Tải bản đầy đủ (.pdf) (26 trang)

Di chỉ huổi ca trong bối cảnh tiền sử thượng du sông đà

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (376.35 KB, 26 trang )


1
Di chỉ Huổi Ca trong bối cảnh tiền sử
thượng du sông Đà

Lê Hải Đăng

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khoa Lịch sử
Chuyên ngành: Khảo cổ học; Mã số: 60 22 60
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Gia Đối
Năm 2012

Abstract. Tổng quan về đặc điểm tự nhiên tỉnh Lai Châu và quá trình nghiên cứu
khảo cổ học tiền sử ở Lai Châu. Nghiên cứu di tích, di vật của cư dân cổ Huổi
Ca. Phân tích những đặc trưng, niên đại các giai đoạn phát triển văn hóa của di
chỉ này. Thu thập, thống kê, hệ thống hóa các địa điểm khảo cổ học trong khu
vực, từ đó tiến hành nghiên cứu so sánh tìm hiểu mối quan hệ giữa Huổi Ca với
các di chỉ tiền sử khác. Khái quát về giai đoạn phát triển của giai đoạn Đá mới ở
khu vực thượng du Sông Đà.

Keywords. Khảo cổ học; Di chỉ Huổi Ca; Thượng du Sông Đà; Di vật

Content.

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài luận văn
Di chỉ Huổi Ca được phát hiện năm 1998 và khai quật năm 2010, nằm trong
Chương trình khai quật di dời và xử lý các di tích khảo cổ học lòng hồ thủy điện Sơn La
(2008 - 2010) do Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tiến hành.
Qua kết quả khai quật cho thấy Huổi Ca là một di chỉ khá rộng, địa tầng dày, di
vật phong phú tiêu biểu cho nhóm di tích tiền sử ở vùng thượng du sông Đà. Di chỉ


Huổi Ca gợi mở một số vấn đề về đặc thù con đường Đá Mới hóa cũng như thể hiện các
mối quan hệ văn hóa trong nhóm di tích thuộc hệ thống các di tích tiền sử ở Tây Bắc.
Chính vì vậy, học viên đã chọn đề tài: “Di chỉ Huổi Ca trong bối cảnh tiền sử
thượng du Sông Đà” làm luận văn thạc sĩ khảo cổ học của mình.
2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
Phân tích, cấu tạo địa tầng diễn biến các lớp văn hóa, nghiên cứu di tích, di vật,
của cư dân cổ Huổi Ca, để đưa ra những đặc trưng, niên đại các giai đoạn phát triển văn

2
hóa của di chỉ này. Thu thập, thống kê, hệ thống hoá các địa điểm khảo cổ học trong
khu vực, từ đó tiến hành nghiên cứu so sánh tìm hiểu mối quan hệ giữa Huổi Ca với các
di chỉ tiền sử khác, bước đầu khái quát về các giai đoạn phát triển của giai đoạn Đá mới
ở khu vực thượng du Sông Đà.
3. Nguồn tư liệu
Toàn bộ tư liệu điều tra khai quật, chỉnh lý ở địa điểm Huổi Ca và tư liệu có liên
quan đến Huổi Ca trong các địa điểm tiền sử khu vực nghiên cứu.
Tham khảo, sử dụng các công trình nghiên cứu đã công bố trên sách báo, tạp chí
chuyên ngành có liên quan đến luận văn.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài
- Đối tượng
Toàn bộ tư liệu nghiên cứu về di chỉ Huổi Ca ở bản Nậm Mạ, xã Nậm Mạ,
huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Đồng thời nghiên cứu, so sánh tư liệu Huổi Ca với các địa
điểm khảo cổ học tiền sử vùng lân cận vừa mới được khai quật và nghiên cứu như: Nậm
Mạ, Co Đớ, Hát Đấu, Nậm Cha, Nậm Dôn và mở rộng sự liên hệ so sánh với các địa
điểm xa hơn cùng bình tuyến này như: Mường Chiên (Sơn La), Pắc Na, Huổi Le 1,
Huổi Le 2 (Điện Biên).
- Phạm vi không gian và thời gian
+ Không gian: Di chỉ Huổi Ca và các di chỉ khảo cổ học tiền sử ở khu vực
thượng du Sông Đà.
+ Thời gian: Thời tiền sử.

5. Phương pháp nghiên cứu
- Sử dụng các phương pháp truyền thống của khảo cổ học như: điền dã, khai quật,
phân loại thống kê, mô tả, đo vẽ, chụp ảnh di vật điển hình, phân tích so sánh di tích, di
vật, triệt để khai thác và tôn trọng phương pháp địa tầng trong khảo cổ học.
- Vận dụng kết quả phân tích của các phương pháp khoa học tư nhiên có liên quan
như: Xác định niên đại C
14
, phân tích bào tử phấn hoa, phân tích thành phần thạch học,
địa tầng học,… để bổ sung vào phương pháp tiếp cận đánh giá tổng thể.
6. Những đóng góp của luận văn
Luận văn tập hợp, hệ thống hóa những tư liệu và kết quả nghiên cứu về di chỉ
Huổi Ca. Thông qua phân tích, xử lý tư liệu và nghiên cứu so sánh luận văn đã xác định

3
được những đặc trưng, tính chất và các giai đoạn phát triển văn hóa ở di chỉ Huổi Ca,
phác thảo con đường Đá mới hóa ở khu vực thượng du Sông Đà, bổ sung những nhận
thức mới về các giai đoạn phát triển khảo cổ học tiền sử Tây Bắc.
7. Bố cục luận văn
Lời mở đầu: 4 trang
Phần chính văn: 65 trang
+ Chương 1: Tổng quan tư liệu (6 trang)
+ Chương 2: Di chỉ Huổi Ca (44 trang)
+ Chương 3: Di chỉ Huổi Ca trong bối cảnh văn hóa tiền sử thượng du Sông Đà
(12 trang)
- Kết luận: 3 trang
- Tài liệu tham khảo: 7 trang
- Phụ lục: 116 trang
Những trang đầu của luận văn còn có các phần: Lời cam đoan (1 trang); Mục lục
(2 trang); Bảng ký hiệu và chữ viết tắt (1 trang); Danh mục biểu đồ, bản đồ, không ảnh,
sơ đồ, bản vẽ, bản ảnh (6 trang); Danh mục bài viết và tư liệu của tác giả có liên quan

đến luận văn (2 trang).

Chương 1
TỔNG QUAN TƯ LIỆU

1. Vài nét về đặc điểm tự nhiên tỉnh Lai Châu
Nằm ở phía Tây Bắc của tổ quốc, nơi thượng nguồn sông Đà, Lai Châu cách thủ
đô Hà Nội 450km, có tọa độ địa lý từ 21
0
51’ đến 22
0
49’ vĩ độ Bắc và 102
0
19’ đến
103
0
59’ kinh độ Đông. Về địa giới hành chính: phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam – Trung
Quốc; phía Đông giáp tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La; phía Tây và phía Nam giáp với
tỉnh Điện Biên. Lai Châu có 273km đường biên giới với cửa khẩu Ma Lù Thàng và
nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung, trực tiếp giao lưu với các vùng rộng lớn
phía Tây Nam Trung Quốc (BĐ 1; 2).
Lai Châu có đặc điểm địa hình là vùng lãnh thổ nhiều dãy núi và cao nguyên. Lai
Châu có chế độ khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới với ngày nóng, đêm lạnh, ít chịu

4
ảnh hưởng của bão. Lai Châu có hệ thống sông suối dày đặc, là vùng thượng lưu sông
Đà. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 9.070,19km
2
; chủ yếu là các loại đất đỏ, vàng
nhạt phát triển trên đá cát, đá sét và đá vôi. Lai Châu có nhiều loại hình rừng khác nhau

