Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Tài liệu TÍNH CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA CA HUẾ ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (69.76 KB, 5 trang )

TÍNH CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA CA HUẾ

Ca Huế là một bộ phận nằm trong tổng thể âm nhạc Huế gồm nhiều loại hình khác nhau : Nhạc
cung đình, nhạc dân gian, nhạc lễ, nhạc tôn giáo, nhạc thính phòng phổ biến ở Huế và vùng
chung quanh.
Ca Huế, hiểu theo nghĩa hẹp, gồm đàn Huế và ca Huế (chúng tôi dùng từ ca Huế ở đây bao gồm
cả ca và đàn Huế). GS Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hoá sử cương viết : "Ở miền Nam thì từ
khi chúa Nguyễn khai thác bờ cõi vào đất của Chiêm Thành, âm nhạc ở Bắc truyền vào đã chịu
ảnh hưởng của âm nhạc Chiêm Thành, mà thành những âm nhạc cung nam mà người ta hay
đem đối với các khúc cung bắc.
Những cung nam như nam ai, nam bình, nam xuân có vẻ trầm bi oán vọng, hợp với tâm thuật
của một dân tộc điêu tàn là dân tộc Chiêm Thành, cùng với cảnh non nước dịu dàng ở xung
quanh kinh đô. Những cung bắc (khách) như lưu thuỷ, phú lục, cổ bản, mười bản tàu, thì có vẻ
linh hoạt, vui vẻ và mạnh mẽ hơn thích hợp với tính cách tiến thủ hăng hái của người Bắc Việt,
cùng với cảnh đồn điền rộng rãi sông ngòi mãnh liệt ở miền trung châu.
Trong khi âm nhạc ở Đàng Ngoài đương suy thì ở Đàng Trong nhờ các chúa Nguyễn cùng các
bậc vương công ham chuộng và nhờ ảnh hưởng Chiêm Thành, nên trở nên phong phú và thịnh
vượng. Nhiều nhà quý phái như ông hoàng Nam sánh. ông phò Trần Quang Phổ ở đời Tự Đức là
tay danh cầm xưa nay không ai hơn nổi"(1).
Như vậy, theo GS Đào Duy Anh, ca Huế chịu ảnh hưởng của hai nguồn âm nhạc : Trung Quốc
và Chiêm Thành. ảnh hưởng của nhạc Trung Quốc là do người ngoài Bắc tràn vào đem theo
nhạc Việt chịu ảnh hưởng lâu đời của nhạc Trung Quốc từ những lần giao thoa văn hoá. Đến khi
chúa Nguyễn khai thác bờ cõi vào đất Chiêm Thành thì nguồn nhạc ấy lại chịu thêm một lần ảnh
hưởng nữa : đó là những cung Nam trong ca Huế.
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh nhận xét thêm một tính chất nữa của ca Huế : "Đặc biệt là ở Huế, nơi
từng là căn cứ của họ Nguyễn nhiều thế kỷ và là kinh đô của triều Nguyễn trong hơn một thế kỷ
(1802-1945) xuất hiện những loại hình âm nhạc có liên hệ với âm nhạc cung đình và phần nào
đã mang tính chất âm nhạc thành thị, thị dân. Điển hình là chương trình ca Huế. Mặc dù ca Huê'
không phải là loại âm nhạc cung đình, song nó là thứ âm nhạc trình diễn, là một sinh hoạt nghệ
thuật thực sự. Nó không còn gắn với các hoạt động thực dụng trong đời sống hàng ngày. Để
chiếm ảnh và biểu diễn nó, cần phải có tài năng của các nghệ nhân. Cùng với ca Huế, dàn nhạc


