LỜI MỞ ĐẦU
Trong xu thế hội nhập và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, các tổ chức,
doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn,
thử thách. Đó là sự cạnh tranh của các đối thủ trực tiếp trong ngành, các sản phẩm
thay thế trong tương lai, sự tụt hậu về công nghệ, sự yếu kém trong quản trị,…
Chính vì vậy, để vượt qua những trở ngại đó, nhà quản trị của một tổ chức, doanh
nghiệp cần phải nhận định đúng đắn những yếu tố mà tổ chức, doanh nghiệp mình
có thể tận dụng tối đa để đem lại lợi ích và hiệu quả cao nhất.
Chúng ta có thể khẳng định rằng con người chính là yếu tố quyết định đến sự
thành công hay thất bại của một tổ chức, doanh nghiệp; là nhân tố tiên quyết, tác
động trực tiếp lên các nhân tố khác. Nhà quản trị thực thụ luôn đặt nhân tố con
người lên hàng đầu. Trong mọi quá trình phát triển của 1 doanh nghiệp từ khởi
đầu, tăng trưởng phát triển và sung mãn thì yếu tố con người luôn luôn là nhân tố
quan trọng nhất. Một tổ chức, doanh nghiệp muốn sở hữu nguồn nhân lực đạt cả
về số lượng và chất lượng cần phải có những hoạt động tuyển dụng, tuyển mộ một
cách rộng rãi, chọn lọc sao cho có thể thu hút được sự quan tâm của những người
vừa có tài năng, vừa có đạo đức, sẵn sàng ra sức để làm việc, cống hiến cho doanh
nghiệp một cách say mê, nhiệt huyết và gắn bó nhất.
Đứng trên góc độ tổ chức, doanh nghiệp, họ luôn mong muốn sở hữu, sử dụng
hiệu quả những con người ưu tú. Trong thực tế thì mong muốn chủ quan và thực tế
khách quan có sự chênh lệch không nhỏ. Họ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt trong
việc tuyển dụng, tuyển mộ nguồn nhân lực bởi các đối thủ cạnh tranh. Vậy đâu là
kim chỉ nam cho một doanh nghiệp để thu hút được con người (nhân viên) về với
mình.Môi trường làm việc thuận lợi có phải là mối quan tâm hàng đầu của nhân
viên hay không?Đó chính là đáp án cho câu trả lời làm sao để thu hút và giữ chân
nhân viên, là yếu tố quyết định đến khả năng sáng tạo, cống hiến của nhân viên cho
một doanh nghiệp. Nhà quản trị phải luôn nhớ rằng: “Tuyển dụng được nhân viên
giỏi đã khó, sử dụng nhân viên giỏi càng khó và giữ chân được họ thì càng khó hơn
nữa”. Đó chính là lý do em chọn đề tài: “Làm thế nào để tạo môi trường thuận
lợi cho nhân viên làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp?”
NỘI DUNG
A – LÝ THUYẾT
Trước khi đi sâu vào thực tế của vấn đề, chúng ta cần phải hiểu rõ những định nghĩa
và lý luận cơ bản nhất.
Môi trường làm việc là tập hợp các yếu tố, các điều kiện có ảnh hưởng trực tiếp hay
gián tiếp đến quá trình làm việc của nhân viên trong một tổ chức, doanh nghiệp.
Môi trường làm việc bao gồm các yếu tố:
-Thứ nhất là yếu tố cơ sở vật chất bao gồm các trang thiết bị phục vụ cho công việc,
phòng ốc, ánh sáng, trang trí,…
-Thứ hai là yếu tố văn hóa công ty mà cơ sở của nó đó là nội quy của công ty và được
hoàn thiện bởi chính nhà quản trị trong việc khéo léo xây dựng bầu không khí làm
việc cho nhân viên như sự tin tưởng, niềm đam mê, hăng say và giải quyết những
mâu thuẫn, những nhóm tiêu cực, bầu không khí thân thiết,…
- Thứ bà là cách thức làm việc, phong cách làm việc của công ty chuyên nghiệp hay
không chuyên nghiệp… v v
Sự cạnh tranh gay gắt trong việc giữ chân người tài của các công ty trên thị trường
khiến cho mỗi tổ chức, doanh nghiệp phải tìm cách tạo cho nhân viên của mình một
môi trường làm việc thuận lợi nhất. Vậy môi trường làm việc có đầy đủ các yếu tố về
cơ sở vật chất tiện nghi, chế độ lương thưởng hấp dẫn, sự quản lý và sử dụng hiệu
quả năng lực của nhân viên đã đủ “níu chân” nhân viên chưa?
Môi trường làm việc thuận lợi chính là một môi trường làm việc tốt, lý tưởng và hấp
dẫn. Có thể dẫn chứng một vài ý kiến cả chủ quan lẫn khách quan về định nghĩa thế
nào là một môi trường làm việc như thế:
Thứ nhất, môi trường làm việc chuyên nghiệp là một môi trường đáp ứng đủ và cao
hơn những điều kiện và yêu cầu công việc của nhân viên. Trong môi trường đó, các
qui tắc, qui định đều rõ ràng, bài bản, phù hợp và đúng luật. Một môi trường tạo
được sự cạnh trạnh mạnh mẽ nhưng lại rất công bằng, lành mạnh cho nhân viên. Ở
đó bạn được đánh giá và nhìn nhận đúng với những gì bạn thể hiện, không chèn ép
hay mang tính cá nhân. Mọi công việc đều có tính chuyên môn hoá cao, làm việc trên
tinh thần hợp tác vì mục tiêu chung là hiệu quả cao trong công việc. Mọi người từ
nhân viên hay các cấp lãnh đạo đều có sự ứng xử rất tri thức và văn hoá với nhau.
