Chăm sóc trẻ bị rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ của chúng ta được chia ra thành 5 pha ngủ khác nhau: 4 pha ngủ
không có cử động nhanh của nhãn cầu và một pha ngủ có cử động nhanh của nhãn
cầu (REM-Rapid eye movement).
Ngoài ra còn có thêm một pha nữa là pha thiếp ngủ. Trong pha ngủ REM
ghi nhận có nhiều thay đổi sinh lý như thở nhanh, não tăng hoạt hóa, cử động nhãn
cầu và giãn cơ. Con người có giấc mơ trong khi ngủ REM có thể là kết quả của
hoạt động kích thích tại não. 5 pha ngủ trên diễn ra tuần tự trong một chu kỳ. Chu
kỳ đầu kéo dài trong khoảng 100 phút. Mỗi chu kỳ tiếp sau đó dài hơn chu kỳ đầu
và giấc ngủ có thể gồm 5 chu kỳ như vậy.
Giấc ngủ được đánh giá về chất lượng, thời gian và khởi đầu của giấc ngủ.
Sự thiếu ngủ, thay đổi thời gian ngủ, sang chấn tâm lý và môi trường - tất cả đều
ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ. Trạng thái tâm lý như trầm cảm có thể làm ngắn lại
pha ngủ REM.
Thời gian ngủ ở trẻ em khác nhau theo lứa tuổi: mỗi ngày trẻ sơ sinh ngủ từ
16-18 giờ, ngủ về cả ban ngày và ban đêm.
Khi một tuổi ngủ đêm nhiều hơn ngủ ngày và thường có 2 giấc ngủ về ban
ngày với tổng số giờ ngủ từ 12-14 giờ/ngày.
Từ 1-3 tuổi: Cần dạy trẻ tự đi ngủ và cho trẻ đi ngủ khi thấy trẻ buồn ngủ.
Ở lứa tuổi này trẻ hay có cơn khóc về ban đêm.
Từ 6-12 tuổi: Trẻ thường ngủ ít đi so với trước. Trẻ vào giấc ngủ dễ dàng
hơn.
Từ 12-20 tuổi: Ở lứa tuổi này, trẻ có nhu cầu ngủ nhiều hơn giai đoạn trước
bởi vì trẻ lớn nhanh và phát triển nhanh. Trẻ nên ngủ 9 giờ mỗi ngày nhưng thực
tế phần lớn trẻ chỉ ngủ 7-8 giờ/đêm. Do vậy ban ngày trẻ thường buồn ngủ hoặc
dậy muộn vào những ngày nghỉ. Do đó cần khuyến khích trẻ ngủ sớm hơn sau khi
đã học bài.
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Có một số thể rối loạn ngủ như sau: Cơn ngừng thở ngắn, ngáy khi ngủ;
máy giật cơ khi ngủ; ngủ ngày quá nhiều; các cử động chân tay có chu kỳ; rối loạn
vận động khi ngủ ở pha cử động nhanh của nhãn cầu, miên hành (đi trong khi
ngủ), mất ngủ, cơn hoảng sợ ban đêm. Ở trẻ em hay gặp 2 thể chính là cơn miên
hành và cơn hoảng sợ ban đêm. Những rối loạn này thường xảy ra khi trẻ có lo âu
và mang tính chất gia đình.
Cơn miên hành: là những hành động trẻ thực hiện khi ngủ: đột nhiên
choàng dậy từ giấc ngủ sâu. Một số trẻ chỉ đơn giản là ngồi dậy trên giường. Một
số trẻ khác có hành động phức tạp hơn như đi lại, mặc quần áo, ăn uống
Cơn miên hành có thể xảy ra vào thời điểm 1-2 giờ sau khi ngủ. Trong cơn
trẻ mở mắt nhìn nhưng bảo trẻ hầu như trẻ không hiểu và không nghe lời. Cơn kéo
dài khoảng 30 phút hoặc ngắn hơn. Sau cơn trẻ lại ngủ tiếp. Sáng hôm sau trẻ
không nhớ gì về cơn đã xảy ra.
Chứng miên hành gặp khá phổ biến: Có 10-15% trẻ em 5-12 tuổi bị mắc
phải và trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái. Có ý kiến cho rằng chứng miên hành là do sự
chưa ổn định chu kỳ thức - ngủ của não. Hiếm hơn có thể là do bị bệnh động kinh.
Nhiều trẻ tự khỏi khi lớn lên do quá trình phát triển và ổn định của hệ thần kinh
trung ương. Một số ít người ở tuổi trưởng thành có thể vẫn bị mắc chứng này khi
có sang chấn tâm lý.
Cơn hoảng sợ ban đêm: thường xảy ra ở trẻ nhỏ tuổi hơn so với cơn miên
hành, gặp ở trẻ từ 1-8 tuổi và có thể kèm theo cơn miên hành. Biểu hiện của cơn
hoảng sợ ban đêm là: đột nhiên trẻ ngồi dậy sau khi đã ngủ được vài giờ, trẻ biểu
lộ sự sợ hãi căng thẳng và bồn chồn, có thể kêu khóc, mắt trẻ mở to nhưng dường
như trẻ đang thiếp ngủ, người lớn không thể dỗ dành hoặc đánh thức cho trẻ tỉnh
hẳn được. Sau cơn hoảng sợ trẻ lại ngủ tiếp. Sáng dậy trẻ không nhớ gì về cơn đã
xảy ra trong đêm.
Chăm sóc trẻ bị rối loạn giấc ngủ
Trước khi trẻ đi ngủ nên tạo không khí yên tĩnh, êm đềm như để ánh sáng
đèn ngủ mức nhẹ, tắt tivi, đài không để trẻ đùa nghịch nhiều có thể mở bản
nhạc hoặc bài hát âm điệu du dương Hướng dẫn trẻ tập thư giãn trước khi ngủ
bằng cách giãn mềm cơ bắp, hít thở kiểu bụng êm chậm sâu đều.
Gia đình nên có những biện pháp phòng ngừa tổn thương có thể xảy ra với
trẻ như: không cho trẻ ngủ giường cao hoặc không để vật sắc nhọn dễ vỡ gần
giường ngủ, đóng cửa lối đi cầu thang, cửa nhà, cửa sổ thấp.
Khi trẻ bị cơn miên hành hoặc hoảng sợ nên an ủi, dỗ dành, nhẹ nhàng đặt
trẻ vào giường.
Nếu trẻ bị rối loạn ngủ thường xuyên, cha mẹ nên ghi chép thời gian trẻ bị
cơn trong 7 đêm liên tục, sau đó chủ động đánh thức trẻ tỉnh dậy trong vòng 5 phút
trước cơn vẫn thường bị 15 phút rồi mới cho trẻ ngủ tiếp. Nếu xác định có sang
chấn tâm lý thì bản thân trẻ và gia đình cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa
tâm thần.
Một số trẻ có thể phải điều trị bằng thuốc giải lo âu như valium,
clonazepam để làm giảm tần suất cơn.