thính phòng Huế hình thành và phát triển trong các thế kỷ XVIII, XIX. Dàn nhạc có cả một biểu
mục chương trình rất phong phú về bài bản, giàu có về sắc thái, tình cảm, đặc sắc về phong
cách. Nhà nghiên cứu âm nhạc có thể tìm thấy trong dân ca, nhạc thính phòng và ca Huế những
nét biến đổi của truyền thống âm nhạc Việt. Đây là sự tiếp thu có chọn lọc những đặc trưng âm
nhạc của các dân tộc bản địa, cộng với sự thích nghi hoà hợp của âm nhạc Việt với những yếu
tố mới, khiến cho nó phong phú đa dạng hơn. Sự giao lưu của hai văn hoá khác nhau để tạo ra
một văn hoá thứ ba, trong đó bao gồm sự hoà hợp nhuần nhuyễn của cả hai, như âm nhạc Huế,
Trị Thiên, ngày nay khoa học gọi là tiếp biến văn hoá (accultaration)"(2).
Vốn liếng ca Huế gồm 30 bài bản chính. Đó là những bài bản thuộc hai điệu lớn, điệu Bắc và
điệu Nam. Ta có thể kể :
1. Thuộc điệu Bắc (hơi khách).
Mười bài liên hoàn (còn gọi là 10 bản ngự, 10 bản tàu hoặc liên bộ thập chương) gồm : Phẩm
tiết, Nguyên tiêu, Hồ Quảng, Liên hoàn, Bình bản, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu
mã.
Các bản khác gồm : Lưu thuỷ, Ngũ đối (thượng hạ), Long ngâm, Cổ bản, Lộng điệp, Phúc lục
(nhanh, chậm).
2. Thuộc điệu Nam (hơi ai).
Nam ai (còn gọi ai giang nam), Nam bình, Quả phụ, Tương tư khúc. Thuộc điệu Nam (hơi
dựng) : Hành vân, Nam xuân (hạ giang nam), Cổ bản dựng, Tứ đại cảnh.
Danh từ hơi là để chỉ 3 loại hơi trong ca Huế : Hơi khách (trang nghiêm, vui vẻ, linh hoạt), Hơi ai
(nhớ nhung, thương cảm), Hơi dựng, hơi xuân, (bâng khuâng, lưu luyến, gởi gắm tâm tình).
Trong ca Huế, những bài bản thuộc cung Bắc mà chơi ngả sang cung Nam nghe không vui
không buồn thì gọi là Hơi dựng, Hơi xuân. Đó là những bài Nam xuân, Tứ đại cảnh, Cổ bản
dựng, Hành vân
Bài thuộc hơi dựng mà đàn nhẹ nhàng, êm ái, tiếng to, tiếng nhỏ, nhịp chậm, nhịp mau, cho ta
cái cảm tưởng như nghe người thỏ thẻ kể chuyện tâm tình vậy.
Những bài bản của ta chỉ là loại ca khúc mà không phải là loại nhạc khác. Hầu hết những lời ca
của những bài bản này đều do những đời sau đặt ra với nhiều nội dung khác nhau, chứ ít bài có
được lời ca nguyên gốc. Đó là một số điều ta cắn biết khi khảo sát, nghiên cứu các bài bản ca
nhạc Huế.

Ca Huế phải chăng là nhạc cung đình ? hoặc có liên hệ với nhạc cung đình ? Đó là điều cần
minh chứng khi tìm hiểu. Ta đã biết triều các vua Nguyễn, nhạc cung đình đã được dùng trong
các nghi lễ, tế tự ở triều đình.
Triều Nguyễn, các loại nhạc cung đình như nhã nhạc, giao nhạc, miếu nhạc, đại triều nhạc,
thường triều nhạc, yến nhạc, tiểu nhạc, cung trung nhạc đều có hệ thống bài bản riêng, điệu
múa riêng và một số nhạc khí riêng, không thể lẫn lộn với ca Huế được. Ví dụ loại Cung trung
nhạc có những bài bản như : Sùng khánh, tập khánh, chương khánh, bảo khánh, thành khánh
được tấu liên tục trong buổi lễ Từ thọ cung lục tuần đại khánh tiết. Đoàn nhạc sinh đội khăn mũ
màu xanh, mặc áo hoa, múa với các đạo cụ trống đào, sênh tiền, đàn tranh, đàn nguyệt,. cầm, tì
bà, địch, sáo và đàn 8 dây, 2 dây. Tuần chúc thọ lần đầu, sau khi tấu nhạc, đoàn nhạc sinh múa
cành hoa xanh, tuần thứ hai múa cành hoa đỏ, tuần thứ ba múa cành hoa vàng. Khi ngự hồi vua
về cung múa quả tiên đào(3)
Nhạc khí của Cung trung nhạc gồm có trống đào, sênh tiền, đàn tranh, đàn nguyệt, cầm, tì bà,
địch, sáo, đàn 3 dây, 2 dây, trong khi ca Huế cũng có loại đàn sáo đó nhưng không hề sử dụng
trống. Nhạc khí của nhã nhạc cung đình có nhiều loại xa lạ với ca Huế như : Một bộ nhã nhạc : 1
trống mảnh, 1 đàn tì bà, 1 đàn nguyệt, 1 đàn 2 dây, 1 trống dính, 1 nhị tam âm, cái sênh tiền, 1
bộ nhạc treo, 1 kiến cổ, 1 chuông to, 1 khánh lớn, chuông nhỏ 12 cái, bác phụ 1 cái, chúc 1 cái,
trống 1 cái, đàn cầm 2 cái, đàn sắt 2 cái, bài tiêu 2 cái, ống tiêu 1 cái, ốc đinh 2 cái, sênh 2 cái,
huấn 2 cái, trì 2 cái, phách bản 2 cái "(4).
Trong vốn liếng của ca nhạc Huế có mười bài liên hoàn gọi là mười ngự (liên bộ thập chương)
do nhạc công trong ban tiêu nhạc của triều đình nhà Nguyễn tấu lên trong những dịp sinh hoạt
công cộng, ví dụ những khi kiệu vua ra vào cung điện để làm lễ. Nhưng mười bài ngự đó không
phải là những bài bản tiêu biểu cho nhạc cung đình mà chỉ là những bài bản vay mượn từ ca
nhạc Huê' và bị cung đình hoá.
Trong giai đoạn hình thành của ca Huế, giữa nhạc cung đình và ca nhạc Huế có sự vay mượn
lẫn nhau, vì trong giai đoạn này, sinh hoạt trong ca nhạc Huế nằm trong phạm vi cung đình.
Chính các chúa Nguyễn, và sau này, vua Nguyễn đã nuôi dưỡng các nghệ nhân ca Huế, chuyển
biến ca Huế thành một thú tiêu khiển tài hoa phong nhã ở kinh đô.
GS Trần Văn Khê cho rằng ca nhạc Huế gần gũi với loại cung trung nhạc ở triều đình, nhất là ở
cách sử dụng loại đàn nguyệt, một cây đàn mà ca Huế thường dùng "Trong các loại nhạc triều

