Tải bản đầy đủ (.doc) (17 trang)

Tảo hôn thực trạng, nguyên nhân và giải pháp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (176.05 KB, 17 trang )

MỤC LỤC
Trang
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
2
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
3
1. Khái niệm tảo hôn
3
2. Thực trạng nạn tảo hôn ở Việt Nam
4
2.1. Tình hình nạn tảo hôn trên cả nước

4
2.2. Những khó khăn đặt ra từ nạn tảo hôn

6
3. Nguyên nhân của nạn tảo hôn
7
3.1. Nguyên nhân khách quan

7
3.2. Nguyên nhân chủ quan

9
4. Những giải pháp loại trừ nạn tảo hôn ở Việt Nam
1
4.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng
cao ý thức pháp luật trong nhân dân
10
4.2. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong quá trình quản lý


11
4.3. Cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là nhân dân miền núi, vùng
sâu vùng xa
12
4.4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung và
những quy định về vấn đề tảo hôn nói riêng
12
C. KẾT LUẬN
14
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
2
ĐẶT VẤN ĐỀ
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của
pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Khi thực hiện việc kết hôn,
ngoài yếu tố tự nguyện, một trong những điều kiện phải tuân thủ là độ tuổi kết
hôn theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn
nhân và Gia đình 2000, độ tuổi kết hôn với nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ
mười tám tuổi trở lên. Quy định này dựa trên cơ sở nghiên cứu các điều kiện
kinh tế – xã hội ở nước ta, nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường về tâm sinh
lý của nam, nữ thanh niên và điều quan trọng là để họ có thể đảm đương trách
nhiệm làm vợ chồng, làm cha mẹ trước khi bước vào cuộc sống gia đình. Tuân
thủ quy định về độ tuổi kết hôn là cơ sở cần thiết để hạnh phúc gia đình bền
vững.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau mà
hiện nay, việc nam nữ kết hôn trước tuổi luật định vẫn diễn ra thường xuyên ở
một số vùng miền trên cả nước, nhất ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi mà
trình độ dân trí cũng như cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống còn quá lạc hậu.
Tục tảo hôn vừa thể hiện sự cổ hủ, sự lỗi thời của chế độ phong kiến xưa, vừa
kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế – văn hoá và xã hội. Nghiên cứu về thực
trạng tình hình nạn tảo hôn hiện nay để tìm ra những nguyên nhân và giải pháp

nhằm hạn chế nạn tảo hôn, nhóm chúng em xin lựa chọn đề tài: “Tảo hôn –
Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”.
3
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. KHÁI NIỆM TẢO HÔN
Khoản 4 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Tảo
hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn
theo quy định của pháp luật”. Cách giải thích của Luật Hôn nhân và Gia đình có
thể được hiểu theo các nghĩa sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, tảo hôn là việc nam nữ lấy vợ lấy chồng có
đăng ký kết hôn nhưng một hoặc cả hai bên chưa đủ độ tuổi kết hôn theo quy định
của pháp luật. Theo quan điểm này, tảo hôn là một trường hợp của kết hôn trái
pháp luật tại Khoản 3 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. Đây là quan điểm
phổ biến nhất hiện nay. Với cách hiểu này, để được coi là tảo hôn phải thoả mãn
hai điều kiện: (1) hai bên nam nữ có đăng ký kết hôn và (2) một hoặc hai bên vi
phạm điều kiện độ tuổi quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình.
Quan điểm thứ hai: Tảo hôn là việc nam nữ lấy vợ lấy chồng không đăng
ký kết hôn và một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định pháp luật.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Tảo hôn bao gồm cả hai trường hợp trên, tức
là việc nam nữ lấy vợ, lấy chồng có đăng ký kết hôn hoặc không đăng ký kết
hôn nhưng một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật.
Ta thấy rằng, trong quy định của Luật chỉ nói tảo hôn là việc “lấy vợ,
lấy chồng ” mà không nói rằng “tảo hôn là việc kết hôn ”. Việc lấy vợ, lấy
chồng ở đây có thể đã có đăng ký kết hôn hoặc chưa có đăng ký kết hôn. Bởi
vậy, nếu cho rằng tảo hôn là một trường hợp của kết hôn trái pháp luật (tức là
xác lập quan hệ vợ chồng có đăng kí kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn
do pháp luật quy định) là không hoàn toàn chuẩn xác. Do đó, theo quan điểm
của nhóm, khái niệm tảo hôn cần được mở rộng hơn, theo đó, tảo hôn là việc
xác lập quan hệ vợ chồng giữa hai bên nam nữ khi một hoặc hai bên chưa đủ độ
tuổi kết hôn mà không phụ thuộc vào việc quan hệ đó có được xác lập tuân theo