Thứ hai, môi trường làm việc chuyên nghiệp là môi trường tạo điều kiện thuận lợi
cho người lao động phát huy được tối đa năng lực của mình và được hưởng mức thu
nhập xứng đáng với mức cống hiến cho doanh nghiệp. Do vậy, môi trường đó cần có
những điều kiện sau:
-Có chiến lược phát triển rõ ràng. Kinh doanh có hiệu quả hoặc tiềm năng phát triển
tốt.
-Xây dựng được văn hóa doanh nghiệp.
-Phân công công việc rõ ràng đến từng phòng ban và người lao động.
-Cấp trên gương mẫu: đi đầu trong sinh hoạt và công việc, dám chịu trách nhiệm.
-Khuyến khích cấp dưới làm việc tận tụy, đóng góp các ý kiến trong công việc, đưa
các sáng kiến.
-Kịp thời ghi nhận thành tích, đóng góp của CBCNV.
-Chế độ lương, thưởng - phạt rõ ràng, phúc lợi tốt.
Thứ ba, môi trường làm việc chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa nhân sự bao gồm những
điều như sau:
-Quy trình làm việc rõ ràng - tài liệu hướng dẫn về qui trình
-Vị trí công việc rõ ràng - quyền hạn trách nhiệm , phương thức báo cáo
-Trang thiêt bị đầy đủ không phải đi mượn, không phải tranh dành nhau in bản báo
cáo
-Tinh thần làm việc chuyên nghiệp - ai làm chuyên môn người đó, họp tác với nhau
làm việc , không bè phái,
-Cấp trên quản lý chuyên nghiệp : thể hiện lãnh đạo chứ không phải lãnh quyền lợi,
phát triển nhân viên
-Mô hình kinh doanh lành mạnh: mô hình kinh doanh công ty lành mạnh không chộp
giựt, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. không đè nén nhà cung cấp , thể hiện tinh
thần win- win, hướng về giá trị xã hội
-Công ty thật sự coi người lao động là tài sản công ty không phải là những con người
sử dụng với chi phí thấp
Qua một số khái niệm đã dẫn chứng ở trên ta có thể phần nào hình dung ra những
yếu tố mà một tổ chức, doanh nghiệp cần phải có để có thể hình thành một môi
trường làm việc lý tưởng, chuyên nghiệp và hấp dẫn để sử dụng hiệu quả sức lao
động của nhân viên, giữ chân nhân viên làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Có thể nói rằng về lý thuyết có khá nhiều quan điểm về một môi trường làm việc
thuận lợi cho nhân viên nhưng “nói dễ hơn làm” và thực tế không phải nhà quản trị
của một tổ chức, doanh nghiệp nào cũng nhận ra được điều này, thậm chí nếu nhận
ra được thì cũng không đủ tiềm lực, khả năng thực hiện vì sự hạn hữu trong tài chính
hay quy mô của doanh nghiệp.
Nhân đây ta cần tìm hiểu xem đứng trước khó khăn đó thì nhà quản trị sẽ lựa chọn
phương cách nào để tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên của
mình. Có thể dẫn chứng một vài ý kiến của một số chuyên gia:
Thứ nhất, là một người quản lý, bạn luôn mong muốn không khí nơi làm việc
có được sự chuyên nghiệp và sự thoải mái. Công sở sẽ phải là không gian để cho
những nhân viên sáng tạo, cống hiến, hoàn thành những khát vọng sự nghiệp của họ.
Vậy đâu là mấu chốt để tạo không khí làm việc lý tưởng tại văn phòng?
1. Hợp tác và chia sẻ
Đừng bao giờ đưa ra những chỉ thị như kiểu ra lệnh. Nhân viên của bạn không
phải là những bộ máy và chắc chắn bạn cũng không muốn họ làm việc một cách đối
phó vô cảm. Cần ý thức rằng nhân viên là người cộng sự của bạn.
Với những thông tin không thuộc hàng tối mật, hãy chân thành chia sẻ với
nhân viên. Được trao đổi thông tin một cách cởi mở, nhân viên của bạn sẽ nắm được
công việc, biết bắt đầu từ đâu, hướng triển khai thế nào, khúc mắc thì cần hỏi ai. Việc
thực hiện nhiệm vụ của mình theo những kế hoạch khoa học sẽ tăng hiệu quả công
việc và tránh được những rủi ro không đáng có.
Trong một môi trường làm việc linh hoạt, việc quan tâm đúng mức đến cuộc
sống của những nhân viên cũng được coi là một phương pháp để gắn kết hơn nữa
các mối quan hệ, tạo niềm tin của nhân viên đối với công ty.
2. Mỉm cười
Mỉm cười là động tác thể dục giúp cho khuôn mặt mỗi người bừng sáng. Hãy
tưởng tượng đến niềm hứng khởi của các nhân viên trong công ty khi bắt đầu mỗi
ngày làm việc lại được nhìn thấy cấp trên vui vẻ khích lệ mình hoàn thành công việc.