đình, có loại cung trung nhạc là gần gũi với đàn Huế nhất"(5).
Theo Phạm Đình Hổ thì từ đời Cảnh Hưng nhà Lê (1740) có ông quan nội điện Cung phụng quản
tiên hữu đội tên là Nguyễn Đình Dịch học nhạc Trung Hoa mà biến đổi ra theo tiếng Nam, nghe
cũng hay. Nhưng tiếng trong tiếng đục lẫn lộn nhau lại chưa có xoang điệu tiết tấu gì cả. ''Ông Vũ
Chỉ Đồng người làng An Thái cũng thích chơi đàn nguyệt trước học điệu Tàu biết đủ các cung
bậc rồi gảy ra tiếng ta và xen theo các bài đàn đáy, đàn nguyệt, tiếng rắn, tiếng mềm, dịu dàng
hợp nhau, bụng nghĩ thế nào là gảy được thế ấy"(6).
Vậy, có thể nói ca Huế gần gũi với loại nhạc cung đình chứ không thể kết luận ca Huế là nhạc
cung đình. Một câu hỏi cũng cần lý giải, ca Huế không phải là nhạc cung đình. Vậy phải chăng nó
là nhạc dân gian ?
Nhạc dân gian chủ yếu là nhạc hát, là dân ca. Các điệu hò, các bài lý, vè phổ biến trong dân gian
từ lâu là nhạc dân gian đã có mặt trong đời sống dân tộc.
Ca nhạc Huế gồm cả nhạc hát lẫn nhạc đàn cố định trong một hệ thống bài bản phức tạp, với
nhiều nhạc khí nhiều kỹ thuật đàn và hát điêu luyện khác xa với nhạc dân gian vốn đơn giản, và
không cần sự phối hợp của nhạc khí. Tác giả của ca Huế vốn có, sau này không ai biết là trường
hợp khuyết danh tác giả của các câu hò hát dân gian là vô danh. Vô danh là thuộc tính cơ bản
của các tác phẩm văn học dân gian.
Ca nhạc Huế ngày trước không dính dáng đến sinh hoạt lao động của nhân dân mà chỉ là một
thú tiêu khiển của tầng lớp thống trị hoặc quan quyền, trí thức phong lưu. Sở dĩ, sau này những
nghệ sĩ đàn ca trong ca Huế, phần lớn là từ trong nhân dân mà ra, bắt chước thú tiêu khiển của
vua chúa, quan quyền, tập hợp lại thành những nhóm để đàn ca xướng hát, làm cho người đời
tưởng rằng ca Huế là nhạc dân gian; đó là một điều sai lầm, nếu chúng ta không xét đến sự hình
thành của ca Huế.
Như vậy, có cơ sở để khẳng định ca Huế không phải là nhạc dân gian.
Ca nhạc Huế có phải là nhạc thính phòng không ? Đây là câu hỏi phải cẩn trọng để trả lời cho
thật chính xác.
Nếu định nghĩa nhạc thính phòng là loại nhạc viết cho một số ít nhạc khí, một số ít ca công và chỉ
dành để biểu diễn cho một số người nghe hạn chế trong một căn phòng thì ca Huế nặng về tính
chất thính phòng, tính chất tiêu khiển trong những lúc trà dư tửu hậu.
Nhưng có trường hợp một số bài ca Huế tham gia vào phường bát âm, trình diễn trong các đám

