Hành trình đến thành công của Bayer
(Phần cuối)
Con đường thành công không hề bằng phẳng
Sau khi tuyên bố thu hồi khẩn cấp thuốc chống cholesterol Baycor vì đã khiến
52 người tử vong, cổ phiếu của Bayer liên tục rớt giá, giảm 16% ở Francfort. Bayer dự
tính thất thu hơn 800 triệu USD do việc thu hồi thuốc và hãng đã buộc phải thực thi
chính sách "thắt lưng buộc bụng" với dự kiến bán đứt nhánh dược phẩm và cắt giảm
1.800 nhân công.
Loại thuốc gây hại nói trên đã được Bayer thu hồi trên phạm vi toàn thế giới
(trừ Nhật) do tác dụng đáng ngại của nó lên hệ cơ. Nhiều bệnh nhân đã chết sau khi
uống Baycol kèm với loại thuốc hạ cholesterol khác có tên là Gemfibrozil. Lúc đó,
người phụ trách nhánh dược phẩm của hãng, David Ebsworth, đã tuyên bố: "Đến lúc
này chúng tôi đã biết được 52 trường hợp thiệt mạng do thuốc Baycol/Lipobay (có tên
khác là Staltor/Cholstat)". Trong khi đó, theo các cơ quan y tế thì số người chết hiện là
41 (31 người ở Mỹ, 3 ở Tây Ban Nha, 6 ở Đức và 1 người ở Pháp). Quyết định của
Bayer được xem là bất ngờ đối với các bác sĩ tim mạch vì thế hệ thuốc Baycol được ví
như một cuộc cách mạng trong cuộc chiến chống cholesterol và hiện có tới 6 triệu
bệnh nhân trên toàn thế giới đang dùng thuốc này để chống lại nguy cơ bị bệnh tim
mạch. Thuốc Baycol đã được phép bán tại Mỹ từ năm 1997 và châu Âu từ năm 1998,
sau khi đạt những kết quả thử nghiệm lâm sàng rất khả quan.
Một cú đấm nữa đã xảy đến với Bayer khi kênh truyền hình ZDF của Đức tiết
lộ rằng Bayer đã biết trước tính độc hại của thuốc. Trong phóng sự của mình, hãng
truyền hình này đã đưa ra bằng chứng về một ghi nhận của Cơ quan Quản lý thuốc và
Dược phẩm Mỹ (FDA) gửi cho Bayer từ tháng 10/1999, liên quan tới chiến dịch quảng
cáo thuốc Baycol/Lipobay của hãng. Theo ghi nhận này, Bayer đã "giảm thiểu một
cách rõ ràng những chống chỉ định quan trọng nhất có liên quan tới các tổn hại cơ
vân". FDA đã kết tội nội dung quảng cáo của Bayer là "sai lầm và dối trá", và yêu cầu
hãng phải ngừng mục quảng cáo của mình ngay tức khắc.
Baycol là thuốc bán vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm. Doanh số do bán Baycol đã
tăng đến 82% trong năm 2000 và thuốc này suýt nữa đã trở thành một trong 3 "hàng
độc" của hãng. Thừa cholesterol đang là bệnh thời thượng trên thế giới. Riêng ở châu
Âu đã có hàng chục triệu người mang trong mình nỗi ám ảnh cholesterol. Việc Bayer
"mắc cạn" hẳn đã khiến các hãng khác sung sướng vì có thêm thị trường cho sản phẩm
của mình.
Kiên định với đường lối kinh doanh
Tuy nhiên, những hậu quả do việc thu hồi Baycol gây nên không làm chệch
quyết tâm tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường dược phẩm của Bayer. Hãng
vẫn kiên định với đường lối kinh doanh của mình.
Hiện nay, các công ty hóa chất lớn đang có xu hướng rời bỏ lĩnh vực sản xuất
dược phẩm. Tháng 12 - 2000, tập đoàn hóa chất BASF (Đức), đã nhượng lại bộ phận
sản xuất kinh doanh dược phẩm của mình cho công ty Mỹ Abbot Laboratories. Cũng
trong tháng đó, nhà sản xuất hóa chất lớn của Mỹ là công ty Du Pont đã công bố tách
bộ phận sản xuất dược phẩm ra khỏi công ty. Ngay cả công ty hóa chất chuyên dụng
Degussa cũng đang đi tìm đối tác mua lại bộ phận sản xuất dược phẩm của mình. Các
công ty hóa chất lớn khác như công ty ICI (Anh), Dow Chemical (Mỹ), Novartis
(Thụy Sĩ) và tập đoàn Aventis (Pháp - Đức) cũng đã tách riêng hoàn toàn các bộ phận
sản xuất hóa chất và sản xuất dược phẩm của họ.
Mặc dù vậy, không theo xu hướng chung, Bayer vẫn tiếp tục kết hợp sản xuất
hóa chất với sản xuất dược phẩm. Theo Bayer, nguyên nhân của xu hướng trên là hiện
nay, giữa các hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất và dược phẩm hầu như không
còn sự liên kết cộng sinh nữa.
Hai nhóm sản phẩm này hướng vào các thị trường khác nhau với những nhóm
khách hàng hoàn toàn khác nhau.
Trong khi các nhà sản xuất hóa chất phải tranh luận với các khách hàng công
nghiệp của mình về giá nguyên liệu, thì các nhà sản xuất dược phẩm lại cần bàn bạc
với các bác sĩ về tình hình ngân sách y tế ngày càng eo hẹp.
Giải thích cho việc giữ nguyên sự phối kết hợp của mình, Bayer cho rằng đối
với hãng từ nhiều năm nay, các hóa chất điều chế trong các phòng thí nghiệm hóa học
vẫn luôn là cơ sở để sản xuất nhiều loại dược phẩm của Bayer.
Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất và dược phẩm của hãng có
mối liên hệ với nhau. Mặt khác, thị trường dược phẩm thế giới sẽ luôn có biến động,
nếu một loại dược phẩm nào đó mất uy tín thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động
kinh doanh. Do vậy, Bayer muốn tận dụng ưu thế của lĩnh vực này để hạn chế rủi ro
của lĩnh vực kia.
Ngày nay, bất kỳ ai đến thăm thành phố Leverkusen, Đức yên bình đều phải
ghé qua tổ hợp sản xuất dược phẩm khổng lồ của Bayer.
Từ một nhà sản xuất thuốc nhỏ lẻ tại địa phương, giờ đây Bayer đã là một
trong 10 hãng dược phẩm lớn nhất trên thế giới, hãng dược phẩm lớn thứ 2 của Đức
với gần 1200 loại dược phẩm, doanh thu hàng năm khoảng 5 tỷ USD, số lượng công
nhân viên trên 30 nghìn người cùng nhiều nhà máy sản xuất thuốc, viện nghiên cứu và
văn phòng đại diện ở trên 120 địa phương khắp nước Đức.
Nhắc đến Bayer mọi người không chỉ nghĩ đến việc đơn thuần là một nhà sản
xuất dược phẩm lớn mà Bayer còn là bài học thành công trong kinh doanh cho nhiều
doanh nghiệp khác.