Susan Boyle
Một bài học về quản lý tài năng
Susan Boyle, hiện tượng trong chương trình truyền hình Britain’s got Talent
của Anh trong thời gian qua đã thu hút được sự chú ý của khán giả truyền
hình trên toàn thế giới. Và đó chính là một bài học dành cho tất cả các nhà
quản lý.
Susan Boyle - không chỉ là một hiện tượng âm nhạc, mà còn là một bài học
về quản lý tài năng.
Tóm tắt nội dung chương trình: Susan năm nay 47 tuổi, là một công nhân từ
thiện thất nghiệp, sống cùng với một chú mèo ở một ngôi làng nhỏ tại
Scotland. Ngay khi bà bước chân lên sân khấu, khán giả đã bắt đầu cười rúc
rích. Simon Cowell, giám khảo khó tính nhất, đã hỏi bà một vài câu hỏi
trước khi chương trình được bắt đầu với phong cách chiếu cố nổi tiếng của
ông, trước sự khoái trá của khán giả, bà đã trả lời vụng về ngượng nghịu.
Trông bà bình thường một cách khổ sở và tất cả mọi người được chuẩn bị,
thậm chí là dõi theo bà để chứng kiến sự thất bại thảm hại của bà.
Tới đây, nếu bạn không biết câu chuyện, bạn vẫn có thể đoán được kết thúc
của nó đúng không? Bà đã tạo ấn tượng rất mạnh trước khán giả. Bà bắt đầu
hát và như một trong ba vị giám khảo sau đó đã nói: Bà có giọng hát của
một thiên thần.
Bà quả là phi thường. Khán giả ngay lập tức nhảy lên và reo hò cho tới khi
bài hát kết thúc. Cho tới nay, video bài trình diễn của Susan trên You Tube
đã nhận được hàng trăm triệu lượt xem.
Chúng ta đã bị thu hút – và một bài báo gần đây trên tờ USA Today đã liệt
kê rất hoàn chỉnh tất cả những lý do giải thích cho sự kiện này. Chúng ta đã
đánh giá bà bằng vẻ bề ngoài và đã bị lừa. Chúng ta đã trải nghiệm toàn bộ
các cung bậc xúc cảm chỉ trong một vài giây phút ngắn ngủi: tội lỗi, xấu hồ,
sự minh chứng, hi vọng. Bà là nàng Lọ lem thời hiện đại. Những khoảnh
khắc thật tuyệt vời khi chúng ta được chứng kiến chiến thắng của tinh thần
con người.
Nhưng bên cạnh đó Susan Boyle đã đánh thức điều gì đó trong tâm hồn
chúng ta khi chứng kiến bà bước ra khỏi vỏ bọc của mình. Dưới lớp vỏ bọc
bình thường có thể là một tài năng xuất chúng? Chỉ cần có cơ hội, có đất
diễn trên sân khấu, có được những khán giả chân chính, chúng ta có thể toả
sáng như những ngôi sao thực thụ?
Và đây chính là cơ hội tuyệt vời cho các nhà quản lý. Cách thức chúng ta sử
dụng cơ hội chính là thứ tạo nên sự khác biệt giữa những nhà quản lý vĩ đại
và những nhà quản lý chỉ dừng lại ở mức độ “tốt”.
Những nhà quản lý tốt giúp đỡ nhân viên của họ thành công trong bất kỳ vai
trò nào họ phải đảm nhiệm. Những nhà quản lý vĩ đại nhìn thấy những tài
năng khác thường ở mỗi nhân viên và vì vậy tạo ra nhiệm vụ nào đó như
một phương tiện hoàn hảo cho những tài năng được cất cánh. Những nhà
quản lý vĩ đại loại bỏ những rào cản để nhân viên có thể phát huy tối đa tài
năng của họ. Và họ chắc chắn rằng mỗi nhân viên có những cơ hội đúng
đắn, đứng đúng sân khấu, gặp được đúng khán giả và được đánh giá đúng.
Mặc dù Susan Boyle đã tạo ra cơn bão xúc cảm trong một đêm, nhưng
những gì bà làm không phải là sự biến đổi qua một đêm. Bà đã luyện tập hát
từ khi bà 12 tuổi. Trong trường hợp của bà, một đêm đã kéo dài 35 năm.
Và bà không luyện tập một mình. Susan Boyle có một giáo viên luyện
giọng, ông Fred O’Neil, người đã làm việc cùng bà trong nhiều năm. Và
Susan có một người mẹ dù đã mất từ năm 2007. “Bà là người đã nói rằng tôi
nên tham dự chương trình Britain’s Got Talent. Chúng tôi thường cùng nhau
xem”, Susan chia sẻ với tờ Times như vậy. “Bà nghĩ rằng tôi sẽ giành chiến
thắng… Tôi đã làm được điều đó như một món quà dâng lên mẹ tôi và tôi
nghĩ rằng bà chắc hẳn bà rất tự hào".
Với tư cách là một nhà quản lý, công cụ hữu dụng nhất bạn có trong tay đó
là thừa nhận tài năng của nhân viên và khuyến khích họ sử dụng những tài
năng đó.
Cho phép bản thân được nhào nặn bởi chính những tài năng của mình cần có
lòng dũng cảm. Bằng việc nhận ra và khuyến khích những tài năng đặc biệt
của nhân viên, những nhà quản lý vĩ đại làm tăng cơ hội cho các nhân viên
sẵn sàng đứng trên sân khấu với tất cả những gì mình có, phớt lờ những ảnh
mắt miệt thị và những tràng cười chờ đợi sự thất bại của người diễn từ phía
khản giả.
Và sau đó, khi những nhân viên tài năng thất bại, sau khi họ cười hoặc khóc
trước sự thất bại của họ, nhà quản lý vĩ đại nâng họ đứng dậy, giúp họ tập
trung, giúp họ tinh lọc tài năng và tiếp tục chiến đấu cho tới một ngày khán
giả không còn cười được nữa và bắt đầu vỗ tay tán thưởng.
Dù mẹ Susan đã đi xa, nhưng vẫn còn có O’Neil. Trong một bài phát biểu
trên tờ Telegraph gần đây, ông đã bộc lộ mối lo lắng vì tất cả sự chú ý giờ
đây đang đổ dồn vào Susan. “Tôi lo ngại rằng bà ấy sẽ bị những người làm
PR (quan hệ công chúng) này vây quanh và bà sẽ không có thời gian để hát
nữa”. Đó chính là lời nói của một nhà quản lý vĩ đại.
Susan Boyle là một hiện tượng mà các nhà quản lý nên ghi nhớ khi họ quản
lý nhân viên. Bạn có thể khám phá ra một Susan khác trong các nhân viên
của mình không? Bạn có thể giúp cô ấy toả sáng không? Bạn có thể trợ giúp
cho cô ấy không? Bạn đã đặt cô ấy vào đúng sân khấu chưa? Bạn có thể giúp
cô ấy tập trung vào tài năng của cô ấy không?
Nếu làm được những điều đó, hãy chuẩn bị để nhận sự thán phục!
Bài viết của Peter Bregman trên trên Harvard Business Publishing
(Nguyễn Trường - Theo Tuanvietnam.net)