Thuốc điều trị bệnh tuyến tiền liệt
Hình ảnh giải phẫu tuyến tiền liệt.
Tuyến tiền liệt là tuyến phụ của hệ tiết niệu - sinh dục nam.
Tuyến hình thành từ một túi mọc ra trên niệu đạo nam trong giai đoạn sớm
của phôi thai. Ở người trưởng thành, tuyến tiền liệt nặng khoảng 15g nằm
sâu trong hố chậu, giữa bàng quang và cơ thắt ngoài.
Tuyến tiền liệt có nhiều bệnh. Trong bài viết này chỉ xin đề cập tới thuốc
điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt (PĐLTTTL) và ung thư tuyến tiền liệt
(UTTTL).
Thuốc điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt
Nam giới trên 50 tuổi bị PĐLTTTL ngày càng tăng. Bệnh này trước đây
dùng thuật ngữ u xơ tuyến tiền liệt, ngày nay thường dùng PĐLTTTL.
Bệnh phát triển ở vùng chuyển tiếp của tuyến. Các giả thuyết bệnh sinh bao
gồm: thuyết nội tiết, thuyết tế bào gốc và thuyết tương tác biểu mô - mô đệm.
Chẩn đoán bệnh dựa vào thang điểm quốc tế triệu chứng tuyến tiền liệt
(IPSS) gồm hội chứng kích thích, hội chứng tắc nghẽn, chỉ số chất lượng cuộc
sống và siêu âm.
Từ các giả thuyết đó, có các thuốc điều trị PĐLTTTL như sau:
Thuốc ức chế thụ thể alpha 1 chọn lọc. Đây là thuốc được lựa chọn, bao
gồm:
Thuốc có tác dụng ngắn phải dùng 2 lần trong ngày:
- Prazosin: Là dẫn chất quinazolin. Thuốc có tác dụng chính trên thụ thể
alpha sau synap, làm giảm sức cản ngoại vi gây hạ áp. Thuốc còn có tác dụng giãn
cơ trơn trong tuyến tiền liệt, do đó làm tăng lưu lượng nước tiểu ở bệnh
PĐLTTTL. Thuốc có nhiều tác dụng phụ. Cần thận trọng khi dùng phối hợp với
thuốc lợi tiểu và có suy thận.
- Alfuzosin với biệt dược xatral viên 5mg.
Thuốc có tác dụng dài chỉ dùng 1 lần trong ngày:
- Terazosin với biệt dược hytrin, teranex, zonicat.
- Doxazosin với biệt dược carduran viên 2mg.
- Tamsulosin với biệt dược tamsustad viên 0,4mg.
Thuốc nội tiết tố:
- Progesteron và antiandrogen hiện ít dùng.
- Ức chế 5 alpha reductase là men chuyển testosterone thành DHT có hoạt
tính nằm trong tuyến tiền liệt. Việc giảm nồng độ DHT trong tuyến tiền liệt dẫn
đến giảm thể tích tuyến và tăng lưu lượng dòng nước tiểu, cải thiện các triệu
chứng tắc nghẽn đường niệu dưới, giảm nhu cầu phẫu thuật. Tác dụng không
mong muốn của thuốc này liên quan tới chức năng cương, bất thường trong phóng
tinh. Gồm: finasteride với các biệt dược finast, unibald viên 5mg và dutasteride
với biệt dược avodart viên 0,5mg.
Thuốc thảo mộc: Thuốc thảo mộc điều trị PĐLTTTL được dùng một cách
phổ biến chẳng những trong các nước thuộc thế giới thứ ba mà còn được dùng
rộng rãi ở các nước công nghiệp hiện đại. Tác dụng của thuốc thảo mộc đang được
tích cực nghiên cứu, không ảnh hưởng đến hormon, ít tác dụng phụ và có tác dụng
lên thành phần biểu mô tuyến.
Nguồn gốc dược thảo gồm: cây cọ lùn Nam Mỹ (serenoa repens), cây mận
châu Phi (pygeum africanum), cỏ ngôi sao Nam Phi (hypoxis rooperi), cây thông,
cây vân sam (pinus, picea), cây tầm ma (urtica dioica et urens), phấn hoa (secale
cereale), hạt bầu bí (cucurbita pepo), hoa cây xương rồng (opuntia), cây trinh nữ
hoàng cung (crinum latifolium). Từ các thảo dược đó, các công ty dược phẩm đã
sử dụng đơn thuần hoặc phối hợp để sản xuất ra các biệt dược: tadenan (pygeum
africanum), permixon (serenoa repens), prostamol (serenoa repens), crila, ciroma,
katan, tadimax, nga phụ khang từ trinh nữ hoàng cung.
Theo các nhà tiết niệu học, hiệu quả của các thuốc ức chế 5 alpha reductase
kém hơn các thuốc ức chế alpha 1, thuốc thảo mộc chỉ có tác dụng khi tuyến to ở
mức độ nhẹ và vừa.
Hội Tiết niệu học Hoa Kỳ khuyến cáo có thể dùng phối hợp cả hai thuốc ức
chế alpha 1 với thuốc ức chế 5 alpha reductase. Việc sử dụng phối hợp hai thuốc
tùy theo nhu cầu của người bệnh, khả năng tài chính và chi trả bảo hiểm y tế.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị PĐLTTTL: nội khoa, thủ thuật ít
xâm hại và phẫu thuật để người bệnh lựa chọn. Người thầy thuốc có vai trò hướng
dẫn người bệnh, theo dõi hiệu quả điều trị vừa bảo đảm sức khỏe vừa đưa lại chất
lượng cuộc sống cho người bệnh.
Thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt
UTTTL gặp ít hơn PĐLTTTL. Vai trò của nội tiết tố testosteron rất quan
trọng. Bệnh phát triển ở vùng ngoại vi của tuyến.
Chẩn đoán bệnh dựa vào siêu âm, nồng độ PSA trong huyết thanh và sinh
thiết.
Các thuốc điều trị UTTTL bao gồm:
- Flutamid là chất chống androgen đặc hiệu viên nén 250mg.
- Goserelin là một hoạt chất tổng hợp có cấu trúc tương tự với LHRH tự
nhiên, sẽ ức chế tuyến yên tiết LH làm giảm testosteron trong huyết thanh.
Các thuốc trên phối hợp với thuốc giảm đau hoặc y học hạt nhân hoặc cắt
bỏ toàn bộ TTL hoặc cắt bỏ tinh hoàn, được chỉ định theo chuyên khoa tiết niệu có
sự đồng thuận của người bệnh hoặc gia đình.
Chẩn đoán sớm bệnh và điều trị đúng hướng sẽ giúp người bệnh tránh biến
chứng di căn vào xương và các tạng lân cận, kéo dài đời sống người bệnh.