như rừng kín, rừng thưa, rừng rụng lá và rừng nửa rụng lá với độ che phủ của thảm thực
vật còn khoảng 30% (thống kê năm 2009). Lai Châu có khí hậu đa dạng nên rất phong
phú về tài nguyên động thực vật. Rừng ở Lai Châu có nhiều loại gỗ quý giá trị cao như
lát, chò chỉ, nghiến, táu, pơ mu, các cây đặc sản như cánh kiến đỏ, song, mây tre và các
loại cây, củ để làm thuốc. Quần động vật tương đối phong phú với 176 loài có vú, 974
loài chim, 250 loài bò sát [4, tr. 16] [53, tr. 17 – 18].
2. Quá trình nghiên cứu khảo cổ học tiền sử ở Lai Châu
Trước Cách mạng tháng Tám (1945), những phát hiện và nghiên cứu tiền sử và
sơ sử Lai Châu chưa nhiều và nhìn chung còn thiếu hệ thống. Ở giai đoạn này, người
Pháp chỉ biết tới hang Bản Mòn, huyện Thuận Châu (Sơn La) (Colani 1928), còn trên
đất Lai Châu thì chưa có cuộc khảo sát nào.
Sau cách mạng Tháng Tám, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nhiều
đợt điều tra khảo sát khảo cổ học ở vùng Tây Bắc, trong đó có Lai Châu. Năm 1964 có
cuộc khảo sát của Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tới năm 1969 có
cuộc khảo sát của Viện Khảo cổ học kết hợp với Viện Dân tộc học. Cho đến năm 1970,
Viện Khảo cổ học đã phát hiện các di tích khảo cổ học tiền sử trên đất Lai Châu như
hang Nậm Tun, Thẩm Khương [20, tr. 90-102]. Và, sau đó những di tích khảo cổ học
tiền sử đầu tiên được khai quật ở Lai Châu là hang Nậm Tun [21, tr. 33 - 34] và hang
Thẩm Khương [44, tr. 38 – 40]. Các địa điểm Nậm Tun và Thẩm Khương được đặc biệt
chú ý với nghiên cứu về mộ táng và di cốt người [2, tr. 41 - 42] [3, tr. 35 - 37], về di cốt
động vật [36, tr. 43 - 44] và về bào tử phấn hoa [55, tr. 45 - 46] và đặc biệt là tiền sử
miền Tây Bắc [45, tr. 40 - 53].
Năm 1998, Viện Khảo cổ học triển khai chương trình khảo sát vùng lòng hồ thuỷ
điện Sơn La tuyến Lai Châu trên một quy mô lớn và thu được nhiều kết quả quan trọng.
Trong lần khảo sát này, đoàn công tác đã phát hiện 16 địa điểm thời đại Đá cũ, 8 địa
điểm hậu kỳ Đá mới và 4 địa điểm thời đại Kim khí (BĐ 6-7)[58, tr. 14 – 18; 60, tr. 97-
99] .

5
Năm 2007, Viện Khảo cổ học tiến hành thẩm định lại các di tích khảo cổ lòng hồ

thủy điện Sơn La, trong đó có các di tích nằm trên đất tỉnh Lai Châu để xây dựng dự án
khai quật di dời các di tích này [65, tr. 25 - 28].
Thực hiện Quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Viện Khảo cổ học đã
phối hợp với các Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn
La khai quật 31 địa điểm khảo cổ học thuộc lòng hồ thủy điện Sơn La, thực hiện trong 3
năm từ 2008 – 2010 (KA 3). Trong đó, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 10 di tích: 1. Di chỉ
Nậm Dôn, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ; 2. Di chỉ Nậm Cha, xã Nậm Cha, huyện Sìn
Hồ; 3. Di chỉ Hát Đấu, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ; 4. Di chỉ Nậm Mạ, xã Nậm Mạ,
huyện Sìn Hồ; 5. Di chỉ Huổi Ca, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ; 6. Di chỉ Co Đớ, xã Nậm
Mạ, huyện Sìn Hồ; 7. Di chỉ Nậm Kha, xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ; 8. Di chỉ Nậm Hăn,
xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ; 9. Di chỉ Hát Hí, xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ; 10. Di chỉ
Hát Hỉ, xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ (KA 4;5) (BĐ 6;7) [66, tr. 117 - 124].
Tư liệu nghiên cứu hệ thống di tích và di vật của các cuộc khai quật ở Lai Châu
nói riêng và Tây Bắc nói chung có ý nghĩa quan trọng cho việc nghiên cứu quá khứ xa
xưa của khu vực này.
3. Tiểu kết chương 1
Chương 1 đã trình bày khái quát về vị trí địa lý, địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng,
khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái ở khu vực Lai Châu. Từ đó có thể khẳng định rằng, dưới
góc độ tự nhiên đây là khu vực có điều kiện thuận lợi cho sự định cư lâu dài của cư dân
thời tiền sử.
Sau hơn 30 năm phát hiện và nghiên cứu, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay với
việc triển khai dự án khai quật, di dời và xử lý các di tích khảo cổ học thuộc lòng hồ
thủy điện Sơn La đã mở ra một giai đoạn mới về nghiên cứu khảo cổ học tiền sử miền
Tây Bắc. Những kết quả khai quật, nghiên cứu về di tích di vật ở di chỉ Huổi Ca và 30
địa điểm khác trong lòng hồ thủy điện Sơn La đã thu được nhiều tư liệu quan trọng góp
phần phác thảo những nét chung nhất về thời tiền sử khu vực này.






6
Chương 2
DI CHỈ HUỔI CA

2.1. Về di chỉ, quá trình phát hiện và khai quật
Di chỉ Huổi Ca, thuộc bản Huổi Ca (cũ), xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu),
có tọa độ 22
0
09’347’’ vĩ Bắc, 103
0
22’537’’ kinh Đông, rộng trên 1.000m
2
cao trung
bình 25m so với mặt nước sông Đà mùa tháng Ba.
Nếu lấy di chỉ Huổi Ca làm trung tâm, thì các di tích xung quanh gồm có Nậm
Dôn cách 4,4km về phía tây, Hát Đấu cách 3,2km về phía tây, Nậm Mạ cách 500m về
phía đông bắc, Co Đớ cách 1,0km về phía đông và Nậm Cha cách 6,7km về phía đông
bắc. Có thể nói di chỉ Huổi Ca là trung tâm của nhóm các di tích kể trên.
Đầu năm 2010, Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lai Châu
tiến hành khai quật di chỉ này với diện tích 72m
2
, hố 1 rộng 40m
2
,

hố 2 là 32m
2
[31, tr.
39 - 42] (BV 1).

2.2. Cấu tạo địa tầng và tầng văn hóa
Địa tầng di chỉ Huổi Ca dày 1,5m, được chia thành 5 lớp thứ tự từ trên xuống
như sau (BV 2, h1 ; BA 6,14).
- Lớp mặt: dày 0,1 – 0,2m, là đất bồi tôn nền nhà màu nâu vàng không đều nhau,
thành phần là đất phù sa cổ lẫn với đất dạng feralite phong hóa từ đá phiến. Lớp này có
lẫn một số công cụ đá và mảnh tước.
- Lớp 1: dày 0,2 – 0,3m, thành phần là đất phù sa cổ lẫn với đất dạng feralite
phong hóa từ đá phiến. Trong lớp này có chứa công cụ đá và ít mảnh gốm thô dày.
- Lớp 2: dày 0,3 – 0,4m, là đất nguyên thổ màu nâu, độ rắn và kết dính cao hơn
lớp 1. Đây là loại đất dạng feralite phong hóa từ đá phiến có lẫn với sét dạng phù sa cổ.
Trong lớp này có một số tảng cuội lớn và di vật.
- Lớp 3: dày 0,4 – 0,5m, đất tương tự lớp trên nhưng có màu nâu sáng hơn, thành
phần giàu sét, mịn và chắc hơn. Trong lớp này chứa những cụm đá tập trung với nhiều
cuội tảng, công cụ đá, mảnh gốm và phế liệu.
- Lớp 4: dày 0,2m, đất cơ bản giống lớp trên nhưng mịn và dính hơn. Trong lớp
này chứa phần còn lại của một số cụm đá tập trung, công cụ đá và ít mảnh gốm.

7
- Sinh thổ là lớp đất mịn màu vàng nhạt, bề mặt sinh thổ dốc thoải nghiêng theo
địa hình.
Tầng văn hóa của di chỉ Huổi Ca có độ dày tương ứng với địa tầng và nghiêng
theo hướng từ bắc xuống nam và từ đông sang tây (theo địa hình tự nhiên), độ nghiêng
khoảng 10 – 15
o
. Vì di vật phân bố ở khắp các độ sâu của địa tầng, tầng văn hóa không
có lớp vô sinh ngăn cách cho nên chúng tôi phân định tầng văn hóa thành các mức
*
dựa
trên các đặc trưng về di tích và di vật.
- Mức trên: Tương ứng với lớp 1 – 2, dày trung bình 0,6 – 0,7m. Đất nguyên thổ

màu nâu, độ rắn và kết dính cao hơn lớp mặt.
- Mức giữa: Tương ứng với lớp 3, dày trung bình 0,4 – 0,5m. Đất giống lớp trên
nhưng giàu sét, mịn và chắc hơn.
- Mức dưới: Tương ứng với lớp 4, dày trung bình từ 0,2 – 0,3m, di vật chủ yếu là
công cụ cuội ghè, độ phong hóa cao, một số bàn mài, khá nhiều mảnh hạt trám cháy và
mảnh gốm thô bở.
Kết quả nghiên cứu phân tích 10 mẫu đất lấy trong thang địa tầng hố H1 di chỉ
Huổi Ca do Phòng Phân tích Thí nghiệm tổng hợp Viện Địa Lý – Viện Khoa học và
Công Nghệ Việt Nam phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành như sau:
- Di chỉ Huổi Ca đã được hình thành trên một bãi bồi ven Sông Đà cách nay
khoảng cuối Pleistocene đầu Holocenne.
- Quá trình nâng cao địa hình và xâm thực sâu đã làm khu vực di chỉ Huổi Ca
thoát khỏi chế độ bồi tụ và quá trình hình thành đất đá diễn ra liên tục, ổn định từ đó đến
ngày nay [71].
Tóm lại, Huổi Ca là một di chỉ có địa tầng dày nhất và nguyên vẹn trong các di
tích thềm sông hiện biết ở Tây Bắc. Địa tầng Huổi Ca cung cấp những thông tin rất
quan trọng góp phần bổ sung những nhận thức mới về các giai đoạn phát triển khảo cổ
học tiền sử Tây Bắc.
2.3. Di tích
Trong hố khai quật không tìm các loại hình di tích như mộ táng, hay hố cột mà
chỉ phát hiện một số di tích đáng chú ý như: Bếp lửa, cụm chế tác đá và tàn tích hạt quả.


