19 mẹo hay khi thỏa thuận lương
Lương cao là một điều không ai từ chối nhưng thoả thuận sao cho xứng đáng với
năng lực và công sức của bạn?
Điều gì bạn nghĩ trước tiên khi bắt đầu một công việc mới? Những đồng nghiệp?
Hay ông chủ? Có lẽ là không. Khi đi làm, yếu tố tiền lương vẫn đóng vai trò chủ
chốt trong cuộc sống của chúng ta.
Những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng đàm phán về lương với nhà tuyển dụng
của mình.
1. Kinh nghiệm và bí quyết
Thể hiện cho nhà tuyển dụng biết những kinh nghiệm mà bạn đã tích luỹ được và
năng lực của bạn phù hợp với vị trí mà nhà tuyển dụng cần. Một yếu tố rất hiệu
quả để phục vụ cho “công tác” thoả thuận lương của bạn.
2. Những con số thống kê
Chỉ nói suông đến những “rực rỡ” trong quá khứ thôi chưa đủ để thuyết phục nhà
tuyển dụng tin tưởng tài năng của bạn. Cần chỉ cho họ thấy những con số cụ thể,
đưa ra những ví dụ chính xác chứng minh những thành tích đạt được. Ví dụ bạn đã
làm tăng được khoảng 20% doanh số bán hàng trong quý hay tăng gấp đôi sản
lượng chỉ trong sáu tháng v.v Hãy nhớ là những con số đó luôn luôn trung thực
nhé, vì rất có thể nhà tuyển dụng sẽ hoặc đã điều tra về lí lịch của bạn trước đây
rồi.
3. Đừng hỏi về lương
Một trong những điều cơ bản nhất khi đàm phán về lương, đó là hãy để nhà tuyển
dụng hỏi bạn trước tiên. Khi đã có được vị trí trong mắt nhà tuyển dụng và biết
công ty đang cần bạn thì sẽ dễ dàng hơn nhiều để thương lượng về khoản thu nhập
của mình.
4. Tỏ ra hứng thú với vị trí được tuyển
Động lực là chìa khoá để có được năng suất tốt. Hãy chân thành về cảm xúc này
và thể hiện một gương mặt hạnh phúc khi được làm việc cho công ty. Bạn sẽ luôn
nhiệt tình và đầu tư cho công việc của mình.
5. Hình dung mình đã có việc làm
Tưởng tượng mình có việc làm và bạn sẽ lập kế hoạch như thế nào cho công việc
sắp tới. Một người có đầu óc tổ chức sắp xếp công việc luôn gây được ấn tượng
với nhà tuyển dụng.
6. Không mang cuộc sống cá nhân vào đàm phán
Mức lương luôn dựa trên ngân sách của công ty và khả năng làm được việc của
bạn. Vì vậy bạn đừng đem tình hình kinh tế cá nhân của mình đang nghèo khó,
nuôi “mẹ già con thơ” vào trong cuộc đàm phán này nhé. Nó không những không
mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn khiến nhà tuyển dụng khó chịu sẵn
sàng gạch bỏ tên bạn trong danh sách ứng viên đấy.
7. Nghiên cứu về vị trí của bạn
Trước khi bước vào cuộc phỏng vấn, bạn cần phải biết mọi thứ về công ty như vị
trí công ty đang cần, những kỹ năng cần thiết, mức lương trung bình là bao nhiêu
và nhu cầu thị trường. Thu thập tất cả những hiểu biết của bạn về công ty để lợi
thế này đẩy bạn ở một vị trí cao trong mắt nhà tuyển dụng. Và sẵn sàng ứng phó
với bất kì câu hỏi nào mà nhà tuyển dụng đưa ra khi họ muốn biết bạn hiểu công
ty và công việc của họ đến đâu.
8. Biết giá trị của bạn
Năng lực của bạn đáng giá bao nhiêu, bạn là người biết rõ nhất. Đừng ảo tưởng
nhưng cũng đừng đánh giá thấp bản thân. Nếu cần thiết hãy cho nhà tuyển dụng
biết những gì bạn đã đạt được ở công việc trước đây, năng lực của bạn đáng giá
bao nhiêu trên thị trường hiện tại. Chứng minh cho họ thấy bạn biết được giá trị
bản thân bạn và sử dụng nó như một công cụ để đàm phán về lương
9. Biết mức lương tối thiểu theo dự kiến của bạn
Nhà tuyển dụng luôn thích được đàm phán về lương với nhân viên mới và bao giờ
họ cũng đòi hỏi một người có năng lực nhưng chỉ phải trả lương thấp. Nếu bạn
thấy công ty không trả lương phù hợp với bạn nhất là thấp dưới mức tối thiểu bạn
nghĩ thì đừng ngại hỏi về mức lương của các nhân viên trong công ty nhé.