Đừng bao giờ để quyền lực đánh mất những niềm vui thường nhật của bạn,
cũng như tranh thủ tìm thấy những niềm vui trong công sở. Nụ cười trên môi cũng là
dấu hiệu chứng minh bạn luôn làm chủ được tình hình, dù trong cuộc sống hay trong
công việc. Nhân viên quét dọn, cô thư ký, thủ quỹ hay cả người bảo vệ luôn theo dõi
những biến đổi trên khuôn mặt của bạn. Họ cố gắng làm việc tốt và hi vọng được
ngợi khen bằng thái độ hòa nhã của bạn.
Nói như vậy không nhất thiết là bạn phải ép mình tỏ ra vui vẻ khi bạn không
muốn thế. Nụ cười chỉ có sức mạnh khi nó xuất phát tự đáy lòng. Và nên nhớ, nhân
viên của bạn luôn thừa thông minh để nhận biết đâu là nụ cười mỉa mai.
3. Hiểu tâm lý người khác
Không quá khi nói rằng tâm lý học là một phần quan trọng của khoa học quản
lý. Bạn luôn cần đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét những vấn đề của cấp
dưới. Cũng cần chấp nhận việc nhân viên này không hợp tính với nhân viên kia.
Trước khi làm cho mọi chuyện rõ ràng để có những điều chỉnh hợp lý, lãnh đạo không
nên cố xếp những nhân viên có cá tính trái ngược nhau vào cùng một nhóm. Công tác
nhân sự không thể tùy tiện “tự nhiên chủ nghĩa” vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu
quả công việc.
Mặt khác, khi bạn đã đưa ra việc hỏi ý kiến nhân viên thì hãy chuẩn bị tinh
thần với những ý kiến không giống như mình mong muốn. Những ý kiến phản biện
mới là cơ sở để để người lãnh đạo nhận ra những sai sót trong cơ chế quản lý cũng
như mỗi dự án, từ đó đề ra phương án khắc phục hợp lý.
4. Không để tâm đến việc nhỏ
Việc quan tâm đến đội ngũ nhân viên chỉ nên dừng lại ở việc biết sinh nhật,
điều kiện sức khỏe, còn lại những mối quan hệ riêng tư hay thói quen tiến hành công
việc cụ thể, người lãnh đạo không cần quá quan tâm. Chỉ cần cho nhân viên thấy rõ
bạn đánh giá cao hiệu quả công việc và có những khen thưởng công bằng là được.
Việc có tình cảm riêng với nhân viên cũng được coi là điểm tối kỵ trong công
sở. Việc này sẽ gây sức ép cho cả bạn lẫn đối phương, các nhân viên khác cũng luôn
cảm thấy có nguy cơ của sự thiên vị. Trong trường hợp không tránh khỏi, tốt nhất là
chuyển người kia sang bộ phận khác. Với chuyện tình cảm của các nhân viên với
nhau, thời gian đầu bạn hãy làm như không biết, không can thiệp. Nếu nhân viên của
bạn chính thức báo cáo bạn mới có ý kiến, nhưng chủ yếu hãy quản lý về mặt công
việc.
5. Có nguyên tắc nhưng không cố chấp
Mỗi văn phòng cần có những quy định riêng dựa trên đặc thù công việc, sếp
đặt ra và cũng thực hiện làm gương cho nhân viên làm theo. Đảm bảo sự đúng giờ,
không làm việc riêng, ai cũng có thể đưa ra ý kiến trong những thời hạn nhất định, có
thưởng có phạt
Trong công ty ai cũng có quyền phát ngôn nhưng phát ngôn một cách chính
thức và chịu trách nhiệm về những lời nói của mình. Tối kỵ trong công ty là lúc cần
phát biểu lấy ý kiến thì im lặng, ngoài giờ làm việc thì bàn tán xôn xao.
Người lãnh đạo cần đưa ra định hướng cũng như những kết luận cuối cùng. Vì
thế trong trường hợp nào sếp cũng không được làm mất quyền quyết định của mình.
Những ý kiến phản hồi của nhân viên có thể tiếp thu nhưng phải trải qua một quá
trình chọn lọc, đối chiếu mới có thể đưa ra những quyết sách hợp lý.
Khi đã quyết định thì không chấp nhận việc bàn lùi. Sự quyết đoán và sự sẵn
sàng “đứng mũi chịu sào” của sếp là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của tổ chức.
Thứ hai, từ trước đến nay đã có nhiều luận điểm xác định thế nào là môi trường làm
việc lý tưởng và hầu hết đều cho rằng, đó là môi trường luôn tràn đầy niềm vui, tình
thân ái giữa các nhân viên, nơi mọi thành quả luôn được cấp lãnh đạo ghi nhận và
khuyến khích phát triển. Song, có nhiều trường hợp người lao động tại những nơi có
môi trường làm việc lý tưởng như vậy vẫn dứt áo ra đi.
Đơn cử như những lao động mới ra trường, ít kinh nghiệm thì thường quan tâm
nhiều đến chế độ lương bổng, cơ hội cọ xát thực tế và học tập, cơ hội thăng tiến.
Ngược lại, những lao động có thâm niên làm việc thì lại chú trọng đến định hướng
của tổ chức, sự thân thiện trong cơ quan, sự quan tâm của lãnh đạo và cơ hội phát
triển lâu dài.