*
Mức là khái niệm dùng để chỉ các giai đoạn phát triển sớm muộn trong một tầng văn hóa
thuần nhất không có lớp vô sinh ngăn cách mà chỉ có sự khác nhau nào đó về mặt di vật.

8
2.3.1. Bếp lửa
- Bếp lửa có cấu trúc hình bầu dục, kích thước 0,4 x 0,5 x 0,1m, chứa than tro,

đất cháy kết vón. Bếp xuất lộ trong lớp 1 tại ô a6 nên có thể là chỗ đốt lửa của người
nguyên thủy tương đương tuổi mức trên của tầng văn hóa.
2.3.2. Khu vực chế tác đá (cụm đá tập trung)
- Cụm chế tác đá: Phân bố dày đặc ở cuối lớp 2 cho đến lớp 4, tập trung nhất ở
lớp 2- 3 là 7 cụm đá tập trung. Mỗi cụm gồm có các cuội khối tảng lớn đặt xung quanh
dạng như ghế ngồi, trong đó các hạch đá lớn, đá nguyên liệu, hòn kê – đe, hòn ghè,
công cụ đá cuội ghè và nhiều mảnh tước, mảnh tách, đá sét sạn kết… Dựa vào tính chất
của di tích chúng tôi nhận định những cụm đá tập trung này là những cụm chế tác công
cụ đá (Working areas) (BV 3, 4) (BA 11, 12).
2.3.3. Tàn tích động thực vật
Ở di chỉ Huổi Ca không tìm thấy di tích xương răng động vật, cũng như vỏ các
loài nhuyễn thể. Có lẽ do ở ngoài trời nên các tàn tích động vật ở Huổi Ca đã bị phân
hủy hết.
Một phần của thảm thực vật ở Huổi Ca đã được biết đến qua kết phân tích 2 mẫu
bào tử phấn hoa lấy trong địa tầng hố H1. Hai mẫu này được lấy ở mức dưới cùng của
tầng văn hóa, độ sâu 1,40m và 1,50m. Kết quả phân tích như sau: mẫu nghèo bào tử
phấn hoa do mức độ bảo tồn kém. Các mẫu thu được chủ yếu là bào từ và phấn hoa của
thực vật thân cỏ và thân bụi. Tuổi của tập hợp mẫu trong khoảng cuối Pleistocene đầu
Holocene (Q1
3
- Q2
1
) [52].
Trong hố khai quật H1 đã phát hiện được rất nhiều mảnh hạt quả, chúng nằm rải
rác ở lớp 3 và lớp 4, phần nhiều tập trung ở trong các cụm chế tác đá. Hiện tượng được
ghi nhận tại hố khai quật là những mảnh hạt trám bị cháy được bao bọc bởi một lớp áo
đất mỏng nằm lẫn cùng đất kết vón có dấu hiệu bị cháy qua lửa nhưng chưa hình thành
dạng bếp. Đây là các hạt quả bị đốt cháy sau đó bị đập vỡ vụn thành những mảnh nhỏ
màu đen ánh như mảnh than đá. Dựa vào những mảnh vỡ này chúng tôi đã xác định đây
là mảnh hạt trám (canarium) (BA 55).

Kết quả nghiên cứu, so sánh tàn tích hạt trám ở Huổi Ca cho thấy, vào khoảng
sau 11.000 năm cách ngày nay, trám thực sự phổ biến trong thảm thực vật khu vực và
chúng chỉ thị cho nền khí hậu nóng ẩm mưa nhiều vào đầu Holocene. Và, Huổi Ca là

9
địa điểm ngoài trời dầu tiên ở Việt Nam phát hiện được bằng chứng về sự biến đổi khí
hậu [23].
Đây là phế thải thức ăn của người xưa đồng thời cũng là những tư liệu rất quý để
tiến hành phân tích xác định niên đại tuyệt đối cho di chỉ.
2.4. Di vật
Ngoại trừ số hiện vật thu được qua đợt điều tra phát hiện đầu tiên và thẩm định
các năm 1998 và 2007, thì số hiện vật thu được ở di chỉ Huổi Ca qua khai quật và sưu
tầm trên bề mặt năm 2010 là 14.271 hiện vật đá và 58 mảnh gốm.
2.4.1. Đồ đá
Trong số 14.271 hiện vật đá có 1.688 công cụ đá, 8.037 mảnh tước, 537 mảnh
tách và 4.002 hạch đá và hòn cuội nguyên liệu với nhiều kích cỡ khác nhau. Trong số
này, hố H1 có 12.258 hiện vật đá, 51 mảnh gốm, trong đó 1.238 công cụ đá được đăng
ký, số còn lại thuộc về nhóm nguyên liệu và phế liệu bao gồm: 7.537 mảnh tước, 352
mảnh tách, 16 hạch đá và 3.115 cuội nguyên liệu. Hố H2 có 1.674 hiện vật đá và 7
mảnh gốm, trong đó có 118 công cụ đá được đăng ký, 501 mảnh tước, 185 mảnh tách
và 870 đá nguyên liệu. Số hiện vật còn lại thuộc về sưu tập trên bề mặt trong phạm vi di
chỉ.
2.4.1.1. Nguyên liệu và chất liệu
Nguyên liệu để chế tác đồ đá ở Huổi Ca chủ yếu là đá cuội các loại. Chúng bao
gồm: Basalt, Quarzite, Trầm tích Silic, Quartz, Diabaz, Spilit, Rhyolite, Granite, Sét bột
kết, Phiến sét, Dacit, Gnai, Sienit, sạn kết, cát kết. trong đó chủ yếu là đá Basalt
(44,4%), Quarzite (30,6%) và trầm tích Silic (5,78%), còn các loại đá khác có số lượng
không đáng kể (Bảng 2.2) (Bđ 1).
2.4.1.2. Loại hình
Sưu tập hiện vật đá ở di chỉ Huổi Ca được chia thành 5 nhóm (Bảng 2.3) (Biểu

đồ 2):
- Công cụ đá ghè đẽo
- Công cụ đá mài và phác vật
- Công cụ không có dấu vết gia công
- Đồ trang sức, nghệ thuật
- Hạch đá, mảnh tước, mảnh tách và đá nguyên liệu

10
2.5. Đồ gốm
Cuộc khai quật ở di chỉ Huổi Ca phát hiện được 58 mảnh gốm, trong đó hố H1
có 51 mảnh, hố H2 có 7 mảnh. Chúng đều là gốm thô thuộc hai loại và được phát hiện ở
hai mức văn hóa khác nhau. Sau đây chúng tôi chỉ đề cập đến sưu tập gốm ở hố H1.
Về cơ bản Huổi Ca có hai loại gốm tương ứng với hai lớp văn hóa sớm và muộn.
Gốm lớp trên khá thuần nhất, hầu như chỉ có một loại chất liệu, đó là gốm thô, khá dày,
xương gốm pha nhiều hạt sạn mica, hoặc felspat nhỏ khá cứng, gốm màu nâu xám hoặc
xám đen. Gốm lớp dưới mỏng mịn hơn màu nâu hoặc nâu nhạt, chất liệu sét pha cát có
độ chọn lọc cao, độ nung thấp, mềm bở. Loại hình đồ gốm ở đây khá đơn điệu, có thể
thuộc loại đồ gia dụng như: nồi, vò, bát. Nhìn chung đồ gốm ở đây có kích thước nhỏ,
miệng loe, bản miệng hẹp, chân đế thấp. Gốm chỉ có một số mảnh văn thừng, các kiểu
văn khác không có mặt ở đây.
2.6. Tính chất, niên đại và các giai đoạn phát triển văn hóa
Huổi Ca là một di chỉ có tầng văn hóa dày. Đây là di chỉ cư trú đồng thời là nơi
chế tác công cụ của nhiều giai đoạn.
Nhìn chung địa tầng di chỉ có các lớp hơi khác nhau về thành phần thạch học và
kết cấu, nhưng tầng văn hóa phát triển liên tục không có lớp vô sinh ngăn cách. Tuy
nhiên dựa trên sự phân bố của di vật có thể nhận ra ba mức văn hóa phát triển liên tục ở
đây.
Mức văn hóa sớm nhất của Huổi Ca phổ biến những công cụ cuội ghè thô kiểu
kỹ nghệ Sơn Vi. Tuy nhiên ngay từ đây đã xuất hiện kỹ thuật tách mảnh từ hạch cuội
lớn, kỹ thuật bổ cuội kiểu kỹ nghệ Hòa Bình. Mặc dù khá hiếm công cụ đặc trưng Hòa

