6 kỹ năng “mềm” cần thiết
Đã bao giờ bạn đọc thấy thông tin tuyển dụng như thế này chưa: “Cần tuyển
nhân viên quản lý việc chi trả lương cho nhân viên, có bằng cử nhân kế toán,
5 năm kinh nghiệm và có khiếu hài hước”?
Bạn ngạc nhiên vì tiêu chuẩn cuối cùng? Đúng là trong thời đại ngày nay,
các ông chủ luôn có những đòi hỏi tưởng như vô lý nhưng thực sự họ luôn
mong muốn sẽ tìm được những ứng viên có thể cộng tác với tâm lý thoải
mái (hiển nhiên là những người đó đã phải có kỹ năng làm việc đáp ứng
được yêu cầu của họ rồi). Đó chính là những kỹ năng “mềm”, những kỹ
năng không nhìn thấy như khả năng lãnh đạo, khiếu hài hước và khả năng
tạo quan hệ tốt với những người khác chính là những lợi thế cạnh tranh của
các ứng viên thời nay.
Khi việc lựa chọn đi vào hai ứng viên có trình độ và khả năng làm việc
ngang nhau thì người nào có tinh thần làm việc nhóm tốt hơn hoặc có khả
năng làm việc ở nhiều vị trí khác nhau hơn cũng sẽ dễ lọt vào “mắt xanh”
của sếp hơn.
Đâu là những kỹ năng “mềm” bạn cần?
“Ngày nay, các chủ doanh nghiệp luôn muốn thấy khả năng của các ứng
viên thể hiện nơi công sở không chỉ trong lĩnh vực công việc” – Đó là chia
sẻ của ông Stefanie Cross-Wilson, đồng chủ tịch đơn vị quản lý năng lực và
tuyển dụng ở công ty Hudson. “Những kỹ năng và năng lực làm việc thực sự
giúp bạn có cơ hội bước vào cửa công ty nhưng chính những kỹ năng mềm
mới thường là cái quyết định bạn có được ở lại hay không”.
Và dưới đây là 6 kiểu kỹ năng mềm sẽ tạo cho bạn lợi thế cạnh tranh đáng
kể
Khả năng lãnh đạo/Khả năng xây dựng nhóm
Những kỹ năng lãnh đạo không chỉ là tối cần thiết với những vị trí quản lý
mà còn rất thiết yếu với những ứng viên muốn vươn tới vị trí mà ở đó họ có
quyền đưa ra những định hướng làm việc cho người khác.
Tinh thần làm việc nhóm
Sếp nào cũng thích những nhân viên có mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp
khác. Ngay cả khi công việc bạn làm không thực sự có liên quan tới một
nhóm nào cả thì sếp vẫn muốn nhìn thấy bạn có những quan hệ hợp tác tích
cực với những người khác.
Chủ động và làm việc có mục đích
Điều này không có nghĩa cần phải thúc giục những người khác. Mặc dù các
nhà lãnh đạo không hề muốn nới lỏng các quy định trong công ty cũng như
có những nhân viên tự do làm theo ý mình, nhưng họ cũng đánh giá cao
nhưng người không phải lúc nào cũng cần được bảo cho biết phải làm gì và
luôn biết cách tự đặt ra cho mình những nhiệm vụ để hoàn thành.
Nhà đàm phán tuyệt vời
Bất kể công việc thực sự của bạn là gì thì khả năng viết một văn bản hay
email có tính lôgích, khả năng hướng dẫn trực tiếp rõ ràng và khả năng giúp
cho các cuộc họp diễn ra suôn sẻ hoặc chí ít là không nhàm tẻ vẫn luôn rất
cần thiết.
Linh hoạt/Khả năng đảm nhiệm nhiều vị trí công việc
Đôi khi các nhà lãnh đạo gọi đây là khả năng “đội nhiều chiếc mũ cùng một
lúc”. Hầu hết các nhân viên đều phải làm khá nhiều công việc khác nhau
ngay cả trong những thời gian bình ổn nhất. Tuy nhiên với thị trường lao
động đầy rẫy những chuyện giảm biên chế như hiện nay thì các nhà quản lý
càng muốn có hơn trong tay những ứng viên có khả năng đảm nhiệm các
công việc chưa hề dự tính trước đó.