quy định pháp luật về đăng ký kết hôn hay không.
4
Hành vi tảo hôn là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và
Gia đình. Những hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn đều bị coi là vi phạm quy định
của pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 87/2001/ NĐ – CP về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình hoặc quy định
tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi năm 2009.
2. THỰC TRẠNG NẠN TẢO HÔN Ở VIỆT NAM
2.1. Tình hình nạn tảo hôn trên cả nước
Từ khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 được ban hành, Nhà nước
đã phổ biến, tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được tính ưu việt của pháp
luật hôn nhân xã hội chủ nghĩa, từ đó nâng cao ý thức pháp luật của người dân
trong việc kết hôn, đặc biệt là ý thức trong việc thực hiện đầy đủ các quy định về
độ tuổi kết hôn. Nhờ vậy, theo khảo sát của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa
gia đình, trong năm năm từ năm 2005 đến 2010, tình trạng tảo hôn ở các dân tộc
thiểu số giảm từ 80% xuống còn 31%
1
. Nhiều người dân đã hiểu rõ và chấp hành
tốt những quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, bên cạnh thành
tựu trên, tình trạng vi phạm độ tuổi kết hôn vẫn còn diễn ra trên khắp cả nước.
Theo số liệu điều tra của Vụ gia đình (Ủy ban dân số – Gia đình và trẻ
em), 15 tỉnh, thành phố cả nước có trên 1% trẻ em ở độ tuổi 14 – 16 đã có vợ
chồng. Các tỉnh có tỷ lệ trẻ em tảo hôn cao là Hà Giang: 5,72%, Cao Bằng:
5,1%, Lào Cai 2,7%, Sơn La 2,6%, Quảng Trị 2,4% và Bạc Liêu 2,1%. Những
địa phương trên có đến 22% tỷ lệ kết hôn không đăng ký kết hôn, phần lớn các
cặp vợ chồng kết hôn trước tuổi luật định. Theo kết quả điều tra có 30,7% đối
tượng kết hôn ở độ tuổi dưới 19, trong đó 0,2% đối tượng kết hôn khi mới 9
tuổi, 0,3% đối tượng kết hôn khi 14 tuổi, 1,0% kết hôn khi 15 tuổi, 3,3% kết hôn
khi 16 tuổi, 5,8% kết hôn khi 17 tuổi và 15,6% kết hôn khi 18 tuổi
2