Bình nhưng xét về góc độ kỹ thuật có thể coi đó là một dạng tương đương với
Hoabinhian đầu Holocene ở các khu vực khác. Điều đặc biệt là ngay trong mức văn hóa
này cũng đã phát hiện được bàn mài và gốm biểu hiện tính chất Đá mới của giai đoạn
này.
Như đã đề cập ở phần trước, trong mức văn hoá sớm của di chỉ Huổi Ca đã phát
hiện được khá nhiều mảnh hạt trám (canarium) bị cháy. Như đã biết, trám đã được phát
hiện ở một số địa điểm hang động tiền sử có niên đại khoảng trên 10.000BP ở miền Bắc
Việt Nam như hang Xóm Trại, mái đá Đú Sáng, Động Cang (Hoà Bình), Mái đá Điều,
Hang Con Moong (Thanh Hoá) [69, tr. 137 - 138]. Đây là những chỉ thị về môi trường

11
cổ liên quan đến sự chuyển biến khí hậu từ lạnh khô ôn hoà mát mẻ sang nóng ẩm mưa
nhiều. Các kết quả phân tích bào tử phấn hoa cũng như thành phần kết cấu đất đều chỉ
thị chế độ tân nhiệt vào giai đoạn cuối Pleistocene đầu Holocene/
Kết quả phân tích niên đại C
14
với những mẫu hạt trám ở lớp 3- 4 (độ sâu từ
1,3m – 1,5m) trong địa tầng của hố H1 Huổi Ca do phòng Thí nghiệm C
14
Viện Khảo
cổ học tiến hành đã xác định niên đại tuyệt đối cho giai đoạn này là khoảng 10.000BP
(mẫu 1: 10.450  145; mẫu 2: 10.280  150 và mẫu 3: 10.860  120 (Bảng 2.12). Áp dụng
chương trình hiệu chỉnh về niên đại cacbon phóng xạ (Oxcal version 3.5) thực hiện chuyển
đổi các số đo tuổi C14 trên sang niên đại tính theo công lịch cho các kết quả niên đại tuyệt
đối của lớp sớm nhất di chỉ Huổi Ca từ 11.000 năm trCN đến 9.200 năm trCN. Đây cũng là
di chỉ ngoài trời có niên đại
14
C xác định bằng mẫu thực vật sớm nhất hiện nay (BA 55)
[39, tr. 115 - 116]. Các niên đại trên đây cũng phù hợp với nhận định rằng mức văn hóa
sớm nhất ở Huổi Ca thuộc giai đoạn cuối Pleitocene đầu Holocene và có tính chất sơ kỳ

thời đại Đá mới.
Mức văn hóa giữa có tổ hợp di vật bao gồm các công cụ ghè đẽo, công cụ mài hạn
chế, hạch đá và mảnh tước.
Công cụ ghè đẽo của giai đoạn này bên cạnh những công cụ ghè từ cuội nguyên bắt
đầu xuất hiện nhiều công cụ làm từ mảnh tước cỡ lớn và vừa. Những mảnh tước này được
tách ra từ các hạch cuội khối tảng lớn hoặc từ thủ pháp bổ dọc hay bổ ngang hòn cuội
(khoanh lát cuội). Về mặt loại hình, bên cạnh các loại chặt thô truyền thống còn có một số
lượng đáng kể những công cụ được ghè xung quanh hình oval, hình đĩa. Tuy nhiên phần
lớn loại công cụ này ở Huổi Ca được làm từ mảnh tước.
Các công cụ mài không nhiều và đều là dạng biface mài lưỡi hình bầu dục hoặc gần
hình thang góc vê cong. Rìu chưa được mài nhẵn toàn thân mà còn nhiều vết ghè chưa xóa
hết, các góc cạnh chưa vuông vắn khúc triết, mặt cắt ngang hình bầu dục hoặc thấu kính.
Đây là loại rìu mài thường thấy trong giai đoạn trung kỳ Đá Mới ở khu vực Bắc Bộ như rìu
thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Đa Bút và di chỉ Cái Bèo.
Một đặc điểm khá nổi bật của mức này là sự hiện diện của nhiều điểm chế tác đá với
các cụm đá tập trung. Có thể nói rằng những cụm chế tác đá hay hoạt động khác ở đây
minh chứng cho trật tự ổn định và nguyên vẹn của địa tầng. Hơn nữa nó cũng phản ánh quy
trình chế tác đá có tính hệ thống với nhu cầu và cường độ cao.

12
Với tư liệu phân tích trên đây có nhiều cơ sở để cho rằng các di tồn văn hóa mức
giữa Huổi Ca mang tính chất Đá Mới giữa nằm trong khung niên đại khoảng 7.000 đến
4.500 cách ngày nay.
Mức văn hóa muộn của Huổi Ca nằm trong lớp dày nhất của tầng văn hóa nhưng
khoảng thời gian tồn tại lại ngắn nhất vì tích tụ phế thải của hoạt động sống nhất là của việc
chế tác đá diễn ra mạnh hơn.
Giai đoạn này tiếp tục chứng kiến sự hiện diện của khá nhiều công cụ cuội ghè đẽo
với loại hình và kỹ thuật ít khác biệt so với trước. Các cụm đá tập trung vẫn tiếp tục phát
triển ở mức này, tuy nhiên nó có xu hướng trải rộng đều hơn trên khắp bề mặt. Các hạch đá
bằng cuội khối tảng lớn, mảnh tách, mảnh tước cỡ vừa, hòn kê lớn, cuội nguyên liệu xuất

hiện khá nhiều. Tổ hợp di vật này khiến chúng ta liên tưởng đến một dạng công xưởng chế
tác đá của giai đoạn Đá Mới muộn. Tuy nhiên các phác vật và công cụ mài ở đây không
nhiều, nó không tương xứng với tổ hợp phế liệu đã nói ở trên. Có thể giả thuyết rằng đá
nguyên liệu sơ chế và phác vật đã được vận chuyển đến những địa điểm khác để hoàn
thiện.
Những hiện vật chỉ thị cho niên đại của mức văn hóa này là một số chiếc rìu mài
nhẵn toàn thân, đồ trang sức và gốm.
Rìu mài toàn thân ở đây đều là dạng hình thang với các dạng không vuông vắn khúc
triết. Chúng ta vẫn có thể liên tưởng loại rìu này về sự gần gũi và có nguồn gốc phát triển
trực tiếp từ loại rìu hình bầu dục mài hạn chế của mức văn hóa sớm hơn trước đó. Sự
không có mặt của rìu có vai hay rìu tứ giác mài vuông vắn một mặt thể hiện tính chất văn
hóa mặt khác cũng chỉ thị cho khung niên đại giai đoạn này thuộc hậu kỳ Đá Mới mà chưa
hẳn đã bước sang sơ kỳ thời đại Kim khí.
Một số mảnh vòng được phát hiện trong mức này đều là loại bản rộng, mặt cắt hình
tam giác và chưa thực sự chau chuốt tinh xảo. Chất liệu đá làm vòng cũng thuộc loại đá
thường, có thể là dacit, đôi khi còn được dùng làm công cụ. Không tìm thấy lõi vòng cũng
như những dấu vết liên quan đến kỹ thuật khoan tách lõi. Các phác vật vòng trang sức ở
đây có hình đĩa dẹt được ghè đẽo sau đó được dùi hay đục lỗ giữa trước khi mài dũa rộng
dần ra. Nhìn chung kỹ thuật chế tác đồ trang sức ở đây còn mang những yếu tố thô sơ chưa
đạt đến trình độ như ở các di chỉ Bản Mòn, Thọc Kim (Sơn La).