Chính vì vậy, tại nhiều DN, tuy chế độ lương bổng, cơ sở vật chất không tốt lắm,
nhưng vẫn giữ chân được nhân viên do đã tạo được không khí thân thiết, gắn kết tập
thể, mang đến cho họ niềm tin và khuyến khích họ phấn đấu vì mục tiêu chung của tổ
chức.
1. Xây dựng giao tiếp nội bộ
Khi DN phát động các chương trình thi đua, huấn luyện ngoài trời, các buổi liên hoan
nhằm xây dựng văn hóa tổ chức cũng như phát triển tinh thần đồng đội, gắn kết
nhân viên với nhau thì rất ít người quan tâm và các hoạt động này dần rơi vào quên
lãng.
Để tăng tính đoàn kết trong nhân viên, các DN cần quan tâm nhiều hơn đến “giao tiếp
nội bộ”. Giao tiếp nội bộ đóng vai trò rất quan trọng, nếu DN có hệ thống thông tin tốt
và hiệu quả thì nhân viên sẽ biết rõ vị trí của mình, công việc mình phải làm, tình hình
kinh doanh của công ty và các mục tiêu mà công ty đang cố gắng đạt được. Lúc đó
nhân viên sẽ cảm thấy mình là thành phần quan trọng, là nhân tố tạo nên thành công
của công ty và tất cả sẽ phấn đấu hết mình vì các mục tiêu chung của tổ chức.
Giao tiếp nội bộ không những giúp DN hạn chế những xung đột có thể xảy ra trong tổ
chức, mà còn góp phần làm gia tăng tinh thần đồng đội.
2.Nhân sự tiên phong
Mọi hoạt động nhằm xây dựng nên môi trường làm việc lý tưởng đều cần có sự tham
gia của toàn thể nhân viên, bởi đây là hoạt động dành cho tập thể chứ không của
riêng ai. Đặc biệt, bộ phận nhân sự phải là đầu tàu dẫn dắt mọi người.
Những câu hỏi đơn giản nhưng đầy tình cảm, thể hiện sự quan tâm: “Vợ con anh dạo
này ra sao?”, “Công việc của em thế nào, có gặp khó khăn gì không?” chính là sự động
viên tinh thần lớn lao đối với toàn thể nhân viên công ty. Ngoài ra, những buổi sinh
hoạt dã ngoại, những bữa tiệc sinh nhật của nhân viên cũng đóng vai trò quan trọng
không kém, nhằm tạo sự kết nối tập thể. Trong những hoạt động ấy, các cấp lãnh đạo,
không phân biệt cấp lớn hay nhỏ, đều cần phải chan hòa với tất cả nhân viên.
Thứ ba, các cấp quản lý cần có những cách thức gì để tạo ra môi trường làm việc lý
tưởng, phù hợp cho nhân viên?
1.Truyền động lực cho nhân viên
Tạo không khí tích cực giúp cho nhân viên có động lực làm việc, cũng như gắn kết với
công ty là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và nên được duy trì thường xuyên tại các
công ty. Đây là nhiệm vụ khá khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế
hiện nay, vì đôi khi sẽ không có những kết quả kinh doanh tốt để thuyết phục nhân
viên. Tuy nhiên, họ sẽ vẫn có nhuệ khí làm việc khi tin vào năng lực của cấp quản lý và
thấy một tầm nhìn hấp dẫn về tương lai tốt đẹp của công ty. Do đó, hãy truyền động
lực cho nhân viên qua cách ứng xử công bằng, minh bạch và tôn trọng nhân viên. Đặc
biệt là trong lúc khó khăn nhất, cũng đừng quên quan tâm đến quyền lợi của họ. Tất
cả nên cụ thể hóa bằng việc nêu ra những tấm gương sáng trong công ty, về những
kết quả kinh doanh đáng khích lệ, khối lượng công việc được hoàn thành vượt định
mức, …
2.Chia sẻ minh bạch thông tin với nhân viên
Thông tin mập mờ, không rõ ràng cũng là một nguyên nhân khiến tinh thần làm việc
của nhân viên hoang mang, sụt giảm. Lảng tránh vấn đề hay nói không hết sự thật
chỉ làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Điều cần làm là, hãy chia sẻ cho họ
những thông tin cần thiết, về những gì đang diễn ra trong công ty, kể cả những
thành công, lợi nhuận kiếm được cũng như kế hoạch triển khai bị thất bại, đặc biệt là
những khó khăn mà công ty đang phải đối mặt và dự định của ban lãnh đạo cho
những hướng triển khai sắp tới, kể cả vấn đề cần cắt giảm nhân sự (nếu có). Nhân
viên càng biết nhiều về những gì đang diễn ra, họ càng mất ít thời vào việc suy đoán
và lo lắng về những điều họ không biết. Nắm được thực tế hay những khó khăn của
công ty, họ cũng xác định rõ vai trò vị trí của mình trong công việc để nỗ lực phấn
đấu.
3.Hạn chế căng thẳng không cần thiết cho nhân viên
Lãnh đạo, đặc biệt là các cấp quản lý tầm trung, ngoài những áp lực về trách nhiệm
với nhóm nhân viên, chắc chắn cũng sẽ trải qua những áp lực giống bất cứ một nhân
viên nào. Nếu trả lời được câu hỏi: “Công ty đang có điều gì khiến bạn căng thẳng,
mệt mỏi và làm ảnh hưởng tới hiệu quả công việc?” chính là khi bạn đã biết nhân
viên bị căng thẳng khi nào và vì những điều gì.
