Kiểm toán nội bộ: “Bảo vệ giá trị” doanh nghiệp
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên tăng trưởng và đầu tư chưa từng
có. Làn sóng đầu tư ngày càng mạnh mẽ thì nhu cầu kiểm soát tại các
doanh nghiệp cũng ngày càng gia tăng, về hình thức cũng như thực
chất, về số lượng cũng như chất lượng.
Ban lãnh đạo, ban kiểm soát, phòng kiểm toán nội bộ của hàng trăm ngàn doanh nghiệp cả nước
ngày càng đối diện với thách thức. Họ không ngừng phải nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ, chuẩn
hóa quy trình chuyên môn để đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống kiểm soát hoàn chỉnh, vững
mạnh.
Kiểm toán viên nội bộ là ai?
Quyết định 832/TC/QĐ/TCKT ngày 28-10-1997 của Bộ trưởng BTC (một trong những văn bản
pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động kiểm toán nội bộ tại các DNNN ở Việt Nam) không định
nghĩa nhưng có quy định chức năng của kiểm toán nội bộ là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm
toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.
Theo IIA, Viện Kiểm toán Nội bộ: “Kiểm toán nội bộ là hoạt động đánh giá và tư vấn độc lập trong
nội bộ tổ chức, được thiết kế nhằm cải tiến và làm tăng giá trị cho các hoạt động của tổ chức đó.
Giúp tổ chức đạt được các mục tiêu bằng việc đánh giá và cải tiến một cách hệ thống và chuẩn
tắc tính hiệu lực của quy trình quản trị, kiểm soát và quản lý rủi ro.” IIA là tổ chức nghề nghiệp
dành cho kiểm toán viên nội bộ thành lập năm 1941 có trụ sở chính tại Hoa Kỳ và hơn 122.000
hội viên trên toàn cầu.
Cần kiểm toán viên nội bộ?
Là công cụ giúp phát hiện và cải tiến những điểm yếu của hệ thống quản lý doanh nghiệp, rõ
ràng kiểm toán nội bộ đem lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích. Nhờ nó mà Ban giám đốc và
Hội đồng quản trị có thể kiểm soát hoạt động và quản lý rủi ro tốt hơn một khi quy mô và độ phức
tạp của doanh nghiệp vượt quá tầm kiểm soát trực tiếp của một nhóm người. Có kiểm toán nội
bộ như thêm “tai, mắt” cho Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Điều này làm tăng niềm tin của cổ
đông vào chất lượng quản lý và kiểm soát nội bộ, tăng giá trị doanh nghiệp.
Thực tiễn trên thế giới cho thấy, các công ty có kiểm toán nội bộ thì thường khả năng gian lận
thấp và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn.
Đặc thù và vị trí của kiểm toán nội bộ trong công ty
Là nghề đầy áp lực, thách thức, đòi hỏi tính chuyên nghiệp nhưng có thu nhập tương đối cao,
được tôn trọng trong xã hội. Là nghề “kiểm tra và tư vấn cho các nghề khác” (trong cùng công
ty).
Theo quan điểm trước đây, kiểm toán nội bộ tập trung vào công tác kiểm tra kế toán, thông tin tài
chính của công ty. Ngày nay, đối tượng của kiểm toán nội bộ gần như là toàn bộ các hoạt động
của doanh nghiệp.
Có nhiều ý kiến khác nhau về vị trí của kiểm toán nội bộ, nhưng có hai quan điểm chính là: Một là
Kiểm toán nội bộ thuộc Ủy ban Kiểm toán do Đại hội đồng cổ đông bầu chọn, có trách nhiệm
giám sát cả hoạt động của hội đồng quản trị và ban giám đốc.
Hai là Kiểm toán nội bộ do tổng giám đốc bổ nhiệm sau khi được phê chuẩn của hội đồng quản
trị, có trách nhiệm kiểm toán mọi hoạt động công ty theo chỉ đạo của tổng giám đốc. Như vậy, dù
theo quan điểm nào thì kiểm toán nội bộ cũng là một trong những cấp kiểm soát cao nhất công
ty, báo cáo trực tiếp cho ban kiểm soát, hội đồng quản trị và tổng giám đốc.
Cơ hội nào cho các kiểm toán viên nội bộ
Do được tiếp cận với các lĩnh vực hoạt động của tổ chức để thực hiện chức năng kiểm tra, phân
tích, đánh giá và tư vấn, vô hình trung, kiểm toán viên nội bộ thụ đắc được vị thế mà không ai
khác trong tổ chức có được. Vì thế khi hoạt động kiểm toán nội bộ ngày càng hoàn thiện và phát
triển thì phòng kiểm toán nội bộ chính là một môi trường thực hành lý tưởng để đào tạo các giám
đốc tương lai. Thực tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã sử dụng phòng kiểm toán nội bộ như là
nơi ươm mầm, rèn luyện các tài năng lãnh đạo.