13
Đồ gốm của mức văn hóa muộn ở Huổi Ca nhìn chung cũng khá thô và đơn điệu.
Gốm hầu như chỉ có một loại màu xám đen, hơi cứng và dày hơn gốm lớp dưới. Hiện mới
chỉ thấy gốm văn thừng mà chưa có văn khắc vạch hay trang trí khác. Có thể nhận thấy tổ
hợp gốm sớm và muộn ở Huổi Ca có sự khác biệt về màu sắc, độ dày, độ nung, thể hiện
một phần nào đó về kỹ thuật làm gốm, nhưng hoa văn thì gần như khá tương đồng. Điều
này có thể phản ảnh mối quan hệ nguồn gốc giữa hai tổ hợp gốm này.
Hiện tại, kiểu gốm muộn của Huổi Ca đã được tìm thấy khá phổ biến trong nhiều di
chỉ khu vực thượng du sông Đà. Chúng có thể là đại diện cho một tổ hợp đồ gốm thuộc giai

đoạn hậu kỳ Đá Mới của khu vực trước khi có ảnh hưởng của phức hợp gốm sơ kỳ Kim khí
như gốm Phùng Nguyên.
Như vậy, những đặc trưng của tổ hợp di vật đồ đá mài, đồ trang sức và đồ gốm ở
mức văn hóa muộn của di chỉ Huổi Ca phản ảnh tính chất của một văn hóa Đá Mới muộn
tương đối khác với các hệ thống đã biết. Huổi Ca là một đại diện tiêu biểu có nhiều điểm
cùng chia sẻ với nhóm các di tích vùng thượng du Sông Đà.
2.7. Tiểu kết chương 2
Chương 2 đã trình những tư liệu về vị trí địa lý, các hố khai quật, cấu tạo địa
tầng, tầng văn hóa, di tích và di vật di chỉ Huổi Ca.
Di chỉ Huổi Ca có địa tầng dày gồm 5 lớp trong đó có chứa các thành phần tích
tụ thể hiện môi trường cuối Pleitocene sang Holocene. Tầng văn hóa cấu tạo gồm 3 lớp,
tập hợp các di tích và di vật mỗi lớp đặc trưng cho một giai đoạn phát triển văn hóa, các
lớp văn hóa đó phát triển liên tục từ sơ kỳ Đá mới đến sơ kỳ Kim khí.
Huổi Ca là một di tích có số lượng di tích và di vật khá phong phú. Các tập hợp
di tích thực vật, cụm chế tác đá được nghiên cứu cẩn thận, có giá trị nghiên cứu về niên
đại cũng như kỹ thuật chế tác đá của cư dân cổ. Với bộ di vật đồ đá gần 2.000 công cụ
và hơn 1 vạn mảnh tước, mảnh tách, hạch đá, đá nguyên liệu đã được phân loại, khảo tả,
thống kê khá đầy đủ, cung cấp cho người đọc những thông tin cần thiết để tìm hiểu về
đặc trưng loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ đá của di chỉ này. Bộ sưu tập công cụ đá
ghè đẽo ở Huổi Ca với những yếu tố truyền thống và những đặc trưng riêng thể hiện rất
rõ tính bảo lưu truyền thống kỹ thuật ghè đẽo của văn hóa Sơn Vi. Ngoài đồ đá, Huổi
Ca còn có một sưu tập gần 60 mảnh gốm thô được phát hiện ở đây với hai mức văn hóa
sớm muộn khác nhau. Bước đầu xác định nhóm gốm sớm ở di chỉ này có niên đại sớm

14
hơn phức hợp gốm đồng bằng ven biển Đa Bút – Quỳnh Văn – Cái Bèo, nó đại diện cho
hệ thống gốm sớm nằm sâu trong lục địa ở khu vực Tây Bắc.

Chương 3
DI CHỈ HUỔI CA TRONG BỐI CẢNH VĂN HOÁ TIỀN SỬ THƯỢNG

DU SÔNG ĐÀ

3.1. Mức văn hóa sớm của Huổi Ca trong bối cảnh hậu kỳ Đá cũ – sơ kỳ Đá
mới khu vực
Như đã nói ở trên, mức văn hóa sớm của di chỉ Huổi Ca được cấu thành bởi các
yếu tố: Công cụ cuội ghè đẽo, có thể đã xuất hiện công cụ mài lưỡi và đồ gốm.
Trong công cụ ghè đẽo, số đông thuộc về các loại hình công cụ truyền thống kiểu
kỹ nghệ Sơn Vi, một phần nào đó phảng phất công cụ kiểu Nậm Tun, nhất là đối với
loại chopper đầu nhọn hay mũi nhọn thô.
Những công cụ mảnh sản phẩm của kỹ thuật bổ cuội hay tách mảnh từ hạch cuội
khối tảng lớn chưa thực sự chiếm ưu thế trong giai đoạn này nhưng nó đã phản ánh tính
chất gần gũi với kỹ nghệ Hòa Bình.
Có thể nhận định rằng Huổi Ca phát triển trực tiếp từ kỹ nghệ hậu kỳ Đá cũ mà
có lẽ nó là giai đoạn tiếp nối sau Nậm Tun, Thẩm Khương hay những di tích khác thuộc
dạng Hòa Bình sớm – Hòa Bình Pleistocene trong khu vực. Bước sang đầu Holocene,
khí hậu ấm lên các nhóm cư dân sống trong hang động dần chuyển ra cư trú ở ngoài
trời, ven sông. Ngoài Huổi Ca còn có một số di tích khác hiện biết có thể xếp vào bình
tuyến này mà tiêu biểu là Huổi Le 2 (mức dưới) và lớp dưới của di chỉ Nậm Cha.
3.2. Mức văn hóa giữa của Huổi Ca trong bối cảnh cuối trung kỳ đầu hậu kỳ
Đá mới khu vực
Gần gũi với mức văn hóa giữa của Huổi Ca có thể tạm thời xếp các di tích Nậm
Cha (mức giữa), Nậm Dôn, Hát Đấu (sưu tập rìu mài hạn chế), Huổi Le 1, Huổi Le 2
(mức trên) và Pắc Na (mức giữa) (BV 29- 34; BA 63, 70 ).



15
3.3. Mức văn hóa muộn Huổi Ca trong bình tuyến cuối hậu kỳ Đá mới – sơ
kỳ Kim khí
Mức văn hóa này ở Huổi Ca có thể được chỉ định bởi tổ hợp di vật rìu mài hình

tứ giác nhỏ, vòng tay mặt cắt hình tam giác và gốm cứng màu xám đen. Tuy nhiên Huổi
Ca chưa thực sự bước sâu sang thời đại Kim khí vì không có rìu có vai hay rìu tứ giác
mài nhẵn bóng, chưa phát hiện được lõi vòng với kỹ thuật khoan tách lõi, chưa thấy
gốm với các mô típ trang trí hoa văn khắc vạch.
Những địa điểm giống Huổi Ca thuộc giai đoạn này có thể tìm thấy ở nhiều địa
điểm trong khu vực nhưng có lẽ gần gũi nhất là ở di chỉ Huổi Le 2 và Mường Chiên.
Những dấu hiệu của sơ kỳ thời đại Kim khí và muộn hơn hiện diện ở khá nhiều
di tích trong khu vực như mức văn hóa muộn của Nậm Cha, Nậm Dôn, Hát Đấu, Nậm
Mạ, Co Đớ và gần đây là một số di chỉ thuộc lòng hồ thủy điện Bản Chát (Lai Châu)
mới được khai quật tiêu biểu như Tà Vải 1, Phiêng Áng .v.v. Bình tuyến văn hóa này
xuất hiện rìu có vai, rìu tứ giác mài nhẵn bóng góc cạnh vuông vắn, vòng tay mỏng dẹt
với kỹ thuật khoan tách lõi, bàn đập vỏ cây, đồ xương chạm khắc tinh xảo. Đồ gốm có
nhiều mô típ văn chấm dải hoặc khắc vạch hình sóng nước, kiểu chữ “S”, khá nhiều chì
lưới và dọi xe sợi .v.v. Sắc thái văn hóa giai đoạn này mang tính chất giao lưu rộng rãi
với các văn hóa Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng và sông Mã.
Giai đoạn muộn hơn nữa ở một số địa điểm có sự hiện diện của đồ đồng cũng
như khuôn đúc thuộc hậu kỳ thời đại Kim khí và có thể thuộc hệ thống văn hóa Đông
Sơn.
3.4. Từ Huổi Ca, phác thảo về con đường Đá mới hóa ở thượng du sông Đà
3.4.1. Giai đoạn sơ kỳ Đá mới
Có thể nói cơ tầng Hoabinhian ở khu vực thượng du sông Đà không tiêu biểu và
đậm nét như ở khu vực sơn khối đá vôi Hòa Bình hay Thanh Hóa. Tuy nhiên ở đây
cũng có một số di tích thuộc giai đoạn Hòa Bình sớm (Hòa Bình Pleistocene) như Nậm
Tun, Thẩm Khương hay mức dưới Lán Mỏ và giai đoạn Hòa Bình giữa – muộn (Hòa
Bình Holocene) như mức sớm Huổi Ca, Huổi Le 1, Huổi Le 2, Nậm Cha, Tà Vải 1, Sập
Việt, mức trên Lán Mỏ.v.v.

