Đi tìm chân tướng của hoạt động đầu cơ (Phần đầu)
Trong gần như suốt thế kỷ XX, đầu tư vào vàng, tiền tệ và cổ phiếu chỉ
mang lại nhiều lợi nhuận hơn những hình thức đầu tư kinh doanh khác với điều
kiện các nhà đầu tư sẵn sàng giữ chúng trong thời hạn dài.
Trong thời hạn ngắn, giá vàng, tiền tệ và cổ phiếu có thể luôn thay đổi. Do
vậy, các nhà đầu tư không kiên nhẫn rất dễ bị thiệt hại khi bán chúng trong giai
đoạn thị trường đi xuống. Ví dụ, Peter Lynch, một cựu giám đốc nổi tiếng của một
trong những quỹ tín dụng lớn nhất Mỹ, năm 1998 đã nói rằng các cổ phiếu Mỹ bị
mất giá tới 20 năm trong vòng 72 năm qua. Theo ý kiến của Lynch, các nhà đầu tư
đã phải chờ đợi 15 năm sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1929 để thấy
các cổ phiếu mình đang giữ lấy lại được giá trị đã mất. Nhưng những người giữ cổ
phiếu 20 năm hoặc lâu hơn thì không bao giờ bị lỗ. Trong một báo cáo phân tích
được chuẩn bị cho Quốc hội Mỹ, văn phòng kế toán tổng hợp liên bang đã nói
rằng trong giai đoạn 20 năm xấu nhất kể từ năm 1926, giá cổ phiếu chỉ tăng 3%.
Trong hai thập kỷ thuận lợi nhất, chúng tăng tới 17%. Ngược lại, thu nhập từ vàng,
ngoại hối và trái phiếu, một hình thức đầu tư phổ biến giống như cổ phiếu, trong
20 năm chỉ dao động trong khoảng từ 1% đến 10%.
Từ những phân tích tương tự như vậy, các nhà kinh tế kết luận rằng những
nhà đầu tư nhỏ làm ăn tốt nhất nếu họ đặt tiền của mình vào một danh mục đầu tư
tài chính đa dạng các loại ngoại hối, vàng, cổ phiếu và giữ chúng trong một thời
gian dài. Nhưng một số nhà đầu tư lại sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm với hy vọng
kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong ngắn hạn. Họ trang bị một loạt các chiến
lược để thực hiện điều đó. Và các hoạt động đầu cơ cũng bắt đầu ra đời từ đó.
Chúng ta hãy theo chân của Goerge Soros để thấy rõ bộ mặt thật của hoạt động
đầu cơ.
Cuối thập niên 90, thị trường tài chính Nga chao đảo dữ dội. Một trong
những ngòi nổ gây nên tình trạng này là bức thư của George Soros gửi cho tờ
Financial Times với nội dung thông báo rằng kinh tế Nga đang lâm vào tình trạng
bi đát mặc dù vừa nhận được sự giúp đỡ tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
Ngay sau ngày xuất hiện bài viết trích dẫn bức thư của George Soros trên tờ
Financial Times, thị trường chứng khoán Nga bỗng lặng ngắt và hoàn toàn không
có người mua. Đây không phải là lần đầu tiên George Soros gián tiếp gây ra hiện
tượng khủng hoảng tài chính. Năm 1998, rất nhiều chuyên gia cũng đã cáo buộc
George Soros tạo ra sự hỗn loạn trong thị trường tài chính châu Á.
Có thể nói rằng những người đầu cơ như George Soros kiếm tiền trên thị
trường bằng cách đánh cược theo biến động giá. Ví dụ, một người đầu cơ có thể
kiếm lời trong hợp đồng mua nước cam vào cuối năm, đánh cược rằng một trận
đông lạnh sẽ bắt đầu và phá hỏng vụ cam ở Florida, giá nước cam và hợp đồng
nước cam dựa trên đó sẽ tăng rất nhanh. Nếu người đầu cơ dự tính đúng - mùa
đông rất khắc nghiệt, thì hợp đồng nước cam sẽ có giá trị cao hơn số tiền mà họ đã
bỏ ra. Những người đầu cơ có thể bán hợp đồng của mình có lãi. Nhưng nếu họ dự
đoán sai: vụ mùa năm đó bội thu, điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với thị trường, và
những người đầu cơ sẽ mất sạch tiền do giá rớt.