rước, các cuộc tế lễ. Một số bài ca Huế lại có mặt trong các dịp sinh hoạt công cộng của triều
đình nhà Nguyễn trước Cách mạng tháng Tám với mười bài Ngự. Như thế có thể nói ca Huế
không đơn thuần và nhất thiết là nhạc thính phòng.
Từ một số nhận xét trên, có thể nhận định : Do tính chất và đặc điểm của nó, ca nhạc Huế thuộc
loại nhạc cổ điển do nhân dân sáng tạo ra. Tính cổ điển của ca nhạc là ở chỗ :
1. Nó có những hệ thống bài bản điêu luyện, hoàn chỉnh và mẫu mực, có cấu trúc rất chặt chẽ,
nghiêm ngặt và tính khoa học cao. Ví dụ mỗi bài bản ca nhạc Huế thường được chia thành nhiều
đoạn hay sáp, có khi sáp dưới lập lại giống sáp trên, hoặc biến thể đi ít nhiều, chẳng khác chi các
hình thức đoạn đổi (couplets), đoạn điệp (refrains), chủ đề và biên tấu (thèmes ét variations)
trong nhạc cổ điển phương Tây.
Một bài bản ca nhạc Huế, do những cách tấu nhạc và cách ca khác nhau, có thể sinh ra nhiều dị
bản : như phú lục đường, phú lục chậm, phú lục nhanh, nam bình thường, nam bình dựng, nam
ai cổ, nam ai nay, cổ bản thường, cổ bản xuân, cổ bản dựng, cổ bản xắp
2. Ca nhạc Huế có hai điệu chính là những điệu nam và những điệu bắc (còn gọi là điệu khách),
những điệu này lại gồm nhiều hơi (có khi còn gọi là giọng). Cái hơi đó, theo cách gọi của các
nghệ nhân, gồm có : Hơi ai (bài Nam ai : điệu Nam hơi ai), Hơi oán (bài hành vân : điệu Nam hơi
oán, bài tứ đại oán, bài chinh phụ ), Hơi xuân bài Nam xuân : điệu Nam hơi xuân), Hơi dựng
(bài Nam bình dựng, bài cổ bản dựng), Hơi quảng (ví dụ những bài bản bị ảnh hưởng ít nhiều
bởi âm nhạc miền Nam Trung Quốc), Hơi đảo (những bài điệu Bắc với nhiều đoạn chuyển hệ) có
người gọi hơi đảo là nhịp đảo, Hơi nhạc (những bài bản mang phong cách trang trọng như bài
Phú lục), Hơi thiền (những bài bản chịu nhiều ảnh hưởng các bài bản tán và tụng trong âm nhạc
Phật giáo). Mỗi hơi nhạc đó nói lên một sắc thái tình cảm, một trạng thái tâm hồn, một phong
cách, một nhạc cảnh khác nhau.
3. Trong ca nhạc Huế có nhiều loại nhịp như : nhịp chính diện, nhịp nội, nhịp ngoại, nhịp chói;
nhiều chỗ đảo phách (syncopes) - chuyển nhịp, chuyển điệu, chuyển hệ (métaboles).
4. Trong ca nhạc Huế có nhiều loại nhịp độ (mouvements) khác nhau như : hoãn điệu (lento);
bình điệu (moderato); ấp điệu (presto).
5. Trong ca nhạc Huế có nhiều loại nhạc khí có thể hoà tấu với nhau như đàn nguyệt, đàn nhị,
đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn tam, đàn bầu, sáo, sênh, sênh tiền. Thường thường các nhạc khí sau
đây được hoà tấu với nhau :

- Đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt (tam tấu)
- Đàn tranh và tỳ bà, hoặc đàn tranh và đàn nguyệt, hoặc đàn tranh và đàn nhị (song tấu)
- Đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà và đàn tam (ngũ tuyệt).
- Ngũ tuyệt cộng thêm với đàn bầu, và sênh tiền; thêm một nhạc công hay một ca công gõ sênh.
6. Trong ca nhạc Huế có nhiều cách lên dây đàn : dây bắc, dây nam, dây oán, dây thuận, dây
nghịch, dây chẩn, dây thiệt, dây nguyệt điều dây hò nhứt, dây hò nhì, dây hò ba, dây hò tư
Đánh bài bản điệu Bắc, phải lên dây bắc, đánh bài bản điệu Nam phải lên dây Nam, đánh bài
bản hơi oán phải lên dây oán, mỗi cách lên dây cho một hệ thống nốt riêng.
7. Trong ca nhạc Huế có nhiều kỹ thuật đàn điêu luyện như : nhấn, vuốt, rung v.v
Nói tóm lại đây là một loại nhạc cổ điển điêu luyện, tinh vi và phức tạp.
Ca nhạc Huế là một loại nhạc cổ điển do nhân dân sáng tạo ra vì nó phản ánh nguyện vọng, ước
mơ, tư tưởng và tình cảm của nhân dân dưới chế độ phong kiến. Tuy trong quá trình hình thành
và sáng tạo, ca Huế là loại ca nhạc cổ điển, nhưng tuyệt đại bộ phận nội dung ca Huế thắm
đượm chất trữ tình, một loại tình cảm đậm đà, tha thiết. Dưới mọi đề tài ca Huế có khả năng diễn
đạt tình cảm con người cố đô một cách trung thực và sắc nét. Các nghệ sĩ đặt lời ca Huế thuở
trước thường mượn khung cảnh thiên nhiên để gởi gắm tâm tình, lấy ngoại cảnh để diễn đạt nội
tâm.
Trong số các ca sỹ, nhạc công, còn để lại tên tuổi từ thế kỷ trước đến thế kỷ sau, chúng ta thấy
đại đa số là những nghệ sĩ, nghệ nhân sinh trưởng ngoài dân gian. Cũng có một số ông hoàng,
bà chúa, các vương công có mặt trong đám người này, họ là những người thấy thích hợp với
nghệ thuật ca Huế, đủ điều kiện và năng lực để sáng tạo và trình diễn ca Huế, hoặc là các nghệ
nhân dân gian, đã tự lựa chọn nghề đàn ca xướng hát để sinh sống, một số không may bị tập
trung, trưng tập vào các đội ngự nhạc ở trong cung điện nhà Nguyễn theo các quyết định của
vua Nguyễn.
Nội dung cũng như sinh hoạt ca Huế gần gũi với nhân dân hơn là giai cấp thống trị phong kiến
triều Nguyễn. Một gian phòng, một góc vườn nhỏ, trong một khoang đò trên dòng Hương Giang,
vài ba người ca đàn và thưởng thức là đủ cho một buổi ca Huế. Vì thế ca Huế từ sinh hoạt ở
chốn cung đình đã dần ra ngoài dân gian, trở thành dân gian hoá. Rõ ràng ca nhạc Huế không
thuộc về nền văn hoá chính thống của giai cấp thống trị mà thuộc về nền văn hoá mang tính chất
dân chủ và nhân đạo của nhân dân.

Về xuất xứ trực tiếp của ca nhạc Huế, có thể thấy nó là một loại âm nhạc mang nhiều màu sắc
địa phương. Nhạc điệu và nhất là giọng ca Huế rõ ràng là phát sinh từ tiếng nói, giọng nói của
người vùng Huế. Không thể ca Huế với giọng Bắc, giọng Nghệ, giọng Quảng, hay giọng Nam Bộ,
mà nhất thiết phải với giọng Huế của người Huế - Trị Thiên.
Vậy tên gọi của nó đã nói lên rằng quê hương của ca nhạc Huế chính là xứ Huế, tức là vùng
Thuận Hoá cũ, vùng kinh đô của Phú Xuân ngày trước. Sau này, vì cùng trong một vùng phát
âm, người Quảng Trị cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ca Huế, nâng cao ca Huế trở
thành một nghệ thuật mang tính địa phương sâu sắc, đóng góp vào vườn hoa nghệ thuật đầy
sắc màu rực rỡ của dân tộc.
Tôn Thất Bình
(theo tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 8 - năm 2001)

×