16
Do những đặc thù về điều kiện tự nhiên hay lý do nào khác mà các nhóm cư dân
Đá mới sớm ở đây phổ biến cư trú ở thềm sông, một điểm khá khác biệt so với các vùng

khác.
Ngoại trừ các trường hợp như Thẩm Khương hay Nậm Tun đã xuất hiện một số
lượng nhất định công cụ kiểu Hòa Bình, hay muộn hơn như trường hợp ở địa điểm Sập
Việt cũng có sắc thái Hòa Bình rõ nét hơn. Số còn lại nhìn chung không mấy đặc trưng
kỹ nghệ Hòa Bình. Ở Huổi Ca, Huổi Le 1, Huổi Le 2, Nậm Cha có mặt một số công cụ
hình đĩa, hình bầu dục hay rìu ngắn nhưng chúng có kích thước nhỏ và phần lớn được
làm từ mảnh tước. Loại hình công cụ đá phổ biến trong giai đoạn này là những công cụ
dạng chopper mang truyền thống kỹ nghệ đá Sơn Vi. Tuy nhiên điểm khác Sơn Vi hay
khác tính chất Đá cũ ở đây là sự phát triển của kỹ thuật bổ cuội, kỹ thuật tách mảnh từ
hạch cuội khối tảng lớn, theo đó là sự phổ biến của công cụ mảnh tước.
Kỹ thuật mài và công cụ mài lưỡi chắc chắn đã xuất hiện trong giai đoạn này
nhưng mức độ phát triển khá chậm và hạn chế. Đồ gốm có thể đã được biết đến nhưng
tư liệu chưa nhiều và nếu đó là khả năng chắc chắn thì khu vực này có một truyền thống
gốm sớm khác với vùng đồng bằng, ven biển Việt Nam.
Có thể nhận định rằng Đá mới sớm khu vực có những nét của cơ tầng Hòa Bình
hóa nhưng mức độ yếu và mang sắc thái riêng biệt. Mặc dù tổ hợp công cụ đá giai đoạn
này phổ biến các loại mang hình thái Đá cũ kiểu Sơn Vi nhưg xét toàn cục thì chúng chỉ
được xem như sự bảo lưu truyền thống và đặc thù của quá trình tiến triển kỹ nghệ đá
khu vực.
3.4.2. Giai đoạn trung kỳ Đá mới
Giai đoạn trung kỳ Đá mới tương đương với mức giữa Huổi Ca có sự biến đổi
của kỹ thuật chế tác đá, mức độ sử dụng cũng được tăng cường đáng kể biểu hiện qua
số lượng công cụ và phế thải.
Kỹ thuật ghè công cụ cuội nguyên có biểu hiện suy giảm, trong khi đó thủ pháp
bổ cuội và ghè tách mảnh từ hạch cuội khối tảng lớn với kỹ thuật block on block được
tăng cường. Điều này dẫn đến hệ quả là số lượng công cụ mảnh cũng tăng lên rõ rệt
trong đó có một số loại công cụ kiểu Hòa Bình nhưng khá nhỏ và mỏng mảnh. Kỹ thuật
mài với rìu mài đã tương đối phát triển, nhất là giai đoạn muộn. Điểm cần ghi nhận ở
đây là loại rìu cuội mài rất hiếm thấy mà phổ biến là loại rìu hình thang mặt cắt hình bầu


17
dục được mài từ những phác vật tu chỉnh từ mảnh tước. Các phác vật và rìu mài hạn chế
chưa xóa hết vết ghè đẽo là đặc trưng của giai đoạn này.
Gốm thời kỳ này không thấy biểu hiện rõ rệt, tư liệu thu được còn rất hạn chế và
chưa đủ độ tin cậy. Tạm thời chỉ có thể phỏng đoán rằng loại gốm mỏng, bở màu nâu
nhạt văn thừng đã phát hiện ở mức sớm hơn tiếp tục tồn tại trong giai đoạn này và đến
cuối giai đoạn này có thể xuất hiện loại gốm xám đen cứng hơn. Về phương thức kinh tế
hái lượm – săn bắt có lẽ vẫn đóng vai trò chủ đạo. Việc đánh bắt cá bằng lưới có biểu
hiện rõ ràng thông qua những viên đá được ghè thắt eo giống như những chiếc chì lưới.
Việc phân định một giai đoạn trung kỳ Đá mới là một nét mới trong nhận thức về
tiền sử khu vực. Cho đến nay khảo cổ học mới chỉ biết đến con đường Đá mới hóa sau
Hòa Bình – Bắc Sơn ở vùng ven rìa đồng bằng và ven biển như Đa Bút, Cái Bèo,
Quỳnh Văn, Bàu Dũ. Nhưng những phát hiện gần đây đã gợi mở khả năng tồn tại những
con đường Đá mới hóa khác nằm sâu trong lục địa. Đó là các con đường tiêu biểu như
sau Bắc Sơn thuộc lưu vực sông Thương (Bắc Giang) và những chứng cớ thu được gần
đây về giai đoạn trung kỳ Đá mới ở lưu vực sông Đà.
3.4.3. Giai đoạn hậu kỳ Đá mới – sơ kỳ Kim khí
Ở Huổi Ca cũng như những địa điểm khác trong khu vực được xác định bởi
những yếu tố rìu hình thang hay tứ giác có góc cạnh vuông vắn khúc triết mài nhẵn
bóng. Đây là tiến trình phát triển nội tại của truyền thống chế tác rìu từ giai đoạn trung
kỳ Đá mới tiến đến việc hình thành các công xưởng sản xuất loại sản phẩm này như ở
Huổi Ca và Mường Chiên. Rìu có vai xuất hiện muộn hơn, có lẽ thuộc sơ kỳ thời đại
Kim khí trở đi và khả năng do giao lưu trao đổi với các nhóm cư dân ở những khu vực
khác.
Tư liệu về đồ gốm của giai đoạn này khá rõ ràng, phổ biến là gốm màu nâu xám
hay xám đen, hơi cứng, văn thừng hoặc một số mô típ khắc vạch đơn giản hình sóng
nước như đã thấy ở Huổi Ca, Nậm Cha, Tà Vải 1 .v.v. Bước sang sơ kỳ Kim khí xuất
hiện gốm màu nâu sáng văn khắc vạch in chấm, miết láng kiểu gốm văn hóa Phùng
Nguyên.
Đồ trang sức với hai loại chủ yếu là vòng tay và khuyên tai đã được chế tác và sử

dụng khá phổ biến. Mức sớm được chế tác bằng kỹ thuật dùi hay đục lỗ và mài sau đó
tiếp thu kỹ thuật khoan tách lõi. Một vài địa điểm mà tiêu biểu là Tà Vải 1 (Lai Châu)

18
có thể được coi như chuyên về sản xuất đồ trang sức. Nghề thủ công khác như xe sợi
dệt vải hoặc đan lưới cũng khá phổ biến. Cho dù khả năng đã xuất hiện sản xuất nông
nghiệp nhưng chắc chắn mức độ và phạm vi còn khá hạn chế. Kinh tế khai thác tự nhiên
hẳn còn đóng vai trò quan trọng, nhất là việc đánh bắt cá bằng lưới khá phát triển trong
giai đoạn này.
Nói tóm lại, con đường Đá mới hóa khu vực thượng du sông Đà mang những đặc
thù riêng. Điểm nổi bật trong sắc thái văn hóa ở đây là yếu tố truyền thống được duy trì
hết sức đậm đà và lâu dài bên cạnh những tiến triển nội tại và giao lưu, tiếp xúc văn
hóa. Chúng ta khó có thể tưởng tượng được rằng trong rất nhiều trường hợp các di tích
thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới và thậm chí bước sang thời đại Kim khí, công cụ ghè
đẽo thô sơ kiểu Sơn Vi vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Như vậy trong một chừng mực nhất định
có thể coi đây là một hệ thống văn hóa – Văn hóa Huổi Ca.
3.5. Tiểu kết chương 3
Chương 3 đã trình bày một vấn đề hết sức quan trọng về di chỉ Huổi Ca – Vị trí
của di chỉ này trong bối cảnh tiền sử khu vực thượng du sông Đà.
Với mức văn hóa sớm ở Huổi Ca phát triển trực tiếp từ kỹ nghệ hậu kỳ Đá cũ mà
có lẽ nó là giai đoạn tiếp nối sau Nậm Tun, Thẩm Khương hay những di tích khác thuộc
dạng Hòa Bình sớm – Hòa Bình Pleistocene trong khu vực có niên đại từ 10.000 –
8.000BP.
Mức văn hóa giữa Huổi Ca tương đương cuối trung kỳ đầu hậu kỳ Đá mới khu
vực, niên đại từ 7.000 – 4.500BP.
Mức văn hóa muộn Huổi Ca trong bình tuyến cuối hậu kỳ Đá mới – sơ kỳ Kim
khí khu vực.
Tư liệu từ Huổi Ca có thể phác thảo ra con đường Đá mới hóa ở khu vực thượng
du sông Đà.