.
1
Theo trang web của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình />2
Ngọc Lan, Tình hình tảo hôn ở các tỉnh miền núi cần sớm có giải pháp, Báo dân tộc và Phát triển – cơ quan
ngôn luận của Ủy ban Dân tộc, 04/05/2009;
5
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc – nơi tập trung đông đồng bào dân tộc
thiểu số – tỷ lệ tảo hôn khá cao so với cả nước. Theo phong tục của nhiều dân
tộc, khi trẻ em vừa bước sang tuổi 15 - 16 là đã đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Cha
mẹ hai bên sẽ làm lễ dạm ngõ rồi kết hôn cho con, hai người trẻ sẽ chính thức
trở thành vợ chồng sau đám cưới. Nếu bị chính quyền địa phương biết và can
thiệp, họ sẵn sàng "xin khất" để tiếp tục làm vợ chồng, đợi đến khi đủ tuổi sẽ
làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Địa phương điển hình của vấn nạn tảo hôn là tỉnh Yên Bái. Theo thống
kê, tỷ lệ tảo hôn của tỉnh Yên Bái nói chung chiếm khoảng 7%, ở các xã vùng
cao trên 20%. Huyện Mù Căng Chải có số vụ tảo hôn cao nhất tỉnh, năm 2011
có 55 trường hợp tảo hôn, trong đó có 79 người vi phạm Luật Hôn nhân và Gia
đình do tuổi kết hôn quá sớm so với quy định
3
. Không riêng gì Mù Căng Chải
mà hầu hết các thôn bản có đông đồng bào sinh sống đều có nạn tảo hôn. Bản
Công là một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn cao. Năm 2011, trên địa bàn xã có
22 cặp kết hôn thì đã có tới 19 cặp tảo hôn và đầu năm 2012, xã có 17 cặp kết
hôn thì có 12 cặp tảo hôn. Điều đáng nói là nhiều trường hợp tảo hôn xảy ra ở
con cháu ruột của cán bộ các ban, ngành và đảng viên ở xã.
Ở Sơn La, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Mông, nạn tảo hôn
vẫn chưa được xóa bỏ do vẫn còn tồn tại tục cướp vợ. Nhiều trẻ em mới 12 tuổi
đã được gia đình tổ chức cướp vợ. Qua khảo sát của Ngành tư pháp tỉnh Sơn La
thì có 47.665 trường hợp các cặp vợ chồng sống với nhau mà không đăng ký kết
hôn (phần lớn là tảo hôn); 101.036 trường hợp trẻ em ra đời đã lớn nhưng chưa

được khai sinh
4
. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tại 10 huyện miền núi của tỉnh có
hơn 500 trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
Tại khu vực Tây Nguyên, nạn tảo hôn cũng là một hiện tượng phổ biến.
Theo ủy ban dân số - gia đình và trẻ em huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, toàn
huyện có 14 xã nhưng xã nào cũng có tình trạng tảo hôn, xã vùng sâu có tỷ lệ
3
Sơn Tùng, Tảo hôn – vấn đề nhức nhối tại Yên Bái và những giải pháp, Báo Yên Bái Online, 01/09/2007;
4
Mai Tâm, Nạn tảo hôn ở Sơn La: Những điều vui buồn, Báo Công an Nhân dân điện tử, 26/08/2012;
6
cao hơn. Tổng số cặp vợ chồng tảo hôn của tỉnh là 213 cặp. Tại KonTum, nơi có
tỷ lệ đồng bào thiểu số là 53% cũng có tới 269 cặp vợ chồng tảo hôn. Đáng lưu
ý là tỉnh Gia Lai có tới 974 cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định
của pháp luật
5
.
Như vậy, có thể thấy, ở những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số
như vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, tình trạng tảo hôn còn xảy ra rất phổ biến
với tỷ lệ cao. Tuy vậy, không riêng gì các tỉnh miền núi mà ở tất cả các tỉnh
thành khác trong cả nước, tình trạng tảo hôn vẫn tiếp tục tái diễn.
Tại khu vực đồng bằng và thành thị, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra
thường xuyên. Tại An Giang có 185 cặp vợ chồng tảo hôn, Đồng Tháp 179 cặp,
Ninh Thuận 76 cặp. Ngay cả đến những khu vực đô thị lớn có trình độ dân trí
cao như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn có các cặp tảo hôn với con
số lần lượt là 42 cặp và 37 cặp. Đối tượng là các em học sinh do chơi bời không
được sự quan tâm giáo dục của gia đình, do ảnh hưởng của lối sống đô thị mà
phải bỏ học để lấy chồng.
2.2. Những khó khăn đặt ra từ nạn tảo hôn