Họ có thể lo lắng về: Mức độ không khả thi của một kế hoạch, những trở ngại khi
thực hiện công việc, lo lắng về định mức quá cao, thiếu thốn về thông tin và trang bị
không đáp ứng được nhu cầu công việc, thậm chí, có lo lắng rất "cá nhân" như: Vì sao
sếp thay đổi thái độ với mình?… Hãy tìm hiểu khó khăn của nhân viên, cảm thông và
chia sẻ để loại bỏ những trở ngại không cần thiết. Làm được điều đó, bạn sẽ khiến
nhân viên đạt tới đỉnh cao năng suất và hiệu quả công việc.
4.Đánh giá khách quan và chia sẻ những với thất bại của nhân viên
Một cuộc đấu thầu không thành công, kế hoạch kinh doanh kết thúc bị thua lỗ, một
cuộc bảo vệ dự án thất bại… Nếu nhân viên gặp thất bại trong công việc mà không
nhận được sự đánh giá khách quan và chia sẻ từ sếp, họ sẽ có một tâm trạng nặng nề.
Tâm trạng này sẽ ảnh hưởng đến mọi công việc khác. Điều này tiếp diễn sẽ không chỉ
ảnh hưởng tới sự nghiệp của nhân viên nói riêng mà còn cả năng suất, hiệu quả của
công ty nói chung. Vì vậy, bên cạnh việc động viên nhân viên làm việc hết mình, một
người quản lý cũng cần giúp đỡ khi họ gặp thất bại, giúp họ nhìn nhận lại vấn đề một
cách khách quan, rút ra bài học kinh nghiệm và động viên họ tiếp tục phấn đấu.
5.Thấu hiểu cảm xúc của nhân viên
“Con người là tổng hòa các mối quan hệ”, ngoài công việc nơi công sở họ còn có nhiều
vấn đề, mối quan tâm cần giải quyết và cũng có thể gặp những chuyện không như ý,
những điều làm họ tổn thương và vô hình chung nó sẽ "theo" họ đến nơi làm việc. Khi
nhân viên có nỗi niềm tâm sự, nhưng không ai chú ý tới, họ sẽ mắc kẹt trong trạng
thái cô độc. Họ cũng sẽ không lắng nghe hay quan tâm tới những điều bạn nói. Hãy
cảm thông điều đó và nếu cố gắng hiểu được những trăn trở của nhân viên, kể cả
trong công việc cũng như cuộc sống riêng, mối quan hệ giữa nhân viên và người quản
lý sẽ ngày càng gắn bó, góp phần xây dựng môi trường làm việc hòa hợp, vững mạnh.
6.Ghi nhận thành công của nhân viên
Chúc mừng thành công của công ty và của cá nhân không chỉ tạo ra tiếng vang tích
cực trong tập thể, mà còn tạo ra sự hưng phấn cho mỗi nhân viên khi được tôn vinh.
Hành động này chắc chắn sẽ nuôi dưỡng thái độ làm việc nhiệt huyết hơn và tinh
thần sẵn sàng đương đầu và vượt qua thách thức của nhân viên.
Mỗi ngành nghề, mỗi công việc đều có đặc thù riêng nên môi trường làm việc không
thể giống nhau. Môi trường làm việc của một nhân viên ngân hàng khác với một công
nhân khai thác mỏ, một cán bộ công chức khác với một kỹ sư xây dựng,… Việc tạo ra
môi trường làm việc thuận lợi là không hề đơn giản đối với nhà quản trị. Để làm rõ
vấn đề này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cụ thể trong thực tế thì các tổ chức, doanh
nghiệp làm gì, làm như thế nào để tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi cho nhân
viên.
B. THỰC TẾ
Chúng ta sẽ tìm hiểu về môi trường làm việc của 2 công ty công nghệ hàng đầu là
Google của Mỹ và FPT Telecom của Việt Nam để có thể hiểu rõ được làm thế nào mà 2
công ty này có thể cạnh tranh và phát triển trong một ngành mà có thể nói là rất
nhiều đối thủ cạnh tranh, một ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và rất
khó để có thể giữ chân nhân viên nếu không có một môi trường làm việc thuận lợi hội
đủ các yếu tố mà nhân viên mong muốn.
Thứ nhất là GOOGLE, một công ty công nghệ nổi tiếng của Mỹ với sản phầm mà hẳn
ai trong chúng ta cũng đã từng sử dụng ít nhất là vài lần, đó là công cụ tìm kiếm
mạnh mẽ nhất thế giới GOOGLE.
Google đang xây dựng một chuẩn mực chung cho các văn phòng của mình trên thế
giới nhằm truyền tải những thông điệp văn hóa, và hơn hết, là một cách để giữ chân
nhân viên của mình gắn bó với công ty.
Giám đốc truyền thông khu vực Đông Dương của Google châu Á – Thái Bình Dương,
Amy Kunrojpanya, là một người nói được 6 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Cô lại
đang tập tành một ngôn ngữ mới khác khi Google chuẩn bị mở một văn phòng ở một
thị trường mới nổi trong khu vực.
Amy dẫn chúng tôi bước qua trên những viên gạch lát nền được thiết kể giả cổ trong
khuôn viên hai tầng lầu một tòa nhà kế bên Vịnh Marina, Singapore, nơi Google đặt
trụ sở vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Ấn tượng đầu tiên đập vào chúng tôi là một
không gian ẩm thực khổng lồ và trung tâm giải trí phong phú. Tất cả nhằm giữ chân
những nhân viên tài năng và để cho họ một không gian thỏa sức sáng tạo.