KẾT LUẬN

1. Lai Châu ở miền Tây Bắc, nơi thượng nguồn của dòng sông Đà. Nơi đây có hệ
sinh thái nhiệt đới gió mùa, quần động thực vật phong phú, địa hình thung lũng đá vôi,
hệ thống sông suối dày đặc với nhiều bãi bồi màu mỡ là những điều kiện thuận lợi cho

19
cư dân tiền sử có mặt sớm và cư trú lâu dài trong mối giao lưu mở từ nhiều hướng. Dấu
vết sớm nhất của con người được tìm thấy ở hang Thẩm Khương, hang Nậm Tun có
niên đại hậu kỳ Đá cũ. Tiếp sau đó là hàng loạt các điạ điểm khảo cổ tiền sử khác như
Huổi Ca, Nậm Cha, Nậm Mạ, Nậm Dôn, Co Đớ, Hát Đấu, Nậm Hăn, Nậm Kha, Hát Hí,
Hát Hỉ, Pá Pha. Di chỉ Huổi Ca nằm trong mối quan hệ chung với hệ thống các di tích
khảo cổ tiền sử kể trên.
2. Những tư liệu khai quật di chỉ Huổi Ca có ý nghĩa rất lớn không chỉ với khảo
cổ học tiền sử Lai Châu, mà còn đối với cả vùng thượng du sông Đà và miền Tây Bắc.
Địa tầng và tầng văn hóa di chỉ Huổi Ca dày và có sự phát triển liên tục qua các giai
đoạn khác nhau:
- Giai đoạn sớm nhất (niên đại từ 10.000BP đến 8.000 năm cách ngày nay) tương
ứng với đầu Holocene trầm tích đất thịt pha cát mịn, chứa tàn tích hạt trám cháy và phổ
phấn hoa, đặc trưng giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường khô lạnh sang nóng ẩm. Công
cụ đá mang đậm tính chất của kỹ thuật ghè cuội hậu kỳ Đá cũ, nhưng thực chất đây là
sự bảo lưu yếu tố truyền thống Đá cũ Sơn Vi. Bên cạnh đó đã xuất hiện một số yếu tố
của văn hóa Đá mới như ghè tách mảnh từ hạch cuội khối tảng mang phong cách Hòa
Bình
- Giai đoạn giữa (niên đại khoảng 7.000 – 4.500 năm cách ngày nay). Được đánh
dấu bằng sự bùng nổ của các cụm chế tác đá cùng với sự phát triển của kỹ thuật chế tác
đá ở Huổi Ca theo xu hướng ghè tách mảnh từ hạch cuội tảng lớn, phổ biến dùng mảnh
làm công cụ bên cạnh vẫn bảo lưu truyền thống công cụ cuội nguyên. Mặc dù số lượng
cuội nguyên không giảm sút nhưng xét về mặt kỹ thuật chúng đã có chiều hướng suy
thoái.

- Giai đoạn muộn (khoảng từ 4.500 – 3.000 năm cách ngày nay), với khí hậu
nóng ẩm mưa nhiều gần gũi với khí hậu hiện đại. Kỹ nghệ chế tác công cụ đá giai đoạn
này được đánh dấu bởi sự phát triển rõ ràng của kỹ thuật tách mảnh và ưu thế của các
loại hình công cụ mảnh. Công cụ cuội nguyên vẫn tiếp tục được bảo lưu và duy trì về
mặt số lượng nhưng về mặt kỹ thuật đã suy giảm rõ rệt, các loại hình công cụ ghè đẽo
không được chế tác công phu hay trau chuốt như các giai đoạn trước nữa.
3. Cho đến thời điểm hiện tại ở khu vực thượng du sông Đà đã phát hiện được
hơn 20 địa điểm khảo cổ học thời đại Đá, phân bố trải dọc thềm bậc hai của dòng sông

20
Đà và các chi lưu của nó, tập trung nhất ở khu vực huyện Sìn Hồ (Lai Châu) và huyện
Tủa Chùa (Điện Biên).
Do phân bố ngoài trời nên phần lớn các di tích này có cấu tạo tầng văn hóa mờ
nhạt, nghèo nàn về di tích, một lượng lớn di vật đá được thu nhặt trên bề mặt, thiếu
chứng cứ địa tầng. Di chỉ Huổi Ca là một trong số ít các di chỉ còn giữ lại được tầng văn
hóa dày và nguyên vẹn, phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn, có giá trị nghiên cứu
cao.
4. Kết quả nghiên cứu Huổi Ca và mối quan hệ của nó với các di tích trong khu
vực đã đưa lại một số nhận thức mới, rất quan trọng về tiến trình phát triển của khảo cổ
học tiền sử ở Lai Châu nói riêng và cả miền Tây Bắc nói chung. Từ Huổi Ca gợi mở
một con đường Đá mới hóa sau Hòa Bình – Bắc Sơn ở khu vực thượng du sông Đà.
Điểm nổi bật trong sắc thái văn hóa ở đây là yếu tố truyền thống được duy trì hết sức
đậm đà và lâu dài bên cạnh những tiến triển nội tại và giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Ở một
chừng mực nhất định, tác giả luận văn đề xuất một hệ thống văn hóa mới – Văn hóa
Huổi Ca – văn hóa của các di tích phân bố ở khu vực thượng du sông Đà.

References.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Quý Cảnh (2001). Về sự tồn tại của công cụ đá ghè đẽo trong các di tích
thời đại Kim khí. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001, tr 183 –

184. Hà Nội 2001.
2. Nguyễn Lân Cường (1976). Di cốt người cổ Thẩm Khương (Lai Châu). Trong
Khảo cổ học, số 17, tr. 41 – 42.
3. Nguyễn Lân Cường, Võ Hưng (1976). Người cổ Nậm Tun. Trong Khảo cổ học,
số 17, tr. 35 – 37.
4. Cục Thống kê Lai Châu 2010. Niên giám thống kê Lai Châu 2004 – 2009. Nxb
Thống Kê Hà Nội.
5. Nguyễn Trung Chiến (1987). “Về các giai đoạn phát triển thời đại đá mới ở Bắc
và Bắc Trung Bộ. Trong Khảo cổ học, số 4, tr. 17 – 30.

21
6. Nguyễn Trung Chiến, Đào Quý Cảnh, Phạm Duy Khương, Bùi Văn Mạnh,
(2000). Khai quật địa điểm Nà Hin, xã Nà Nghịu, huyện sông Mã (Sơn La).
Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2000. tr, 148 – 152. Nxb
KHXH, Hà Nội.
7. Hoàng Xuân Chinh (1979). Nhóm di tích Nậm Tun – Bản Phố. Trong Khảo cổ
học, số 2. tr. 31-36.
8. Hoàng Xuân Chinh (1984). Mái đá Ngườm và các giai đoạn phát triển từ Sơn Vi
đến Hòa Bình. Trong Khảo cổ học, số 3. tr. 15-19.
9. Hoàng Xuân Chinh (1987). Về sự phát triển của văn hóa thời đại đá mới Việt
Nam. Trong Khảo cổ học, số 4. tr. 6 – 10.
10. Hoàng Xuân Chinh (1990). Phương pháp loại hình học trong khảo cổ học. Trong
Khảo cổ học, số 4: 1-6.
11. Hoàng Xuân Chinh (chủ biên) (1989). Văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam. Nxb
KHXH, Hà Nội.
12. Trình Năng Chung (1992). Một số địa điểm Hòa Bình ngoài trời ở Nam Trung
Quốc. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992, tr. 74 – 76.
13. Trình Năng Chung (1993). Đặc trưng văn hóa Hòa Bình trong sơ kỳ đá mới ở
Nam Trung Quốc. Trong Khảo cổ học, số 2, tr. 81 – 85.
14. Trình Năng Chung (1993). Kỹ thuật ghè đẽo hai mặt trong văn hóa Hòa Bình.

Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1993, tr. 52 – 53.
15. Trình Năng Chung (1995). Kỹ thuật bổ cuội trong văn hóa Hòa Bình. Trong
Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1995, tr. 66 – 67.
16. Trình Năng Chung (1995). Một số vấn đề về gốm sớm Nam Trung Quốc. Trong
Khảo cổ học, số 3, tr. 74 – 82.
17. Trình Năng Chung (2009). Mối quan hệ văn hóa thời tiền sử giữa Bắc Việt nam
và Nam Trung Quốc. Nxb KHXH, Hà Nội.
18. Nguyễn Kim Dung (1983). Hai hệ thống gốm sớm trong thời đại đá mới Việt
Nam. Trong Khảo cổ học, số 1, tr. 22 – 35.

22
19. Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Việt (1981). Thử nhìn lại gốm trong các hang động
Hòa Bình – Bắc Sơn. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1981, tr.
42.
20. Nguyễn Xuân Diệu, Võ Quý (1972). Điều tra khảo cổ học Tây Bắc. Trong
Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1972. tr. 90 - 102.
21. Nguyễn Xuân Diệu, Võ Quý (1976). Hang Nậm Tun (Lai Châu). Trong Khảo cổ
học, số 17. tr. 33-34.
22. Lê Hải Đăng (2011). Về những mảnh gốm ở Huổi Ca (Lai Châu). Trong Những
phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2011.
23. Lê Hải Đăng 2011. Về những tàn tích thực vật ở di chỉ Huổi Ca (Lai Châu).
Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2011.
24. Lê Hải Đăng, Đào Quý Cảnh (2011). Kết quả khai quật di chỉ Nậm Mạ (Lai
Châu) Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2010, tr. 47- 49.
25. Lê Hải Đăng và Nguyễn Gia Đối (2008). Nhận thức về thời đại đá mới ở Tây
Nguyên qua kết quả khai quật di chỉ Thôn Tám. Trong Khảo cổ học, số 2, tr. 18 -
29
26. Nguyễn Trường Đông (2009a). Mảnh tước và cách xác định kích thước công cụ
đá. Trong Khảo cổ học. số 4, tr. 98-101.
27. Nguyễn Trường Đông (2009b). Loại hình học giai đoạn và phân loại mảnh tước.

