Những điều cần biết về việc tiêm chủng
vắc-xin 5 trong 1
Cổ nhân đã dạy rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”,
điều ấy quả không sai. Với thời đại ngày nay, khi các
tiến bộ về y học ngày một phát triển thì tiêm chủng là
một biện pháp hữu hiệu để giúp con người dự phòng
các bệnh lây nhiễm và không bị tử vong vì các căn bệnh
này. Trong đó trẻ em là đối tượng đặc biệt được ưu ái,
từ ngày 1.6.2010, trẻ em toàn quốc sẽ được chích ngừa
miễn phí loại vắc-xin 5 trong 1.
Vắc xin 5 trong 1 là gì?
Đây là loại vắc –xin đã được WHO tiền kiểm định với chỉ
một mũi tiêm nhưng phòng được tất cả các bệnh bạch hầu,
ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ (Hib)),
thay cho việc phải sử dụng nhiều mũi tiêm ngừa như hiện
nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Loại vắc xin này đã được sử dụng ở 34 quốc gia trên thế
giới, tiêm cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. văcxin này có
tính ưu việt nữa là ngừa viêm màng não mủ và lại được
tiêm ngừa miễn phí. Trước đây Hib là văcxin dịch vụ giá
khá cao, không phải trẻ em nào cũng có cơ hội được tiêm
ngừa.
Jean Dupraz, Phó đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc
(UNICEF) tại Việt Nam cho biết, hiện 2,3 triệu liều vắc-xin
5 trong 1 được cung ứng thông qua UNICEF đã tới kho bảo
quản của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Hà
Nội và sẵn sàng sử dụng để tiêm cho trẻ.
Các chuyên gia của WHO khuyến cáo, khi sử dụng vắc xin
"5 trong 1” cần lưu ý, với những trẻ đã được tiêm phòng
bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm gan B mũi 1, 2 thì các
mũi sau sẽ được tiêm tiếp bằng vắc xin 5 trong 1, không
tiêm cho trẻ nếu có phản ứng nặng đối với liều tiêm trước
hoặc có phản ứng với vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn
ván) hoặc viêm gan B; hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ sốt hoặc
mắc các bệnh mãn tính; không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần
tuổi vì vắc xin không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ;
không tiêm cho trẻ lớn trên 5 tuổi và người lớn vì sẽ có
phản ứng sau khi tiêm.
Vì sao cần thiết phải tiêm chủng cho trẻ
Một số trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin khiến các bậc
phụ huynh lo lắng, dẫn đến việc giảm sút số trẻ được tiêm
chủng.
Trẻ mới sinh ra đã có khả năng miễn dịch (không bị nhiễm
bệnh), do nhận được các kháng thểtừ mẹ. Tuy nhiên, khả
năng miễn dịch này chỉ kéo dài được từ 1 tháng – 1 năm.
Sau đó, trẻ không còn nhận được kháng thể từ mẹ nữa và
dễ dàng bị nhiễm các bệnh có thể phòng tránh được bằng
vắc-xin, thí dụ ho gà, sởi…
Khi đứa trẻ không được tiêm chủng bị nhiễm vi khuẩn hoặc
vi-rút, cơ thể của trẻ sẽ không đủ sức mạnh để chống lại, trẻ
sẽ bị nhiễm bệnh. Thực tế đã chứng minh cho thấy trước
khi con người phát minh ra vắc-xin, đã có rất nhiều trẻ em
bị chết vì những căn bệnh: ho gà, bại liệt, sởi, bạch hầu…
Ngày nay tỉ lệ trẻ bị chết do các bệnh trên giảm là nhờ trẻ
được dự phòng bệnh trước bằng tiêm chủng.
Việc tiêm chủng cho trẻ không chỉ giúp dự phòng bệnh cho
bản thân đứa trẻ mà còn bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng
chúng ta, nhất là cho những đối tượng không được tiêm
chủng bao gồm các trẻ quá nhỏ chưa đủ tuổi để được tiêm
chủng, những trẻ không thể tiêm chủng do có các bệnh lý
khác (vd: như trẻ bị bệnh bạch cầu cấp)… Tiêm chủng cho
trẻ còn giúp làm chậm đi hoặc ngăn chặn sự bùng phát dịch
bệnh.
Vì những lý do trên đây nên việc quyết định không tiêm
chủng cho trẻ do nghi ngại các tai biến sau tiêm sẽ dễ dàng
khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm bệnh và tử vong, gây bùng
phát dịch bệnh trong cộng đồng.
Các phản ứng bất lợi (tác dụng phụ) của vắc-xin
Tiêm phòng vắc-xin là phương pháp đưa vào cơ thể người
hoặc động vật một lượng kháng nguyên. Các kháng nguyên
có thể là các vi khuẩn hoặc vi-rút đã bị giết chết hay còn
sống nhưng đã bị bất hoạt, bị làm suy yếu (không còn khả
năng gây bệnh) hoặc các protein của chúng đã được tinh
khiết để kích thích hệ thống miễn dịch của người hoặc động
vật sản sinh ra kháng thể chống lại các bệnh do chính
những vi-rút hoặc vi khuẩn đó gây nên.
Cũng như các loại dược phẩm khác, khi được đưa vào cơ
thể, vắc-xin có thể gây nên một số phản ứng bất lợi. Các
phản ứng này có thể rất nhẹ như đau, sưng, đỏ tại nơi tiêm;
phản ứng toàn thân như sốt, dễ bị kích thích, cảm giác khó
chịu Tuy nhiên có thể gặp một số phản ứng nặng như sốc
phản vệ, phản ứng quá mẫn (nổi ban, ngứa ). Tùy từng
loại vắc-xin sẽ có những phản ứng đặc thù khác nhau.
Nguyên nhân có thể do bản chất của vắc-xin; do sai sót
trong thực hành tiêm chủng; do sự trùng hợp ngẫu nhiên
(chỉ định tiêm chủng trên một trẻ đang bị bệnh tiến triển);
các phản ứng tâm lý (sợ) hoặc không rõ nguyên nhân.
Với vắc-xin 5 trong 1, phản ứng thường gặp là phản ứng tại
chỗ tiêm, khoảng 10% có sốt hơn 38 độ C. Riêng với bệnh
do Hib, các nghiên cứu cũng cho thấy nếu trẻ được tiêm đủ
mũi vắc xin Hib sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh do Hib ở
trẻ nhỏ tới trên 90%.
Không có bất kỳ loại vắc-xin nào bảo đảm an toàn 100%.
Nhưng các nghiên cứu cho thấy, khi tiêm vắc-xin phối hợp
DPT-VGB-Hib thì các phản ứng sau tiêm sẽ ít hơn so với
tiêm từng loại vắc-xin. Không có phản ứng nặng sau tiêm
được ghi nhận, các phản ứng thường gặp là phản ứng tại
chỗ tiêm, một số ít có sốt nhẹ.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng
khuyến cáo, khi sử dụng DPT-VGB-Hib cần lưu ý, không
tiêm cho trẻ vắc-xin DPT-VGB-Hib nếu có phản ứng nặng
đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng với vắcxin DPT
(bạch hầu, ho gà, uốn ván) hoặc viêm gan B; hoãn tiêm cho
trẻ nếu trẻ sốt hoặc mắc các bệnh mãn tính; không tiêm cho
trẻ nhỏ dưới sáu tuần tuổi vì vắcxin không hiệu quả do còn
miễn dịch từ mẹ; không tiêm cho trẻ lớn trên năm tuổi và
người lớn sẽ tăng phản ứng sau khi tiêm do thành phần ho
gà toàn tế bào có trong vắc-xin.