Thứ nhất, với gia đình, sau khi lấy nhau, hầu hết các đôi vợ chồng này
thường chưa thể sống tự lập vì tuổi còn quá nhỏ, theo pháp luật thì họ còn chưa có
năng lực hành vi dân sự đầy đủ để tự trang trải cuộc sống gia đình. Những trường
hợp được bố mẹ tách ra ở riêng thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do
chưa có kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình. Nhiều trường hợp
khi ra ở riêng lại mâu thuẫn, không sống được với nhau dẫn đến ly hôn, gây khó
khăn cho gia đình và chính quyền địa phương. Không chỉ vậy, đa phần trường
hợp tảo hôn đều không có đăng ký kết hôn. Nếu có tranh chấp xảy ra sẽ rất khó
xét xử vì không có căn cứ chứng minh việc kết hôn giữa các cặp vợ chồng.
Thứ hai, với xã hội, khi những cặp vợ chồng này sinh con, do còn trẻ,
chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức về cuộc sống nên những đứa trẻ
được sinh ra khó có thể phát triển một cách toàn diện bởi không được chăm sóc
5
Theo trang thông tin của tỉnh Đắk Lắk:
7
đầy đủ, chu đáo, không được dạy dỗ, học hành tử tế. Điều này đã để lại những
ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nòi giống và cuộc sống của người dân
cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội. Những đứa trẻ này sẽ rất dễ đi theo “vết
xe đổ” của cha mẹ, góp phần khiến dân số Việt Nam gia tăng nhanh chóng và
tạo thêm sức ép về dân số, việc làm cho xã hội.
Thứ ba, với các cơ quan chính quyền địa phương, nạn tảo hôn sẽ khiến
cho các cơ quan chính quyền gặp khó khăn trong công tác quản lý dân số, trong
quá trình thực hiện và phát triển các chính sách kinh tế - xã hội ở địa phương.
3. NGUYÊN NHÂN CỦA NẠN TẢO HÔN
Từ thực trạng về tình hình tảo hôn, ta nhận thấy rằng có rất nhiều nguyên
nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên
nhân chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân quan trọng nhất
dẫn đến việc bùng nổ tảo hôn ở Việt Nam hiện nay.
3.1. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, phong tục tập

quán lạc hậu. Ở nước ta có những tục lệ, nghi lễ đã ăn sâu vào đời sống cộng
đồng và có sức ảnh hưởng nhất định qua nhiều thế hệ người Việt Nam. Các quan
hệ hôn nhân và gia đình cũng không nằm ngoài sự chi phối đó, có những nghi lễ
cho tới nay vẫn được duy trì. Ví dụ, một số đồng bào dân tộc thiểu số có phong
tục tập quán lấy vợ, lấy chồng mà chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu
trong làng hoặc của cha mẹ hai bên nam nữ; quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi
đấy; hay như tục lệ bắt vợ của người Mông ở vùng Tây Bắc Tục bắt vợ đã
từng được coi là một nét đẹp văn hóa, nhưng hiện nay, tục bắt vợ đã kéo theo
nhiều hệ lụy, mà điển hình nhất là nạn tảo hôn. Không chỉ vậy, xuất phát từ
những khó khăn trong cuộc sống cùng với thói quen ở vùng núi, nhà nào cũng
có tâm lý muốn sớm có con đàn cháu đống, thêm lao động cho gia đình. Nhà
nào có con gái thì muốn gả sớm để bớt miệng ăn, nhà nào có con trai thì muốn
8
cưới vợ sớm để lo toan cuộc sống. Do tâm lý trên mà rất nhiều cặp vợ chồng đã
lấy nhau khi chưa đủ tuổi mà pháp luật cho phép.
Thứ hai, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị
trường, con người dần biến đổi để thích nghi được với những điều kiện mới. Họ
trở nên năng động, sáng tạo, linh hoạt và độc lập hơn trong cách nghĩ cách làm.
Quan điểm đời sống của họ cũng trở nên cởi mở hơn, đơn giản hơn, không bị gò
bó bởi quan niệm thành kiến đạo đức xưa. Vì vậy, con người dễ dàng thiết lập
các mối quan hệ với nhau. Một trong những hệ lụy đó là việc chung sống như vợ
chồng giữa nam và nữ trở nên hết sức bình thường. Điều đó đã dẫn đến những
trường hợp phải cưới chui cưới lủi khi tuổi đời của đôi nam nữ còn quá trẻ.
Thứ ba, do quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với
các trường hợp tảo hôn còn chưa phù hợp. Điều 6 Nghị định số 87/2001 về xử
phạt vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định mức phạt với hành vi
tảo hôn, tổ chức tảo hôn:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với
một trong các hành vi sau đây:
a) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi

kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó;
b) Tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn”.
Việc quy định hình thức xử phạt đối với hành vi tảo hôn hoặc tổ chức tảo
hôn chỉ là phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng dường như còn chưa phù
hợp, không đủ răn đe với nạn tảo hôn ở nước ta hiện nay. Với đa số những cặp
vợ chồng nghèo, họ sẽ không có khả năng nộp phạt, và trong trường hợp đó, khả
năng thực hiện các biện pháp cưỡng chế nộp phạt của chính quyền địa phương là
điều không thể thực hiện được. Do không có hình thức chế tài nào khác nên các
cặp vợ chồng nghèo vẫn tự do kết hôn khi chưa đủ tuổi mà không lo bị xử phạt.
Ngoài ra cũng có không ít cặp tảo hôn sẵn sàng lên xã nộp phạt. Họ coi việc nộp
phạt là đã tuân thủ pháp luật và sau khi nộp phạt thì họ đương nhiên được xã
công nhận là vợ chồng theo pháp luật.
9
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như các gia đình ở Việt Nam, đặc
biệt là ở các tỉnh miền núi còn chưa được quan tâm đúng mức; công tác giáo dục
giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên còn ít, mới chỉ dừng lại ở các thành phố
lớn. Mặt khác, một số gia đình mải làm ăn, không quan tâm đến sự phát triển tâm
lý cũng như thể chất của con em mình, hay một số gia đình bố mẹ ly hôn, cãi
nhau tạo tâm lý chán chường, bất cần, buông thả ở một bộ phận thanh niên. Vì
vậy, nhiều em đã làm cha, làm mẹ khi đang độ tuổi vị thành niên.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn
chế. Trình độ dân trí thấp kém kéo theo bao hậu quả như các tệ nạn xã hội phát
triển và một trong số đó là nạn tảo hôn cũng bùng nổ.
Thứ hai, do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tại nhiều địa
phương còn chưa sâu sắc, hạn chế. Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người
dân là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là
công tác tuyên truyền về vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình. Nhưng công tác
tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, trở ngại bởi dân trí phân cư không đồng đều
và sự chênh lệch về nhận thức của họ gặp nhiều khó khăn, ở những nơi dân tộc

thiểu số còn có nhiều dân cư không biết tiếng kinh. Cơ sở hạ tầng cũng làm khó
khăn cho công tác tuyên truyền vì ở những nơi vùng núi giao thông đi lại hết sức
khó khăn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền không đạt hiệu quả cũng một phần do
đội ngũ tuyên truyền không nhiệt tình.
Thứ ba, do sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các
trường hợp tảo hôn còn chưa mạnh mẽ thiếu kiên quyết. Việc loại bỏ những
phong tục tập quán lạc hậu nói chung, loại bỏ tục tảo hôn nói riêng ra khỏi đời
sống xã hội đạt được hiệu quả không nhỏ nếu có sự can thiệp một cách mạnh
mẽ, kiên quyết từ phía cơ quan địa phương. Tuy nhiên trên thực tế tảo hôn vẫn
còn tiếp diễn và một phần lỗi không nhỏ thuộc về chính quyền địa phương. Và
thực tế cho thấy, không chỉ những người dân mà cả gia đình cán bộ, Đảng viên
10
là lãnh đạo xã, phường cũng tiếp tay cho nạn tảo hôn, thậm chí tảo hôn còn diễn
ra ngay trong gia đình của những người cán bộ này.
4. NHỮNG GIẢI PHÁP LOẠI TRỪ NẠN TẢO HÔN Ở VIỆT NAM
4.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật,
nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân
Đây là biện pháp quan trọng nhất nhằm loại trừ nạn tảo hôn ở Việt Nam
hiện nay. Nguyên nhân cốt lõi khiến nạn tảo hôn bùng nổ chính là do công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức về pháp luật, về hôn nhân gia
đình, về sức khỏe sinh sản còn yếu khiến người dân không biết và không có ý
thức chấp hành và tuân thủ pháp luật. Để hạn chế được điều đó cần phải:
Thứ nhất, phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền,
giáo dục các kiến thức về pháp luật, về hôn nhân gia đình, về sức khỏe sinh sản
cho người dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số, người miền núi, vùng sâu vùng xa.
Chính quyền các cấp cần tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận
động cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở. Các ban, ngành, đoàn thể phải phát huy
hơn nữa vai trò của mình trong việc tuyên truyền chính sách dân số nói chung và
phòng tránh tảo hôn nói riêng. Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giáo
dục phải mở rộng theo hướng xã hội hoá. Huy động tối đa các tổ chức có dân