Khiếu hài hước
Nói chung, trừ khi bạn muốn nộp đơn thi vào đoàn kịch tấu hài nào đó, còn
không, bạn cũng không nhất thiết phải làm tất cả mọi người phá lên cười nắc
nẻ. Đó là ý kiến của ông John McKee, chủ tịch kiêm nhà sáng lập website
BusinessSuccessCoach.net và là tấc giả cuốn Trí tuệ nghề nghiệp. Ông nói:
“Dù tôi chưa nghe thấy chuyện có nhà tuyển dụng nào đó đăng tuyển các
ứng viên có khả năng kể hấp dẫn một câu chuyện vui, nhưng tôi tin rằng
người ta sẽ đánh giá cao các ứng viên vui vẻ và có khả năng làm nhẹ nhàng
một tình huống căng thẳng.”
Tích hợp tất cả các kỹ năng trong công việc
Bên cạnh 6 kỹ năng kể trên thì còn có những kỹ năng mềm khá quen thuộc
khác là kỹ năng quản lý thời gian (bạn phải hoàn thành công việc được giao
theo đúng thời hạn), “niềm say mê với công việc” (bạn không nên có những
bữa ăn trưa kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ) và “khả năng giải quyết vấn đề”.
Cứ cho là bạn có thể liệt kê được một vài trong số những kỹ năng mềm kể
trên nhưng điều quan trọng nhất vẫn là khi phỏng vấn, bạn phải làm sao cho
những kỹ năng đó được toả sáng. Bà Lindsay Olson, cộng tác viên đồng thời
là nhà tuyển dụng của công ty Paradigm Staffing cho biết: “Mặc dù trong lúc
phỏng vấn, các nhà tuyển dụng đều cố gắng khai thác sâu vào những kỹ
năng làm việc, nhưng bên cạnh đó, họ vẫn để mắt tới các kỹ năng mềm của
ứng viên, còn kỹ năng mềm đó là gì thì còn tuỳ thuộc vào vị trí bạn đang
ứng tuyển.”
Bạn vẫn chưa có được tất cả những kỹ năng mềm kể trên? Đừng lo lắng.
Ngay cả trong thế giới việc làm hiện nay thì cũng không nhất thiết bạn phải
là một siêu nhân thì mới tìm được một vị trí tốt. Ông Cross-Wilson cho rằng:
“Nhà tuyển dụng không hy vọng bạn có khả năng tuyệt vời trong mọi lĩnh
vực. Khi phỏng vấn, bạn hoàn toàn có thể trung thực bày tỏ về điểm yếu nào
đó của mình. Nếu bạn thoải mái và tự tin, họ sẽ thấy ở bạn một sự trung
thực.”
Nghĩ trước những câu chuyện nhỏ
Ông Olson cho rằng các ứng viên nên tìm ra trước những câu chuyện nhỏ
xung quanh chuyện các kỹ năng mềm mà họ nghĩ rằng có giá trị để trao đổi
cùng nhà tuyển dụng trong lúc phỏng vấn. Ông nói: “Bạn nên chuẩn bị
những ví dụ rõ ràng về việc bạn đã giải quyết những công việc hay các vấn
đề cụ thể ra sao và những chuyện đó cũng sẽ giúp người khác hiểu được
rằng, bạn có các kỹ năng cần thiết để giải quyết những vấn đề trong công
việc.”
Còn nếu bạn nghĩ mình vẫn chưa có chút kỹ năng mềm cần thiết nào để tìm
việc ư? Bạn không nhất thiết phải tham gia một lớp học để tăng khiếu hài
hước của mình nhưng bạn có thể hỏi ai đó đáng tin cậy hoặc một người bạn
của mình. Theo các chuyên gia, rất nhiều những kỹ năng mềm có thể được
tích luỹ hay nâng cao trong thời gian làm việc. Bạn có thể tình nguyện tham
gia vào nhiều công việc khác nhau hơn hoặc nhân cơ hội nào đó để tham gia
vào một nhóm làm việc, cứ như thế là bạn đã có các câu chuyện chuẩn bị
cho kỳ phỏng vấn tiếp theo rồi đó.