10. Sẵn sàng với các giải pháp thay thế tiền mặt
Ngoài tiền lương là tiền mặt, bạn hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nếu công ty yêu
cầu về việc mua cổ phần, ký hợp đồng tiền thưởng, các tài khoản chi phí, phần
chia lợi nhuận thay thế cho tiền mặt.
11. Tâm lý vững - tinh thần thép
Khi cuộc phỏng vấn đến hồi kết, dù kết quả đạt được thế nào bạn vẫn nên mỉm
cười và tự tin vào bản thân. Điều này sẽ chứng mình rằng bạn có rất nhiều khả
năng để vào một vị trí xứng đáng hơn. Một con người tự tin, năng động có thể ứng
phó với mọi hoàn cảnh dù có khó khăn là người mà nhà tuyển dụng luôn cần. Chú
ý nhé: Tự tin nhưng đừng tự phụ và quá kiêu ngạo đấy.
12. PR bản thân
Nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những người có nhiều ưu điểm nhất với mức lương
thấp nhất. Nhưng trước tiên hãy cho họ thấy những kỹ năng bạn có và tất cả lý do
tại sao họ nên tuyển dụng bạn.
13. Tự nhiên với nhà tuyển dụng
Đừng biến cuộc đàm phán của bạn trong tình huống dở khóc dở cười chỉ được
chọn một con đường “sống hay là chết”. Tốt nhất dù không hài lòng cũng tránh
mâu thuẫn với họ. Thả lỏng tinh thần và thân thiện trong cách trao đổi sẽ giúp bạn
dễ dàng tiếp cận hơn với nhà tuyển dụng.
14. Bình tĩnh và kiểm soát
Có thể nhà tuyển dụng sẽ thử cảm xúc của bạn. Bạn có phải là một người nôn
nóng vội vàng hay một người biết kiềm chế cảm xúc để suy nghĩ chín chắn trước
khi ra quyết định. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc bạn làm sau
này. Nếu rơi vào hoàn cảnh trên hãy chứng minh rằng bạn có khả năng kiểm soát
những cảm xúc cá nhân trong lòng, thậm chí mọi thứ không đi theo đúng hướng
của bạn.
15. Linh hoạt giờ giấc
Mặc dù nhà tuyển dụng chưa sẵn sàng cân nhắc bạn vào vị trí full-time (làm cả
ngày), nhưng có thể sắp xếp cho bạn công việc bán thời gian, công việc làm được
ở nhà hoặc bất kì thời gian nào thì bạn cũng nên linh hoạt thời gian làm việc của
mình.
16. Dự đoán những lợi ích khác
Nếu bạn không nhận được mức lương như mong muốn, đừng vội thất vọng bởi vì
công ty có thể có rất nhiều chế độ đãi ngộ khác tốt cho nhân viên. Hãy hỏi về
những phúc lợi xã hội và khả năng thăng tiến của bạn.
17. Chứng minh bạn là người phù hợp nhất trong công việc
Những nhà tuyển dụng luôn muốn thấy một nhân viên tương lai của họ “bảo vệ và
phát triển” vị trí của họ như thế nào thông qua những ý tưởng làm việc.
18. Kế hoạch dự phòng
Nếu bạn thấy rằng cuộc đàm phán không đi theo cách của bạn, nhà tuyển dụng đưa
ra những khó khăn mà họ và bạn sẽ vấp phải nếu tuyển dụng bạn. Thì cần bình
tĩnh xử lý tuỳ từng trường hợp, bạn hãy cho họ biết bạn sẵn sàng thích nghi với
những khó khăn đó và dần cải thiện chúng sau.
19. Sẵn sàng đối phó với câu hỏi hóc búa
Giống như bạn phải chuẩn bị tình huống hỏi và trả lời sau mỗi lần thuyết trình.
Hãy sẵn sàng tâm lý khi nhận được bất kì thông tin “bất thường” nào từ nhà tuyển
dụng. Biết chính xác làm thế nào để trả lời câu hỏi nếu nhà tuyển dụng nói: “Bạn
không đủ điều kiện để ” hoặc “Bạn đang yêu cầu quá nhiều về tiền lương ” Sẵn
sàng tâm lý đó, bạn dễ dàng chủ động trong mọi tình huống hơn.