Amy trao lại “chức” hướng dẫn viên cho Lâm Vũ, một trong 20 Googler người Việt
Nam đang làm việc tại đây. Vũ dẫn chúng tôi đi xuyên qua những dãy bàn ăn dài nơi
để các nhân viên các bộ phận khác nhau có thể tụ họp vừa ăn vừa trao đổi. Hai nhà
ăn chính rộng rãi và thoải mái, phục vụ các món ăn từ lúc 12-14 h hàng ngày, đang
đón các thực khách là nhân viên của Google, thường gọi là Googler, vào giờ trưa.
Thực đơn của bữa ăn được đưa lên mạng và mỗi nhân viên hàng ngày có thể biết
được hôm nay có các món ăn nào. Các món ăn thay đổi hàng ngày và rất phong phú,
đủ khẩu vị của các quốc gia có nhân viên làm việc tại trụ sở. Các quầy kệ được bố trí
khá bắt mắt, từ khu ăn uống đa quốc gia, đến khu dành cho các món ăn của người Ấn
Độ, từ khu tiệc mặn đến khu ăn chay, rồi đến quầy giải khát và tráng miệng, tất cả
như một nhà hàng buffet hảo hạng phục vụ các thực khách khó tính.
Đặc biệt, cứ chiều thứ 6, và lúc 4 giờ chiều, ngày mọi người thở phào “Thanks God it’s
Friday”, các Googler được phục vụ nhiều món ngon hơn, có cả bia và sâm banh sau
một tuần làm việc cật lực. Chưa hết, mỗi nhân viên hàng tháng được dẫn thêm hai
người bạn vào cùng ăn uống.
Vũ cho biết hơn 300 Googler ở đây có thể chọn cho mình nhiều nơi chốn để làm việc
hoặc thư giãn. Google luôn tạo ra một phong cách làm việc mở, chính vì thế trong
khuôn viên trụ sở các nhà ăn, khu vui chơi giải trí, thư viện và nơi làm việc không hề
có sự ngăn cách. Bất cứ mọi người, mỗi khi có chuyện cần trao đổi đều có thể kéo
nhau vào các phòng họp, quán cà phê, ghế thư giãn, bàn ghế đủ loại hình thù hay
những thiết kế rất riêng tùy chọn. Những phòng họp nhỏ được bài trí khá bắt mắt,
với đầy đủ các thiết bị hiện đại nhất, đều dành cho nhân viên sử dụng. Đặc biệt, mỗi
phòng họp được đặt tên và trang trí theo phong vị của một thành phố châu Á để nhắc
nhở về văn hóa cổ truyền của phương Đông mà Nha Trang là một phòng trong đó.
Những bà mẹ có con nhỏ thì đã có phòng riêng cho mình để lấy sữa chăm con. Ai mệt
mỏi nhưng không muốn nghỉ ngơi thì có thể dùng một trong hai phòng massage mà
công ty xây ngay trong khuôn viên. Khỏe thì đánh bóng bàn, chơi billards, banh bàn.
Muốn nhâm nhi thì có góc cà phê khá riêng tư và tĩnh lặng. Không thích thì kéo nhau
ra thư viện để vừa ăn, vừa đọc sách, vừa nói chuyện, trao đổi, chia sẻ, lại vừa có thể
tranh thủ chợp mắt trong những quầy nhỏ, kín đáo. Muốn đánh giấc thì kê mình lên
những chiếc võng rộng rãi và êm ái. Ai thích ngắm cảnh thì bưng đồ ăn vào một
phòng có vách ngăn, nhìn ra vịnh Marina ngắm những con tàu đến và đi hay các tòa
tháp chọc trời đang nối đuôi nhau mọc lên, cũng đủ thấy thú vị. Chưa hài lòng nữa thì
ra bếp nhỏ, nơi có đồ ăn, thức uống ngay bên cạnh chỗ làm việc, chẳng phải phiền
lòng đi xa.
Hãng dịch vụ tìm kiếm này trong nhiều năm qua được đánh giá là một nơi đáng để
đầu quân nhất trên thế giới. Google đang xây dựng một chuẩn mực chung cho các
văn phòng của mình trên thế giới nhằm truyền tải những thông điệp văn hóa, và hơn
hết, là một cách để giữ chân nhân viên của mình gắn bó với công ty. Dường như, họ
không phải đi đâu nữa, mà ngay chính nơi làm việc của mình đã trở thành nhà và là
chốn thư giãn.
Những nhà hàng của Google không hẳn chỉ làm nhiệm vụ duy nhất: phục vụ bữa ăn
cho nhân viên, mà hãng này đã rất tinh tế khi biến giờ ăn là khoảng thời gian không
chỉ gặp gỡ chuyện trò mà con để trao đổi và bàn bạc công việc. Những khoảng khắc
giải trí sẽ khiến cho nhân viên của mình có thời gian thoải mái để biến công việc trở
nên hiệu quả hơn. Công việc của các nhân viên có thể được giải quyết bất cứ lúc nào,
từ phòng họp, bàn ăn, bàn billards, trên võng hay ở một góc thư viện và cả trong
phòng tắm ngay tại trụ sở. Những màu sắc lạ lẫm, những hình thù lạ mắt tất cả đều
từ yêu cầu và sự sáng tạo từ chính các nhân viên đang làm việc nhằm tạo tâm lý
thoải mái và tự do để các Googler có thể đưa ra các ý tưởng sáng tạo mới.