Trong Khảo cổ học, số 1, tr. 92-98.
28. Nguyễn Trường Đông và nnk (2011). Kết quả khai quật di chỉ Nậm Cha (Lai
Châu). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2000. tr, 34 – 36. Nxb.
KHXH, Hà Nội.
29. Nguyễn Gia Đối (2003). Khởi nguồn của những con đường Đá mới hóa ở Bắc
Trung Bộ Việt Nam. Trong Khảo cổ học, số 3, tr. 8-17.
30. Nguyễn Gia Đối (2011). Kết quả khai quật địa điểm Tà Vải 1 (Lai Châu). Trong
Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011.

23
31. Nguyễn Gia Đối, Lê Hải Đăng. Triệu Văn Cương (2011). Kết quả khai quật di
chỉ Huổi Ca (Lai Châu). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2010.
tr. 39 – 42.
32. Phạm Lý Hương (1984). Gốm trong văn hóa Hòa Bình. Trong Khảo cổ học, số 1
– 2, tr. 62 – 65.
33. Phạm Lý Hương (1999). Các trung tâm sản xuất gốm Việt Nam. Báo cáo đề tài
cấp Bộ. Tư liệu Viện Khảo cổ học.
34. Phạm Lý Hương (2004). Nghiên cứu gốm tiền sử – sơ sử Việt Nam trong thế kỷ
20, những hiểu biết căn bản. Trong Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, Tập 1.
Nxb Hà Nội.
35. Nguyễn Thị Mai Hương, Lê Hải Đăng, Nguyễn Văn Hải (2011). Kết quả phân
tích mẫu bào tử phấn hoa di chỉ Mường Chiên (Sơn La). Trong Những phát hiện
mới về Khảo cổ học năm 2010. tr. 108 – 109.
36. Vũ Thế Long (1976). Xương răng động vật ở Nậm Tun và Thẩm Khương (Lai
Châu). Trong Khảo cổ học, số 17, tr. 43 – 44.
37. Hà Văn Phùng (2011). Dấu văn hóa Hoa Lộc ở Tây Bắc. Trong Những phát hiện
mới khảo cổ học 2009, tr 264 – 266. Nxb KHXH, Hà Nội.
38. Hà Văn Phùng, Bùi Văn Liêm, Lê Hải Đăng (2008). Kết quả khai quật di chỉ
Mường Chiên (Sơn La). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2008, tr
36 – 37. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

39. Nguyễn Quang Miên và Lê Hải Đăng (2011). Kết quả phân tích C14 di chỉ Huổi Ca
(Lai Châu). Trong Những phát hiện về khảo cổ học năm 2010. Nxb KHXH, Hà Nội.
40. Hà Hữu Nga (1990). Con người và môi trường trong thời đại Đá ở Việt Nam.
Trong Khảo cổ học, số 3. tr 15-19.
41. Hà Hữu Nga (2002). Hậu kỳ đá mới miền núi phía Bắc Việt Nam. Trong Khảo
cổ học, số 3. tr. 3 -11.
42. Colani, M. 1928. Notice sur la Pre’histore du Tonkin. I. Deux petits atelies.
Bulletin du Service Ge’ologique d’Indochine. Vol. XVII, 1, pp.1 – 24.

24
43. Chử Văn Tần (1975). Khai quật khảo cổ học ở Sập Việt (Sơn La). Trong Những
phát hiện mới về khảo cổ học năm 1975: 79 - 83.
44. Chử Văn Tần (1976a). Đào khảo cổ mái đá Thẩm Khương. Trong Khảo cổ học,
số 17. tr 38 – 40.
45. Chử Văn Tần (1976b). Tìm hiểu quá khứ xa xưa của Tây Bắc. Trong Khảo cổ
học, số 18, tr. 40 – 53.
46. Chử Văn Tần (1984). Niên đại và các bước phát triển của văn hóa Hòa Bình.
Trong Khảo cổ học, số 1-2, tr.40 – 53.
47. Chử Văn Tần 1992. Không gian cư trú mở - di chỉ Sập Việt, những chứng tích
Tiền Hòa Bình, Hòa Bình và Hậu Hòa Bình. Trong Khảo cổ học, số 2-1992: 22-
32.
48. Hà Văn Tấn (chủ biên) (1998) Khảo cổ Thời đại đá Việt Nam. Tập I: Thời đại
đá Việt Nam. Nxb. KHXH, Hà Nội.
49. Hà Văn Tấn (chủ biên) (1999) Khảo cổ học Việt Nam. Tập II: Thời đại Kim khí
Việt Nam. Nxb. KHXH, Hà Nội.
50. Hà Văn Tấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình Năng Chung (1999). Văn hoá Sơn Vi. Nxb
KHXH, Hà Nội.
51. Lê Thông (chủ biên) (2002). Địa lí các tỉnh và thành phố Việt Nam.III. Các tỉnh
vùng tây bắc và vùng bắc trung bộ. Nxb. Giáo dục,Hà Nội.
52. Đinh Văn Thuận, Lê Hải Đăng. Kết quả phân tích bào tử phấn hoa di chỉ Huổi

Ca (Lai Châu). (Tài liệu chưa công bố).
53. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu (2009). Lai Châu 100 năm lịch sử &
phát triển. Nxb Chính trị Quốc Gia.
54. Trần Văn Trị (Chủ biên) (1977). Địa chất Việt Nam, phần Miền Bắc. Nxb
KHKT, Hà Nội.
55. Nguyễn Đức Tùng, Hoàng Ngọc Dư (1976). Bào tử phấn hoa ở Nậm Tun và
Thẩm Khương (Lai Châu). Trong Khảo cổ học, số 17, tr. 45 – 46.

25
56. Nguyễn Khắc Sử (1992a). Một vài đặc điểm của thời kỳ quá độ từ văn hoá Sơn
Vi sang văn hoá Hoà Bình. Trong Khảo cổ học, số 2. tr. 13-17.
57. Nguyễn Khắc Sử (1992b). Tìm hiểu các loại hình địa phương của văn hoá Hoà
Bình. Trong Khảo cổ học, số 3, tr. 1-13.
58. Nguyễn Khắc Sử, nnk (1998). Báo cáo điều tra khảo cổ học vùng ngập nước
thủy điện Sơn La tuyến Lai Châu. Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội, 1998.
59. Nguyễn Khắc Sử, Nguyễn Ngọc Lan (1996). Vài ghi chú về tiền sử và sơ sử Sơn
La. Trong Khảo cổ học, số 2-1996, tr. 9 - 17.
60. Nguyễn Khắc Sử, Hà Văn Phùng (1999). Kết quả điều tra khảo cổ học vùng
lòng hồ thủy điện Sơn La tỉnh Lai Châu. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ
học năm 1999, tr. 97 - 99. Nxb KHXH, Hà Nội.
61. Nguyễn Khắc Sử (2001). Thử tìm hiểu dấu ấn văn hóa Phùng Nguyên ở miền
Tây Bắc. Trong Tìm hiểu văn hóa Phùng Nguyên. Sở VHTT Phú Thọ xuất bản,
tr. 219 – 322.
62. Nguyễn Khắc Sử và Hán Văn Khẩn (2001). Phát hiện công cụ kiểu Sơn Vi trong
tầng văn hoá di chỉ Phùng Nguyên. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học
năm 2000. tr. 89-90.
63. Nguyễn Khắc Sử, Võ Quý, Nguyễn Thị Lan (2003). Khảo cổ học tiền sử và sơ
sử Sơn La. Nxb KHXH, Hà Nội.
64. Nguyễn Khắc Sử (2006). Ghi chú về tiền sử và sơ sử Lai Châu. Tạp chí Khoa
học Xã hội Việt Nam, số 3, tr. 113-126.

65. Nguyễn Khắc Sử, Bùi Văn Liêm (2007). Kết quả thẩm định các di tích khảo cổ
lòng hồ thủy điện Sơn La. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2007.
tr. 25-28.
66. Nguyễn Khắc Sử và cộng sự (2011). Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật 31 di chỉ
lòng hồ thủy điện Sơn La. Tư liệu Viện Khảo cổ học.
67. Nguyễn Việt (1984). Về những hiện vật “hậu kỳ đá mới” trong các hang động
Hòa Bình. Trong Khảo cổ học, số 1 – 2, tr.112 – 114.

×