Còn trên thị trường cổ phiếu, George Soros và nhiều nhà đầu cơ khác có thể
lợi dụng đà tăng lên của giá cổ phiếu để bóp méo giá cổ phiếu. Thường thường,
giá đang tăng sẽ thu hút nhiều người mua hơn tham gia vào thị trường, và lượng
cầu tăng lên này lại đẩy tiếp giá lên cao. Các nhà đầu cơ tài chính như George
Soros thường góp thêm vào áp lực đang gia tăng đó bằng việc mua các cổ phiếu
với hy vọng sau đó họ có thể bán lại chúng cho những người mua khác với mức
giá cao hơn. Các nhà phân tích mô tả hiện tượng tăng giá cổ phiếu liên tục như
trên là một thị trường “giá lên”. Khi cơn sốt đầu cơ không thể duy trì lâu hơn nữa
thì giá cổ phiếu bắt đầu hạ. Nếu nhiều nhà đầu tư trở nên lo lắng về giá hạ, họ vội
vã bán đi cổ phiếu của mình, làm tăng thêm đà giảm giá.
George Soros thật sự là một tay đầu cơ tài chính đáng gờm nhất thế giới.
George Soros đã kiếm được hàng tỷ USD bằng cách chuyển dịch thị trường giống
như điều khiển một cỗ xe ngựa. Người ta bắt đầu e ngại George Soros khi ông
kiếm được 1 tỷ USD chỉ trong vòng một tuần bằng cách ép giá một số cổ phiếu tại
Anh với các thủ thuật bí hiểm, khiến cả Ngân hàng Anh cũng phải chao đảo. Từ
đó, George Soros có biệt hiệu “Kẻ phá sụp các cổ phiếu Anh”. Cựu thủ tướng
Malaysia, Mahathir Mohamad đã gọi George Soros là “tên tội phạm bí hiểm nhất
thế giới”, nhưng một trong những “hình tượng” của các nhà đầu cơ tài chính như
George Soros là luôn xuất hiện với bộ mặt nhân từ. Cách đây không lâu, khi nhận
được bằng danh dự từ trường Đại học Oxford và được yêu cầu tự miêu tả về mình,
George Soros đã nói: “Ai muốn được gọi là nhà đầu cơ tài chính thì họ cần có đầu
óc như một triết gia và một trái tim luôn bày tỏ lòng nhân hậu”.
Để chứng minh cho điều này, đầu tiên, George Soros đã đầu tư tài chính
với trái tim nhân hậu vào Trung và Đông Âu. Là một người sống sót qua nạn diệt
chủng của Đức quốc xã, George Soros cũng như rất nhiều nhà đầu cơ tài chính
khác đã tung ra hàng triệu USD để giúp đỡ khu vực này nhanh chóng đi vào guồng
máy tư bản. Sau đó, khi Liên Xô tan rã, George Soros đã bỏ ra 100 triệu USD để
giúp các nhà khoa học Nga. Rồi tại Nam Tư cũ, George Soros tung ra 50 triệu
USD để cứu Sarajevo thoát khỏi bàn tay của người Serbia. Đó là chưa kể hàng tỷ
USD tài trợ cho các tổ chức và dự án nhân quyền trên thế giới. Sau khi thực hiện
nghĩa vụ mang tính nhân đạo như một triết gia luôn ưu tư về số phận con người tại
nhiều nước, George Soros lại dốc hàng đống tiền vào nước Mỹ. Cụ thể, George
Soros và nhiều nhà đầu cơ tài chính khác đã tung ra hàng trăm triệu USD để hỗ trợ
chính phủ Mỹ trong trận chiến chống ma tuý.
Nhiều tờ báo gọi George Soros là Robin Hood của thời hiện đại, tổ chức
đánh cướp từ nước giàu để giúp đỡ các nước nghèo. Tuy nhiên, có người là cho
rằng George Soros cũng như nhiều nhà đầu cơ tài chính khác là tay cướp chuyên
nghiệp, lấy của cải của phương tây để làm giàu và dùng số tiền đó để mua chuộc
phương Đông, rồi lại rút rỉa tài nguyên và nhân lực rẻ mạt của khu vực này. Mục
tiêu của Soros là đánh cướp bất cứ nơi nào có thể, bằng bất kỳ biện pháp có thể,
dưới lớp áo choàng của một người nhân từ. George Soros đã khôn ngoan tạo ra uy
tín và dùng nó làm phương tiện hữu hiệu để đánh cướp. Chẳng hạn, hồi đầu thập
niên 90, George Soros dẫn đầu một nhóm các nhà đầu cơ tài chính tung ra nguồn
tin rằng giá vàng có nguy cơ tăng mạnh và nói thêm rằng “một nguồn tin từ bên
trong” cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị một lượng vàng rất lớn để hỗ trợ nền
kinh tế trong nước. Vậy là cơn sốt mua vàng đã bùng lên, giá tăng đến 20% chỉ
trong vòng 04 tháng và George Soros cũng các nhà cơ tài chính khác đã bí mật
tuôn vàng ra thị trường, vớ được khoản lợi nhuận cực lớn. Người ta ước tính rằng
cứ 100.000 USD mà George Soros đầu tư vào năm 1969 thì nay trị giá đến 300
triệu USD.