Dĩ nhiên, Google không phải là nơi mà nhân viên chỉ đến ăn và chơi, mà chính những
đãi ngộ đó đòi hỏi các nhân viên phải hết sức nghiêm túc trong công việc và phải thực
sự có năng lực đủ để đáp ứng cường độ công việc cao. Chính từ môi trường làm việc
thoải mái như vậy, những sản phẩm công nghệ đột phá, độc đáo, làm thay đổi thế
giới đã ra đời.
Quả thật, với một môi trường làm việc cực kỳ thoải mái, biến văn phòng thành ngôi
nhà và là nơi giải trí, Google đã khơi dậy được sự sáng tạo và cống hiến của nhân
viên mình. Hãng công nghệ này cho phép nhân viên dành một thời gian nhất định
trong công việc hàng ngày để tham gia các dự án sáng tạo. Google thường xuyên mời
rất nhiều diễn giả nổi tiếng, từ ca sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, chính trị gia… đến công ty để
diễn thuyết. Các chương trình này được quay phim lại và được chia sẻ qua trang web
video trực tuyến của họ là You tube trong chuyên mục Google Talk. Chính những
chương trình này luôn khơi dậy và giữ cho trí não luôn học hỏi, phát triển và tư duy
sáng tạo.
Chả trách, doanh thu năm 2012 của Google đạt mức kỷ lục, với 50 tỉ đô la Mỹ. 6 tháng
đầu năm nay, doanh thu cũng đã đến con số 28tỷ đô la Mỹ, hứa hẹn một năm tăng
trưởng tiếp theo của Google.
Thứ hai là FPT, một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Phát huy tính sáng tạo và tài năng
FPT Telecom mang đến cho nhân viên nhiều cơ hội để sáng tạo, đưa ra đề xuất và cải
tiến, khuyến khích nhân viên đưa ra ý kiến và tranh luận; đánh giá cao những ý
tưởng mới, sự đóng góp và đặt biệt đề cao tính đa dạng, từ đó giúp nhân viên phát
huy tính sáng tạo và tài năng của bản thân.
Quyền lợi tương xứng với năng lực
Với phương châm coi đội ngũ cán bộ nhân viên (CBNV) là nhân tố chủ yếu quyết định
sự thành công hay thất bại của công ty, FPT Telecom hết sức quan tâm đến việc phát
triển và củng cố đội ngũ CBNV, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBNV. Điều
này thể hiện ở chỗ FPT Telecom luôn tuân thủ tốt các quy định của Bộ Luật lao động,
các chế độ, chính sách của nhà nước, tạo những điều kiện thuận lợi cho CBNV trong
công tác, học tập, thăng tiến.
Chính sách lương
Một năm, ngoài lương cơ bản hàng tháng, nhân viên được hưởng thêm tháng lương
thứ 13.Ngoài ra tuỳ theo kết quả kinh doanh hàng năm của công ty, đơn vị, nhân viên
FPT Telecom còn được hưởng lương kinh doanh, lương mềm vào cuối năm.
Chế độ phụ cấp
Ngoài chế độ lương, tuỳ thuộc vào vị trí công việc và chức danh theo quy định của
từng thời kỳ, nhân viên FPT Telecom còn được hưởng các chế độ phụ cấp nhằm góp
phần bù đắp kịp thời, tương xứng sức lao động, sự đóng góp của nhân viên như phụ
cấp điện thoại, phụ cấp kiêm nhiệm
Chế độ phúc lợi khác
• Tại FPT Telecom, tất cả nhân viên chính thức đều được tham gia Bảo hiểm xã
hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của Luật Lao
động và Luật Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, nhân viên FPT Telecom còn được
hưởng bảo hiểm FPT Care cho bản thân và gia đình, bảo hiểm đi công tác nước
ngoài theo quy định công ty.
• Trợ cấp đồng phục: dành cho các đối tượng ở các vị trí như lễ tân, dịch vụ
khách hàng, công nhân kỹ thuật,
• Chế độ nghỉ mát
• Chế độ nghỉ phép, nghỉ lễ: theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động
• Thẻ tín dụng: Hỗ trợ các cấp cán bộ quản lý cao cấp được cấp thẻ tín dụng
• Bảo lãnh vay Ngân hàng: Công ty bảo lãnh các cán bộ cấp cao được vay tiền
tại Tiên Phong Bank.
• Quyền mua cổ phiếu ưu đãi
Chế độ Khen thưởng kịp thời, cơ hội thăng tiến luôn thường trực.
