Viêm tiểu phế quản ở trẻ em đang “vào mùa”
Thời tiết chuyển sang mùa thu đang là điều kiện thuận lợi cho các bệnh
đường hô hấp phát sinh, đặc biệt là đối với trẻ em, trong đó bệnh viêm tiểu phế
quản đang gia tăng cả ở trong Nam, ngoài Bắc. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương và
Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 (thành phố Hồ Chí Minh), mỗi ngày tại mỗi bệnh viện
có tới vài chục trẻ đến khám bệnh và nhập viện vì căn bệnh này. Đây cũng là bệnh
chiếm 40% số ca bệnh phải vào điều trị tại các khoa hô hấp nhi hằng năm. Tuy
nhiên vẫn có thể phòng ngừa bệnh hữu hiệu nếu biết cách.
Viêm tiểu phế quản là căn bệnh hàng đầu ở trẻ nhỏ
Viêm tiểu phế quản (VTPQ) là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các phế quản
kích thước nhỏ, có đường kính dưới 2 mm hay còn gọi là các tiểu phế quản. Thành
của các TPQ này không có sụn, chỉ có cơ trơn nên dễ bị co thắt, xẹp lại khi bị
viêm. VTPQ là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường gặp nhất là 3-6
tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các PQ nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm
cho đường thở của trẻ bị chít hẹp, thậm chí tắc nghẽn.
Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất là tình trạng trẻ ho, chảy nước mũi
trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3- 5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở
khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Những trẻ
đến viện khi thăm khám thường thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các
cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít,
ran ngáy, thông khí phổi kém. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị
khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực). Nặng hơn nữa trẻ có thể bỏ bú, tím
tái. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài
khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm
sóc tốt. Tuy nhiên, khoảng 1/5 trường hợp bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ.
Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội
nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa. Cần lưu ý là bệnh có thể sẽ nặng hơn, kéo dài
hơn, nhiều biến chứng hơn và tử vong cũng cao hơn trong các trường hợp sau: trẻ
dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh
tim, phổi, suy giảm miễn dịch. Đây là những trẻ có yếu tố nguy cơ cần được cho
nhập viện sớm khi bị VTPQ. Ngoài ra, bệnh cũng có khả năng tái phát.
Gần đây, người ta cũng đề cập đến mối liên quan của VTPQ với bệnh hen.
Sau khi bị VTPQ, đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn và khoảng 1/3 trẻ bị
VTPQ có thể diễn tiến thành hen sau này.
Vì sao trẻ bị viêm tiểu phế quản?
Tác nhân làm cho trẻ bị VTPQ thường là do các virut, đứng hàng đầu là
virut hợp bào hô hấp (virus Respiratoire Syncytial viết tắt là VRS), chiếm 30- 50%
các trường hợp mắc bệnh. Virut này có 2 điểm đặc biệt: Có khả năng lây lan rất
mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch; Người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị
nhiễm VRS nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng
nếu trẻ dưới 2 tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là VTPQ. Bệnh
có thể có quanh năm nhưng thường vào mùa mưa (các tỉnh phía Nam), hay mùa
lạnh (các tỉnh phía Bắc). Virut cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số
trẻ bị VTPQ. Ngoài ra phải kể đến Adenovirus với 10% số mắc.
Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virut
hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu,
nhất là trẻ đang ở tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ. Những trẻ từng bị
ốm do nhiễm virut trước đó như viêm mũi họng, viêm amydal, viêm VA đều có
nguy cơ dễ nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc tốt. Các trường hợp trẻ bị bệnh
tim bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bị bệnh phổi bẩm sinh
hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải VTPQ.
Điều trị và phòng bệnh
Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi
Những trẻ có dấu hiệu sau cần được nhập viện sớm: có dấu hiệu nặng như
khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng: suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi ; có yếu
tố nguy cơ (như đã nêu trên). Ngoài ra, các trường hợp VTPQ nhẹ, không có biến
chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà.
Chăm sóc tại nhà: Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống
nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ
thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch
mũi cho trẻ. Cho trẻ dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của thầy thuốc. Tránh khói
thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ bị hen sau này. Cần đi tái khám
đúng hẹn của bác sĩ.
Chăm sóc tại bệnh viện: Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp
thì ngay khi vào viện, các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các
chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh như
ventolin, bricanyl, salbutamol. Kết hợp với lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm.
Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh phải bù đủ dịch và điện giải theo nhu cầu cơ thể
trẻ. Cần cho trẻ dinh dưỡng đủ chất và cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng kháng
sinh. Đối với những trường hợp nặng có suy hô hấp thì phải sử dụng liệu pháp
oxygen, hút thông đường hô hấp trên, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung
ẩm, truyền nước, điện giải theo nhu cầu cơ thể bù lượng thiếu hụt. Nếu những biện
pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp thì phải tiến hành đặt nội khí quản
và các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có biểu hiện
viêm nhiễm thứ phát, không nên dùng steroid cho trẻ.
Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi,
không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho
trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá, mầm bệnh. Những trẻ bị các bệnh
tim, phổi bẩm sinh càng đặc biệt lưu ý.