tham gia tuyên truyền, vận động các chính sách dân số gia đình và trẻ em qua
nhiều hình thức như truyền thông đại chúng, tuyên truyền trực tiếp qua các hội
nghị của các ngành, đoàn thể các cấp, đồng thời tăng cường hoạt động của đội
ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở.
Thứ hai, phải nâng cao trình độ dân trí cũng như ý thức pháp luật cho
người dân. Đây là một giải pháp vừa quan trọng vừa khó khăn nhất. Mọi hủ tục
lạc hậu đều xuất phát từ sự kém hiểu biết, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu vùng
xa, nơi mà tình trạng tảo hôn là phổ biến. Cần có sự tuyên truyền nhận thức mới,
xóa bỏ những hủ tục, nếp sống không văn minh, phổ cập, giáo dục kiến thức
khoa học, giới tính mà cụ thể là các tác động xấu của việc tảo hôn, kết hôn chưa
11
đên tuổi pháp luật quy định. Công tác này rất khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì,
phối hợp của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương bởi lẽ, các hủ
tục này đã ăn sâu vào đời sống tinh thần hàng ngày của người dân bản địa.
4.2. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong quá trình quản lý
Với vai trò thực hiện pháp luật trong đời sống, các cơ quan chính quyền
địa phương có nhiệm vụ rất quan trọng trong vấn đề bài trừ nạn tảo hôn tại địa
phương mình. Do đó, thứ nhất, cần có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa, quan tâm hơn
nữa của các cấp chính quyền trong việc phổ cập kiến thức về hôn nhân và gia
đình cũng như giám sát việc thực hiện các công tác về truyên truyền kiến thức.
Đưa mục tiêu về hôn nhân và gia đình vào chương trình, kế hoạch hoạt động của
chính quyền và các đoàn thể ở địa phương hàng năm.
Thứ hai, cần quan tâm tới công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ, nhất là
đội ngũ cán bộ lãnh đạo dân số gia đình và trẻ em cấp huyện. Với các chức danh
lãnh đạo cần lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững
vàng để tránh trường hợp họ vì lợi ích kinh tế mà tiếp tay cho nạn tảo hôn diễn
ra tại địa phương mình.
Thứ ba, cần phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với nhau, giữa các
cấp với nhau trong công cuộc đẩy lùi hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh, lành
mạnh, tiến bộ.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần có các chính sách kiên quyết
nhưng hợp lý nhằm xử lý và loại bỏ tình trạng tảo hôn trong đời sống. Cụ thể,
khi có hành vi vi phạm điều kiện kết hôn, tòa án nhân dân có thể xử hủy việc kết
hôn trái pháp luật. Theo đó, nếu thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp
luật mà một bên hoặc cả hai bên vẫn chưa đến tuổi kết hôn thì quyết định hủy
việc kết hôn trái pháp luật. Nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái
pháp luật mà cả hai bên tuy đã đến tuổi kết hôn, nhưng cuộc sống của họ trong
thời gian qua không có hạnh phúc thì quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Ngược lại, nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả
12
hai bên đã đến tuổi kết hôn, chung sống hạnh phúc, đã có con chung, tài sản
chung thì không quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật
6
.
4.3. Cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là nhân dân miền núi,
vùng sâu vùng xa
Theo quan niệm của những người dân miền núi, họ không coi trọng việc
học hành, giáo dục mà chỉ quan tâm đến việc kiếm miếng cơm manh áo hàng
ngày nên dẫn đến thực trạng nhiều em bỏ học giữa chừng, thậm chí là không
được đi học để ở nhà làm việc. Đây vừa là nguyên nhân dẫn đến hiểu biết lạc
hậu, vừa khiến cho công tác truyên truyền, giáo dục không phát huy hiệu quả
đến cùng. Vì vậy, việc kết hợp giữa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần với
công tác phổ cập kiến thức là quan trọng.
Thứ nhất, cần có sự triển khai đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế
gia đình của nhà nước. Song song với đầu tư cho các vùng kinh tế động lực, cần
quan tâm đầu tư cho nông thôn. Ưu tiên hỗ trợ cho gia đình người dân chính
sách, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình vùng sâu vùng
xa, vùng khó khăn nhằm nỗ lực xoá dần sự chênh lệch giữa các vùng, từng bước
nâng cao đời sống nhân dân, xoá bỏ tư tưởng, phong tục lạc hậu về vấn đề tảo
hôn cũng như ma chay, cúng bãi.