Tại FPT Telecom, tài năng của từng thành viên được trân trọng. Việc đánh giá, khen
thưởng dựa trên thái độ làm việc tích cực, niềm say mê công việc và kết quả làm
việc. Khả năng thăng tiến tại FPT Telecom là không có giới hạn. Chỉ cần bạn chứng
minh được năng lực và sự tự tin của bạn. Tại FPT Telecom bạn có thể thấy nhiều giải
thưởng tôn vinh tài năng như Giải thưởng hàng tháng cho những Salesman xuất sắc,
phần thưởng Du lịch nước ngoài dành cho các cá nhân xuất sắc trong năm, giải
thưởng cho những cá nhân tiêu biểu, tập thể tiên tiến…
Tham gia khóa đào tạo về kỹ năng cũng như chuyên môn
Chúng tôi mong muốn bạn sẽ phát triển và học hỏi được nhiều điều khi làm việc tại
FPT Telecom. Vì vậy, bên cạnh đào tạo trực tiếp để nhân viên đảm đương vai trò của
mình trong công việc, FPT thực hiện những khóa đào tạo tiên tiến và các chương
trình phát triển để đáp ứng nhu cầu nâng cao kỹ năng cho nhân viên đồng thời đáp
ứng yêu cầu của công ty. Các chương trình đào tạo của FPT tập trung nhất quán vào
phát triển chuyên môn cũng như phát triển kỹ năng cá nhân.
Qua 2 ví dụ minh họa ở trên, ta có thể thấy được sự cần thiết và quan trọng trong
việc tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên của một tổ chức, doanh
nghiệp. Nhưng chỉ dừng lại ở việc đứng trên góc độ là doanh nghiệp để nhìn nhận
vấn đề này là chưa khách quan. Sau đây là quan điểm cá nhân của em về một môi
trường làm việc thuận lợi đứng trên góc độ là 1 sinh viên ngành Tài chính – Ngân
hàng, là 1 người lao động đang tìm kiếm việc làm trong tương lai tại 1 ngân hàng
thương mại.
Điều quan trọng nhất mà em quan tâm đó là môi trường làm việc của Ngân hàng đó,
bởi theo em nghĩ môi trường làm việc sẽ tác động trực tiếp đến niềm đam mê, hứng
thú làm việc và sáng tạo của mình chứ không phải là chế độ lương thưởng cao hay
thấp.
Ngân hàng X trả lương cao hơn, chế độ tốt hơn nhưng môi trường làm việc chỉ xoay
quanh 4 bức tường, không có sự tương tác giữa các nhân viên với nhau và giữa lãnh
đạo và nhân viên thì bản thân em cũng như mọi người sẽ không cảm thấy thoải mái
trong quá trình làm việc, sẽ không thể sáng tạo, ra sức hết mình vì ngân hàng mình và
ngược lại nếu ngân hàng Y trả lương thấp hơn khoảng 30%, chế độ kém hơn một tí
nhưng nếu môi trường làm việc thuận lợi, thoải mái thì chắc chắn ngân hàng Y chính
là sự lựa chọn của em.
Có thể nói là 2 yếu tố vật chất và tinh thần luôn đi đôi với nhau trong quá trình làm
việc. Tiền lương, thu nhập từ công việc là mối quan tâm của đa phần giới trẻ hiện nay
nhưng thực tế nếu làm việc trong một môi trường mà tinh thần, cảm xúc không được
thỏa mãn thì hiệu quả công việc sẽ không như mong muốn, lâu dần sẽ tạo ra sự ức
chế, suy nghĩ tiêu cực từ 1 cá nhân rồi lây lan sang 1 tập thể và hậu quả là không thể
lường trước được.
LỜI KẾT
Quan những nội dung đã trình bày ở trên, có cả lý thuyết, thực tiễn và quan điểm của
bản thân, bài tiểu luận một lần nữa khẳng định rằng yếu tố môi trường làm việc
thuận lợi, lý tưởng, thoải mái chính là yếu tố tiên quyết để một tổ chức, doanh nghiệp
thu hút sự quan tâm của người lao động, sử dụng hiệu quả sức lao động và giữ chân
được nhân viên, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động và doanh nghiệp.
Nhà tuyển dụng, nhà quản trị cần nắm rõ tâm lý này của nhân viên, không chủ quan
trong việc đưa ra các quyết định, không gây áp lực, lợi dụng và coi nhân viên như một
công cụ kiếm tiền cho doanh nghiệp mà ngược lại phải có sự tương tác, quan tâm,
lắng nghe tâm tự, nguyện vọng của họ, phải coi nhân viên là một thực thể không thể
thiếu trong doanh nghiệp, một nguồn lực, một tài sản quý giá của doanh nghiệp, từ
đó tạo ra một môi trường thuận tiện nhất cả về cơ sở vật chất, tinh thần đáp ứng
được yêu cầu của nhân viên.
Bản thân nhân viên cũng cần có sự tự giác, tinh thần học hỏi, đoàn kết giữa cá nhân
với cá nhân, cá nhân với tập thể, có như vậy thì hiệu quả công việc mới đạt được cao
nhất.
Tóm lại, việc tạo ra môi trường làm việc thuận lợi trong một tổ chức, doanh nghiệp
không phải là nhiệm vụ, nghĩa vụ của một cá nhân nào cả mà là sự hợp tác, tương tác
giữa nhà quản trị và nhân viên, tập thể người lao động. Trong môi trường làm việc
như vậy sẽ tạo ra sự bình đẳng, công bằng và mọi người đều nhận thấy vai trò quan
trọng của mình trong bộ máy đó.
Làm thế nào để tạo ra môi trường làm việc thuận lợi trong một tổ chức, doanh
nghiệp chắc chắn là mối quan tâm hàng đầu của cả doanh nghiệp và nhân viên.
(*) Tài liệu tham khảo:
Giáo trình quản trị nguồn nhân lực – TS Đỗ Thị Hiền Vinh, Ths Ninh Thị Kim Anh
Nguồn Internet và các tài liệu liên quan khác.