Những bài học lãnh đạo từ Alexander Đại đế
Alexander Đại đế (356 - 323 trước Công nguyên) là vị hoàng đế từng nghiền nát đế chế Ba
Tư hùng mạnh và xây dựng nên đế chế Hy Lạp. Ông là một thiên tài quân sự bẩm sinh và
cũng được xem là người có những đóng góp lớn trong tiến trình phát triển của lịch sử
văn minh nhân loại.
Alexander Đại đế (356 - 323 trước Công nguyên)
Alexander Đại đế là con của Vua Philip II xứ Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias
xứ Epirote. Khi còn nhỏ, Alexander là học trò của Aristotle. Ông trở thành vua xứ Macedonia vào
mùa hè năm 336 trước Công nguyên khi cha ông bị ám sát. Thấy đất nước có quá nhiều hiểm
hoạ nội chiến, ông hạ lệnh giết một loạt kẻ âm mưu phản nghịch và bắt đầu công cuộc chinh phạt
của mình.
Vị hoàng đế trẻ Alexander đã làm chấn động vùng Trung Đông với cuộc chiến tranh đẫm máu
trong lịch sử nhân loại và mở đường cho sự bành trướng nhanh chóng của nền văn hóa Hy Lạp
trên các vùng đất bị chiếm đóng. Đây cũng là một trong những lý do chính để người ta tôn
Alexander là đại đế.
Trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình, Alexander Đại đế đã để lại nhiều bài học lãnh
đạo khác nhau, trong từng thời kỳ khác nhau.
Năm 334 trước Công nguyên, Alexander Đại đế bắt đầu cuộc chiến với đế chế Ba Tư. Với
35.000 quân và chiến tướng tin cậy, tại dòng sông Granicus gần thành cổ Troy, Alexander Đại đế
bắt đầu tấn công quân Ba Tư gồm 40.000 lính và chiến thắng dễ dàng.
Sau trận chiến lẫy lừng đó, toàn bộ thành bang khác ở khu vực này đều rạp mình trước vị tướng
trẻ. Tiến thẳng quân về phía Nam, Alexander đối mặt với quân đội chủ lực của Ba Tư dưới sự chỉ
huy của vua Darius III tại Issus, phía Tây Nam Syria. Sau khi giành thắng lợi, quân đội của
Alexander thu được rất nhiều thứ phục vụ quân đội và bắt được cả vua Ba Tư Darius III, vợ và
mẹ ông ta.
Alexander có thể bán, đòi tiền chuộc với những con tin dòng dõi quý tộc này nhưng Alexander đã
cho họ nhà ở và cho phép họ giữ nguyên thân thế. Thậm chí Alexander còn trở thành người bạn
thân thiết của mẹ Darius và người con gái đã kết hôn của Darius.
> Bài học lãnh đạo: Nếu lãnh đạo tổ chức là người cao thượng, chắc chắn sẽ có được sự gắn
kết với mọi người.
Sau cuộc chinh phạt Ba Tư, nhiều lính Hy lạp xem người Ba Tư như những người man rợ,
không có văn hoá. Tuy nhiên, Alexander không có tư tưởng phân biệt như vậy. Ông thừa nhận
trang phục và phong tục của Ba Tư, đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng ngang nhau và
khuyến khích mạnh mẽ một chính sách hợp nhất văn hoá - biểu hiện là ông đã kết hôn với 3
người phụ nữ Ba Tư.
> Bài học lãnh đạo: Trong thế giới ngày nay vẫn còn sự kì thị và phân biệt, nhưng người lãnh
đạo là người có thể dung hoà và thống nhất sự khác biệt giữa những nhân tố bên ngoài và bên
trong.
Alexander Đại đế gặp phải hai vấn đề thường trực là đối xử thế nào với những cựu chiến
binh trong quân đội của ông ta, đặc biệt là những người bị thương và già cả, và làm thế nào để
kiểm soát các vùng đất đã chinh phục ở nhiều nền văn hoá khác nhau với một lực lượng quân
đội có hạn. Giải pháp của Alexander Đại đế là để các cựu chiến binh cư trú và quản lý 70 thành
phố và thị trấn mới cùng với những người tình nguyện ở địa phương.
> Bài học lãnh đạo: Ngoài dựa vào những gì đã có để tồn tại, các nhà lãnh đạo có thể khám
phá và tạo ra những nhánh nhỏ khác để thành công.
Khi Alexander đến châu Á, gần khu vực thành Troy cổ, ông đã thăm đền thờ thần Athena và
cỗ xe bọc sắt từ thời cuộc chiến thành Troy. Mùa xuân năm 331 trước Công nguyên, Alexander đi
thăm Ai Cập. Khi đến thăm đền thờ thần Amon-Ra (thần Mặt trời), ông cũng coi thần Amon-Ra là
cha của mình. Người dân Ai Cập cúi đầu thuần phục. Khi đến thăm Pasargadae - thành phố
hoàng gia của triều đại Archaemenid, ông phát hiện ra rằng phần mộ của Cyrus đại đế đã bị mất
đi vẻ thiêng liêng. Ông yêu cầu phải giữ gìn và bảo vệ phần mộ đó.
> Bài học lãnh đạo: Mỗi người cần một người anh hùng, thậm chí một nhân vật anh hùng như
Alexander Đại đế. Chọn và noi gương những người anh hùng vĩ đại và cho mọi người biết họ là
ai và tại sao lại ngưỡng mộ họ. Cũng cần tôn trọng và học hỏi những người tiền nhiệm. Các nhà
lãnh đạo biết rút kinh nghiệm và học hỏi từ những người tiền nhiệm, sẽ được mọi người nể
trọng.
Sau trận chiến ở sông Hydaspes, quân đội Macedonia tràn xuống Indus để tới chiến trận
Mallians. Ở thành mạnh nhất, Alexander tránh bị tên bắn bằng cách liều lĩnh nhảy xuống từ bức
tường thành, nơi ông đang bị tấn công và bị thương nặng trước khi lính của ông kip tiến gần.
Quân đội quá giận giữ đến nỗi tàn phá cả thành phố và tất cả cư dân bị giết hại.
> Bài học lãnh đạo: Mạo hiểm rất cần thiết nhưng đừng trở nên liều lĩnh một cách vô ích
Muốn tiêu diệt hoàn toàn quân đội Ba Tư, ông tiến đánh Ấn Độ (thời đó vùng Tây Ấn thuộc về
Ba Tư). Vượt sông Ấn, chiếm đóng Punjab, đến đây thì quân đội của ông quá mệt mỏi vì chiến
tranh liên miên, ông phải quay về Babylon. Trên đường về, ông đã dẫn quân đi qua một vùng đất
không ai biết đến - một sa mạc hoang vu, rộng lớn.
Bị sa mạc thiêu đốt, nhiều lính của ông đã chết khát nhưng họ vẫn chắt những giọt nước cuối
cùng từ những cái bi đông đựng nước của mình để cứu chủ nhân. Nhận một nắp đầy nước từ
tay những người lính của mình, ông hắt xuống cát và nói: "Ta sẽ chia sẻ số phận với các người".
Thật kỳ diệu, Alaxander đã vượt được sa mạc cùng với rất nhiều người lính trung thành của
mình.
> Bài học lãnh đạo: Lòng trung thành chính là động cơ để giành được thắng lợi, thậm chí còn
có thể thay đổi cả thế giới.
* Alexander Đại đế bị ốm ở Babylon năm 323, và qua đời ở tuổi 33
Nguyệt Ánh
Theo Amanet