng cao
đặc để gội đầu. Cách làm cũng không phức tạp. Nướng bồ kết trên than hồng, sau
đó bẻ nhỏ, bỏ hạt. Nấu với nước cho đến khi đặc lại thành cao, cho vào lọ, bảo
quản lạnh để dùng dần. Cơ chế tan trong nước sẽ giúp cao bồ kết thấm qua da,
nuôi dưỡng chân tóc từ bên ngoài.
Chế độ ăn cho người mắc bệnh trĩ
Với người mắc bệnh trĩ, chế độ ăn uống hằng ngày là rất quan trọng.
Trĩ nội, trĩ ngoại
Bệnh trĩ là bệnh thuộc hệ thống tiêu hóa ở vùng thấp (trực tràng, hậu môn).
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh trĩ nhưng người trưởng thành, nhất là người cao
tuổi dễ mắc bệnh trĩ hơn. Gọi là bệnh trĩ là do đám rối tĩnh mạch ở vùng trực
tràng, hậu môn giãn ra quá mức tạo thành búi tĩnh mạch. Trĩ nội là đám rối tĩnh
mạch bị phình ra ở vùng trực tràng, còn trĩ ngoại là đám rối tĩnh mạch phình ra ở
vùng hậu môn.
Trĩ nội biểu hiện là đi ngoài ra máu tươi không lẫn phân. Máu tươi chảy ra
trong hoặc sau khi đi ngoài. Búi trĩ đôi khi có thể bị thòi ra ở hậu môn, đặc biệt là
khi rặn mạnh. Búi trĩ khi thòi ra có thể tự lên được hoặc phải dùng tay đẩy lên.
Những động tác này rất dễ gây nhiễm trùng nguy hiểm, đặc biệt là gây nhiễm
trùng huyết. Còn trĩ ngoại thường có cảm giác khó chịu, đau, rát ở vùng hậu môn,
có thể nhìn thấy đám rối tĩnh mạch phình ra.
Ăn uống thế nào?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ, nhưng trong đó nguyên nhân ít vận
động, ngồi lâu, và chế độ ăn không hợp lý đóng một vai trò rất quan trọng.
Với người mắc bệnh, ngoài việc điều trị theo đơn của bác sĩ, việc ăn uống
rất có giá trị trong điều trị hỗ trợ bệnh trĩ. Nên dùng những thực phẩm giàu dinh
dưỡng, dùng nhiều rau, chất xơ như ăn cam, quýt – ăn cả múi; ruốc thịt (có nhiều
chất xơ). Một số loại rau có tính nhuận tràng tốt như rau lang, rau mồng tơi, rau
đay, rau dền nên dùng nấu canh ăn thường xuyên rất tốt cho người bệnh trĩ. Chuối
cũng là loại quả có giá trị nhuận tràng tốt, sau mỗi bữa ăn nên dùng một quả chuối,
hoặc ăn ít dưa hấu. Củ khoai lang cũng có công dụng nhuận tràng tốt, nên ăn thêm
vào các bữa ăn phụ.
Khi mắc bệnh trĩ không nên uống nhiều rượu, bia, không ăn nhiều các loại
gia vị cay như: ớt, hồ tiêu, hành... Do bệnh trĩ gây mất máu mạn tính nên người
bệnh dễ bị thiếu máu, vì vậy nên dùng một số loại rau có chứa nhiều chất sắt như:
rau cần, mộc nhĩ đen (nấm mèo đen), vừng...
Cần siêng năng vận động, không nên ngồi lâu một chỗ, nhất là những người
làm việc văn phòng, thợ may, người ngồi nhiều với máy tính..., hằng ngày nên tập
thể dục nhẹ nhàng...
Những phụ nữ dễ mắc ung thư vú
Bạn sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp đôi những người khác nếu mẹ
hoặc chị gái từng mắc bệnh này. Thậm chí, tỉ lệ này còn cao hơn nếu trong gia
đình có từ hai người trở lên mắc bệnh.
Từ khi bắt đầu có kinh nguyệt đến thời kì mãn kinh: thời gian có kinh
nguyệt càng kéo dài thì nguy cơ mắc ung thư vú càng cao. Có kinh nguyệt từ
khoảng 13 tuổi và mãn kinh ở tuổi 45 được coi là bình thường, ít nguy cơ mắc ung
thư.
Thời kì mang bầu: phụ nữ không may bị sảy thai, hoặc mang thai lần đầu
sau tuổi 30, có nguy cơ mắc ung thư vú gấp hai đến năm lần so với những người
khác.
Hooc môn: Đây là vấn đề mà hiện nay nhiều phụ nữ còn nghi ngại. Sử dụng
estrogen, cả trong thuốc an thai và liệu pháp thay thế hooc môn sau khi mãn kinh,
đều gây nguy cơ ung thư vú cao.
Theo một nghiên cứu mới đây đối với 23.000 phụ nữ Thụy Điển cho thấy,
những phụ nữ hooc môn giới tính duy trì thai progesterone kết hợp với estrogen sẽ
gây nguy cơ mắc ung thư cao hơn bốn lần.
Chế độ thừa dinh dưỡng: đây có lẽ là nguy cơ dễ mắc phải nhất ở phụ nữ
nói chung. Thừa cân, béo phì có liên hệ rất mật thiết tời bệnh ung thư vú. Do vậy,
bạn nên có chế độ ăn uống phù hợp và bổ sung nhiều rau quả tươi hàng ngày.