Kiểm toán viên nội bộ vừa là chức danh vừa nghề đòi hỏi kỹ năng và đạo đức cao. Vì thế chỉ khi
người làm kiểm toán nội bộ có đủ tính chuyên nghiệp và chứng nhận đào tạo bài bản, có thâm
niên thực tế thì năng lực và danh hiệu mới được công nhận. Hiện Việt Nam chưa có tổ chức
nghề nghiệp dành riêng cho kiểm toán viên nội bộ.
Kiểm toán viên nội bộ làm gì?
1. Nhà tư vấn kiểm soát và kiểm toán cho giám đốc điều hành và các giám đốc chức năng trong
công ty.
Giám sát tiến trình vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ và nhận dạng mọi cơ hội cải tiến hệ thống
này. Đánh giá nguồn lực công ty để sử dụng phù hợp tránh lãng phí, thất thoát. Làm việc với
kiểm toán độc lập của công ty về những vấn đề liên quan. Đề xuất chính sách bảo vệ tài sản và
quản lý rủi ro.
2. Kiểm toán tuân thủ pháp luật, nội quy và chính sách điều hành. Góp phần đảm bảo hoạt động
công ty tuân thủ quy định pháp luật, phù hợp với đạo đức kinh doanh. Đảm bảo các chức năng
của công ty được thực hiện nghiêm chỉnh, vận hành hợp lý.
3. Thực hiện một phần chức năng kiểm soát tài chính. Kiểm tra chất lượng thông tin, báo cáo kế
toán. Rà soát tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính.
Để trở thành kiểm toán viên nội bộ chuyên nghiệp
Tố chất phải có để trở thành kiểm toán viên nội bộ chuyên nghiệp: Thông minh, nhạy bén nhưng
phải kiên nhẫn, cẩn thận. Thận trọng nhưng quyết đoán. Có óc phân tích và phê phán.
Đam mê nghề nghiệp, đặc biệt là thích khám phá rủi ro, sai sót, gian lận. Có kỹ năng giao tiếp và
khai thác thông tin tốt.
Điều 12, Quyết định 832/TC/QĐ/TCKT thì: “Kiểm toán viên nội bộ tại các doanh nghiệp nhà nước
phải có các tiêu chuẩn: phẩm chất trung thực… đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, tài
chính, kế toán, hoặc quản trị kinh doanh; đã công tác thực tế trong lĩnh vực quản lý tài chính, kế
toán từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất là 3 năm làm việc tại doanh nghiệp nơi được giao
nhiệm vụ kiểm toán viên. Đã qua huấn luyện về nghiệp vụ kiểm toán, kiếm toán nội bộ theo nội
dung chương trình thống nhất của Bộ Tài chính và được cấp chứng chỉ.”
Thực tế cho thấy phần lớn nội dung trong Quy định này là không khả thi.
Trên thế giới, dù không có những tiêu chuẩn ngành về yêu cầu trình độ nghề nghiệp, nhưng
thông thường các kiểm toán viên nội bộ xuất thân từ các công ty kiểm toán độc lập, có bằng cử
nhân tài chính, luật hay quản trị và chứng chỉ Kiểm toán viên Công chứng (CPA) hay chứng chỉ
Kiểm toán nội bộ (CIA).
Có vẻ như thiếu tính sáng tạo nhưng là một giải pháp khôn ngoan và hợp lý khi xác định rằng để
phát triển một nghề nghiệp mới, tham khảo thông lệ quốc tế, kế thừa những gì đã có thì vẫn tốt
hơn là bắt đầu từ con số không. Vì thế theo chúng tôi, để phát triển nghề kiểm toán nội bộ tại Việt
Nam, việc tiếp cận được những kiến thức nghề nghiệp cốt lõi, cập nhật, chắt lọc từ những
chương trình đào tạo kiểm toán quốc tế là rất quan trọng. Những kiến thức này cùng với những
trải nghiệm nghề nghiệp bản thân sẽ là hành trang cần thiết cho sự thành công.
Tóm lại để trở thành một kiểm toán viên nội bộ chuyên nghiệp phải có những tố chất mà một
“Kiểm toán viên nội bộ” cần phải có (vì kiểm toán cũng là một nghệ thuật). Đồng thời, phải học
những kiến thức nền tảng, cốt lõi mà một kiểm toán viên nội bộ cần phải trang bị (vì kiểm toán là
một khoa học). Trên cơ sở kiến thức nền tảng đã có, phải tự đào sâu, tìm tòi nghiên cứu kiến
thức và thực hành kiểm toán liên tục, không ngừng (học suốt đời - Long-life learning). Phải rèn
sức khỏe để có thể “chiến đấu” lâu dài, bền bỉ trong điều kiện áp lực cao…
Và cuối cùng, kiểm toán viên nội bộ phải có cái “DŨNG” vững vàng và cái “TÂM” trong sáng, để
bền lòng vững bước trước mọi nguy nan và cám dỗ khi mà có lúc người kiểm toán viên nội bộ
phải đối diện với những hành vi gian lận và phạm pháp…
admin (Theo
Thành Đạt 4/2007
)