Thứ hai, phải bảo đảm cho tất cả gia đình dân tộc thiểu số có đất sản xuất
và việc làm. Góp phần hiệu quả cho công tác xoá đói giảm nghèo; nâng cao
nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân.
Thứ ba, cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông,
phát triển các trường dạy nghề cho thanh thiếu niên bước vào tuổi lao động phù
hợp yêu cầu phát triển của từng vùng, từ đó có cơ sở tạo việc làm, nghề nghiệp ổn
định cuộc sống.
4.4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung
và những quy định về vấn đề tảo hôn nói riêng
Thứ nhất, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn.
6
Theo Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao;
13
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, độ tuổi kết hôn của
nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên (chứ không phải từ đủ
mười tám tuổi trở lên). Tuy nhiên, đối chiếu theo quy định của một số ngành
luật liên quan thì quy định này chưa có sự thống nhất. Theo quy định của Bộ
luật Dân sự , nhiều giao dịch đòi hỏi chủ thể của giao dịch phải là người có đầy
đủ năng lực hành vi dân sự, tức là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Theo quy
định của pháp luật về tố tụng dân sự, cá nhân phải đủ mười tám tuổi trở lên mới
có thể tự mình là chủ thể của quan hệ tố tụng. Trong khi đó, theo Luật Hôn nhân
và Gia đình 2000, nữ bước sang tuổi mười tám kết hôn được coi là hợp pháp và
họ được quyền tự do ly hôn. Tuy nhiên, quyền tự do ly hôn của họ không thể
thực hiện nếu sau khi kết hôn đến thời điểm có yêu cầu ly hôn họ chưa đủ mười
tám tuổi.
Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của các văn bản
pháp luật khác, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có
liên quan, Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 cần sửa đổi quy định độ tuổi kết hôn
của nam, nữ ít nhất phải từ đủ mười tám tuổi trở lên. Như thế mới thật sự đảm
bảo về khả năng đảm đương trách nhiệm làm vợ chồng, làm cha mẹ của các cặp

