"Giải tỏa" nỗi lo tìm việc
"Em đã gởi hồ sơ xin việc đi vài nơi nhưng không thấy có giấy gọi thông báo
phỏng vấn"'; "Nếu nhà tuyển dụng hỏi muốn mức lương bao nhiêu, em nên trả lời
thế nào?" Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều băn khoăn của các bạn trẻ khi
bắt đầu tìm việc.
"Đầu tư" để thành công
Theo các chuyên viên tư vấn của VietnamWorks, muốn tìm việc thành công, các
bạn trẻ nên đầu tư thời gian tìm hiểu và chuẩn bị trước khi nộp đơn ứng tuyển.
Các bạn nên đăng hồ sơ tìm việc của mình trên các trang web việc làm uy tín, các
mạng cộng đồng (social networking website), tham gia các hội chợ việc làm lớn
để tăng cơ hội được các nhà tuyển dụng "để mắt" tới. Ngoài ra, có một số nhà
tuyển dụng ưa chuộng cách làm truyền thống là dựa trên sự giới thiệu. Vì vậy, các
bạn nên tăng cường mở rộng các mối quan hệ xã hội với bạn bè người thân nhằm
gia tăng cơ hội nghề nghiệp cho mình.
Một cách tìm việc năng động khác là tự tìm hiểu, nghiên cứu và xác định nhà
tuyển dụng "trong tầm ngắm" của mình. Các bạn có thể tìm thông tin trên website
công ty, trên báo chí, trên mạng internet và thông qua bạn bè, người quen cũng
như những người đã và đang làm việc cho công ty bạn nhắm đến. Khi biết công ty
có vị trí tuyển dụng phù hợp với mình, các bạn có thể nộp đơn trực tiếp, bày tỏ
mong muốn làm việc và đóng góp cho công ty.
Bước tiếp theo, các bạn cần soạn một bộ hồ sơ chuyên nghiệp, thể hiện rõ những
kinh nghiệm trước đây của bạn sẽ có ích như thế nào đối với yêu cầu của công
việc đang tuyển. Đối với các chuyên viên tuyển dụng, một bộ hồ sơ trình bày ngắn
gọn, "sạch" lỗi chính tả, bố cục rõ ràng và dễ đọc luôn được đánh giá cao.
Một số chuyên viên tuyển dụng khác có thể yêu cầu ứng viên nộp hồ sơ viết bằng
tay vì họ muốn tìm hiểu ứng viên qua chữ viết. Vì vậy, tìm hiểu và biết nhà tuyển
dụng cần gì là bước chuẩn bị rất quan trọng giúp bạn tìm được công việc mơ ước.
Chuyên nghiệp khi phỏng vấn
Sau khi được nhà tuyển dụng chấp nhận hồ sơ và hẹn phỏng vấn, bạn hãy chuẩn bị
sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn trực tiếp. Đây là cơ hội lớn để bạn thể hiện những
kinh nghiệm, kỹ năng và ước muốn làm việc cho công ty nhằm thuyết phục nhà
tuyển dụng. Nhưng đây cũng là lúc các ứng viên dễ bị "knock-out" nhất do thiếu
sự chuẩn bị cần thiết.
Các chuyên viên tư vấn lưu ý một số điều mà nhà tuyển dụng rất "kỵ" trong buổi
phỏng vấn:
Chứng tỏ có quen biết "ai đó", quá chú trọng lương bổng và khen vô tội vạ
Đây là những điều nhà tuyển dụng "kỵ" nhất. Một số ứng viên cố tình gây ấn
tượng bằng cách "nhắc khéo" người phỏng vấn về mối quan hệ thân thiết của mình
với một nhân vật "đinh" nào đó trong công ty. Thói dựa dẫm vào uy tín của người
khác sẽ khiến cho ứng viên đó tỏ ra kém cỏi và thiếu bản lĩnh trước mắt nhà tuyển
dụng.
Ngoài ra, nếu ứng viên quá chú tâm về lương bổng và liên tục hỏi người phỏng
vấn về đề tài này, họ đã tự kéo tay người phỏng vấn đánh điểm thấp cho mình.
Nhiều ứng viên do vô tình hay hữu ý đưa ra những lời nhận xét đại loại như "Áo
của anh/chị đẹp ghê. Chắc là hàng hiệu và đắt lắm!" hay "Tôi rất ấn tượng với màu
son môi/kẹp tóc/mắt kính của chị/anh". Thậm chí một giám đốc nhân sự đã
ngượng "chín người" vì lời khen của một ứng viên "Trông anh thật là trẻ và đẹp
trai!". Tốt nhất bạn nên đi thẳng vào đề tài phỏng vấn.
Trễ giờ, phục trang không chuyên nghiệp
Đến trước 5-10 phút là một cách đơn giản giúp bạn không bị trễ phỏng vấn. Đi
sớm một chút cũng sẽ giúp bạn không phải thở hào hển khi vào phòng phỏng vấn
vì vừa thoát ra khỏi một vụ kẹt xe "kinh hoàng" ở ngoài phố. Còn nếu bạn lỡ đi
phỏng vấn trễ, hãy lịch sự gọi điện ngay cho nhà tuyển dụng và thông báo về sự
trễ nải này thay vì để họ phải chờ đợi.
Một lỗi khác là phục trang không phù hợp. Một số ứng viên mặc quần jeans và áo
pull đi phỏng vấn hay tệ hơn nữa là quần jeans rách loe toe. Dĩ nhiên, ứng viên có
thể ăn mặc khá thoải mái khi đi phỏng vấn ở một số ngành nghề đặc biệt, ví dụ
quảng cáo.
Theo chị Võ Minh Trang - Quản lý nhân sự, Phụ trách nguồn nhân lực công ty
British American Tobacco Vietnam: "Trang phục của ứng viên không cần phải cầu
kỳ sặc sỡ. Nam giới có thể mặc quần tây và áo sơ mi. Nữ giới có thể mặc áo kiểu
và váy, hoặc quần tây. Phục trang chuyên nghiệp sẽ khiến cho ứng viên tự tin
trong buổi phỏng vấn, tôn vinh sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của họ".
Thiếu tự tin hoặc quá xúc động
Đối với nhiều nhà tuyển dụng, một ứng viên không nhìn vào mắt người phỏng vấn
chứng tỏ người đó thiếu tự tin.
Nếu chỉ có một người phỏng vấn bạn, hãy tự tin nhìn vào mắt người này. Nếu có
nhiều người phỏng vấn, bạn hãy chia sẻ ánh nhìn đều nhau cho cả nhóm phỏng
vấn, đừng chỉ tập trung vào người phỏng vấn chính của nhóm.
Trong mọi trường hợp, hãy tránh những biểu hiện tiêu cực như nhìn đâu đó lên
trần nhà khi người phỏng vấn trao đổi với bạn, ánh mắt không thể hiện nhiệt
huyết, trông vô hồn, xa xăm, còn giọng nói thì đều đều như ru ngủ. Đặc biệt, dù
cảm thấy tự tin và hứng chí đến mức nào, bạn cũng đừng lắc lư người quá nhiều vì
sẽ làm cho nhà tuyển dụng "chóng mặt".
Bên cạnh đó cũng có một số ứng viên quá xúc động, thậm chí khóc lóc và kể lể
với người phỏng vấn về những khó khăn mà mình gặp phải. Có thể những ứng
viên này chỉ muốn thổ lộ tâm sự để vơi bớt nỗi buồn, tuy nhiên cách hành xử này
sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy khó xử vì họ không có trách nhiệm với những
khó khăn của ứng viên.