QUY TRÌNH KỸ THUẬT SỬ DỤNG
PHÂN VIÊN NÉN NK DÚI SÂU BÓN CHO CÂY LÚA
Được Tổ chức Codespa (Tây Ban Nha) tài
trợ kinh phí, vụ xuân năm 2009 vừa qua
Hội phụ nữ Yên Bái phối hợp với Sở NN-
PTNT tỉnh Yên Bái và Trường Đại học
Nông nghiệp Hà Nội triển khai dự án “Sử
dụng phân bón viên nén dúi sâu trong kỹ
thuật thâm canh lúa” trên diện rộng (17 xã
thuộc 5 huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn
Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) đưa lại
hiệu quả kinh tế cao.
Đáp ứng yêu cầu của bạn, chúng tôi đã tìm gặp Thạc sĩ Chu Anh Tiệp, một trong
những tác giả của loại phân viên nén mới này để biết thêm thông tin. Thạc sĩ Tiệp
cho biết: Phân bón viên nén NK dùng cho cây lúa do Bộ môn Thủy nông-Canh tác
(Khoa Đất-Môi trường-Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) nghiên cứu, sản xuất đã
được sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Đây thực chất là một loại phân chậm tan mà nguyên tắc sản xuất là sử dụng các
chất phụ gia có khả năng giữ phân lâu hơn, làm cho phân tan từ từ, vừa đủ cho cây
hút, vừa có đủ dinh dưỡng mà không bị ngộ độc, không bị mất mát do bị rửa trôi hay
bốc hơi. Khi bón phân thúc cho lúa, thay vì bón vãi như trước đây, viên phân được
dúi sâu trong bùn. Theo cách bón này, dinh dưỡng trong viên phân tan từ từ theo
nhu cầu của cây lúa theo từng thời kỳ nên vừa tiết kiệm được cả công, vật tư mà
hiệu quả lại cao hơn nhiều.
Kết quả thực tế ở Yên Bái trong vụ xuân vừa qua và nhiều địa phương khác khi sử
dụng phân viên nén dúi sâu cho thấy: tiết kiệm được 30-35% lượng đạm so với cách
bón vãi thông thường. Chỉ bón dúi 1 lần cho cả vụ, đơn giản, dễ làm và chủ động
trong sản xuất (không phù thuộc vào thời tiết); làm giảm và hạn chế cỏ dại sâu bệnh,
tiết kiệm được công lao động, chi phí, giảm tác hại đối với môi trường; giúp tăng
năng suất lúa từ 10-20% so với cách bón phân vãi.
Qui trình kỹ thuật sử dụng phân viên nén NK dúi sâu bón cho lúa cấy:
- Chuẩn bị ruộng cấy: Yêu cầu cày bừa làm đất như với ruộng cấy lúa bình thường,
bừa càng phẳng mặt ruộng thì càng dễ quản lý mực nước, cấy và dúi phân nhanh.
Bón lót từ 200-300kg phân chuồng hoai và 10-15kg phân lân Văn Điển hoặc supe
Lâm Thao cho 1 sào Bắc bộ (360m2) trước khi cấy như bón phân thông thường.
Luôn giữ mực nước trong ruộng từ 3-5cm từ lúc cấy cho đến khi bón phân.
- Cấy lúa: Cấy thẳng hàng, đúng mật độ, khoảng cách. Nên cấy lúa theo từng luống
cách nhau 25cm để thuận tiện cho việc áp dụng kỹ thuật bón phân viên nén dúi sâu
Ruộng lúa vừa được bón lót bằng phân viên nén
dúi sâu
sau này. Mỗi luống gồm có 8 hàng lúa theo khoảng cách: 20cm x 20cm (hàng cách
hàng 20cm, khóm cách khóm 20cm), nếu đất tốt có thể cấy thưa hơn với khoảng
cách 21-22cm x 21-22cm. Cấy đúng tuổi mạ (có 3-4 lá thật); cấy nông tay, mỗi khóm
từ 1-2 dảnh. Nếu ruộng tốt, giống đẻ nhánh khỏe thì chỉ nên cấy 1dảnh/khóm.
- Kỹ thuật bón (dúi) phân viên nén NK:
+ Bón tốt nhất là ngay sau khi cấy, thời gian bón càng ngắn càng tốt (vụ xuân từ 1-5
ngày, vụ mùa từ 1-3 ngày).
+ Cách bón: Bỏ sẵn phân viên vào 1 cái túi đeo bên mình, mỗi người đi 1 hàng bón
dúi cho 2 hàng bên cạnh (cách 1 hàng bón dúi cho 1 hàng, cứ 4 khóm lúa bón dúi 1
viên phân nén NK). Một tay luôn để khô để lấy phân đưa qua tay kia dúi sâu 6-8cm
so với mặt ruộng (ngập hết 2 ngón tay cầm viên phân là vừa). Sau khi dúi xong,
dùng tay gạt nhẹ một lớp bùn mỏng phủ kín viên phân.
+ Lượng bón: Tùy theo mật độ cấy mà có thể bón từ 9,0-9,5kg/sào Bắc bộ.
Một số điểm lưu ý khi bón phân viên nén NK để đạt hiệu quả cao nhất:
- Cấy lúa thẳng hàng để dúi phân nhanh, dễ dúi, dúi đúng vị trí và đảm bảo mật độ
sẽ giúp cây lúa sinh trưởng nhanh, đồng đều, đẻ nhánh khỏe và tập trung, cho năng
suất cao.
- Trong vòng 20-25 ngày sau khi dúi phân không được bước vào vị trí đã dúi phân
để không làm xê dịch viên phân. Các công việc chăm sóc (làm cỏ, phun thuốc…)
được thực hiện ở các hàng công tác không có dúi phân giữa 2 hàng có dúi phân.
- Không dúi viên phân quá nông (<5cm) hoặc quá sâu (>10cm); phủ kín để tránh
phân bị bốc hơi; không bón phân viên nén cho các loại đất có thành phần cơ giới
nhẹ như đất cát hoặc đất cát pha.
Khi bón phân viên nén dúi sâu sẽ thấy hiện tượng cây lúa sinh trưởng chậm hơn so
với phương pháp bón phân gieo vãi từ 5-8 ngày. Để khắc phục tình trạng này bà
con nên bón vãi trên mặt ruộng trước khi cấy 0,5kg urê/sào Bắc bộ sẽ giúp cây lúa
sinh trưởng bình thường. Có thể kết hợp rắc hoặc phun thuốc trừ cỏ cho ruộng lúa
ngay sau khi bón phân viên nén NK dúi sâu.