vợ chồng trước khi bước vào cuộc sống gia đình.
Thứ hai, cần phải quy định các chế tài xử phạt hành vi tảo hôn, tổ chức
tảo hôn phù hợp với thực tế. Một mặt, pháp luật cần giữ nguyên hình thức phạt
tiền và tăng mức tiền phạt để hạn chế nạn tảo hôn, mặt khác lại cần phải bổ sung
thêm các hình thức xử phạt khác sao cho phù hợp với khả năng thực hiện của địa
phương, của đối tượng vi phạm. Ví dụ như áp dụng hình thức bãi miễn chức vụ
đối với những người có chức vụ, quyền hạn mà con của họ kết hôn khi chưa đủ
tuổi. Không chỉ vậy, cần nghiêm khắc thực hiện quy định về tội tổ chức tảo hôn,
tội tảo hôn tại Điều 148 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đối năm 2009 để thể hiện tính
răn đe đối với những hành vi trái pháp luật.
Ngoài ra còn một số biện pháp hoàn thiện pháp luật khác như bổ sung các
quy định pháp lý về chuẩn mực gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc bền vững
14
để làm mục tiêu phấn đấu cho các gia đình cũng như toàn xã hội; xây dựng các
quy phạm pháp luật quy định danh mục các phong tục, tập quán lạc hậu về hôn
nhân và gia đình không được áp dụng và danh mục các phong tục, tập quán tốt
đẹp được khuyến khích và phát huy; tập hợp các quy phạm pháp luật về các chế
tài đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói
chung và về tảo hôn nói riêng theo một hệ thống văn bản thống nhất, tránh tình
trạng tản mạn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng.
KẾT LUẬN
Hiện nay, ở bất kì địa phương nào trên cả nước, từ nông thôn đến thành
thị, từ vùng núi đến đồng bằng, hiện tượng tảo hôn vẫn còn tồn tại khá phổ biến.
Hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng đến chính bản thân những người vi
phạm mà còn ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng xã hội. Từ khi ban hành các
quy định nghiêm cấm tảo hôn, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về độ
tuổi kết hôn thì tình trạng tảo hôn ở nước ta đã giảm thiểu rõ rệt. Tuy nhiên, do
nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nạn tảo hôn vẫn là một vấn đề xã hội gây
nhiều nhức nhối. Chúng ta cần phải tìm ra được những giải pháp hữu hiệu để
hạn chế, đẩy lùi, tiến tới bài trừ nạn tảo hôn ở Việt Nam, từ đó tạo ra những tiền

đề thuận lợi để phát triển đất nước nói chung và thực hiện mục tiêu xây dựng
đời sống văn hoá mới, xây dựng gia đình mới hiện đại. Để làm được điều đó cần
phải có sự quan tâm của toàn xã hội, của Đảng và nhà nước, của các cấp các
ngành, trong đó đặc biệt chú ý tới vấn đề giáo dục, tuyên truyền để thay đổi
nhận thức của mỗi cá nhân về tảo hôn và trách nhiệm của mỗi người trong cuộc
đấu tranh đẩy lùi và loại bỏ triệt để nạn tảo hôn khỏi đời sống xã hội.
15
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
***
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hôn nhân và gia đình, Nxb.
CAND, Hà Nội, 2011;
2. Đoàn Thị Thu Hằng, Khóa luận tốt nghiệp: Vấn đề tảo hôn ở Việt Nam
hiện nay - nguyên nhân và giải pháp loại trừ, trường Đại Học Luật Hà Nội,
2010;
3. Ngọc Lan, Tình hình tảo hôn ở các tỉnh miền núi cần sớm có giải pháp,
Báo dân tộc và Phát triển – cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc ngày
04/05/2009;
4. Hà An, Cần sửa những quy định về độ tuổi kết hôn và hình thức xử phạt
khi vi phạm độ tuổi kết hôn, báo Công an Nhân dân ngày 19/08/2005;
5. Sơn Tùng, Tảo hôn – vấn đề nhức nhối tại Yên Bái và những giải pháp,
Báo Yên Bái Online ngày 01/09/2007;
6. Mai Tâm, Nạn tảo hôn ở Sơn La: Những điều vui buồn, Báo Công an Nhân
dân điện tử, 26/08/2012;
7. Huy Anh, Đừng bắt trẻ con sớm thành người lớn, bài viết trên trang
baomoi.com ngày 05/05/2012;
8. Nguyễn Đức Hưng, Trao đổi về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân;
16
9. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000;
10. Bộ luật Dân sự năm 2005;

11. Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009;
12. Nghị định số 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực hôn nhân và gia đình;
13. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm
phán Tòa án nhân dân Tối cao;
14. Một số trang web:
- Hệ thống văn bản pháp luật: www.vietlaw.gov.vn;
- Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: www.gopfp.gov.vn;
- Trang thông tin của tỉnh Đắk Lắk: www.daklak24h.com.vn;
17

×